Khai thác thiếc trái phép trong khu vực phòng thủ quân sự ở Đắk Nông
Sau khi vụ việc khai thác quặng thiếc, khai thác gỗ trái phép trong khu vực phòng thủ quân sự do Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Nông trực tiếp quản lý bị phanh phui, Báo Nhân Dân liên tục nhận được phản ánh của người dân về một điểm khai thác quặng thiếc trái phép thứ hai cũng nằm ngay trong lâm phần thuộc khu vực phòng thủ này.
Cổng trạm gác khu vực phòng thủ quân sự, con đường duy nhất để các đối tượng vào bên trong khai thác quặng thiếc trái phép. |
Do bị lật tẩy các vụ việc trái pháp luật diễn ra trong “rừng cấm”, nên Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Nông đã tăng cường lực lượng, siết chặt công tác tuần tra trực gác nghiêm ngặt nên chúng tôi rất khó khăn khi thâm nhập vào bãi khai thác quặng thiếc trái phép thứ hai này.
Từ tỉnh lộ 6, con đường nối liền hai huyện Đắk Song và Đắk Glong, chúng tôi rẽ vào con đường đất ngang qua các vườn cao su của người dân dẫn đến trạm kiểm soát cửa rừng của Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung. Trong vai người làm thuê cho các chủ vườn cao su, chúng tôi đã qua được “cửa ải” này, sau đó tiếp tục băng qua nhiều vườn cao su, chanh dây nằm ở khu vực giáp ranh Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung khoảng 2 km mới tiếp cận được lâm phần khu vực phòng thủ do Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Nông trực tiếp quản lý. Người dẫn đường cho biết, để vào được bãi khai thác quặng thiếc trái phép này, chỉ có con đường lớn duy nhất đi được bằng xe máy nhưng phải qua cổng chính và trạm trực gác của khu vực phòng thủ. Tuy nhiên, nếu không có lệnh trực tiếp từ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, không một ai có thể vào được, nhất là từ khi bị báo chí phanh phui các sai phạm diễn ra bên trong khu rừng này.
Cực chẳng đã, chúng tôi phải cất giấu xe máy trong rừng, sau đó đi bộ nhiều giờ đồng hồ cắt rừng, vượt suối để vào bãi khai thác thiếc trái phép. Qua định vị tọa độ, vị trí khai thác thiếc trái phép nằm trên suối Đắk N’Tao, khu vực gần cuối nguồn, nằm lọt thỏm trong khu rừng thuộc khu phòng thủ quân sự do Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Nông trực tiếp quản lý. Hiện trường khai thác cho thấy, các đối tượng đã dùng các loại phương tiện cơ giới như: máy ủi, máy múc, máy sàng quặng, vòi hút quặng cỡ lớn để khai thác quặng thiếc trong một thời gian rất dài, với sự tham gia của nhiều người. Vị trí khai thác nằm trên bãi bồi suối Đắk N’Tao và khu vực tiếp giáp bìa rừng, diện tích khai thác khoảng hơn 1ha. Sau khi sàng lấy quặng tinh, các đối tượng tập kết tại hiện trường một bãi cát khoảng 200m3 chưa vận chuyển đi.
Quan sát hiện trường khai thác nhận thấy có nhiều điểm bất thường, cụ thể: ngoài khu vực khai thác quặng thiếc nơi bãi cát bồi sát suối Đắk N’Tao, các đối tượng còn dùng máy cơ giới múc nhiều hố lớn có diện tích khoảng 200m2, sâu từ 2 đến 3m ở khu vực đồi đất mỡ gà sát bìa rừng. Thấy chúng tôi thắc mắc, người dẫn đường giải thích: Ở khu vực suối là khai thác quặng thiếc, còn khu vực đồi đất mỡ gà giáp bìa rừng là khai thác “vàng vảy sa khoáng”. Tôi đã vào đây ít nhất năm lần, qua nói chuyện với các đối tượng làm công ở đây thì họ cho biết có vàng sa khoáng dạng vảy, bản thân tôi cũng nhặt được ba miếng vàng vảy có hình dạng dẹt mỏng, to hơn hạt gạo một chút...?
Nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt, các đối tượng khai thác thiếc trái phép đã dựng lên một nhà gỗ, mái lợp tôn, nền láng xi măng với diện tích khoảng 70m2. Tại bãi thiếc có từ bảy đến tám đối tượng ăn ở tại chỗ để khai thác thiếc, các thực phẩm, nước uống được thuê đối tượng bên ngoài từ địa bàn xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong mang vào một tuần một lần. Ở khu vực gần suối các đối tượng còn dựng cọc làm hai giàn trồng rau xanh, một chòi tạm để tắm giặt, và các sinh hoạt cuối ngày được diễn ra trên bãi đá cạn thuộc suối Đắk N’Tao.
Để xác định đường đi của “thiếc tặc”, từ bãi thiếc trái phép chúng tôi lần theo con đường vận chuyển máy móc để đi ngược ra bên ngoài. Thực địa trên đường cho thấy, đây là con đường lâm sinh do các đơn vị khai thác gỗ theo chỉ tiêu mở đường khoảng năm 2012 để vận chuyển gỗ, trước khi bàn giao rừng về cho Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Nông quản lý. Tuy nhiên, sau khi bàn giao làm khu vực phòng thủ, con đường này qua nhiều năm bị nước xói lở tạo thành nhiều rãnh sâu, nên các đối tượng khai thác thiếc đã dùng máy ủi mở rộng thêm khoảng 5m, san gạt bằng phẳng để vận chuyển các loại máy cơ giới vào khai thác quặng thiếc trái phép. Từ bãi thiếc trái phép ngược ra khoảng 4km, chúng tôi gặp trạm trực gác của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Nông nằm bên cạnh suối cạn Đắk N’Tao. Trạm được làm bằng gỗ, diện tích khoảng 120m2, ở đây luôn có các chiến sĩ ăn ở, sinh hoạt tại chỗ, trực gác 24/24 giờ rất nghiêm ngặt. Phía trước trạm gần 50m có một vọng gác được làm bằng gỗ, một cổng trạm được làm bằng sắt chắn bao hết đường ra vào khu vực phòng thủ, cổng được khóa rất cẩn mật, khi có lệnh trực tiếp từ Bộ Chỉ huy mới được mở cổng này. Để vận chuyển máy móc, phương tiện cơ giới vào bãi thiếc, các đối tượng còn ngang nhiên vận chuyển nhiều cống xi măng cỡ lớn vào đặt xuống suối Đắk N’Tao đoạn phía trước trạm gác, sau đó lấp đất tạo đường lớn để đi vào bãi thiếc...
Như vậy, qua thâm nhập thực tế cho thấy, để vận chuyển máy cơ giới vào khai thác thiếc trái phép, các đối tượng đi bằng một con đường duy nhất từ tỉnh lộ 6, qua trạm cửa rừng số 8 Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung, sau đó đi qua cổng chính trạm gác khu vực phòng thủ của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Nông, rồi vào khai thác thiếc trái phép, với quãng đường khoảng 6km.
Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung cho biết, do khu vực đặt trạm kiểm soát giáp ranh với đất canh tác của nhiều người dân nên lượng người ra vào liên tục, các loại máy cơ giới cũng được thuê vào múc hố trồng cây, san ủi mặt bằng nên việc kiểm soát là rất khó khăn. Mặt khác, khu vực phòng thủ nằm sâu bên trong, địa điểm khai thác thiếc trái phép cách trạm kiểm soát của khu bảo tồn rất xa; đơn vị không có thẩm quyền kiểm tra. Ngay cả khi đi tuần tra rừng nếu phải đi tắt qua lâm phần khu vực phòng thủ cũng phải có kế hoạch cụ thể trình trước, khi được Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Nông đồng ý thì trực trạm ở đây mới mở khóa cổng cho đi qua. Vì vậy, các loại máy cơ giới, các đối tượng khai thác thiếc trái phép ra vào khu vực phòng thủ và các hoạt động bên trong đơn vị không thể biết được.
Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong Nguyễn Văn Hợp cho biết, khi Báo Nhân Dân đặt lịch làm việc, huyện đã chỉ đạo các phòng chuyên môn rà soát, kiểm tra thông tin. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, ngoài hiện trường khai thác quặng thiếc, khai thác gỗ trái phép đã phát hiện và kiểm tra, địa phương chưa phát hiện thêm bãi khai thác quặng thiếc trái phép thứ hai trong khu vực phòng thủ quân sự như báo thông tin. Huyện sẽ chỉ đạo các phòng chuyên môn tiếp tục kiểm tra, nếu có sẽ báo cáo UBND tỉnh Đắk Nông chỉ đạo xử lý. Đồng thời, ông Hợp cũng đề nghị Báo Nhân Dân phối hợp cung cấp thông tin về: vị trí, tọa độ, đường đi... để huyện tiến hành kiểm tra, xác minh trên thực tế.
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Nông cho biết, chỉ Bộ Tài nguyên và Môi trường mới có thẩm quyền cấp phép đối với khoáng sản là quặng thiếc. Đến nay, trên toàn tỉnh Đắk Nông chưa có đơn vị nào được cấp phép khai thác quặng thiếc, kể cả trong khu vực phòng thủ do Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Nông trực tiếp quản lý. Việc khai thác quặng thiếc trên địa bàn tỉnh Đắk Nông hiện nay là vi phạm pháp luật. Việc có bãi khai thác quặng thiếc trái phép thứ hai trong khu vực phòng thủ, Sở vẫn chưa nhận được thông tin, hoặc báo cáo của các đơn vị, địa phương liên quan. Sở cũng đề nghị Báo Nhân Dân cung cấp tọa độ, thông tin về bãi thiếc trái phép để kiểm tra, xác minh...
Chỉ trong khoảng hai tháng gần đây, Báo Nhân Dân đã liên tục phát hiện nhiều vụ việc khai thác quặng thiếc, khai thác lâm sản trái phép trong khu vực phòng thủ quân sự do Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Nông trực tiếp quản lý. Trong khi các đối tượng vô tư đưa người, máy cơ giới đi bằng cổng chính của khu vực phòng thủ vào tổ chức mở đường, khai thác quặng thiếc, khai thác gỗ trái phép tràn lan thì Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Nông, chính quyền địa phương các cấp lại cho rằng không hề hay biết, không phát hiện đối tượng. Đây có phải là câu chuyện “con voi chui lọt lỗ kim”? Các cơ quan chức năng và tỉnh Đắk Nông cần sớm kiểm tra, xác minh thực tế, thông tin để nhân dân được biết.
Vết hằn bánh xích xe ủi, xe múc để lại dày đặc khi ra vào cổng doanh trại khu vực phòng thủ quân sự. |
Cổng doanh trại khu vực phòng thủ quân sự được làm bằng sắt, khóa rất cẩn mật nhưng thiếc tặc vẫn vô tư ra vào như chốn không người. |
Trạm gác doanh trại bên trong cổng sắt có người trực 24/24 giờ nhưng thiếc tặc vẫn dễ dàng đi qua mà không hề phát hiện. |
Các đối tượng dùng máy cơ giới làm đường đưa máy móc vào khu vực phòng thủ khai thác thiếc trái phép. |
Tan hoang lưu vực suối Đắk N’Tao nơi bãi thiếc trái phép trong khu vực phòng thủ quân sự. |
Nhiều hố sâu khoảng 2 đến 3m, rộng khoảng 200m2 ở khu vực bìa rừng được cho là khai thác vàng sa khoáng. |
Sau khi lấy quặng thiếc các đối tượng tập kết cát thành bãi lớn để vận chuyển ra ngoài tiêu thụ. |
Ống hút cỡ lớn được các đối tượng dùng trong khai thác quặng thiếc. |
Một khu vực rộng hơn 1ha lưu vực suối Đắk N’Tao đoạn qua khu vực phòng thủ quân sự bị thiếc tặc phá nát. |