Chủ nhật, 24/11/2024 08:48 (GMT+7)
Thứ ba, 08/09/2020 12:02 (GMT+7)

Không khí sạch - Trách nhiệm chung: Hành động quyết liệt để bảo vệ môi trường

Theo dõi KTMT trên

Năm 2020 là năm đầu tiên các nước tổ chức Ngày Quốc tế không khí sạch, đánh dấu bước tiến trong nhận thức và hành động nhằm bảo vệ môi trường không khí. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường trao đổi với TS. Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT).

PV: Ông có đánh giá thế nào về sự kiện Ngày Quốc tế không khí sạch?

TS. Hoàng Dương Tùng:

Ô nhiễm không khí không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe con người mà còn ảnh hưởng đến cả kinh tế, sản xuất, dẫn đến biến đổi khí hậu. Trước thực tế đó, ngày 29/12/2019, Liên Hợp Quốc đã quyết định chọn ngày 7/9 là Ngày Quốc tế không khí sạch để thúc đẩy nhận thức và hành động nhằm bảo vệ môi trường không khí.

Tôi cho rằng, Liên Hợp Quốc đã đưa ra một thông điệp rất mạnh mẽ, chúng ta không thể tiếp tục làm ngơ được với chất lượng không khí. Ngày Quốc tế không khí sạch sẽ là khoảng thời gian để chính quyền, người dân, doanh nghiệp có thể nâng cao nhận thức và hiểu được tầm quan trọng của bầu không khí trong lành đến sức khỏe con người. Đây cũng là dịp để Nhà nước, doanh nghiệp và cả người dân có thể thiết lập một liên minh, cùng chung tay hành động, góp sức trong việc giải quyết vấn đề ô nhiễm.

Không khí sạch - Trách nhiệm chung: Hành động quyết liệt để bảo vệ môi trường - Ảnh 1
TS. Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam, Nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường.

Bên cạnh đó, nó cũng thúc đẩy hợp tác quốc tế ở cấp độ toàn cầu và khu vực trong hàng loạt lĩnh vực liên quan đến cải thiện chất lượng không khí, bao gồm thu thập và sử dụng dữ liệu, nghiên cứu và phát triển chung cũng như chia sẻ hoạt động hiệu quả nhất.

PV: Là người theo dõi vấn đề này nhiều năm, ông có đánh giá như thế nào về những động thái của các cơ quan chức năng trong việc giảm thiểu ô nhiễm không khí?

TS. Hoàng Dương Tùng:

Vấn đề ô nhiễm không khí được đặc biệt chú ý hơn trong những năm gần đây. Mặc dù, chính quyền thành phố Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh đã có một số biện pháp để giảm thiểu ô nhiễm không khí như trồng cây xanh; tăng quy chuẩn lượng ô tô; tăng cường các xe buýt công cộng, kiểm soát các nguồn xả thải sản xuất,… nhưng theo tôi, vẫn chưa có biện pháp quyết liệt, mang tính bền vững để giảm thiểu các nguồn ô nhiễm.

Ở các đô thị, một trong những nguồn phát thải gây ô nhiễm môi trường chính là từ các phương tiện giao thông. Tuy vậy, chúng ta mới chỉ có kiểm soát khí thải ô tô chứ chưa áp dụng cho xe máy. Bên cạnh đó, cần tăng cường các chuyến xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch. Ngoài ra, cần có những biện pháp để kiểm soát, giảm thiểu ô nhiễm từ các làng nghề, công trình xây dựng và các cơ sở sản xuất, cương quyết di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi thành phố để có thể giảm thiểu ô nhiễm.

Theo tôi, thông qua Ngày Quốc tế không khí sạch, các cơ quan chính quyền phải có trách nhiệm hơn đối với người dân và có những biện pháp quyết liệt, cụ thể để giảm thiểu tình trạng này.

PV: Mặc dù, các quan chức năng đã có nhiều nỗ lực, song những điều này vẫn chưa thể làm thay đổi chất lượng không khí ở nước ta. Theo ông, biện pháp nào trong tương lai giúp giảm thiểu ô nhiễm không khí?

TS. Hoàng Dương Tùng:

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 985a/QĐ-TTg về việc phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Trong đó, đề ra rất nhiều các chương trình, biện pháp để giảm thiểu ô nhiễm không khí và chỉ rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành và địa phương. Tuy vậy, theo tôi đánh giá, những việc đã triển khai thực hiện theo Kế hoạch trên còn khá ít.

Rõ ràng, để giảm thiểu ô nhiễm thì chúng ta cần phải kiểm soát các nguồn ô nhiễm. Ví dụ, đối với khí thải từ các phương tiện giao thông, chúng ta nên kiểm soát nguồn khí thải từ các phương tiện xe máy.

Bên cạnh đó, cần phải tăng cường các phương tiện giao thông công cộng, cần có những chính sách kinh tế để khuyến khích người dân tham gia, đầu tư vào hệ thống xe buýt chạy bằng nhiên liệu sạch. Đồng thời, mở rộng các tuyến, kích cỡ của ô tô, xe buýt cho phù hợp để kết nối giữa các điểm giao thông.

Đồng thời, nghiên cứu và thí điểm việc thiết lập những “vùng phát thải thấp”. Đây là tuyến phố hoặc là một khu ít phát thải, và chỉ những phương tiện đáp ứng được các tiêu chuẩn về không khí thì mới được sử dụng trong khu vực này.

Ngoài ra, chúng ta cũng phải kiểm soát chặt chẽ khí thải của các làng nghề. Cần thanh tra, kiểm tra, có những biện pháp để hạn chế, yêu cầu phải lắp đặt thiết bị xử lý trước khi xả thải ra môi trường. Chính quyền cần quyết liệt trong việc di dời các nhà máy gây ô nhiễm ra khỏi nội đô.

Đặc biệt, để giảm thiểu ô nhiễm không khí, ngoài việc nâng cao nhận thức của người dân, các bộ, ngành và địa phương cần xây dựng Kế hoạch quản lý không khí. Trong đó, việc kiểm kê khí thải là vô cùng quan trọng, nó giúp các nhà quản lý xác định được thải lượng và nguồn thải chính để có những biện pháp ưu tiên, xử lý kịp thời.

Cuối cùng, cần phải tăng cường thanh tra, xử phạt và công bố, công khai tất cả những thông tin, dữ liệu nguồn thải của các cơ sở sản xuất để nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp. Bằng việc công khai các kết quả quan trắc, người dân cũng có thể tham gia vào việc giám sát các cơ sở sản xuất cùng với chính quyền.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Hoàng Ngân

Bạn đang đọc bài viết Không khí sạch - Trách nhiệm chung: Hành động quyết liệt để bảo vệ môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới