Chủ nhật, 24/11/2024 09:41 (GMT+7)
Thứ năm, 11/08/2022 06:52 (GMT+7)

Kinh tế tuần hoàn đang là xu hướng phát triển bền vững chung toàn cầu

Theo dõi KTMT trên

Hiện nay nhận thức về kinh tế tuần hoàn nói chung và mô hình kinh tế tuần hoàn vẫn là vấn đề mới của nhiều doanh nghiệp, nhất là áp dụng cụ thể cho mỗi loại hình doanh nghiệp thế nào được gọi là kinh tế tuần hoàn?

Nhận thức về “kinh tế tuần hoàn” của doanh nghiệp còn thấp

Kinh tế tuần hoàn đang là xu hướng phát triển chung của toàn cầu khi nguồn tài nguyên ngày càng cạn kiệt. Trong những năm gần đây, một số quốc gia (đặc biệt là doanh nghiệp) đã tiên phong trong việc tái sử dụng các nguồn tài nguyên một cách hiệu quả thông qua mô hình này.

Các chuyên gia cho rằng, tiếp cận mô hình kinh tế tuần hoàn dựa vào lợi ích kinh tế để giải quyết 3 vấn đề chính, đó là: Giảm khai thác tài nguyên đầu vào; kéo dài vòng đời sản phẩm; giảm thiểu tối đa chất thải ra môi trường. Ở khía cạnh nào đó trong từng lĩnh vực cụ thể có những doanh nghiệp đã tiếp cận theo hướng kinh tế tuần hoàn dựa trên lợi ích mang lại do đổi mới công nghệ, tái sử dụng, tái chế chất thải… Vì vậy khi có chủ trương chuyển đổi từ mô hình kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn một số doanh nghiệp sẵn sàng thực hiện.

Kinh tế tuần hoàn đang là xu hướng phát triển bền vững chung toàn cầu - Ảnh 1
Kinh tế tuần hoàn đang là xu hướng phát triển chung của toàn cầu khi nguồn tài nguyên ngày càng cạn kiệt. (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, trong một khảo sát mới đây về nhận thức kinh tế tuần hoàn nói chung và một số tiêu chí cần có về kinh tế tuần hoàn cho thấy, tỷ lệ nhận thức của doanh nghiệp còn thấp, chưa vượt quá 50%.

K khăn trước hết để đạt được mong muốn của doanh nghiệp khi tiếp cận mô hình kinh tế tuần hoàn vẫn là nhận thức. Hiện nay nhận thức về kinh tế tuần hoàn nói chung và mô hình kinh tế tuần hoàn vẫn là vấn đề mới của nhiều doanh nghiệp, nhất là áp dụng cụ thể cho mỗi loại hình doanh nghiệp thế nào được gọi là kinh tế tuần hoàn?.

Thực tế cho thấy, những chủ doanh nghiệp có nhận thức tốt về kinh tế tuần hoàn sẽ chủ động chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn, đổi mới nhanh chóng và mang lại hiệu quả cao. Ngược lại, chủ doanh nghiệp thiếu hiểu biết và nhận thức không đầy đủ về kinh tế tuần hoàn là một cản trở cho doanh nghiệp..., phân tích của các chuyên gia cho hay.

Các chuyên gia phân tích về các giải pháp cho hay, những doanh nghiệp đầu tư mới theo mô hình kinh tế tuần hoàn khâu thiết kế ban đầu sẽ gặp nhiều khó khăn, cần có chuyên gia giỏi, trình độ chuyên môn sâu và thiết kế phù hợp. Trong khi hiện nay, hầu hết doanh nghiệp chưa có đào tạo chuyên môn cho lĩnh vực thiết kế mô hình kinh tế tuần hoàn. Việc chuyển sang mô hình kinh tế tuần hoàn đỏi hỏi phải thiết kế lại, đầu tư để đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất để nâng cao chất lượng kéo dài vòng đời sản phẩm, thu hồi chất thải… Điều này đặt ra yêu cầu cần phải có nguồn vốn đầu tư phù hợp cho sự chuyển đôi mô hình của doanh nghiệp...

Vấn đề chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn bên cạnh những thuận lợi doanh nghiệp cũng gặp phải khó khăn nhất định, phải xác định được các yếu tố tác động bên trong và bên ngoài. Để thực hiện tiếp cận mô hình kinh tế tuần hoàn doanh nghiệp cần có những tính toán và mở rộng kết nối để thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn hiệu quả, nhất là chi phí - lợi ích và tiêu thụ sản phẩm của mô hình kinh tế tuần hoàn, cùng với đó là truyền thông nâng cao hình ảnh của doanh nghiệp.

Theo đó, doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội để đổi mới hoạt động kinh doanh dựa trên những lợi thế cũng như khó khăn cần khắc phục. Bởi chỉ doanh nghiệp mới hiểu rõ để chủ động chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn, phát huy thế mạnh nội sinh và tận dụng ngoại sinh. Việc chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn đòi hỏi doanh nghiệp phải phân tích chi phí - lợi ích của mô hình trước và sau khi chuyển đổi để có quyết định xem việc chuyển đổi đó sinh lời cho doanh nghiệp bao nhiêu? từ đó có những quyết định phù hợp.

Vấn đề kết nối doanh nghiệp và tìm kiếm cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp khác, nhất là với doanh nghiệp có mối liên hệ về sử dụng chất thải đầu ra làm nguyên vật liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Đồng thời, cần xác định rõ thị trường đầu ra sản phẩm của doanh nghiệp thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn gồm thị trường trong nước và thị trường ngoài nước, đồng thời đẩy mạnh truyền thông chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn của doanh nghiệp để xã hội hiểu và ủng hộ, nhất là với doanh nghiệp trước đây gây ra những bức xúc cho xã hội, tạo nên hình ảnh mới của doanh nghiệp từ "nâu" sang "xanh" dựa trên lợi ích tổng thể mang lại kinh tế - xã hội và môi trường của doanh nghiệp từ mô hình kinh tế tuần hoàn.

Những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam

Trước đó, Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường từng đưa tin “Những thách thức, khó khăn nào trong thực hiện kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam?”, trong đó có nêu vấn đề về những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Cụ thể, mặc dù có những thuận lợi để chuyển đổi sang KTTH nhưng đối chiếu với thực tiễn cho thấy, Việt Nam còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần phải tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện. Dưới đây là một số điểm khó khăn, vướng mắc được bài viết tổng hợp:

+ Tư duy hệ thống trong hoạch định, điều hành chính sách, pháp luật và thực tiễn sản xuất, kinh doanh chưa đồng bộ, hiệu quả. Tiếp cận hệ thống là chìa khóa của KTTH, KTTH đòi hỏi từ các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, các chủ dự án đầu tư, chủ cơ sở sản xuất kinh doanh phải tư duy lại về cách thức phát triển, phương thức phối hợp, điều hành đến thiết kế sản phẩm, quy trình phân phối hàng hóa. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy việc chưa đồng bộ trong hệ thống chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, sự phối hợp chưa hiệu quả giữa các cấp, các ngành còn hạn chế; tư duy liên ngành, liên vùng trong xây dựng, phê duyệt các quy hoạch, kế hoạch phát triển; quản lý, tái chế, tái sử dụng chất thải còn chưa đồng bộ, hiệu quả.

+ Tính hiệu lực, hiệu quả của các quy định pháp luật còn hạn chế, môi trường chưa thực sự được xem là trung tâm của các quyết định phát triển, các yếu tố và giá trị của môi trường chưa được cân nhắc đầy đủ trong quá trình hoạch định, thẩm định các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án. Việt Nam đã và đang hình thành được một hệ thống công cụ chính sách khá toàn diện so với thế giới để thúc đẩy chuyển đổi sang KTTH, đặc biệt là trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, như công cụ kinh tế, truyền thông & giáo dục, các biện pháp mệnh lệnh hành chính. Tuy nhiên, kiểm nghiệm thực tiễn cho thấy việc triển khai thực thi các văn bản, quy định pháp luật còn có một khoảng cách khá xa, nhiều đơn vị, tổ chức chưa thực sự nghiêm túc và chủ động trong việc tuyên truyền, triển khai các quy định pháp luật, biện pháp chính sách đã có.

+ Các tổ chức, cá nhân sản xuất và cá nhân sản xuất - kinh doanh vẫn lấy mục tiêu ngắn hạn về lợi nhuận mà chưa cân nhắc đến các lợi ích lâu dài, bền vững trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Chưa tạo ra được những động lực đột phá để huy động nguồn lực, đặc biệt là khu vực ngoài Nhà nước. Chính vì vậy, nhiều tổ chức cá nhân bất chấp các quy định về môi trường để giảm thiểu chi phí ngắn hạn, tình trạng vi phạm pháp luật về môi trường gia tăng. Gần đây, một số doanh nghiệp có ý định thực hiện KTTH nhưng động lực xuất phát từ việc hưởng các ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước mà chưa xem xét trên cơ sở lợi ích kinh tế, trách nhiệm xã hội của mình.

+ Thị trường các lĩnh vực hàng hóa và dịch vụ môi trường, sản phẩm thân thiện với môi trường, sản phẩm tái chế chưa thực sự được quan tâm, hỗ trợ để vận hành đồng bộ với xu hướng của thế giới. Một trong những nguyên nhân là chưa có đầy đủ bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về sản phẩm, hàng hóa và chất thải để làm căn cứ áp dụng các biện pháp của KTTH, xem chất thải là tài nguyên dẫn đến chưa hình thành được thị trường nguyên liệu, nhiên liệu thứ cấp.

+ Vai trò của Nhà nước trong tạo dựng, hỗ trợ phát triển, điều tiết thị trường và hành vi của các chủ thể thị trường để hướng đến mục tiêu khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, thúc đẩy hoạt động sản xuất và tiêu dùng các hàng hóa và dịch vụ môi trường, sản phẩm thân thiện môi trường còn yếu.

+ Một số công cụ chính sách chưa đồng bộ, thống nhất để điều tiết hiệu quả hành vi của các chủ thể về các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên theo hướng minh bạch, công bằng, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững trong nền kinh tế chưa đầy đủ; chưa tạo ra các áp lực tài chính và động lực để thúc đẩy đổi mới công nghệ, nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, người tiêu dùng nhằm thực hiện các mục tiêu của KTTH.

+ Hệ thống tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực, hệ thống thông tin, dữ liệu và cơ chế kiểm tra, giám sát việc triển khai, áp dụng KTTH chưa được hình thành. Đặc biệt, hiện nay sự vào cuộc của khá nhiều các bộ, ngành, hiệp hội, trường đại học, viện nghiên cứu về chủ đề này nhưng lại đang thiếu một cơ quan có vai trò hướng dẫn, điều phối việc triển khai, thực thi KTTH đúng bản chất, đồng bộ.

+ Hành vi của người sản xuất, người tiêu dùng theo hướng thân thiện với môi trường còn chưa phổ biến. Sản xuất sạch, sản xuất có trách nhiệm, tiêu dùng sạch, tiêu dùng bền vững vẫn là khái niệm được nêu trong các định hướng chính sách, văn bản pháp luật mà chưa phổ biến áp dụng trên thực tế.

+ Nguồn lực tài chính cho thực hiện việc chuyển đổi sang KTTH đòi hỏi rất lớn nhưng thực tiễn lại chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác huy động các nguồn lực từ xã hội chưa hiệu quả. Cơ chế chính sách ưu đãi về đầu tư trong xử lý chất thải rắn đã được thể chế hóa nhưng thực tiễn triển khai áp dụng còn nhiều khó khăn do việc tiếp cận các nguồn vốn vay còn quá nhiều hạn chế, chưa thực sự khuyến khích các thành phần kinh tế tư nhân, tập thể tham gia.

+Cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ quản lý môi trường còn hạn chế; chưa đáp ứng yêu cầu, công nghệ sản xuất còn lạc hậu. Công nghệ thu gom, xử lý, tái chế, tái sử dụng chất thải còn thiếu đồng bộ, chủ yếu vẫn là chôn lấp. Vị trí của Việt Nam về mức độ sẵn sàng cho Cách mạng công nghiệp 4.0 so với các nước trong khu vực và trên thế giới còn khá thấp (Bảng 6). Bên cạnh đó, quy mô sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ, manh mún của các hộ gia đình, doanh nghiệp chưa chuyển biến để đáp ứng việc đầu tư công nghệ cao cho quá trình phục vụ KTTH.

Phát triển KTTH là giải pháp tất yếu để nâng cao chất lượng tăng trưởng, cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia, bảo đảm sản xuất và tiêu dùng bền vững; góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo; là hạt nhân để thực hiện chủ trương phân bổ, quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường cho phát triển bền vững trong bối cảnh của thiên tai, dịch bệnh và biến đổi khí hậu.

Huyền Diệu

Bạn đang đọc bài viết Kinh tế tuần hoàn đang là xu hướng phát triển bền vững chung toàn cầu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới