Chủ nhật, 24/11/2024 10:04 (GMT+7)
Thứ hai, 23/11/2020 11:00 (GMT+7)

Kỳ 3: 'Đốt rác phát điện - Không được coi phát điện là mục đích cuối cùng'

Theo dõi KTMT trên

Theo PGS.TS Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Nhiệt Việt Nam, công nghệ đốt rác phát điện chỉ tận dụng nhiệt sinh ra khi đốt rác để phát điện chứ không coi phát điện là mục đích cuối cùng mà bỏ qua vấn đề chính là xử lý tồn đọng rác.

Để làm rõ các vấn đề đặt ra đối với công nghệ đốt rác phát điện đang được quan tâm tại Việt Nam, phóng viên Kinh tế Môi trường đã có cuộc trao đổi với PGS. TS Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Nhiệt Việt Nam.

-Ông có thể chỉ ra những bất cập trong công tác vận hành nhà máy đốt rác phát điện tại Việt Nam hiện nay?

-Trong tất cả phát biểu liên quan đến việc xử lý rác đều nói rằng, so với chôn lấp thì đốt rác là một biện pháp tốt hơn, nó xử lý được tương đối triệt để khi không tạo rỉ rác, tránh mùi xú uế, côn trùng nguy hại không có môi trường sinh trưởng, phát triển, gây ra nhiều bệnh tật.

Kỳ 3: 'Đốt rác phát điện - Không được coi phát điện là mục đích cuối cùng' - Ảnh 1
PGS. TS Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Nhiệt Việt Nam.

Việc đốt rác là một hướng đi tương đối tốt. Hiện nay, công nghệ xử lý rác của thế giới chiếm tỉ lệ cao nhất vẫn là đốt, nhưng đó là rác đã được phân loại tại nguồn không có những chất có thể sinh ra Dioxin, Furan. Tại Việt Nam, rác không được phân loại, đặt vào buồng thứ cấp vô hình chung mất tác dụng phân hủy nhiệt, làm Dioxin thải ra ngoài gây độc hại cho môi trường xung quanh.

Cụ thể, nhiệt độ khử được Dioxin phải từ 1.200 độ C, sau đó giảm nhiệt độ để Dioxin không bị lặp lại cấu trúc, tuy nhiên khi Dioxin chưa được phân hủy thì việc đặt nồi hơi để thu nhiệt cũng không có tác dụng. Khí độc hại vẫn thoát ra ngoài, gây nhiều hệ lụy.

-Tỉ lệ lò đốt rác đáp ứng tiêu chuẩn của Việt Nam về nhiệt độ hiện nay là như thế nào, thưa ông?

-Cần lưu ý rằng, buồng thứ cấp chỉ có nhiệm vụ nâng nhiệt độ trong buồng lên. Nếu nhiệt độ không đạt sẽ phải phun dầu Diezen, nhưng loại dầu này đắt, nếu đốt thêm dầu thì tăng thêm chi phí nên việc vận hành rất hạn chế.

Đúng theo thiết kế thì lò nào cũng phải phun dầu để tăng nhiệt độ của buồng thứ cấp nhưng họ đã không làm như vậy. Do đó, hiệu quả phân hủy Dioxin cũng kém đi rất nhiều. Thêm vào đó, việc đặt nồi hơi để thu nhiệt sẽ làm giảm nhiệt độ hơn nữa, việc phân hủy Dioxin chưa thực hiện được thì việc giảm nhiệt độ để chống tái lập cũng không có hiệu quả.

Hầu như tình trạng này xảy ra ở hầu hết các lò đốt rác tại Việt Nam, chuyên gia, chủ lò biết việc này nhưng hầu như không lưu tâm đến.

-Hà Nội hiện đang triển khai xây dựng dự án nhà máy đốt rác phát điện Thiên Ý tại Sóc Sơn. Ông có thể chia sẻ về quy mô của lò đốt rác này, đặc biệt là nhiệt độ của buồng thứ cấp và khả năng phát thải khí Dioxin?

-Tôi được biết, dự án Sóc Sơn được phía Phần Lan trình bày, sử dụng công nghệ của Trung Quốc, do Bộ Khoa học Công nghệ thẩm định, Tổng thầu MCC (Trung Quốc) thực hiện. Theo đó, nhiệt độ của lò đốt thứ cấp lên đến 1.370 độ C. Dựa vào nguyên tắc, nhiệt độ cao như vậy sẽ phân hủy hết khí Dioxin. Tuy nhiên, thực trạng hiện nay các lò đốt tại Việt Nam đều không đạt chỉ tiêu về nhiệt độ, vẫn phát thải Dioxin.

Kỳ 3: 'Đốt rác phát điện - Không được coi phát điện là mục đích cuối cùng' - Ảnh 2
Phối cảnh nhà máy điện rác Thiên Ý (huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội). 

Phía dự án có đưa ra phương án nếu như không khử được Dioxin, họ sẽ dùng biện pháp thụ động là dùng than hoạt tính hấp thu Dioxin. Đối với công suất xử lý 4.000 tấn rác thải, vậy 1 năm cần đến 800 tấn than hoạt tính để hấp thu Dioxin. Khi Dioxin bão hòa, người ta đem chôn xuống đất, bê tông hóa, để hóa cứng nhưng làm như vậy không ai dám khẳng định Dioxin sẽ không lẫn trong đất, không ngấm vào nước.

Phải biết rằng, tại sân bay Đà Nẵng, Mỹ đã phải bỏ 280 triệu USD để khử đất nhiễm Dioxin, sân bay biên Hòa đang khử cũng mất 300 triệu USD, một số tiền không hề nhỏ. Vậy đối với nhà máy tại Sóc Sơn, hiện mỗi năm dùng 800 tấn than hoạt tính, vậy nếu lò đốt rác kéo dài mãi cả thập kỉ thì bao nhiêu tấn tấn than hoạt tính sẽ chôn xuống đất? Đây là vấn đề tôi hết sức băn khoăn.

-Vậy khi nhà máy này đi vào hoạt động, với những bất cập hiện nay chúng ta cần lưu ý điều gì khi vận hành, thưa ông?

-Chúng ta phải đảm bảo không phát thải khí độc hại ra ngoài môi trường không khí xung quanh, giải quyết vấn đề tồn đọng rác là quan trọng nhưng cần đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn về khí thải.

Việc thu điện là tận dụng từ hoạt động đốt rác, không thể coi là mục tiêu cuối cùng, vì phát điện mà bỏ qua các yếu tố khác, gây hại cho môi trường.

-Theo ông, làm thế nào để có thể giám sát, ngăn chặn, hạn chế tình trạng các lò đốt rác phát điện thải khí độc hại ra ngoài môi trường?

-Các nhà máy trước khi hoạt động đều phải đáp ứng các chỉ tiêu theo đúng quy định của pháp luật, ví dụ như mức thải Dioxin ra ngoài là 0,1 nanogram, một lượng rất nhỏ. Muốn biết lò đốt có đảm bảo đúng chỉ tiêu hay không chỉ có cách các đoàn kiểm tra đến đo tại chỗ khi lò đốt đang hoạt động, nếu không đạt phải có các biện pháp chế tài để xử lý.

Như vậy, cơ quan chức năng cần lập các đoàn kiểm tra thường xuyên hoặc định kỳ để kịp thời phát hiện, xử lý. Đồng thời, các biện pháp chế tài cũng cần phải đủ sức răn đe, được thực hiện nghiêm minh, kịp thời.

Xin cảm ơn những chia sẻ của PGS. TS Trương Duy Nghĩa!

Kỳ cuối: Giải pháp nào cho công tác quản lý chất thải tại Việt Nam?

Vương Liễu

Bạn đang đọc bài viết Kỳ 3: 'Đốt rác phát điện - Không được coi phát điện là mục đích cuối cùng'. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới