Chủ nhật, 24/11/2024 07:54 (GMT+7)
Thứ bảy, 31/10/2020 08:52 (GMT+7)

Kinh doanh online hậu Covid - doanh nghiệp ứng phó thế nào?

Theo dõi KTMT trên

Covid-19 không làm doanh thu kinh doanh online cao như dự đoán, thậm chí còn khốc liệt hơn bởi người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, trong khi loại hình kinh doanh này bùng nổ.

70% người tiêu dùng Việt không biết chính xác muốn mua gì

Phát biểu tại diễn đàn Tiếp thị trực tuyến năm 2020, bà Yến Ngô, Giám đốc Giải pháp thị trường của Facebook đưa ra con số thú vị, đó là hơn 70% người tiêu dùng Việt Nam được khảo sát cho biết họ không xác định muốn gì hay mua từ đâu khi mua sắm trực tuyến. Hành vi mua sắm trực tuyến phần lớn được truyền cảm hứng từ các hoạt động khám phá trên mạng, bao gồm: Mạng xã hội và video ngắn 45%; Ứng dụng nhắn tin 12%, Video trung bình 30%, Trò chơi 5%, Video dài 4%.

Thế hệ tiêu dùng trực tuyến này được gọi là “thế hệ khám phá”, khi 47% đơn hàng được xuất phát từ những hoạt động khám phá tìm cảm hứng, thay vì biết mình muốn mua gì và chủ động tìm kiếm sản phẩm.

Bà Lê Minh Trang, Quản lý Cấp cao khu vực miền Bắc của Nielsen Việt Nam cho rằng, trong thời gian dịch bệnh bùng phát, người tiêu dùng Việt Nam vẫn theo dõi rất sát tình hình dịch bệnh, nhanh chóng thay đổi thói quen tiêu dùng, nhằm bảo vệ bản thân và cộng đồng.

Nếu quan sát chỉ số tăng trưởng của ngành hàng tiêu dùng nhanh (PMCG) từ năm 2013 đến nay cho thấy có sự tăng, giảm nhất định. Tuy nhiên, năm 2020, chỉ số này giảm sâu nhất do ảnh hưởng của dịch. Có đến 45% người tiêu dùng dự trữ thức ăn ở nhà nhiều hơn; 50% người tiêu dùng giảm tần suất ghé siêu thị, cửa hàng tạp hóa và chợ; nhưng lại có đến 25% người tiêu dùng tăng các hoạt động mua sắm trực tuyến và 25% người tiêu dùng giảm các hoạt động ăn uống bên ngoài.

Bên cạnh đó, chỉ số tự tin của người tiêu dùng trong năm 2020, theo Nielsen cũng đã thấy có sự thay đổi, khi mức độ chi tiêu, dành nhiều tiền tiết kiệm tăng lên trong Quý II/2020. “Nhu cầu về mua sắm thời trang, nhu cầu du lịch của người tiêu dùng giảm rõ rệt, nên các nhà bán lẻ cần lưu ý đến tâm lý này của khách hàng, khi tiếp thị online đối với các sản phẩm chăm sóc cá nhân. Nhất là trong thời điểm dịch, người tiêu dùng có xu hướng mua sắm các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và phòng chống dịch bệnh”, bà Trang cho biết thêm.

Ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) nhận định, ứng dụng mua sắm trực tuyến đối với mặt hàng đồ ăn nhanh phát triển mạnh trong hai đợt dịch. Triển vọng tăng trưởng mua sắm online trong lĩnh vực này có thể phát triển hơn nữa. Dự kiến kinh doanh online tiếp tục sẽ là cuộc cạnh tranh sôi động với nhiều cơ hội. Vấn đề là doanh nghiệp phải biến những cơ hội này thành hiện thực.

