Chủ nhật, 24/11/2024 05:38 (GMT+7)
Thứ ba, 21/12/2021 11:00 (GMT+7)

[Kỳ 2] Những 'sứ mệnh' của Trung tâm Triển lãm Giảng Võ từ ngày được 'khai sinh'

Theo dõi KTMT trên

Từ năm 1996 đến 1999, mỗi năm Trung tâm Triển lãm Giảng Võ tổ chức 14 đến 15 triển lãm, trong đó có tới 9 triển lãm có các cơ sở nước ngoài tham gia.

Tiếp nội dung [Kỳ 1] Trung tâm triển lãm Giảng Võ - Nhớ và suy ngẫm về ký ức qua một vài sự kiện, tôi xin bày tỏ những suy ngẫm về sự kiện này thông qua phân tích những gì thu thập được trên các phương tiện đại chúng, mạng xã hội có nguồn gốc rõ ràng. Tôi không có ý đồ tìm giải đáp cho tất cả câu hỏi trên vì (1). Nó quá nhiều; (2). Không có đủ thông tin; (3). Nhiều câu hỏi rất phức tạp, có phần nhạy cảm, không dễ trả lời đến ngọn nguồn. Tuy nhiên, tôi vẫn muốn tự mình lập luận và tìm minh chứng để có thể lý giải phần nào những vấn đề nêu trên.

Về hoạt động, lợi ích mang lại của Trung tâm Hội chợ Triển lãm Giảng Võ (sau đây viết tắt là TTTL Giảng Võ).

Tìm trên mạng, cuối cùng tôi cũng thấy một bài đăng [1] cho thấy :

Tiền thân Triển lãm Giảng Võ là cái tên Khu Triển lãm Giảng Võ, được thành lập năm 1974 với nhiệm vụ tổ chức triển lãm thành tựu KT-KT của Việt Nam, cũng như các dự kiện văn hóa, xã hội của Thủ đô. Triển lãm Giảng Võ đã trải qua hơn 40 năm cùng với sự phát triển của đất nước, với các tên được gọi: Khu Triển lãm Giảng Võ (1974-1978), Khu Triển lãm Trung ương (1979-1982), Trung tâm Triển lãm thành tựu Kinh tế Kỹ thuật Việt Nam (1982-1985), Trung tâm Triển lãm Giảng Võ (1985-1989), và từ ngày 18/1/1989 mang tên Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (VEFAC)”.

Trong một bài đăng khác [2] đã nêu rõ: "VEFAC được thành lập theo Quyết định 06/HĐBT ngày 18/1/1989 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) là đơn vị thuộc Bộ Văn hóa - Thông tin. Hoạt động theo phương thức lấy thu bù chi”. Như vậy, có thể thấy, từ khi thành lập, VEFAC đã được hoạt động khác hẳn thời kỳ trước khi mà kinh phí tổ chức triển lãm đều từ ngân sách Nhà nước.

Bài viết này còn cho biết hoạt động của VEFAC qua các thời kỳ khác nhau, theo đó ý tưởng xây dựng khu triển lãm có từ 1962 nhưng do cả nước phải tập trung cho cuộc chiến tranh chống Mỹ nên chưa thực hiện được. Ngay sau giải phóng Miền Nam, nhân dịp ngày 2/9/1975 đã có cuộc triển lãm lớn đầu tiên tại Giảng Võ với chủ đề: 30 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và để chào mừng tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung cả nước, mừng thống nhất đất nước đã có triển lãm Nước Việt Nam là một. Tiếp đến, sau khi đuổi hết quân xâm lược Trung Quốc ra khỏi biên giới phía Bắc, tại Giảng Võ đã có triển lãm Chiến thắng Trung Quốc xâm lược, ca ngợi, phản ánh cuộc chiến đấu anh dũng của quân và dân ta chống lại bọn bành trướng phương Bắc.

Như vậy, trong giai đoạn 1975 - 1981, hoạt động triển lãm chủ yếu mang tính chính trị, nhằm tuyên truyền, biểu dương những thắng lợi to lớn của dân tộc, ca ngợi những chiến công, thành công của nhiều đơn vị, tầng lớp nhân dân trong cả nước.

