Khai bút và viết thư pháp tại Khu tưởng niệm Trạng nguyên Lê Ích Mộc
Sáng 17/2, UBND huyện Thủy Nguyên long trọng tổ chức Lễ hội khai bút xuân Giáp Thìn và Hội thi viết thư pháp bằng chữ Quốc ngữ năm 2024.
Lễ hội khai bút xuân Giáp Thìn và Hội thi viết thư pháp bằng chữ Quốc ngữ năm 2024 của huyện Thủy Nguyên vinh dự được tổ chức tại Khu Tưởng niệm Trạng Nguyên Lê Ích Mộc; một trong Ba vị Trạng nguyên và cũng chính là vị Trạng nguyên khai khoa của thành phố Hải Phòng. Trạng nguyên Lê Ích Mộc là người xã Thanh Lãng, tổng Phù Lưu, huyện Thủy Đường, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương, nay thuộc xã Quảng Thanh, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng.
Trạng Nguyên Lê Ích Mộc là người nổi tiếng có học vấn sâu rộng, đạo đức mẫu mực, Lê Ích Mộc đã đem kiến thức mình có được truyền dạy cho người đời. Không chỉ luyện rèn học trò ông thường khuyên dạy dân làng lao động sản xuất, cách cư xử để xóm làng hòa thuận, ấm êm.
Ngôi chùa Diên Phúc và từ chỉ Thanh Lãng nhờ có Lê Ích Mộc mà trở thành trung tâm đào tạo nhân tài và giáo hoá cả một vùng rộng lớn của huyện Thủy Đường thời bấy giờ. Không ỷ lại là một nhà sư, một trí sĩ, ông còn tích cực cùng với dân làng Ráng khai phá vùng đầm lầy ven sông, trồng cây gây rừng. Lê Ích Mộc đã cùng với học trò của mình chiêu mộ dân lưu tán, khai khẩn vùng đất bãi hoang hóa ven sông, mở rộng làng xã lập nên vùng đất Quảng Cư.
Nhằm tôn vinh, bảo tồn các di tích gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của ông, trong nhiều năm qua, huyện Thủy Nguyên luôn giữ gìn, tôn tạo quần thể di tích nhà tưởng niệm Trạng nguyên Lê Ích Mộc (gồm nhà tưởng niệm, từ đường, lăng mộ, đền Quảng Cư, chùa Lốt, chùa Vang). Hàng năm, huyện Thủy Nguyên long trọng tổ chức lễ hội khai bút và viết thư pháp tại khu tưởng niệm Trạng nguyên Lê Ích Mộc nhằm tri ân công lao và khơi dậy truyền thống hiếu học, tinh thần vượt khó trong nhân dân; đồng thời củng cố niềm tự hào, ý thức trách nhiệm trong việc gìn giữ, bảo vệ và phát huy di sản văn hóa.
Qua thời gian, thủ tục khai bút và xin chữ đầu năm được lưu truyền, tượng trưng cho may mắn và thành công trong học tập và sự nghiệp, thể hiện truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo của các thế hệ học trò trong cả nước. Ngày nay, tục khai bút đầu năm đã có nhiều chuyển biến để phù hợp với xu thế hiện đại; được phổ biến rộng rãi đến các tầng lớp Nhân dân.
Với học sinh, sinh viên, khai bút là hoạt động học tập đầu tiên trong năm hoặc viết xuống những mong ước liên quan đến việc rèn luyện, tu thân, thi cử, mong cho một năm học hành thuận lợi. Với người đi làm, khai bút có ý nghĩa cầu tài lộc, mong cho đường sự nghiệp công danh được hanh thông như ý. Với những người làm nghề cầm bút như nhà văn, nhà báo… việc khai bút còn là lời nhắc nhở với bản thân về trách nhiệm, lương tâm và nỗ lực trau dồi năng lực, giữ gìn ý thức trong sáng của người cầm bút.
Khai bút cũng chính là khai chữ, khai tâm, khai trí, để tự nhắc nhở mình, nhắc nhở mọi người luôn mong muốn, hy vọng hướng thiện và hướng tới cái đẹp. Ngoài những giá trị nói trên, thì khai bút đầu năm còn mang mong muốn của người thực hiện về một năm mới may mắn, tốt lành.
Trong khuôn khổ Lễ hội, còn giới thiệu nhưng sản phẩm văn hoá, nét đặc trưng truyền thống của đất và người Thuỷ Nguyên như: Hát Đúm, ca Trù hoặc những vật phẩm được các bàn tay khéo léo của các em học sinh và thầy cô giáo làm ra. Qua đó góp phần tuyên truyền, quảng bá các về lịch sử văn hoá, tiềm năng, thế mạnh trong phát triển của huyện Thủy Nguyên.
Duy Mạnh