Kinh doanh online hậu Covid - doanh nghiệp ứng phó thế nào? - Ảnh 1
Loại hình kinh doanh online bùng nổ thời hậu Covid-19. (Ảnh: Hà Nguyên)

Truyền cảm hứng cho khách hàng

Chính vì sự ra đời của thế hệ khám phá và sự phát triển mạnh mẽ của mua sắm trực tuyến, các doanh nghiệp mà đặc biệt là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, sẽ đứng trước cơ hội rất lớn để phát triển kinh doanh. Doanh nghiệp sẽ có thể chủ động đưa sản phẩm, dịch vụ của mình đến với các nhóm khách hàng tiềm năng dễ dàng hơn mà không cần ngân sách quá lớn ngay từ đầu. Đây là sự thay đổi rất lớn so với cách làm truyền thống khi doanh nghiệp phải bị động chờ người tiêu dùng tìm đến sản phẩm dịch vụ của mình, đòi hỏi doanh nghiệp phải xây dựng thương hiệu mạnh hay kênh phân phối đủ lớn ngay từ đầu, bởi, vốn là rào cản rất lớn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Các chuyên gia đưa ra lời khuyên, doanh nghiệp nói chung cần phải định hướng và cân nhắc chuyển hướng qua “Thương mại khám phá” để phục vụ thế hệ này. Thương mại khám phá là tiếp cận người tiêu dùng ở nơi họ dùng để tìm cảm hứng nhiều nhất, đó là mạng xã hội, tin nhắn và xem video. Doanh nghiệp cần xây dựng cơ sở hạ tầng, số hoá để phục vụ hoạt động kinh doanh trên những nền tảng ấy.

Hành vi khám phá và cởi mở hơn với thương hiệu mới, với trang web bán hàng mới của người dùng giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ có nhiều cơ hội tiếp cận và bán hàng hơn mà không bị ảnh hưởng bởi yếu tố địa lý. Doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể cân nhắc tiến hành quảng bá sản phẩm và thương hiệu của mình để mở rộng thị trường trên toàn quốc.

Doanh nghiệp cũng nên chú ý tập trung các lý do mà người dùng sẵn sàng thay đổi sản phẩm hoặc thương hiệu quen thuộc của họ như: Cung cấp sản phẩm chất lượng tốt hơn, đưa ra các lựa chọn về giá trị tương xứng với số tiền bỏ ra hoặc cung cấp các thương hiệu cao cấp khác thay thế.

Bà Yến Ngô cho rằng, người tiêu dùng không biết mình cần tìm gì, vậy doanh nghiệp hãy đem sản phẩm của mình đến với khách hàng, gợi ý cho họ những điều thú vị về sản phẩm, biết đâu họ sẽ mua. Đây là sự chuyển dịch từ thương mại điện tử đơn thuần sang thương mại điện tử khám phá. Truyền cảm hứng cho khách hàng là bước đầu tiên của thương mại khám phá. Doanh nghiệp có thể sử dụng người nổi tiếng để quảng cáo cho sản phẩm, livestream... để tạo ra cảm hứng cho người tiêu dùng.

Nhìn nhận về xu hướng mua sắm online, Lê Minh Trang, đại diện Công ty Nielsen Việt Nam tin tưởng, dịch Covid-19 sẽ khiến kinh doanh online có nhiều cơ hội hơn khi người dân chọn mua sắm tại nhà gia tăng.

Ông Nguyễn Trung Thành, Giám đốc điều hành COO BAEMIN Việt Nam đưa ra giải pháp, để giảm thiểu rủi ro doanh nghiệp nên áp dụng chiến lược 2 trong 1 (cả online và offline cùng lúc). Số hóa và chuyển lên online là xu hướng lớn sẽ tiếp tục trong thời gian tới. Doanh nghiệp cần có chiến lược số hóa để bắt kịp xu hướng. Công thức để thành công online có nhiều khác biệt so với offline. Doanh nghiệp cần điều chỉnh về sản phẩm, vận hành và tiếp thị để thành công.

Vân Hồng

Bạn đang đọc bài viết Kinh doanh online hậu Covid - doanh nghiệp ứng phó thế nào?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới