Không xây dựng đường qua khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Đồng Nai
Ngày 9/5 vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về phương án đầu tư tuyến đường kết nối tỉnh Bình Phước và Đồng Nai.
Sau khi xem xét đề nghị của Bộ Giao thông vận tải về phương án đầu tư tuyến đường kết nối tỉnh Bình Phước và Đồng Nai, Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính đã có ý kiến về vấn đề này. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đồng ý với kiến nghị của Bộ Giao thông vận tải tại văn bản số 4104/BGTVT-KHĐT ngày 24/4/2023. Bộ Giao thông vân tải phối hợp với các địa phương liên quan sớm triển khai đầu tư các tuyến đường kết nối để bảo đảm đáp ứng nhu cầu vận tải vùng Đông Nam Bộ và kết nối với vùng Tây Nguyên phục vụ phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh trong khu vực.
Trước đó, tỉnh Bình Phước đã nhiều lần kiến nghị xây cầu Mã Đà và quốc lộ 13C kết nối sân bay Long Thành, cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải. Vậy nhưng các các phương án này đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều do có nguy cơ tác động khu dự trữ sinh quyển thế giới - Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai. Trong đó, tỉnh Đồng Nai và Ủy ban quốc gia chương trình con người và sinh quyển Việt Nam đã có nhiều ý kiến, văn bản phản đối việc xây tuyến đường băng qua khu bảo tồn.
Tuy nhiên, đánh giá việc xây dựng một tuyến đường vận tải kết nối vùng Đông Nam Bộ với các tỉnh Tây Nguyên là đặc biệt quan trọng cho phát triển kinh tế nên Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì nghiên cứu phát triển giao thông ở khu vực.
Sau khi nghiên cứu, Bộ Giao thông Vận tải đã đề xuất xây dựng tuyến đường dài 71 km với kinh phí 530 tỷ đồng nối Bình Phước và Đồng Nai. Dự án có điểm đầu tại ĐT 741 TP. Đồng Xoài đi theo ĐT 753, kết nối đường Đồng Phú - Bình Dương và đường Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng và kết thúc ở đường Vành đai 4.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, phương án này giúp nối Đồng Xoài qua Vành đai 4, là con đường ngắn và kinh phí đầu tư ít nhất. Tuyến sẽ tận dụng Vành đai 4 để liên kết các tỉnh Tây Nguyên về sân bay Long Thành và cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải, tận dụng nhiều tuyến đường đã làm từ trước.
Mặc dù vậy, phương án này gặp một số khó khăn khi phải quy hoạch, bố trí thêm quỹ đất và cân đối nguồn lực địa phương, nâng cấp các đường hiện hữu ở Bình Phước và Bình Dương. Trong đó, Bình Phước phải bố trí khoảng 230 tỷ đồng để nâng cấp ĐT 753 (bằng 1/2 chi phí của phương án kết nối qua cầu Mã Đà).
Liên quan đến vấn đề này, Văn phòng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) tại Việt Nam cũng đã có công văn phản hồi UBND tỉnh Đồng Nai về dự án xây cầu Mã Đà nối Đồng Nai - Bình Phước và làm đường quốc lộ xuyên qua vùng lõi Khu dự trữ Sinh quyển thế giới.
Thông tin về vấn đề này, UNESCO cho biết, việc xây dựng cầu Mã Đà kết nối tỉnh Đồng Nai và Bình Phước và làm khoảng 40 km quốc lộ đi qua Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, là vùng lõi của Khu Dự trữ Sinh quyển Đồng Nai sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến vùng lõi của Khu Dự trữ Sinh quyển Đồng Nai do hệ sinh thái bị chia cắt dẫn đến mất tính liên tục. Sự liên kết của các hành lang đa dạng sinh học bị phá vỡ sẽ ảnh hưởng đến môi trường sống của các loài động vật quý hiếm và sẽ là nguyên nhân dẫn đến cái chết của động vật hoang dã do phương tiện lưu thông trên đường.
Đồng thời, UNESCO cho rằng, việc này sẽ gây ra ô nhiễm đất, nước và không khí do quá trình xây dựng đường và các tác động khác do gia tăng các hoạt động của con người. Những tác động này sẽ dẫn đến suy thoái môi trường, sinh cảnh, mất đa dạng sinh học và không đáp ứng được các tiêu chí cũng như chức năng của vùng lõi của Khu Dự trữ Sinh quyển.
UNESCO cũng cho rằng, dự án xây dựng cầu Mã Đà và quốc lộ xuyên khu bảo tồn sẽ vi phạm các mục tiêu về bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học của pháp luật Việt Nam. Điều này sẽ không đáp ứng được tiêu chí của Mạng lưới các Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới và sẽ bị xóa tên khỏi danh sách Mạng lưới các Khu Dự trữ Sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận, sau đó sẽ bị thu hồi danh hiệu Khu Dự trữ Sinh quyển.
“Được biết rằng các bên liên quan chính cũng bày tỏ sự lo ngại về dự án này, đặc biệt là lãnh đạo tỉnh Đồng Nai. Do đó, việc thực hiện một dự án gây tranh cãi như vậy sẽ không tuân thủ các nguyên tắc quản trị của một Khu Dự trữ Sinh quyển. Vì đề xuất xây dựng cầu Mã Đà và quốc lộ qua lõi của Khu Dự trữ chỉ là một trong 4 phương án nên Ban Thư ký MAB khuyến nghị các cơ quan chức năng không xem xét lựa chọn phương án đi qua vùng lõi Khu Dự trữ Sinh quyển Đồng Nai”, UNESCO nêu rõ.
Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai rộng 100.000 ha thuộc tiểu vùng bảo tồn sinh thái khẩn cấp, nằm trong hệ sinh thái Trường Sơn. Nơi này được Uỷ ban UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, cùng với Vườn quốc gia Cát Tiên, Ramsar Bàu Sấu, Khu bảo tồn vùng nước nội địa Trị An - Đồng Nai.
Song