Chủ nhật, 24/11/2024 10:08 (GMT+7)
Thứ năm, 18/08/2022 13:00 (GMT+7)

Khát lao động, doanh nghiệp tìm đỏ mắt vẫn không đủ

Theo dõi KTMT trên

Hiện nay, nhận thức, tiêu chí về công việc của người lao động đã thay đổi nhiều so với trước khi xảy ra đại dịch Covid-19. Báo cáo từ Navigos Group, gần 87% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết họ gặp khó khăn trong tuyển dụng trong 6 tháng đầu năm.

Muốn tuyển lao động nhưng không được

Trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi và phát triển nhanh sau đại dịch Covid-19, Việt Nam đang đứng trước cơ hội hiếm có để tạo ra nhiều việc làm tốt hơn, nâng cao năng suất và nâng tầm kỹ năng lao động trong chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, tình trạng thiếu người lao động (NLĐ) ở nhiều lĩnh vực khiến các doanh nghiệp (DN) chật vật để phục hồi sản xuất, mở rộng thị trường.

Theo Navigos Group, nguyên nhân chủ yếu là do nhân viên chủ động xin nghỉ gia tăng so với cùng kỳ năm 2021.

Báo cáo cho biết: “12% doanh nghiệp có tỷ lệ nhân viên chủ động nghỉ việc lên tới 30-40%. Gần 41% doanh nghiệp có tỷ lệ nhân viên chủ động nghỉ việc là 10-20%”.

Khát lao động, doanh nghiệp tìm đỏ mắt vẫn không đủ - Ảnh 1
Doanh nghiệp rất khó tìm lao động. (Ảnh minh họa).

Tình hình thiếu hụt nhân lực tại TP.HCM và Hà Nội đang tăng cao. Cụ thể, tỷ lệ thiếu hụt tại TP.HCM là gần 23% và tại Hà Nội là gần 15%, theo Navigos Group cho hay.

Cùng với đó, các ngành thiếu hụt nhân lực lớn nhất thuộc về ngành Dịch vụ - Xây dựng/Kiến trúc – Bất động sản – Bán buôn/Bán lẻ - Nhà hàng/Khách sạn/Du lịch – Công nghệ thông tin – Tài chính/Kế toán/Kiểm toán…

Có thể nói, với người lao động, theo khảo sát của Navigos Group, khi được hỏi về lý do sau khi thôi việc nhưng chưa tìm việc làm mới, hơn 20% người tham gia khảo sát cho biết họ muốn được nghỉ ngơi trước khi tìm việc mới, hơn 18% sẽ kinh doanh tự do hoặc tìm công việc bán thời gian, gần 12% chưa vội tìm kiếm công việc mới.

Theo Navigos Group cho hay, số liệu này cho thấy người lao động sẵn sàng chờ đợi thêm để tìm được đúng công việc phù hợp với nhu cầu cá nhân, hoặc muốn tìm các công việc có thời gian cân bằng cuộc sống nhiều hơn cũng như tìm kiếm các cơ hội mới để thử thách và khám phá nhiều hơn”.

Tăng lương để giữ chân người tài

Trong 6 tháng cuối năm, về xu hướng của thị trường lao động, theo Navigos Group, 89% doanh nghiệp tham gia kháo sát cho biết họ sẽ chủ động đẩy mạnh tuyển dụng trong 6 tháng cuối năm tuỳ theo quy mô và nhu cầu của các doanh nghiệp.

Khảo sát cho biết: “Các doanh nghiệp có quy mô từ 300-1.000 lao động tăng tuyển dụng từ 50-60%. Với các doanh nghiệp có quy mô từ 101-300 lao động sẽ tăng tuyển dụng từ 10-40%. Các doanh nghiệp có quy mô dưới 100 lao động cũng có nhu cầu tăng tuyển dụng cao hơn 50-60%”.

Navigos Group cũng cho biết, 56% doanh nghiệp sẽ tăng lương để giữ chân nhân tài. Ngoài tăng lương, các doanh nghiệp còn có thêm các lựa chọn khác dành cho người lao động như hỗ trợ chi phí học tập, đào tạo kỹ năng mới; đo lường sức khoẻ nhân sự bằng khối lượng công việc; chăm sóc sức khoẻ - bảo hiểm; linh động về thời gian và địa điểm làm việc.

Thiếu lao động có kỹ năng nghiêm trọng

Bộ LĐ-TB&XH đánh giá nguồn cung lao động vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của nhà sản xuất, kinh doanh trong giai đoạn phục hồi kinh tế. Một số ngành nghề vẫn đang xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu, thiếu hụt nguồn cung cục bộ. Chẳng hạn, trong quý I vừa qua xảy ra thiếu hụt lao động cục bộ khoảng 120.000 NLĐ.

Thị trường thiếu NLĐ do quá trình phục hồi sản xuất, kinh doanh diễn ra khá tích cực. Nhiều công ty đăng ký thành lập mới, quay trở lại hoạt động; một số ngành như dịch vụ, du lịch, giao thông… phục hồi mạnh mẽ.

Kết quả khảo sát do VCCI với sự hỗ trợ của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cũng cho thấy khoảng 60% DN khảo sát phản ánh tình trạng thiếu NLĐ có kỹ năng và đây là một thách thức từ mức độ trung bình đến nghiêm trọng trong lĩnh vực điện tử. Khoảng 50% DN cũng coi kỹ năng chuyên môn của đội ngũ giám sát và quản lý là một thách thức lớn.

Huyền Diệu

Bạn đang đọc bài viết Khát lao động, doanh nghiệp tìm đỏ mắt vẫn không đủ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới