Chủ nhật, 24/11/2024 07:05 (GMT+7)
Thứ ba, 12/07/2022 06:55 (GMT+7)

Kinh tế Việt Nam phục hồi ấn tượng giữa thách thức

Theo dõi KTMT trên

Nền kinh tế Việt Nam đang lấy lại đà tăng trưởng với nhiều ngành, lĩnh vực khởi sắc. Chỉ nửa đầu năm, Việt Nam đón 602.000 lượt khách quốc tế, gấp 6,8 lần so với cùng kỳ năm trước.

Vượt qua thách thức một cách ấn tượng

Mới đây, Bộ phận nghiên cứu của Ngân hàng HSBC Việt Nam vừa công bố báo cáo nhận định kinh tế Việt Nam 2022 và đưa ra dự báo Việt Nam là một trong những quốc gia tăng trưởng nhanh nhất khu vực trong năm nay.

Chuyên gia HSBC nhận định Việt Nam là quốc gia hiếm hoi duy trì được tăng trưởng hai năm liên tiếp kể từ khi xảy ra đại dịch và hiện đang được coi là điểm sáng trong khu vực do tiềm năng phát triển kinh tế vững vàng và khả năng phục hồi nhanh sau Covid-19. Chuyên gia HSBC chỉ ra cũng giống như tình hình chung trên thế giới, năm 2022 của Việt Nam đã khởi đầu bằng những bước đi vững chắc. Kiên trì theo đuổi chiến lược “sống chung với virus,” Việt Nam triển khai chương trình tiêm chủng thần tốc và gỡ bỏ dần các biện pháp phòng dịch giúp phục hồi nhu cầu mua sắm trong nước, bức tranh tiêu dùng nội địa khởi sắc trở lại.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm đã tăng lên 11,7% so với cùng kỳ năm trước. Sản xuất công nghiệp tiếp tục đà tăng trưởng vững chắc với tốc độ 8,48% toàn ngành so cùng kỳ năm 2021, trong đó linh kiện điện thoại tăng 22,2%. Chỉ số PMI ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng từ 51,7 điểm trong tháng Tư lên 54,7 điểm trong tháng Năm, mức cao nhất trong 12 tháng qua, trước khi lùi một chút về 54 điểm trong tháng Sáu.

Kinh tế Việt Nam phục hồi ấn tượng giữa thách thức - Ảnh 1
Kinh tế Việt Nam phục hồi ấn tượng giữa thách thức. (Ảnh minh họa)

Nhờ nguồn FDI ổn định trong nhiều năm đổ vào ngành sản xuất công nghệ, Việt Nam đã vươn mình rở thành một công xưởng sản xuất của thế giới. Mặc dù có lúc đại dịch đã khiến sản xuất tạm thời gián đoạn, sự quan tâm dành cho Việt Nam vẫn duy trì ở mức cao. Cụ thể, Samsung đã quyết định xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển lớn nhất của tập đoàn tại khu vực Đông Nam Á trị giá 220 triệu USD tại Hà Nội và cũng đang có kế hoạch tiếp tục mở rộng nhà máy tại Bắc Ninh, Thái Nguyên. Apple đã chuyển 11 nhà máy của các doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) trong chuỗi cung ứng của hãng này sang Việt Nam...

Trong khi đó, tăng trưởng xuất khẩu 6 tháng đầu năm tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước. Các chỉ số đều tích cực góp phần đưa tăng trưởng GDP quý 2 đạt 7,72% so với cùng kỳ năm trước, đưa tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm lên 6,42%.

Tăng trưởng tín dụng của Việt Nam tính đến thời điểm 30/6 đạt 9,35%, cao hơn nhiều so với con số cùng kỳ năm trước. So với mục tiêu 14% của Ngân hàng Nhà nước, hạn mức tín dụng cho toàn hệ thống vẫn còn. Ngân hàng Nhà nước vẫn theo dõi sát sao thị trường và có thể điều chỉnh trong nửa cuối năm 2022 với định hướng điều hành theo hướng ổn định, linh hoạt phù hợp điều kiện thực tế, mục tiêu quan trọng nhất là cung cấp đủ vốn cho kinh tế tăng trưởng nhưng vẫn phải kiểm soát hiệu quả lạm phát.

Ông Ngô Đăng Khoa-Giám đốc toàn quốc Khối ngoại hối, thị trường vốn và dịch vụ chứng khoán, HSBC Việt Nam nhận định: “Chúng tôi đặc biệt hoan nghênh những hỗ trợ của nhà nước đối với khối doanh nghiệp như chương trình cấp bù lãi suất 2% nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp, phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh khi Việt Nam mở cửa trở lại, nhờ vậy cũng thúc đẩy kinh tế phục hồi và phát triển.”  

Bên cạnh đó, trong 6 tháng đầu năm, cả nước có 76.200 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước và gần 40.700 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 55,6%. Bình quân một tháng có 19.500 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động cho thấy tình hình bắt đầu khởi sắc và sôi nổi trở lại.

Đặc biệt, việc mở cửa hoàn toàn từ giữa tháng Ba đóng vai trò hết sức quan trọng với sự phục hồi của ngành dịch vụ. Nửa đầu năm, Việt Nam đón 602.000 lượt khách quốc tế, gấp 6,8 lần so với cùng kỳ năm trước, cũng là dấu hiệu đáng mừng.

Tất cả các dấu hiệu đều cho thấy Việt Nam đang trên đà phục hồi ổn định, vững vàng. HSBC đã nâng dự báo tăng trưởng cả năm 2022 lên 6,9% (từ 6,2% và 6.6%), nhiều khả năng tốc độ tăng trưởng của Việt Nam sẽ dẫn đầu khu vực.

Rủi ro lạm phát luôn rình rập

Cũng theo ông Khoa, mặc dù tình hình nhìn chung có vẻ lạc quan, song các yếu tố cản trở tăng trưởng vẫn còn đó. Cụ thể, Việt Nam đang gặp một loạt thách thức trong bối cảnh giá nhiên liệu thế giới tăng cao. Điều đó sẽ khiến chi phí nhiên liệu tăng, ảnh hưởng xấu đến cán cân thương mại của Việt Nam.

“Chúng tôi đánh giá xu hướng này sẽ còn tiếp diễn, tạo áp lực ngược lại lên lạm phát. Mặc dù chi phí năng lượng cao, lạm phát thực phẩm ở mức độ vừa phải, sản xuất trong nước tương đối ổn định giúp kìm hãm lạm phát toàn phần,” chuyên gia HSBC nhận định.

Bên cạnh đó, chuyên gia HSBC cho rằng Việt Nam cần hết sức lưu ý những "cơn gió ngược chiều" cản trở tăng trưởng thương mại đang mạnh dần lên. Một mặt, tiêu dùng thế giới đang dịch chuyển từ hàng hóa sang dịch vụ. Mặt khác, gián đoạn chuỗi cung ứng ở Trung Quốc khiến các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam gặp ngày càng nhiều khó khăn trong việc đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào phục vụ cho hoạt động xuất khẩu trong tương lai. Đây chính là những yếu tố khiến tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam khó có khả năng duy trì đà tăng trưởng vững mạnh như hiện nay.

Ngoài ra, mặc dù Chính phủ đã triển khai tích cực các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng từ dịch Covid-19 giúp đảm bảo an sinh xã hội, nhưng lạm phát gia tăng sẽ khiến việc phục hồi cuộc sống diễn ra không đồng đều. Các hộ gia đình thu nhập thấp sẽ chịu ảnh hưởng nặng hơn khiến tình hình bất bình đẳng trở nên nghiêm trọng hơn trong ngắn hạn.

Ngoài ra, theo đánh giá của HSBC, năm nay dự báo du lịch Việt Nam phục hồi vẫn còn chậm. Dịch Covid-19 là một nguyên nhân khiến du khách quốc tế hình thành tâm lý e ngại đi nước ngoài, cộng thêm tình hình vật giá leo thang ảnh hưởng đến chi tiêu dành cho du lịch của người dân nhiều nước trên thế giới. Một nguyên nhân khác là tình hình căng thẳng ở Nga và chiến lược “zero COVID” của Trung Quốc, hai thị trường cung cấp nguồn khách du lịch lớn của Việt Nam, ảnh hưởng nghiêm trọng sự phục hồi ngành du lịch Việt Nam.

Cũng cho ý kiến về vấn đề này, theo TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong 6 tháng cuối năm phụ thuộc chủ yếu vào sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, cầu trong nước và đầu tư công. Tuy nhiên, các yếu tố này đều phải đối mặt một số thách thức nhất định.

Theo đó, sản xuất công nghiệp và xuất khẩu sẽ chịu nhiều áp lực từ lạm phát cũng như những biện pháp thắt chặt tiền tệ. Sức cầu trong nước có thể vẫn trên đà hồi phục, song lạm phát hiện hữu cũng khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều rủi ro; chi phí tăng cao khiến một loạt lĩnh vực như chăn nuôi, đánh bắt, vận tải… chật vật duy trì.

Bên cạnh đó, việc chậm trễ triển khai các chương trình hỗ trợ phục hồi và giải ngân đầu tư công không đạt tiến độ khiến chi phí gia tăng trong khi tác động kỳ vọng ban đầu sẽ giảm đi rõ rệt.

“Cần tiếp tục chính sách sống chung với Covid-19 nhưng không chủ quan. Bên cạnh đó, cần lưu ý các biến động trên thế giới nói chung và sự suy giảm kinh tế Trung Quốc sẽ ảnh hưởng khá trực tiếp đến Việt Nam. Đồng thời, các phản ứng chính sách nên chăng cần sớm được công bố và có lộ trình, tránh đột ngột, can thiệp quá nhanh và mạnh bằng các biện pháp hành chính gây sốc cho thị trường và niềm tin vào môi trường kinh doanh. Có như vậy mới bảo đảm sự phục hồi bền vững, vừa kiểm soát được các lĩnh vực tăng trưởng nóng, nhưng cũng không tạo ra các rủi ro đổ vỡ thị trường, tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu và đổ vỡ hệ thống tài chính”, ông Việt nhấn mạnh.

TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia dự báo, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục đà phục hồi nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh và các hoạt động kinh tế - xã hội tiếp tục khởi sắc. Tuy nhiên, cần triển khai đồng bộ và quyết liệt Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để duy trì đà tăng trưởng tích cực trong thời gian tới.

Đồng thời, theo ông Lực, cần kiên trì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát với chính sách tài khóa chặt chẽ, thích ứng và chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt và nâng cao hiệu quả phối hợp chính sách. Quyết liệt, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, nhất là đối với các dự án trọng điểm, có tính lan tỏa cao, đầu tư hạ tầng giúp tăng năng lực phục hồi trước mắt và động lực phát triển bền vững lâu dài.

Hà Lan

Bạn đang đọc bài viết Kinh tế Việt Nam phục hồi ấn tượng giữa thách thức. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới