Khánh Hoà ban hành kế hoạch trang bị kiến thức về phòng vệ thương mại cho doanh nghiệp
Nhằm triển khai hiệu quả Đề án “Nâng cao năng lực về phòng vệ thương mại trong bối cảnh tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới” của Thủ tướng Chính Phủ, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành kế hoạch thực hiện đề án này.
Vừa qua, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành Kế hoạch số 3976/KH-UBND ngày 5/5/2022 về việc triển khai Đề án “Nâng cao năng lực về phòng vệ thương mại (PVTM) trong bối cảnh tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới” theo Quyết định số 1659/QĐ-TTg ngày 02/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, mục đích của Kế hoạch nhằm cụ thể hóa việc triển khai thực hiện Quyết định số 1659/QĐ-TTg đảm bảo chất lượng, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh, đáp ứng đúng và đầy đủ quan điểm, định hướng, mục tiêu của đề án; đưa các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để nâng cao năng lực về PVTM trong bối cảnh tham gia các hiệp định FTA trên địa bàn tỉnh.
Đông thời, tăng cường năng lực thực thi PVTM để bảo vệ các ngành sản xuất trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa phù hợp với cam kết quốc tế, từ đó từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh.
Cùng với đó, tiếp tục chủ động, tích cực trong hội nhập kinh tế theo hướng hiệu quả thiết thực, phù hợp xu hướng phát triển chung, để hội nhập kinh tế trở thành phương tiện hữu hiệu phục vụ phát triển kinh tế, đảm bảo quốc phòng – an ninh.
Mục tiêu của Kế hoạch số 3976/KH-UBND được UBND tỉnh Khánh Hòa đưa ra là nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức các sở, ngành, UBND các huyện, TX, TP và các doanh nghiệp về PVTM. Đội ngũ chuyên gia, tư vấn pháp lý có kiến thức chuyên sâu về PVTM để hỗ trợ các ngành sản xuất nhằm đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp trong thương mại quốc tế.
Đồng thời, các sở ngành, UBND các huyện, TX, TP và hiệp hội ngành nghề phối hợp chặt chẽ trong việc thực thi các chính sách về PVTM; Tổ chức thực hiện hiệu quả các quy định về PVTM để bảo đảm hàng hóa của các doanh nghiệp sản xuất trong tỉnh và lợi ích người tiêu dùng.
Theo Kế hoạch số 3976/KH-UBND của UBND tỉnh Khánh Hòa, mục tiêu của kế hoạch đến năm 2030 là đội ngũ cán bộ, công chức ở các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng về việc sử dụng, thực hiện và ứng phó với các biện pháp PVTM.
Đối với các doanh nghiệp, thương nhân có hoạt động thương mại quốc tế trên địa bàn tỉnh sẽ được tiếp cận, trang bị kiến thức về PVTM trong bối cảnh tham gia các FTA thế hệ mới.
Đồng thời, các nội dung về PVTM trong tương lai, sẽ được cụ thể hóa trong các chương trình, chiến lược, chính sách phát triển các ngành sản xuất trọng điểm của tỉnh.
Để thực hiện tốt đề án, UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu đơn vị cơ quan, doanh nghiệp thực hiện theo các nhiệm vụ và giải pháp được đề ra .
Cụ thể, trong nội dung thứ nhất, UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu, toàn tỉnh tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách về PVT. Trong đó, lãnh đạo các cấp sẽ thường xuyên rà soát các quy định của pháp luật, cam kết về PVTM của Việt Nam đang thực thi trên địa bàn tỉnh để phân tích đánh giá tình hình; chủ động tham gia đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, thực hiện lồng ghép nội dung về PVTM vào các chiến lược, kế hoạch phát triển các ngành sản xuất của tỉnh. Thực hiện theo hướng dẫn của các cơ quan Trung ương trong việc hoàn thiện các quy trình nghiệp vụ phục vụ công tác điều tra, áp dụng, miễn trừ áp dụng biện pháp PVTM nhằm đảm bảo chính xác, khách quan, minh bạch, hiệu quả và phù hợp với thực tiễn.
Thứ hai, UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu các sở ngành nâng cao năng lực điều tra, áp dụng biện pháp PVTM. Theo đó, UBND tỉnh sẽ lựa chọn một số ngành sản xuất trọng điểm và có tác động quan trọng đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh để tăng cường năng lực PVTM trong quá trình thực thi các FTA. Xây dựng cơ sở dữ liệu đầy đủ, cập nhật về tình hình đầu tư, sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu trong các ngành này để kịp thời xem xét áp dụng biện pháp PVTM theo đúng quy định pháp luật.
Thực hiện cập nhật diễn biến các vụ việc PVTM liên quan đến tỉnh và cả nước trên trang thông tin điện tử của tỉnh; xây dựng hệ thống quản lý dữ liệu đầy đủ về đầu tư, sản xuất, xuất nhập khẩu các ngành hàng trọng điểm để kịp thời hỗ trợ các biện pháp PVTM khi cần thiết; hoàn thiện hệ thống số hóa để tạo điều kiện các bên liên quan nộp và tiếp cận tài liệu dưới dạng dữ liệu điện tử. Thực hiện trực tuyến việc tiếp nhận hồ sơ, tài liệu, văn bản trả lời trong quá trình điều tra các vụ việc PVTM.
Thứ ba là UBND tỉnh Khánh Hóa cũng tăng cường cơ chế phối hợp liên ngành trong lĩnh vực PVTM. Đối với các vụ việc PVTM do Việt Nam điều tra, sẽ đẩy mạnh phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh và các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, cơ quan hải quan, hiệp hội và doanh nghiệp trong việc theo dõi, phát hiện hàng hóa nhập khẩu của tỉnh nói riêng và của cả nước nói chung gia tăng đột biến, có dấu hiệu được trợ cấp hoặc bán phá giá.
Đối với các vụ việc PVTM do nước ngoài điều tra đối với hàng hóa xuất khẩu của các doanh nghiệp trong tỉnh, dựa trên cơ sở các vụ việc cụ thể và chỉ đạo của Trung ương, điều kiện thực tiễn của tỉnh khi nước ngoài điều tra PVTM đối với hàng hóa xuất khẩu của các doanh nghiệp trong tỉnh, Sở Công Thương tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh thành lập Tổ công tác liên ngành hỗ trợ xử lý các vụ việc nước ngoài về PVTM đối với hàng hóa xuất khẩu của các doanh nghiệp trong tỉnh.
Ngoài ra, tỉnh còn thực hiện đẩy mạnh công tác đào tạo, tuyên truyền và nâng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực PVTM. Thực hiện đối thoại với các doanh nghiệp trong tỉnh nhằm thúc đẩy trao đổi thông tin, xây dựng cơ chế phối hợp về PVTM để bảo vệ lợi ích của các ngành sản xuất, xuất khẩu.
Huỳnh Mai