Chủ nhật, 24/11/2024 06:57 (GMT+7)
Thứ bảy, 22/05/2021 06:21 (GMT+7)

Kiểm soát phóng xạ đối với phế liệu sắt thép nhập khẩu

Theo dõi KTMT trên

Tổng cục Hải quan vừa có văn bản chỉ đạo Cục hải quan tỉnh, thành phố tăng cường công tác kiểm soát phóng xạ, ngăn chặn phế liệu sắt thép nhập khẩu nhiễm phóng xạ vào Việt Nam.

Ngành công nghiệp luyện gang thép thuộc nhóm ngành công nghiệp nặng, đòi hỏi nhiều thiết bị, kỹ thuật hiện đại và nguồn lao động có tay nghề cao. Ở Việt Nam, ngành công nghiệp này hiện đóng vai trò then chốt trong sự phát triển kinh tế, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng xấu tới sức khỏe con người.

Do đó, việc quản lý, kiểm soát hoạt động sản xuất, đặc biệt là những nguồn phóng xạ nằm ngoài sự kiểm soát và chất phóng xạ có nguồn gốc tự nhiên lẫn trong phế thải kim loại và sắt thép thương phẩm là hết sức cần thiết.

Phế thải kim loại và việc tái chế

Phế thải kim loại là chất thải có giá trị kinh tế, được tái sử dụng để sản xuất các kim loại. Theo Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ, việc tái chế phế thải kim loại có thể đem lại nhiều lợi ích về kinh tế, xã hội và môi trường. Việc sản xuất kim loại từ phế liệu so với sản xuất từ quặng sắt có thể tiết kiệm tới 75% năng lượng tiêu hao, 90% nguyên liệu sử dụng, giảm 86% ô nhiễm không khí, 40% lượng nước sử dụng, 76% ô nhiễm nguồn nước, 97% chất thải khai thác.

Kiểm soát phóng xạ đối với phế liệu sắt thép nhập khẩu - Ảnh 1
Nhiều loại phế liệu sắt, thép bị cấm nhập về Việt Nam. 

Theo báo cáo của The Leader (Diễn đàn của các nhà quản trị) thì lượng thép phế liệu nhập về Việt Nam ngày càng tăng. Ước tính mỗi ngày có khoảng hơn 10.000 tấn thép phế liệu nhập vào Việt Nam. Cùng với sự gia tăng nhập phế liệu kim loại là sự gia tăng các chất độc hại kèm theo, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường và con người (trong đó có chất phóng xạ).

Thông thường kim loại phế thải bị nhiễm phóng xạ có nguồn gốc từ các nhà máy điện hạt nhân đã ngừng hoạt động, các cơ sở chiếu xạ công nghiệp, y tế, từ nguồn phế liệu kim loại có lẫn các nguồn phóng xạ nằm ngoài sự kiểm soát (bị mất cắp, bị bỏ rơi hoặc do các hành động với mục đích xấu) được sử dụng trong công nghiệp như chụp ảnh công nghiệp, đo đạc, hoặc từ các đường ống dẫn sử dụng trong các ngành công nghiệp khai thác, chế biến dầu khí, chế tạo phân bón và khai thác sa khoáng.

Các tai nạn liên quan tới phóng xạ trong công nghiệp tái chế kim loại không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khoẻ con người và môi trường mà còn gây thiệt hại rất lớn cho ngành công nghiệp sản xuất thép. Nhà xưởng ngừng hoạt động, hàng hoá bị cấm tiêu thụ, chi phí cho làm sạch nhà máy trước khi tái khởi động lại rất lớn. Hơn thế nữa, những sự cố phóng xạ loại này không chỉ ảnh hưởng trong phạm vi của một quốc gia mà còn có thể mang tính quốc tế, ảnh hưởng tới nhiều nước khác.

Đảm bảo an toàn hiệu quả quá trình xử lý phóng xạ

Theo Tổng cục Hải quan, phế liệu sắt thép là mặt hàng có nguy cơ nhiễm phóng xạ cao. Mặc dù các nước trên thế giới đã áp dụng nhiều biện pháp kiểm soát nhằm ngăn chặn tối đa các chất phóng xạ phát tán ra bên ngoài gây nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe con người, nhưng thực tế vẫn có một số lượng phế liệu sắt thép nhiễm phóng xạ vượt mức cho phép được trao đổi, mua bán trên thị trường.

Theo số liệu thống kê thì những năm vừa qua Việt Nam là quốc gia nhập khẩu lượng phế liệu sắt thép lớn nên sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro liên quan đến nhiễm phóng xạ. Chính vì vậy, Tổng cục Hải quan chỉ đạo các cục hải quan tỉnh, thành phố, đặc biệt là tại các cảng thuộc địa bàn Bà Rịa - Vũ Tàu và TP.Hồ Chí Minh, tăng cường công tác kiểm soát phóng xạ, ngăn chặn phế liệu sắt thép nhập khẩu nhiễm phóng xạ vào Việt Nam.

Cụ thể, Tổng cục Hải quan chỉ đạo thực hiện kiểm tra phóng xạ đối với toàn bộ các container sắt thép phế liệu được nhập khẩu qua cảng Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu), cảng Cát Lái (TP. Hồ Chí Minh) bằng hệ thống kiểm tra phát hiện phóng xạ đã được lắp đặt.

Đồng thời, các đơn vị thực hiện kiểm tra phóng xạ bằng thiết bị kiểm tra phát hiện phóng xạ cầm tay đối với toàn bộ các lô hàng sắt thép phế liệu. Đối với các đơn vị chưa được trang bị thiết bị phát hiện phóng xạ cầm tay thì phối hợp với cơ quan Kiểm định Hải quan để thực hiện kiểm tra.

Trường hợp phát hiện lô hàng sắt thép có nhiễm phóng xạ thì thực hiện theo hướng dẫn, quy định tại Thông tư liên tịch số 112/2015/TTLT-BTC-BKHCN về hướng dẫn cơ chế phối hợp và xử lý việc kiểm tra, phát hiện chất phóng xạ tại cửa khẩu.

Tổng cục Hải quan lưu ý, trong quá trình xử lý phóng xạ, các cục hải quan tỉnh, thành phố nên chủ động phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ kỹ thuật an toàn bức xạ hạt nhân và ứng phó sự cố, Cục An toàn bức xạ hạt nhân để triển khai công việc được đảm bảo an toàn, hiệu quả.

“Các địa phương cần rà soát lại toàn bộ hoạt động của các cơ sở quản lý nguồn phóng xạ, xây dựng cơ sở dữ liệu về tình hình hoạt động, sử dụng/lưu trữ nguồn phóng xạ cũng như cập nhật thông tin về những thay đổi của cơ sở. Đặc biệt, nắm bắt các thông tin cập nhật về tình trạng hoạt động, quản lý bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ của các cơ sở tiến hành công việc bức xạ trên địa bàn và báo ngay Cục An toàn bức xạ và hạt nhân khi phát hiện các dấu hiệu mất an toàn, an ninh nguồn phóng xạ tại cơ sở”, ông Nguyễn Tuấn Khải - Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân yêu cầu. 

Tại Việt Nam, nhằm đảm bảo an toàn và an ninh ở mức cao nhất đối với việc nhập khẩu phế thải kim loại và tái chế kim loại, chúng ta cần phải tiến hành rà soát ngay các mức phóng xạ đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan theo các quy định mới của IAEA và quốc tế, tránh trở thành nơi tập kết các phế thải kim loại bẩn.

Điều này giúp cho ngành công nghiệp tái chế kim loại của Việt Nam sản xuất ra các sản phẩm đủ chất lượng để sử dụng và có thể xuất khẩu sang các nước khác. Bên cạnh đó, chúng ta cần đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền nhằm sớm phát hiện và xử lý các nguồn phóng xạ lẫn trong phế thải kim loại và hàng hoá kim loại bán thành phẩm.

Ngoài ra, việc lắp đặt các thiết bị phát hiện sớm chất phóng xạ và nguồn phóng xạ trong phế thải cũng cần được quy định rõ tại các cảng xuất nhập phế thải kim loại cũng như các cơ sở tái chế kim loại. Điều này vừa đảm bảo an toàn, an ninh cho các cơ sở sản xuất, giúp ngăn ngừa các sự cố phóng xạ gây thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp chế biến thép và nền kinh tế.

Theo Quy chuẩn mới, những loại phế liệu sắt, thép không được phép nhập khẩu bao gồm: Vỏ bao bì, thùng phuy, lon, hộp và đồ chứa khác bằng sắt, thép đã qua sử dụng được ép thành khối, cục hay đóng thành kiện và bánh;  Vỏ bao bì, thùng phuy, lon, hộp và đồ chứa khác bằng sắt, thép đã qua sử dụng để chứa dầu, nhớt, mỡ, hóa chất, nhựa đường, thực phẩm mà chưa được làm sạch để đáp ứng các quy định; Phế liệu là sắt, thép nhập khẩu có mức nồng độ hoạt độ phóng xạ và mức nhiễm xạ bề mặt của kim loại vượt quá mức quy định tại Thông tư số 22/2014/TT-BKHCN ngày 25/8/2014 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về quản lý chất thải phóng xạ và nguồn phóng xạ đã qua sử dụng. 

Thanh Thúy

Bạn đang đọc bài viết Kiểm soát phóng xạ đối với phế liệu sắt thép nhập khẩu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Dự kiến có 6 Tiêu chuẩn quốc gia về môi trường
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo 6 Tiêu chuẩn quốc gia về môi trường, bao gồm các phương pháp quan trắc, phân tích môi trường không khí, nước, đất và trầm tích...

Tin mới