Năm 1982 được coi là năm có chuyển biến khá rõ mục tiêu triển lãm, sang cả các lĩnh vực khác, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế. Ngoài tuyên truyền, biểu dương những thành tích, thắng lợi, triển lãm còn tạo điều kiện cho các ngành, các địa phương và khách quốc tế đến trưng bày, quảng cáo, giao dịch, ký kết hợp đồng kinh tế. Chính vì vậy, Trung tâm triển lãm Giảng Võ được đổi tên thành Trung tâm Triển lãm thành tựu kinh tế kỹ thuật Việt Nam. Thời kỳ này đã có nhiều triển lãm thường xuyên theo các chu kỳ một hai năm như: Triển lãm Thành tựu kinh tế kỹ thuật Việt Nam lần thứ nhất (1982), lần thứ hai 1/11/1982 đến 15/2/1983 hay Triển lãm Kinh tế Kỹ thuật Việt Nam lần thứ nhất, thứ 2, thứ 3 và thứ 4. Ngoài ra còn có các triển lãm chuyên đề như “40 năm bảo vệ chính quyền cách mạng”; “Hội chợ triển lãm Hà Nội” kỷ niệm 30 năm giải phóng Thủ đô; “Triển lãm Quốc gia Liên Xô” kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Mười và nhiều cuộc triển lãm khác được tổ chức ở TTTL Giảng Võ. 

Có thể thấy, các cuộc triển lãm này đã góp phần thúc đẩy các phong trào thi đua cải tiến kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm, duy trì các mặt hàng, ngành nghề truyền thống, đẩy mạnh xuất khẩu. Triển lãm cũng đã góp phần tạo ra nhiều việc làm, cả trực tiếp (trong khu triển lãm) và cung cấp dịch vụ (ăn, nghỉ, sinh hoạt,... cho khách, đặc biệt là khách ở xa đến) quanh khu triển lãm.

Nếu như năm 1982 được coi là năm có chuyển biến khá rõ mục tiêu triển lãm thì năm 1989 được coi là năm triển lãm trở thành dịch vụ cho cả Nhà nước và các thành phần kinh tế, tổ chức chính trị, nghĩa là TTTL Giảng Võ (VEFAC) có quyền thu kinh phí để tổ chức triển lãm. Không những thế, sau khi hạch toán kinh doanh trung tâm còn phải đóng các khoản thuế cho Nhà nước.

Với phương thức hoạt động mới này, VEFAC nhanh chóng trở thành doanh nghiệp Nhà nước hạch toán kinh tế độc lập (vào năm 1995), có chức năng như một công cụ nhằm thông qua tổ chức triển lãm để phục vụ giai đoạn phát triển mới, giai đoạn “Đổi mới” của đất nước.

Với cơ chế, phương thức hoạt động “thoáng”, cởi mở như vậy, trong vòng 10 năm, từ 1990 đến 1999 số lần tổ chức triển lãm cũng như số lần tổ chức có yếu tố quốc tế tham gia đều tăng. Từ năm 1996 đến 1999, mỗi năm tổ chức 14 đến 15 triển lãm, trong đó có tới 9 triển lãm có các cơ sở nước ngoài tham gia.

Điển hình là triển lãm “Hàng công nghiệp”, được tổ chức hàng năm, liên tục từ 1995 đến 1999 và “Hội chợ xuân” vào các dịp Tết các năm 1994 - 1999.

Trong giai đoạn 2000 đến 2015, năm tiến hành cổ phần hóa VEFAC hoạt động của VEFAC vẫn diễn ra khá mạnh mẽ. Để làm ví dụ, xin dẫn ra đây danh mục Hộichợ triển lãm năm 2010 đăng ký diễn ra tại Giảng Võ do Tạp chí Công Thương đăng tải ngày 13/5/2010 [3]:

  1. Hội chợ Xuân 2010, Nhà A1,A3, D, ngoài trời Trung tâm hội chợ triển lãm Việt Nam, từ 2/2 - 12/2/2010.
  2. Hội chợ làm đẹp: Mỹ phẩm - thời trang & quà tặng, Nhà A1, A3 - Trung tâm hội chợ triển lãm Việt Nam, 148 Giảng Võ, HN, từ 1/3 - 8/3/2010.
  3. Hội chợ triển lãm "Hàng nông sản và sản phẩm làng nghề phía Bắc"
    Nhà A1 - Trung tâm hội chợ triển lãm Việt Nam - 148 đường Giảng Võ, HN, từ 21/3 - 25/3/2010.
  4. Hội chợ thương mại quốc tế Việt Nam lần thứ 20 – VIETNAM EXPO 2010, Nhà A1, A3, ngoài trời – Trung tâm hội chợ triển lãm Việt Nam, từ 14/4 - 17/4/2010.
  5. Hội chợ quốc tế nhà ở - vật liệu & trang thiết bị nội ngoại thất Việt Nam 2010 - Vietnam Home Living 2010, Nhà D – Trung tâm hội chợ triển lãm Việt Nam, từ 14/4 - 17/4/2010.
  6. Hội chợ khuyến mại lần thứ XVI-2010, Nhà A1 - Trung tâm hội chợ triển lãm Việt Nam – 148 Giảng Võ, Hà Nội, Từ 28/4 - 03/5/2010.
  7. Hội chợ triển lãm quốc tế về công nghệ môi trường lần thứ 5 (ENVIROTEX 2010), Nhà A1- Trung tâm hội chợ triển lãm Việt Nam - 148 đường Giảng Võ, HN, từ 21/4 - 24/4/2010.
  8. Triển lãm quốc tế Xây dựng - Vật liệu xây dựng - Bất động sản và trang trí nội ngoại thất - Vietbuid Hanoi 2010, Nhà A1, A3, D, ngoài trời - Trung tâm hội chợ triển lãm Việt Nam, từ 1/4 - 5/4/2010.
  9. Năng lượng hiệu quả - môi trường Hà Nội - Entech Hanoi 2010,
    Nhà A1 - Trung tâm hội chợ triển lãm Việt Nam – 148 Giảng Võ, Hà Nội, từ 27/5 - 30/5/2010.
  10. Hội chợ triển lãm sản phẩm, dịch vụ dành cho bé (VIETCHILD 2010), Nhà A3- Trung tâm hội chợ triển lãm Việt Nam - 148 đường Giảng Võ, HN, từ 28/5 - 2/6/2010.
  11. Triển lãm và hội thảo quốc tế lần thứ 6 về phương tiện giao thông và công nghiệp phụ trợ (The 6th Vietnam International Automobile & Supporting Industries Exhibition and Conference - Vietnam AutoExpo 2010), Nhà A1, A3, ngoài trời – Trung tâm hội chợ triển lãm Việt Nam, từ 9/6 - 12/6/2010.
  12. Triển lãm quốc tế chuyên ngành xây dựng - vật liệu xây dựng và nội thất 2010, Nhà A1 - Trung tâm hội chợ triển lãm Việt Nam – 148 Giảng Võ, Hà Nội, từ 28/7 - 1/8/2010.
  13. Triển lãm quốc tế lần thứ 3 về công nghệ và thiết bị Điện Việt Nam 2010 (The 3rd Vietnam International Electrical Technology and Equipment Exhibition 2010 - Vietnam ETE 2010), Nhà A1, ngoài trời – Trung tâm hội chợ triển lãm Việt Nam, từ 21/7 - 24/7/2010.
  14. Hội chợ quốc tế Hà Nội, Nhà A1, A3, D – Trung tâm hội chợ triển lãm Việt Nam, từ 29/8 - 4/9/2010.
  15. Triển lãm hội chợ "Hàng Việt Nam xưa và nay với hội nhập", Tất cả các nhà triển lãm và sân ngoài trời - Trung tâm hội chợ triển lãm Việt Nam - 148 đường Giảng Võ, HN, từ 22/8 - 26/8/2010.
  16. Triển lãm quốc tế Công nghiệp Y dược và thiết bị y tế - MEDPHARM 2010, Nhà A3 - Trung tâm hội chợ triển lãm Việt Nam – 148 Giảng Võ, Hà Nội, từ 20/9 - 24/9/2010
  17. Hội chợ triển lãm quốc tế tự động hóa - đo lường - điều khiển lần thứ 9 (AUTOMA VIETNAM 2010), Nhà A1- Trung tâm hội chợ triển lãm Việt Nam - 148 đường Giảng Võ, HN, từ 30/9 - 3/10/2010
  18. Triển lãm 65 năm thành tựu kinh tế xã hội, Nhà A1, A3, D – Trung tâm hội chợ triển lãm Việt Nam, từ 8/10 - 13/10/2010.
  19. Hội chợ quốc tế hàng công nghiệp Việt Nam 2010, Nhà A1, A3, D, ngoài trời – Trung tâm hội chợ triển lãm Việt Nam, Từ 19/10 - 23/10/2010.
  20. Tuần lễ tin học Việt Nam lần thứ 18 và triển lãm công nghệ thông tin - truyền thông 2010 (IT Week 18 - Computer Expo 2010), Nhà A1- Trung tâm hội chợ triển lãm Việt Nam - 148 đường Giảng Võ, HN, từ 29/10 - 1/11/2010.
  21. Triển lãm quốc tế chuyên ngành y dược thường niên lần thứ 17, Nhà A1 – Trung tâm hội chợ triển lãm Việt Nam, từ 10/11 - 13/11/2010.
  22. Triển lãm quốc tế trang thiết bị y tế và thí nghiệm Việt Nam 2010, Nhà A1 – Trung tâm hội chợ triển lãm Việt Nam, từ 10/11 - 13/11/2010.
  23. Triển lãm quốc tế dược phẩm và máy móc chế biến dược phẩm Việt Nam 2010, Nhà A1 – Trung tâm hội chợ triển lãm Việt Nam, từ 10/11 - 13/11/2010.
  24. Triển lãm quốc tế Bệnh viện và trang thiết bị bệnh viện 2010, Nhà A1 – Trung tâm hội chợ triển lãm Việt Nam, từ 10/11 - 13/11/2010. 
  25. Hội chợ món ngon Việt Nam - Vietnamese Delicious Food Trade Fair, Nhà D – Trung tâm hội chợ triển lãm Việt Nam, từ 11/11 - 14/11/2010.
  26. Hội chợ thời trang Việt Nam 2009, Nhà A1, D – Trung tâm hội chợ triển lãm Việt Nam, từ 20/12 - 26/12/2010.
  27. Hội chợ khuyến mại lần thứ XVIII-2010, Nhà A1 - Trung tâm hội chợ triển lãm Việt Nam – 148 Giảng Võ, Hà Nội, từ 28/12/2010 - 04/01/2011.
  28. Triển lãm quốc tế chuyên ngành Điện - Điện tử - Trang thiết bị âm thanh ánh sáng (VIEL’S 2010), Nhà A3 - Trung tâm hội chợ triển lãm Việt Nam – 148 Giảng Võ, Hà Nội, từ 10/12 - 14/12/2010.
  29. Ngày hội công nghệ thông tin Thủ đô lần thứ hai, Nhà A3- Trung tâm hội chợ triển lãm Việt Nam – 148 Giảng Võ, Hà Nội, từ 10/12 - 14/12/2010.
  30. Triển lãm điện tử, công nghệ thông tin và truyền thông 2010, Nhà A1- Trung tâm hội chợ triển lãm Việt Nam - 148 đường Giảng Võ, HN, Từ 10/12 - 13/12/2010.

Dấu ấn của các triển lãm, các sự kện diễn ra tại Khu triển lãm Giảng Vó được rất nhiều bài báo đăng tải, điển hình là bài đăng trên trang mạng của Hội Kiến trúc sư Việt Nam ngày 9/6/2016 [4] đã có nhiều hình ảnh minh họa rất đáng ghi nhận.

Mở đầu bài viết thể hiện một sự tiếc nuối nhất định: “Sau hơn 40 năm tồn tại, công trình Triển lãm Giảng Võ đã chính thức dừng hoạt động vào đầu năm 2016. Tổ hợp Trung tâm Thương mại, vui chơi, giải trí mới trên khu đất 7 ha này được khởi công xây dựng vào tháng Bảy vừa qua. Cùng kienviet.net nhìn lại những hình ảnh cuối cùng của Cung Triển lãm lâu đời này”. Như vậy, có thể coi năm 2016 là năm phá dỡ Trung tâm Triển lãm Giảng Võ. Sau đây là một số hình ảnh trích từ bài viết này:

[Kỳ 2] Những 'sứ mệnh' của Trung tâm Triển lãm Giảng Võ từ ngày được 'khai sinh' - Ảnh 1
Hội chợ Xuân tổ chức vào dịp Tết Nguyên đán.
[Kỳ 2] Những 'sứ mệnh' của Trung tâm Triển lãm Giảng Võ từ ngày được 'khai sinh' - Ảnh 2
Hội chợ Thương mại Quốc tế Việt Nam EXPO.
[Kỳ 2] Những 'sứ mệnh' của Trung tâm Triển lãm Giảng Võ từ ngày được 'khai sinh' - Ảnh 3
Lễ hội hoa anh đào Nhật Bản.
[Kỳ 2] Những 'sứ mệnh' của Trung tâm Triển lãm Giảng Võ từ ngày được 'khai sinh' - Ảnh 4
Show “Đôi bàn tay thắp lửa” của Ban nhạc Bức tường.

Đối với những tín đồ yêu Rock, triển lãm Giảng Võ không chỉ là một “thánh địa âm nhạc” mà còn là nơi dừng chân ý nghĩa cho chuyến đi cuối cùng của người thủ lĩnh Trần Lập với show “Đôi bàn tay thắp lửa”.

Đáng chú ý, ngay cả trang mạng của Vinhome Galery [5] cũng có bài viết: Hoài niệm một thời Trung tâm Triển lãm Giãng Võ – Tuổi thơ gắn bó bao con người Hà Nội nơi đây! với nhiều thông tin về các hoạt động đa dạng nêu trên của Trung tâm Triển lãm Giảng Võ.

Bài báo này chỉ rõ lợi thế to lớn của Trung tâm triển lãm Giảng Võ: “Tọa lạc trên khu đất rộng tại trung tâm Thủ đô Hà Nội, sở hữu hệ thống cơ sở vật chất tương đối tốt gồm 3 nhà trưng bày (tổng diện tích gần 10.000 m2), 3 nhà hội thảo cùng hạ tầng hoàn chỉnh. Triển lãm Giảng Võ có thể tổ chức những cuộc triển lãm có quy mô tầm cỡ quốc tế hoặc cùng lúc tổ chức nhiều sự kiện khác nhau. Những năm trước đây, tại nơi này có nhiều triển lãm, hội chợ thương mại trong nước và quốc tế được tổ chức, là điểm đến yêu thích của đông đảo người dân Hà Nội và các vùng lân cận”.

Bài viết cũng đã đăng kèm nhiều hình ảnh minh họa, một trong đó là ảnh về Hội chợ Xuân 2016 và hình về bản đồ hiện trạng Trung tâm Triển lãm Giảng Võ dưới đây.

[Kỳ 2] Những 'sứ mệnh' của Trung tâm Triển lãm Giảng Võ từ ngày được 'khai sinh' - Ảnh 5
Hội chợ Xuân 2016.

                            

[Kỳ 2] Những 'sứ mệnh' của Trung tâm Triển lãm Giảng Võ từ ngày được 'khai sinh' - Ảnh 6
Sơ đồ mặt bằng Khu Triển lãm Giảng Võ.

Trong một bài viết mang tính tổng kết cả quảng thời gian hoạt động từ những ngày đầu với nhiều tên gọi khác nhau, VEFAC đã đánh giá về mình như sau:

Trải qua gần 40 năm xây dựng và phát triển, với nhiều lần thay đổi tên gọi để đáp ứng với nhiệm vụ qua từng thời kỳ của công cuộc xây dựng và phát triển đất nước nhưng cái tên “Triển lãm Giảng Võ” luôn là địa chỉ thân thuộc của mỗi người dân Hà Nội, Việt Nam và bạn bè quốc tế về các hoạt động: Văn hóa nghệ thuật truyền thống và hiện đại; Hội chợ; Triển lãm. Triển lãm Giảng Võ không chỉ là địa chỉ số 1 cho các hoạt động xúc tiến thương mại mà đã trở thành một thiết chế văn hóa của người dân Thủ đô.

Trong gần 40 năm xây dựng và phát triển, VEFAC đã tổ chức thành công hàng trăm sự kiện lớn như: Triển lãm thành tựu kinh tế – xã hội của Việt Nam (diễn ra định kỳ 5 năm một lần), triển lãm truyền thống về thành tựu của các ngành Văn hóa, Thể thao & Du lịch, Xây dựng, Thông tin & Truyền thông, Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc, SEAGAME, INDOORGAMES, Hội Thi Tay nghề ASEAN… các hội chợ thương mại thường niên như Hội chợ Quốc tế Hàng công nghiệp Việt Nam, Hội chợ Xuân, Hội chợ Thời trang Việt Nam, Hội chợ Thương mại Hà Nội… VEFAC cũng là đơn vị đại diện cho Việt Nam tham gia các cuộc Triển lãm thế giới như EXPO 2005 tại Aichi Nhật Bản, EXPO 2008 tại Zaragoza Tây Ban Nha, EXPO 2010 tại Thượng Hải Trung Quốc, EXPO 2012 tại Yeosu, Hàn Quốc và sắp tới là EXPO 2015 Milano – Italia và thu được kết quả rất thành công. VEFAC hiện có đại diện tại Tổ chức Triển lãm Thế giới (BIE)” [6].

Bản thân tôi cũng đã vinh dự tham gia ít nhất hai sự kiện với danh nghĩa là người phụ trách gian hàng tại Trung tâm Triển lãm Giảng Võ, đó là Triển lãm Môi trường diễn ra trong những ngày tháng 8 năm 1998 sôi động, cùng thời gian với việc ban hành Chỉ thị số 36/CT, văn kiện đầu tiên của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ môi trường. Lúc ấy Khoa Môi trường (có thể coi là khoa đầu tiên của Việt Nam đào tạo cử nhân môi trường) vừa mới được thành lập (vào tháng 10 năm 1995) cũng mạnh dạn đăng ký triển lãm, trưng bày, cung cấp những thông tin về mục tiêu đào tạo, chương trình đào tạo, tài liệu, thiết bị đào tạo,... lĩnh vực môi trường.

Tôi còn nhớ nhiều bạn học sinh, sinh viên đến thăm gian hàng, xin tài liệu và nghe giải đáp những câu hỏi như: Ngành môi trường đào tạo những chuyên sâu gì, đối tượng nghiên cứu gồm những gì, có khác với đối tượng nghiên cứu của địa lý, khí tượng, sinh học không,... Và rồi những năm ngay sau đó, sinh viên vào Khoa Môi trường tăng vọt, mỗi năm có trên 100 em vào học. Rõ ràng triển lãm đã giúp Khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội khi đó quảng bá rộng rãi thương hiệu của mình và có được những lứa sinh viên rất chất lượng.

Lần thứ hai tôi cũng được phụ trách một gian hàng của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội trong Chợ Công nghệ Techmart Hà Nội năm 2007. Nhà trường đã trưng bày nhiều công nghệ do các thầy, cô, sinh viên tạo ra có hàm lượng khoa học khá cao. Riêng tôi khi ấy cũng có một “công nghệ” nho nhỏ, đó là xử lý khí thải lò gạch thủ công vốn đang hoạt động rất nhiều ở Bắc Ninh, Hà Tây, Nam Định,... và đã gây những tác động tiêu cực đến sức khỏe và hoạt động nông nghiệp.

Công nghệ của chúng tôi được thiết kế trong khuôn khổ đề tài hợp tác quốc tế với Học viện Công nghệ châu Á và 4 Viện, Trường Đại học khác của Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Philippine do SIDA Thụy Điển tài trợ. Công nghệ của chúng tôi khá đơn giản, chỉ thiết kế hệ thống phun nước vôi để khử SO2, bụi và chất ô nhiễm khác trong ống khói lò gạch. Tôi còn nhớ khi ấy đo hiệu suất xử lý SO2 thì chưa đạt đến 60%, có người cho rằng như vậy quá thấp, có nên đưa ra không nhưng tôi vẫn mạnh dạn trình bày ở Hội thảo quốc tế và được các chuyên gia đánh giá là hệ thống có tính khả thi và hiệu suất có thể chấp nhận được. Kết quả đánh giá đã được trình bày trong một bài báo đăng trên tạp chí quốc tế.

Tôi nhớ rằng, sau đó có hai luồng ý kiến xử lý ô nhiễm của lò gạch thủ công: Một là cấm sản xuất và hai là cho sản xuất nhưng phải có hệ thống xử lý. Khi đó đã có những chủ lò gạch biết tôi có công nghệ này (có thể qua triển lãm hoặc qua thông tin đại chúng) nên đã liên hệ “mua” để áp dụng. Nếu cơ quan có thẩm quyền đồng ý cho sản xuất gạch bằng lò thủ công truyền thống với điều kiện có xử lý thì có thể tôi đã bán được công nghệ của mình và chắc đã “giàu to”. Bằng hai lần tham gia triển lám Giảng Võ tôi nhận thức được phần nào những lợi ích to lớn mà chúng mang lại cho đông đảo công chúng, doanh nghiệp.

Xem tiếp  Kỳ 3: Quá trình cổ phần hóa VEFAC diễn ra như thế nào?

GS.TS Hoàng Xuân Cơ

TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam 

Bạn đang đọc bài viết [Kỳ 2] Những 'sứ mệnh' của Trung tâm Triển lãm Giảng Võ từ ngày được 'khai sinh'. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Về mái trường xưa
Dịp kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, ngôi trường tiểu học quê tôi cũng tổ chức kỷ niệm 70 năm thành lập với bao xúc cảm của cậu học trò năm xưa nay tóc đã điểm bạc.

Tin mới