Khơi dậy niềm tự hào về ‘Đảng ta’ vĩ đại, ‘Là đạo đức, là văn minh’
Cứ mỗi mùa Xuân đến, cùng với việc nghĩ đến Dân, bao giờ Bác cũng nghĩ đến Đảng. Đặc biệt, vào dịp kỷ niệm ngày thành lập Đảng hằng năm, Bác thường có các bài viết quan trọng, có giá trị tổng kết về lịch sử đấu tranh anh dũng, đầy hy sinh
Năm 1949, với bút danh Trần Thắng Lợi, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài "Đảng ta" đăng trên số 13, tháng 1/1949 của Tạp chí Sinh hoạt nội bộ [1]. Dù Người khiêm tốn nói rằng: "Nhân ngày kỷ niệm thành lập Đảng, tôi nhắc lại vài mẩu chuyện của Đảng cho các đồng chí trẻ biết, chứ không phải viết lịch sử Đảng"[2], nhưng những gì Người viết trong bài báo chỉ dài khoảng 1.500 từ này thực sự là những tri thức quý báu về lịch sử Đảng mà mỗi đảng viên phải học, phải biết.
Ở thời điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm, Đảng ta mới 19 tuổi, "nhưng suốt 19 năm ấy, năm nào cũng là một năm đấu tranh dũng cảm. Kinh qua bao nhiêu cơn sóng gió, bao nhiêu bước khó khăn, càng nhiều gian nan, Đảng ta càng nhiều rèn luyện, càng thêm vững chắc và rộng lớn".
Người nhấn mạnh: "Nhờ chính sách đúng, lãnh đạo chắc, kỷ luật nghiêm, nhờ tư tưởng thống nhất, mà Đảng ta và dân tộc ta được những thắng lợi vẻ vang ngày nay". Tuy vậy, Người cũng căn dặn "chúng ta tuyệt đối không được tự kiêu, tự đại"[3]. Với cương vị là người đứng đầu Đảng và Nhà nước, Người đã thẳng thắn nêu lên những điểm còn tồn tại của một Đảng vì dân bằng những câu hỏi tự vấn: "Chúng ta có nhiều thành công, nhưng chúng ta cũng còn nhiều khuyết điểm. Mỗi đồng chí ta cần phải mạnh dạn và thành thật kiểm điểm mình, kiểm điểm đồng chí mình.
- Đã bỏ hết bệnh chủ quan, hẹp hòi chưa?
- Đã bỏ hết tư ý tiểu khí chưa?
- Đã luôn cố gắng học tập, luôn luôn cầu tiến bộ chưa?
- Đã thực hiện đoàn kết 100% chưa?
- Đã thật cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư chưa?
- Đã thật là người kiểu mẫu trong phong trào thi đua ái quốc chưa? Nếu chưa thì phải làm cho kỳ được"[4].
Sáu vấn đề trên đã bao quát đầy đủ những yêu cầu trong rèn luyện, tự đánh giá và đánh giá về tư tưởng, đạo đức, trách nhiệm của mỗi người đối với sự nghiệp chung của Đảng và của dân tộc. Nổi bật trong đó là những lưu ý của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng. Theo Người, đức là gốc trong tư cách, nhân cách của đảng viên. Đảng viên có thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư thì Đảng mới "là đạo đức, là văn minh", mới là một đảng cách mạng chân chính.
Năm 1960 đánh dấu sự kiện quan trọng: Đảng ta tròn 30 tuổi. Tại Lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng (tổ chức ngày 5/1/1960), Chủ tịch Hồ Chí Minh có bài phát biểu giúp cho đảng viên nói riêng, nhân dân ta nói chung tự hào về lịch sử 30 năm vẻ vang của Đảng, cũng như những nhiệm vụ của Đảng trong lãnh đạo sự nghiệp cách mạng giai đoạn mới.
