Chủ nhật, 24/11/2024 08:49 (GMT+7)
Thứ tư, 20/04/2022 07:00 (GMT+7)

Kiểm soát lạm phát - Đòn bẩy phục hồi và phát triển kinh tế

Theo dõi KTMT trên

Theo các chuyên gia, chính sách tài khóa, tiền tệ sẽ góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tích cực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tạo cú hích để kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ.

Giảm thuế, giảm phí góp phần kiểm soát lạm phát

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng, từ đầu năm đến nay giá cả thế giới tăng nhanh đã tác động lên thị trường Việt Nam. Nguyên nhân là do xung đột địa chính trị, tác động đến giá cả hàng hóa; trong đó có lương thực, thực phẩm tăng đột biến. Bên cạnh đó, khi nền kinh tế phục hồi sau đại dịch đã kéo theo giá cả tăng; trong đó có giá nguyên nhiên vật liệu, đã tác động lên lạm phát.

Tại nhiều nước trên thế giới, lạm phát cũng tăng cao như lạm phát của Mỹ tháng 2 tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước, cao nhất kể từ tháng 01/1982; các nước thuộc khu vực ASEAN đều có mức lạm phát tháng 2 cao hơn Việt Nam.

Trong khi đó, tại Việt Nam, lạm phát bình quân quý 1/2022 năm nay so với năm trước tăng 1,92%, tôi cho rằng đây là mức tăng vừa phải.

Để hỗ trợ hoạt động sản xuất - kinh doanh phục hồi và phát triển, Bộ Tài chính sắp trình Chính phủ giãn thu một số loại thuế và tiền thuê đất, ước tính khoảng 135.000 tỷ đồng, trong thời gian từ 3 - 9 tháng. Chính sách này sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm chi phí vay, coi như đó là khoản hỗ trợ lãi suất 0% của Nhà nước cho người kinh doanh

Trước đó, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; trong đó, thực hiện giảm 2% thuế giá trị gia tăng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng (trừ một số nhóm hàng); giảm nhiều loại thuế, phí; trong đó có lệ phí trước bạ ô tô sản xuất trong nước; thực hiện giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay góp phần tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không...

Kiểm soát lạm phát - Đòn bẩy phục hồi và phát triển kinh tế - Ảnh 1
Các chính sách tài khóa, tiền tệ làm giảm áp lực chi phí, giúp lạm phát được kiềm chế trong quý 1/2022.

Gần đây nhất, trong bối cảnh giá xăng dầu nhập khẩu tăng cao, để giảm bớt áp lực tăng giá trong nước, Bộ Tài chính đã chủ động báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu. Nhờ đó, góp phần trực tiếp làm giảm giá bán lẻ 2.200 đồng/lít đối với xăng; 1.100 đồng/lít đối với dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn… Theo ước tính, tổng số giảm các loại thuế, phí và lệ phí trong năm 2022 là khoảng 88.000 đến 90.000 tỷ đồng.

Thứ trưởng cho rằng, tất cả các yếu tố đó cộng hưởng vào sẽ giảm áp lực chi phí, giúp lạm phát được kiềm chế trong quý 1/2022.

Động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế

Theo thống kê, tình hình kinh tế - xã hội quý I khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực, trong đó nhiều lĩnh vực đạt mức tăng trưởng nhanh nhất tính từ năm 2020 đến nay, tiệm cận mức tăng trước đại dịch. Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát trong bối cảnh chịu nhiều sức ép, chỉ số giá tiêu dùng bình quân quý I tăng 1,92%; các cân đối lớn, an ninh lương thực, năng lượng được bảo đảm.

Trong bối cảnh sức ép lạm phát trong và ngoài nước rất lớn, kinh tế vĩ mô ổn định; chính sách tài khóa, tiền tệ được phối hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả; dự trữ ngoại tệ tăng; lãi suất giảm nhưng tín dụng tăng trưởng; phí và lệ phí giảm nhưng thu ngân sách tăng. Các cân đối lớn được bảo đảm (thu đủ chi và vượt dự toán 33%; xuất đủ nhập và xuất siêu 809 triệu USD; cân đối lớn về điện được bảo đảm; lương thực, thực phẩm cơ bản ổn định và có xuất khẩu tăng trưởng khá; thị trường lao động phục hồi rất nhanh và đã cơ bản phục hồi).

Phân tích thêm xung quanh áp lực lạm phát, TS Nguyễn Văn Hiến nhận định, các nước trên thế giới hiện đang có xu hướng tăng lạm phát rõ rệt, đặc biệt là các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ và EU. Áp lực lạm phát lớn và tiền mất giá liên tục bắt buộc các nước phải thắt chặt tiền tệ cũng như tài khóa để đảm bảo kiềm chế lạm phát. Ở Việt Nam, chiều hướng hơi ngược lại khi chúng ta mở rộng tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng và phục hồi với chương trình phục hồi trị giá 350 nghìn tỷ đồng.

Mặc dù vậy, thực tế trong thời gian qua, trước và sau đại dịch, tốc độ lạm phát tại Việt Nam chưa cao, chưa có ảnh hưởng nhiều tới chỉ số, đến đời sống sản xuất, xã hội nên việc mở rộng chính sách tài khóa và tiền tệ, Việt Nam vẫn còn dư địa. “Tuy nhiên, phải luôn luôn cảnh giác về vấn đề lạm phát, bởi vì nếu mở rộng ra quá thì có thể sẽ làm tác động đến tâm lý của người dân, ảnh hưởng rất lớn đến mặt bằng giá, làm tăng mặt bằng giá lên và lập tức phát sinh tình trạng lạm phát. Đó là điều rất nguy hiểm” - TS. Nguyễn Văn Hiến nhấn mạnh.

Từ nay tới cuối năm, Thứ trưởng Bộ Tài chính nhận định, để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội đề ra, phải xử lý đồng thời cả 3 hướng. Đó là, giảm tác động đồng thời của chi phí đẩy; thúc đẩy cung hàng hóa; làm tốt công tác tuyên truyền vận động, tránh tác động tâm lý kỳ vọng.

Về tổng thể, Ban Chỉ đạo Điều hành giá đã họp và các bộ, cơ quan Trung ương cơ bản đã thống nhất từ nay đến cuối năm, tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường từng mặt hàng, đặc biệt là các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, tác động lớn đến hàng hóa, từ đó có phương án, giải pháp điều hành phù hợp.

Thứ hai, thực hiện thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh để tăng cung hàng hóa trong nước. Thứ ba, làm tốt công tác điều hành thị trường để vận hành cung cầu thông suốt, không bị tắc nghẽn.

Bên cạnh đó, cần làm tốt công tác tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp hiểu, chia sẻ. Mọi người dân và doanh nghiệp cố gắng tiết kiệm chi phí, từ đó giảm thiểu tác động của giá thế giới tới thị trường trong nước.

Kiểm soát lạm phát là một trong những nhiệm vụ lớn

Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội có nội dung đề cập việc kiểm soát chặt chẽ lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Phần liên quan đến chính sách tiền tệ, Nghị quyết 43 đặt ra yêu cầu cụ thể cần điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ để góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, hỗ trợ tích cực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; nghiên cứu để giữ ổn định tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, tính toán hợp lý tỷ lệ dự trữ bắt buộc, thực hiện nghiệp vụ thị trường mở, tái cấp vốn, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động để phấn đấu giảm lãi suất cho vay.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Kiểm soát lạm phát - Đòn bẩy phục hồi và phát triển kinh tế. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới