Kịch bản ảm đạm cho nền kinh tế Mỹ trước nguy cơ chiến tranh với Iran
Nếu chiến tranh vũ trang với Iran, nền kinh tế Mỹ có thể sẽ phải nhận "quả đắng".
Chưa phục hồi sau "đòn đau" từ chiến tranh thương mại leo thang với Trung Quốc, nền kinh tế Mỹ tiếp tục lao đao do căng thẳng với Iran sau khi Tổng thống Donald Trump áp thêm các biện pháp trừng phạt. Nếu chiến tranh vũ trang thực sự xảy ra bởi những bê bối này, nhiều hậu quả khôn lường có thể sẽ đến với nền kinh tế Mỹ.
Căng thẳng giữa Mỹ và Iran ngày càng sâu sắc, sau khi Iran tuyên bố sẽ tăng chế tạo uranium (nguyên liệu phục vụ chế tạo bom hạt nhân) vượt giới hạn quy định trong thỏa thuận hạt nhân nếu Washington tiếp tục gia tăng sức ép lên ngành dầu mỏ nước này. Bộ Ngoại giao Mỹ gọi đây là hành vi “tống tiền hạt nhân”. Mỹ thậm chí cáo buộc Iran đứng sau vụ tấn công hai tàu dầu ở vịnh Oman hôm 13/6, nhưng phía Tehran phủ nhận và cho rằng Washington ngụy tạo chứng cứ để đổ tội cho họ.
Tuy lãnh đạo hai nước đều tuyên bố không muốn gây chiến, nhưng giới quan sát trên toàn cầu đều tỏ ra quan ngại trước khả năng chiến tranh có thể xảy ra bất cứ lúc nào do những xung đột khó lường.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống Iran Hassan Rouhani. Ảnh: AP. |
Các nhà đầu tư trên thế giới cũng đang “nín thở” theo dõi chặt chẽ các diễn biến giữa Iran và Mỹ. Nếu đụng độ xảy ra ở Trung Đông, giá dầu có khả năng tăng vọt. Điều này sẽ giáng một đòn mạnh vào chi tiêu tiêu dùng - động cơ chính của nền kinh tế Mỹ. Theo các nhà phân tích, giá dầu tăng là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến suy thoái trong nền kinh tế hiện đại.
Ông Nicholas Colas – Nhà đồng sáng lập Công ty nghiên cứu DataTrek cho biết: “Những cú sốc về giá dầu là hung thần của mọi giai đoạn tăng trưởng của kinh tế Hoa Kỳ trong hơn 40 năm qua”.
Những khủng hoảng liên quan đến chất đốt có thể kể đến là giai đoạn năm 1973 – 1974, lệnh cấm vận dầu mỏ của Ả Rập Xê-út khiến nền kinh tế tê liệt; cách mạng Iran năm 1979; Iraq xâm chiếm Kuwait năm 1990; Mỹ lật đổ nhà độc tài Iraq Saddam Hussein năm 2003,… cũng khiến toàn cầu phải lao đao.
Ông Colas nhấn mạnh, tình hình hiện tại có rất nhiều điểm tương đồng với các bê bối đã xảy ra vào cuối chu kỳ tăng trưởng của kinh tế Mỹ trong quá khứ. Đợt tăng trưởng hiện tại của Mỹ đã kéo dài 9 năm, lâu nhất trong lịch sử nếu được duy trì đến tháng 7/2019.
Theo các chuyên gia kinh tế, giá dầu tăng sẽ gây ảnh hưởng đến chi tiêu hộ gia đình và lan rộng tới nhiều lĩnh vực khác, đẩy giá cả tăng vọt, bao gồm chi phí vận tải và hàng không, gây sức ép lên lợi nhuận biên của các doanh nghiệp. Ngay cả Fed - cơ quan chịu trách nhiệm kiểm soát lạm phát của Mỹ cũng sẽ phải e ngại.
Năm 2008, trong cuộc “đại suy thoái”, giá dầu tại Mỹ đã vượt mức 140 USD/thùng. Cánh tài xế Mỹ gần như tê liệt khi không thể chi trả 4 USD cho 3,78 lít xăng. Trước đó chỉ vài tháng, Ngân hàng Trung ương châu Âu tiến hành tăng lãi suất, khiến tình hình thêm tồi tệ.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp khẳng định, so với trước đây, Mỹ đã độc lập về năng lượng hơn rất nhiều khi sản lượng dầu đá phiến ở Tây Texas tăng mạnh.
Ông Troy Gayeski - Giám đốc đầu tư Quỹ SkyBridge tin rằng, nền kinh tế Mỹ vẫn có thể cầm cự được khi giá dầu Brent tăng lên mức 100 - 110 USD/thùng.
Mặc dù vậy, nếu mất đi sản lượng dầu từ Venezuela và Iran, hậu quả xảy đến với nền kinh tế Mỹ là không thể lường trước được. Có thể mức giá 100 - 110 USD/thùng vẫn là con số lạc quan.
Diệu Anh