Mở đầu bài phát biểu, Bác tự hào khẳng định "Đảng ta thật là vĩ đại!". Dù Người nói "với tất cả tinh thần khiêm tốn của người cách mạng"[5] nhưng cụm từ này vẫn được Người lặp lại 4 lần sau nữa trong bài viết cùng các dẫn chứng và lý lẽ thuyết phục chứng minh rõ những yếu tố làm nên sự vĩ đại của Đảng. Trước hết, Đảng vĩ đại chính là ở lý tưởng, mục tiêu cách mạng mà Đảng kiên trì lựa chọn, theo đuổi. Bằng cách sử dụng hình ảnh "Trong mấy mươi năm khi chưa có Đảng, tình hình đen tối như không có đường ra" so sánh đối lập với "Màu cờ đỏ của Đảng chói lọi như mặt trời mới mọc, xé tan cái màn đen tối, soi đường dẫn lối cho nhân dân ta vững bước tiến lên con đường thắng lợi trong cuộc cách mạng phản đế, phản phong"[6], Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm rõ sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam đáp ứng một nguyện vọng bức thiết của lịch sử. Đảng vĩ đại chính là ở hành động dũng cảm, hy sinh, một lòng một dạ trung thành của lớp lớp thế hệ đảng viên với Đảng, với dân. Vào những lúc thử thách cam go, người đảng viên cộng sản phải biết hy sinh vì quyền lợi tối cao của dân, của nước - "Tổ quốc trên hết, dân tộc trên hết", dù có phải hy sinh tới tính mạng cũng không nề hà.
Là người sáng lập, rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, "ngoài lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc, thì Đảng ta không có lợi ích gì khác". Cho nên, Đảng vĩ đại còn là ở trách nhiệm cao cả và sự gắn bó mật thiết với nhân dân, "suy nghĩ, lo toan đến hành động chỉ một mực vì dân mà thôi". Do vậy, hơn bao giờ hết Đảng cầm quyền càng phải phấn đấu, rèn luyện để trở thành một Đảng thật trong sạch vững mạnh, phải xây dựng Đảng trên cơ sở "lấy dân làm gốc".
Kết thúc bài phát biểu, Bác đã đọc mấy vần thơ:
"Đảng ta vĩ đại như biển rộng, như núi cao,
Ba mươi năm phấn đấu và thắng lợi biết bao nhiêu tình.
Đảng ta là đạo đức, là văn minh
Là thống nhất, độc lập, là hòa bình ấm no
Công ơn Đảng thật là to.
Ba mươi năm lịch sử Đảng là cả một pho lịch sử bằng vàng.
Kể từ đây, câu thơ "Đảng ta vĩ đại như biển rộng, như núi cao - Ba mươi năm phấn đấu và thắng lợi biết bao nhiêu tình" đã trở thành thành tố quen thuộc trong những bài viết kỷ niệm ngày thành lập Đảng của Chủ tịch Hồ Chí Minh những năm sau đó. Cũng kể từ đây, thêm một lần nữa, mệnh đề "Đảng đạo đức, văn minh" đã tạc vào trong trái tim, trí óc của mỗi đảng viên của Đảng, lan tỏa trong toàn xã hội và là mục đích, phương châm chính trong hành động của Đảng. Nói "Đảng ta là đạo đức, là văn minh" là Bác đã không chỉ tự hào về những kỳ tích vẻ vang của Đảng mà còn đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ cao hơn, sâu sắc hơn đối với Đảng, đặc biệt là đối với công tác xây dựng Đảng.
Đảng ta đã phấn đấu anh dũng, thắng lợi vẻ vang và đoàn kết nhất trí
Năm 1963, Đảng tròn 33 tuổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài "Đoàn kết tiến lên giành thắng lợi mới", đăng Báo Nhân dân số 3235. Bác mở đầu bài báo bằng câu thơ quen thuộc mà mỗi đảng viên đã thật sự thấm nhuần và tự hào từ năm 1960 khi Bác tổng kết chặng đường 30 năm hoạt động của Đảng. Bác so sánh về công lao của Đảng bằng một cách nói khẩu ngữ của quần chúng nhân dân: "Đảng như biển cả non cao - Băm ba năm ấy biết bao nhiêu tình!". Vẫn là cách viết quen thuộc, thể hiện rõ phong cách viết báo Hồ Chí Minh khi viết về những vấn đề nghiêm túc, khô khan, Bác dùng lối diễn đạt mộc mạc nhất để không chỉ đảng viên mà tất cả đồng bào ta ai đọc cũng hiểu.
Yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng lúc này đặt ra tính cấp thiết của việc đoàn kết và phát huy cao độ mọi tiềm năng, trí tuệ của nhân dân cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam. Bác chỉ rõ: Tuy nhiên, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân chỉ có thể được phát huy khi "Mỗi chi bộ của Đảng phải là một hạt nhân lãnh đạo quần chúng ở cơ sở, đoàn kết chặt chẽ, liên hệ mật thiết với quần chúng, phát huy được trí tuệ và lực lượng vĩ đại của quần chúng"[7]. Mặt khác, để phát huy được trí tuệ và lực lượng vĩ đại của quần chúng, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên và các chi bộ đảng phải làm tốt công tác dân vận, phải thực sự trở thành những tấm gương có sức cảm hóa quần chúng.
Chính vì thế, trong phần tiếp theo của bài báo, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra một trong những nguyên nhân khiến quần chúng mất lòng tin vào cán bộ đảng viên và vào sự lãnh đạo của Đảng. Đó chính là cá nhân chủ nghĩa "ít nghĩ đến lợi ích chung của cách mạng, của nhân dân, mà thường lo cho lợi ích riêng của mình. Tham danh lợi, hay suy tị. Có chút thành tích thì tự cao, tự đại, kiêu ngạo, công thần, gây lủng củng trong nội bộ"[8]. Cụ thể hơn, Người chỉ ra 4 dấu hiệu của chủ nghĩa cá nhân trong Đảng, đó là: Tự do chủ nghĩa, quan liêu mệnh lệnh, tham ô, lãng phí và lười biếng. Với quan điểm: "Không ai hoàn toàn tránh khỏi sai lầm, quyết tâm sửa chữa sẽ thành người tốt", Người yêu cầu từ cấp lãnh đạo đến cơ sở, cần kiên quyết khắc phục các khuyết điểm này để Đảng ta có thêm nhiều sức chiến đấu mới và hoàn thành thắng lợi những nhiệm vụ mới.
Năm 1964, nhân 34 năm ngày thành lập Đảng, Bác viết bài đăng Báo Nhân dân số 3598 dưới chủ đề xây dựng Đảng, mà cụ thể hơn là xây dựng Đảng về mặt đạo đức. Bài báo mở đầu với câu thơ: "Công đức Đảng ta như biển rộng núi cao - Băm tư năm ấy biết bao nhiêu tình!". Bài báo khẳng định, nhờ chủ nghĩa Marx-Lenin soi đường, Đảng ta đã phấn đấu anh dũng, thắng lợi vẻ vang và đoàn kết nhất trí. Để giành thắng lợi trong sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà, Đảng ta đã đoàn kết phải càng đoàn kết chặt chẽ thêm, đã mạnh mẽ càng mạnh mẽ thêm. "Đảng mạnh là do mỗi một chi bộ mạnh"[9]. Bài báo nêu tóm tắt mười nhiệm vụ đảng viên được ghi trong Điều lệ do Đại hội lần thứ III thông qua và yêu cầu mỗi một chi bộ, đảng viên lấy đó mà giáo dục, tự kiểm điểm để "xứng đáng là một chi bộ tốt, một đảng viên tốt của Đảng ta - một đảng cách mạng vĩ đại"[10].
Mùa xuân 1965, tại hội nghị bồi dưỡng chỉnh huấn, do Trung ương triệu tập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự và chia sẻ niềm vui với hội nghị để chúc mừng Đảng yêu quý của chúng ta 35 tuổi. Người đã nói lên những lời tâm huyết: "Muốn giữ gìn sự trong sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin thì trước hết phải tự mình trong sáng. Muốn đánh thắng kẻ thù là chủ nghĩa đế quốc, muốn xây dựng thắng lợi Chủ nghĩa Xã hội thì trước hết phải chiến thắng kẻ thù bên trong của mỗi chúng ta". Sau khi nêu lên những thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam, những bài học kinh nghiệm, những tấm gương chiến đấu hy sinh của cán bộ, đảng viên vì sự nghiệp cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ lý do phải tiến hành chỉnh huấn. Từ diễn đàn của hội nghị, Bác đã nghiêm khắc phê phán những các cán bộ đảng viên có chức, có quyền mà thoái hóa, biến chất: "Ở cương vị phụ trách thì tự cho mình có quyền hơn hết thảy, định đoạt mọi việc; ở ngành nào, địa phương nào thì coi đó như một giang sơn riêng, không biết đến lợi ích toàn cục. Họ coi thường những quyết định của tổ chức, họ là những "ông quan liêu", chỉ thích dùng mệnh lệnh đối với đồng chí và nhân dân"; "Nhưng số người đó coi Đảng như một cái cầu thang để thăng quan phát tài. Họ không quan tâm đến đời sống của nhân dân mà chỉ lo nghĩ đến lợi ích của riêng mình. Họ quên rằng mỗi đồng tiền, hạt gạo đều là mồ hôi nước mắt của nhân dân, do đó mà sinh ra phô trương, lãng phí. Họ tự cho mình có quyền sống xa hoa hưởng lạc, từ đó mà đi đến tham ô, trụy lạc, thậm chí sa vào tội lỗi"[11].
Đó chính là những biểu hiện cụ thể và tác hại của chủ nghĩa cá nhân mà mỗi người chúng ta phải luôn luôn tỉnh táo đề phòng và kiên quyết tiêu diệt. Người cũng nêu phương châm chỉ đạo và phương pháp tiến hành chỉnh huấn là tự giác phê bình và tự phê bình để mỗi đồng chí càng nhận rõ trách nhiệm của mình, càng thêm tin tưởng, phấn khởi và hăng hái tiến lên; sự đoàn kết nhất trí trong Đảng càng thêm vững chắc, bảo đảm cho Đảng ta càng trong sạch, càng mạnh mẽ, bảo đảm cho sự nghiệp cách mạng vĩ đại của chúng ta càng giành được nhiều thắng lợi to lớn hơn nữa...
Ngày 3/2/1969, kỷ niệm 39 năm ngày thành lập Đảng, trên Báo Nhân dân số 5.409, với bút danh TL, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho công bố bài báo quan trọng về công tác xây dựng Đảng: "Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân". Đây cũng là bài báo Người viết trong mùa xuân cuối cùng của cuộc đời Người. Cũng dễ hiểu khi Người căn dặn chúng ta những lời tâm huyết, thể hiện mối quan tâm sâu sắc và sự lo lắng của Người về chống chủ nghĩa cá nhân và nâng cao đạo đức cách mạng, một vấn đề vô cùng quan trọng, là quan điểm nhất quán xuyên suốt trong tư tưởng Hồ Chí Minh từ những năm hai mươi của thế kỷ XIX đến tận cuối đời.
"Đảng ta", danh xưng gần gũi và tự hào mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc đến từ bài báo đầu tiên vào mùa Xuân năm 1949, đã được Người thường xuyên nhắc tới trong các bài diễn văn, bài nói, bài viết của Người, nhất là trong các bài viết vào dịp mừng đất trời thêm Xuân, mừng Đảng thêm tuổi mới. Những lời nói chân tình của Bác từ những mùa Xuân năm ấy như đang nhắn nhủ với tất cả chúng ta hôm nay, khiến cho chúng ta thêm niềm tự hào, niềm tin về đội tiên phong chính trị, người lãnh đạo chân chính duy nhất của cả dân tộc.
Tự hào về Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi người dân Việt Nam càng thấy rõ hơn trách nhiệm của mình, càng phải chăm lo giữ vững bản chất cách mạng và tính tiên phong của Đảng - một Đảng Cộng sản, đảng cách mạng chân chính, đạo đức, văn minh.
Vũ Thị Kim Yến
Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch
[1] Tạp chí Sinh hoạt nội bộ ra đời tháng 8/1947, với tư cách là "cơ quan trung ương huấn luyện công tác và lý luận của Trung ương Đảng".
[2] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG-ST, H.2011, t.6, tr. 2
[3] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG-ST, H.2011, t.6, tr. 5-6
[4] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG-ST, H.2011, t.6, tr. 6
[5] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG-ST, H.2011, t.12, tr. 400
[6] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG-ST, H.2011, t.12, tr. 401
[7] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG-ST, H.2011, t.14, tr. 28
[8] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG-ST, H.2011, t.14, tr. 30
[9] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG-ST, H.2011, t.14, tr. 242
[10] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG-ST, H.2011, t.14, tr. 243
[11] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG-ST, H.2011, t.14, tr. 469