Chủ nhật, 24/11/2024 09:01 (GMT+7)
Thứ sáu, 05/03/2021 07:06 (GMT+7)

Kinh tế biển xanh – mục tiêu của phát triển bền vững

Theo dõi KTMT trên

Phát triển kinh tế biển trong giai đoạn mới, cần có tư duy đổi mới, đột phá, phù hợp với xu thế chung toàn cầu. Mục tiêu đặt ra là Việt Nam sẽ trở thành một quốc gia giàu, mạnh từ biển nhưng vẫn đảm bảo “sức khỏe” và sự bền vững của hệ sinh thái biển.

Kinh tế biển xanh lấy môi trường và tài nguyên làm “chất xúc tác” cho tăng trưởng, thoát dần nền “kinh tế biển nâu”, chú trọng tăng cường phúc lợi xã hội lâu dài.

Kinh tế biển xanh thúc đẩy phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững dựa trên tăng cường đầu tư vào duy trì và sử dụng hiệu quả nguồn vốn tự nhiên biển, bao gồm các dịch vụ hệ sinh thái biển, ven biển và đảo. Đây cũng là luận điểm cơ bản của Chiến lược biển 2030 khi xem kinh tế biển xanh là một phương thức phát triển mới và trở thành xu hướng chủ đạo của phát triển bền vững kinh tế biển nước ta trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Phát triển nền kinh tế biển xanh mang tầm vóc quốc gia

Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt ra những mục tiêu cụ thể là đến năm 2030, đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; hình thành văn hóa sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng…

Bên cạnh đó, các ngành kinh tế thuần biển đóng góp khoảng 10% GDP cả nước; kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển ước đạt 65 - 70% GDP cả nước. Tại các tỉnh, thành phố ven biển, chỉ số phát triển con người cao hơn mức trung bình của cả nước; thu nhập bình quân đầu người gấp từ 1,2 lần trở lên so với thu nhập bình quân của cả nước....

Để đạt được những mục tiêu này, phát triển các ngành kinh tế biển của Việt Nam cần chuyển từ nền kinh tế khai thác và gây ô nhiễm môi trường sang kinh tế biển xanh, đầu tư vào vốn tự nhiên trong chuỗi kết nối hữu cơ, từ trong đất liền ra đến biển, giảm thiểu các nguồn gây ô nhiễm môi trường biển ngay từ trong đất liền. Đồng thời, phải tái cơ cấu các ngành kinh tế biển và ven biển dựa trên hệ sinh thái và phù hợp với lợi thế, tiềm năng tự nhiên.

Bên cạnh đó, cần ưu tiên phát triển các ngành, lĩnh vực như du lịch biển, đảo, năng lượng tái tạo (năng lượng gió, năng lượng dòng chảy thủy triều và năng lượng sóng biển) từng bước đầu tư phát triển công nghệ sinh học biển, dược liệu biển bên cạnh việc thúc đẩy các ngành kinh tế biển truyền thống như: Kinh tế hàng hải; khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển; nuôi trồng, khai thác thủy hải sản và phát triển hạ tầng nghề cá; công nghiệp đóng tàu.

Kinh tế biển xanh – mục tiêu của phát triển bền vững - Ảnh 1

Khó khăn, thách thức trong việc phát triển kinh tế biển

Thời gian qua, mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường biển ở nước ta chưa thực sự gắn kết chặt chẽ, chưa hài hòa được lợi ích giữa các bên liên quan, thậm chí xung đột lợi ích trong phát triển kinh tế biển có chiều hướng gia tăng. Ô nhiễm môi trường biển có lúc, có nơi vẫn còn diễn ra nghiêm trọng, trong khi các giải pháp ứng phó còn hạn chế, chưa có nhiều kết quả cụ thể.

Đi cùng với tiềm năng, cơ hội phát triển, lĩnh vực phát triển kinh tế biển cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức như: ô nhiễm vùng bờ, phát triển nóng không gian biển, quy hoạch tổng thể.

Hiện có từ 70% đến 80% lượng rác thải trên biển có nguồn gốc từ nội địa khi các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, khu dân cư xả nước thải, chất thải rắn không qua xử lý ra các con sông ở vùng đồng bằng ven biển hoặc xả thẳng ra biển. Đơn cử, chỉ riêng trong quá trình nuôi trồng thủy sản cũng làm phát sinh đáng kể lượng chất thải rắn trực tiếp ra biển, nguồn thải chủ yếu là các loại phân bón, thức ăn nhân tạo sử dụng trong nuôi trồng. Bình quân một ha nuôi tôm sẽ thải ra môi trường khoảng 5 tấn chất thải rắn và hàng chục nghìn m3 nước thải trong một vụ nuôi. Với tổng diện tích nuôi tôm hơn 600.000 ha, mỗi năm sẽ thải ra môi trường gần 3 triệu tấn chất thải rắn. Cụ thể: Tại các tỉnh từ Quảng Ninh đến Quảng Bình, trên 37.000 ha đã được khai thác đưa vào nuôi trồng thủy sản (chiếm 30-35% diện tích nước mặn lợ). Phần lớn cơ sở đã đi vào nuôi trên quy mô công nghiệp dẫn tới các nơi cư trú sinh vật, bãi đẻ, bãi giống bị hủy diệt, dịch bệnh xuất hiện tràn lan…

Một nguyên nhân gây ô nhiễm biển nữa là tràn dầu. Tốc độ tăng trưởng kinh tế lớn đã làm gia tăng rất mạnh lượng tiêu thụ xăng dầu. Lợi ích kinh tế dẫn đến tình trạng khai thác dầu quá mức. Trong khi đó, lượng dầu rất lớn bị rò rỉ ra môi trường biển do hoạt động của các tàu và do các sự cố hư hỏng hay đắm tàu trở dầu, do sự cố tại lỗ khoan thăm dò và dàn khoan khai thác dầu. Đáng chú ý là các vụ tràn dầu nghiêm trọng những năm gần đây có xu hướng gia tăng, gây thiệt hại nghiêm trọng cho môi trường biển, đặc biệt là vùng nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh đó, vùng biển nước ta có hàng trăm giếng khoan thăm dò và khai thác dầu khí, ngoài việc thải nước lẫn dầu với khối lượng lớn, trung bình mỗi năm hoạt động này còn phát sinh 5.600 tấn rác thải dầu khí, trong đó có 20% đến 30% là chất thải rắn nguy hại còn chưa có bãi chứa và nơi xử lý. Đó là chưa kể tình trạng ô nhiễm dầu do khai thác và vận chuyển dầu khí trên biển không ngừng gia tăng.

Cùng với sự gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan cùng với các hành vi hủy hoại môi trường, làm suy thoái tài nguyên biển, thậm chí cả ở các quần đảo san hô Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam đã và đang xảy ra với tốc độ đáng lo ngại. Nguồn vốn tự nhiên biển đang bị bòn rút nhanh chóng và có dấu hiệu cạn kiệt dưới sức ép của khai thác quá mức phục vụ phát triển “nóng” ở mức độ khác nhau trong tất cả các lĩnh vực kinh tế biển. 

Đặc biệt, kinh tế biển xanh còn là vấn đề mới mẻ đối với Việt Nam, nên nhận thức về vấn đề này của các cấp, các ngành, các địa phương ven biển và người dân còn chưa đầy đủ, thậm chí rất khác biệt. Đó là các thách thức lớn về môi trường và tài nguyên biển cả trong ngắn hạn và dài hạn liên quan tới biến đổi khí hậu, nước biển dâng và cách ứng xử của con người. 

Kinh tế biển xanh – mục tiêu của phát triển bền vững - Ảnh 2

Để hoàn thành mục tiêu Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững, trong đó, kinh tế biển xanh đóng vai trò chủ đạo; xây dựng văn hóa sinh thái biển, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng trên nền tảng khoa học - công nghệ tiên tiến của cuộc cách mạng 4.0, cần có sự thống nhất tư tưởng, nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng đặc biệt của biển đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Phát triển bền vững biển Việt Nam phải được coi là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, quyền và nghĩa vụ của mọi tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và mỗi người dân.

Thanh Thúy

Bạn đang đọc bài viết Kinh tế biển xanh – mục tiêu của phát triển bền vững. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới