Chủ nhật, 24/11/2024 06:56 (GMT+7)
Thứ năm, 23/09/2021 06:45 (GMT+7)

Khai thác than trái phép: Buông lỏng quản lý gây thất thoát tài nguyên

Theo dõi KTMT trên

Chỉ từ đầu năm 2021 đến nay, các cơ quan chức năng đã liên tục phát hiện, xử lý nhiều vụ khai thác than trái phép, gây thất thoát hàng triệu tấn tài nguyên khoáng sản thiên nhiên.

Trong số loạt vụ việc khai thác than trái phép, gây thất thoát tài nguyên có thể kể đến vụ việc hồi tháng 2/2021, tại Quảng Ninh, lực lượng chức năng đã triệt phá đường dây khai thác than trái phép cực lớn, bắt giữ nhiều đối tượng.

Theo Công an tỉnh Quảng Ninh, sau thời gian xác lập và đấu tranh chuyên án, ngày 23/2/2021, các lực lượng nghiệp vụ của Công an Tỉnh đã đồng loạt kiểm tra, bắt giữ vụ tổ chức khai thác than trái phép với số lượng đặc biệt lớn tại khu vực Vỉa Dày, Tây Khe Sim, thuộc khai trường quản lý khai thác than của Công ty than Hạ Long - TKV (phường Quang Hanh, TP. Cẩm Phả).

Khai thác than trái phép: Buông lỏng quản lý gây thất thoát tài nguyên - Ảnh 1
Một vụ khai thác than trái phép bị phát hiện tại Quảng Ninh. Ảnh: Báo Lao Động

Tại hiện trường, lực lượng công an tạm giữ 50 người và 54 phương tiện (gồm: 8 máy xúc gầu bánh xích; 2 máy xúc lật bánh xích; 2 máy khoan bánh xích; 2 máy gạt bánh xích; 36 ôtô tải; 2 xe bồn; 2 xe ôtô bán tải), thu giữ khoảng 100 nghìn tấn than, trị giá khoảng 200 tỉ đồng.

Quá trình khám xét chỗ ở, nơi làm việc của các đối tượng, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ninh đã thu giữ 2,7 tỉ đồng tiền mặt và nhiều hồ sơ, tài liệu có liên quan.

Kết quả điều tra ban đầu xác định: Một số doanh nghiệp tư nhân và cá nhân bên ngoài đã thông đồng với cán bộ thuộc Công ty than Hạ Long, Công ty than Khe Sim… lợi dụng danh nghĩa thực hiện hợp đồng bốc xúc đất đá để khai thác trái phép với quy mô lớn, chiếm đoạt than một cách công khai nhằm thu lợi bất chính với số tiền đặc biệt lớn.

Căn cứ tài liệu, chứng cứ thu thập được, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ninh đã ra các Quyết định khởi tố, bắt tạm giam đối với 12 bị can về hành vi “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên”, quy định tại Điều 227 Bộ luật Hình sự và tiếp tục điều tra mở rộng vụ án để xử lý các đối tượng theo quy định của pháp luật.

Một vụ khai thác than trái phép với số lượng lên đến hàng triệu tấn khác cũng vừa mới được Tổng cục Quản lý thị trường phối hợp với cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) phát hiện, điều tra, xử lý.

Cụ thể, ngày 24/8, lực lượng Quản lý thị trường tại Hải Dương cũng đã kiểm tra và có kết quả sơ bộ của 15 trong số 21 bãi than có dấu hiệu vi phạm. Quá trình thanh, kiểm tra cho thấy, phần lớn các bãi than có khối lượng than chênh lệch so với hoá đơn nhập hàng. Đơn cử, tại một trong số 15 bãi than đã được kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện hàng chục nghìn tấn than không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn, chứng từ. Đây là số lượng than rất lớn được cơ quan chức năng phát hiện trong thời gian qua.

Khai thác than trái phép: Buông lỏng quản lý gây thất thoát tài nguyên - Ảnh 2
Tháng 8/2021, lực lượng chức năng phát hiện hàng chục triệu tấn than bị khai thác, tập kết trái phép.

Kết quả kiểm tra cho thấy, mỗi bãi than nằm cách nhau từ 5-7 km, giáp bờ sông để thuận tiện cho việc vận chuyển đường thủy, đường đi lại khó khăn, nằm ở xa khu dân cư. Tại mỗi bãi than có nhiều doanh nghiệp bao gồm cả tổ chức, cá nhân quản lý đã gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong quá trình xác minh.

Hiện lực lượng chức năng đang tiếp tục làm rõ các dấu hiệu vi phạm về đăng ký kinh doanh, điều kiện kinh doanh đối với các cơ sở, đồng thời phối hợp với Tổng cục địa chất khoáng sản để giám định, đối chiếu làm rõ chủng loại than cũng như sự chênh lệch khối lượng than hiện có trên bãi so với số hoá đơn nhập hàng do doanh nghiệp xuất trình.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) Trần Hữu Linh, do số điểm vi phạm cộng với khối lượng sản phẩm có dấu hiệu vi phạm rất lớn nên lực lượng QLTT phải tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan như Tổng cục địa chất khoáng sản, cơ quan thuế cùng vào cuộc để xác minh, giám định, điều tra làm rõ từ đó đưa ra những kết luận chính xác nhất về hành vi vi phạm.

Liên quan đến sự việc hàng chục nghìn tấn than không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hóa đơn được mua bán, tập kết trái phép này, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) ngày 27/8 đã khởi tố vụ án vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên xảy ra tại Công ty cổ phần Yên Phước, Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương và các đơn vị có liên quan.

Nhiều điểm khai thác than tại địa phương chưa chấp hành đúng quy định pháp luật

Công tác quản lý trong lĩnh vực khai thác than vẫn là vấn đề được quan tâm trong nhiều năm nay. Thực trạng phản ánh cho thấy, nhiều điểm khai thác than tại một số địa phương vẫn chưa chấp hành đúng quy định của pháp luật, công tác quản lý có dấu hiệu buông lỏng, dẫn đến nguồn tài nguyên khoáng sản đang bị “chảy máu”, gây lãng phí.

Theo các chuyên gia môi trường, nhiều loại khoáng sản của Việt Nam ngày càng vơi dần do chính sách khai thác và quản lý chưa sát sao. Đặc biệt, công nghệ khai thác kém cũng là một phần của nguyên nhân cạn kiệt tài nguyên, trong đó có tài nguyên than – một trong những loại khoáng sản “trời phú” cho Việt Nam. 

Số liệu từ Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho thấy, than đá ở Việt Nam được dự báo có thể khai thác trong vòng 156 năm nữa là cạn. Cùng với than, nhiều loại tài nguyên khoáng sản của nước ta cũng đang ngày càng trở nên hao mòn do chúng ta đang tập trung vào khai thác và xuất khẩu thô, thiếu chế biến sâu, công nghệ khai thác kém, và bên cạnh đó, một yếu tố nữa là bất cập trong vấn đề quản lý khai thác tài nguyên cũng đang khiến cho một đất nước vốn giàu tài nguyên khoáng sản như Việt Nam đang ngày càng trở nên cạn kiệt.

Linh Phi

Bạn đang đọc bài viết Khai thác than trái phép: Buông lỏng quản lý gây thất thoát tài nguyên. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng quặng Apatit
Hiện nay, chất lượng quặng apatit đang dần suy giảm, thể hiện qua hàm lượng tạp chất oxit kim loại có hại ngày càng tăng cao. Nâng cao chất lượng quặng apatit là giải pháp vô cùng quan trọng đối với ngành phân bón.
Cát biển phù hợp thay thế cát sông khi làm đường
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, việc khai thác cát biển thay cho cát sông sẽ giúp giảm đáng kể áp lực sử dụng cát sông. Về trữ lượng, tính riêng Sóc Trăng, nếu tính đầy đủ thì có khoảng 14 tỷ m3 cát biển, chỉ riêng vùng Sóc Trăng đang cấp phép đã có 145 triệu m3.

Tin mới