Chủ nhật, 24/11/2024 06:59 (GMT+7)
Thứ hai, 10/06/2019 09:34 (GMT+7)

Kỳ 3: Grab - Từ độc quyền đến tham vọng "đế chế mới" tại Việt Nam

Theo dõi KTMT trên

Dưới vỏ bọc “ứng dụng gọi xe công nghệ 4.0”, Grab ngày càng lộ rõ tham vọng trở thành "đế chế mới” hùng mạnh tại Việt Nam khi chen chân vào hàng loạt lĩnh vực: vận tải, giao nhận, thực phẩm, thậm chí cả tài chính và cho vay – là lĩnh vực trọng yếu “xương sống” của nền kinh tế.

Mặc sức tung hoành

Đặt chân vào thị trường Việt Nam từ đầu năm 2014 với dịch vụ ban đầu là ứng dụng gọi xe dưới 9 chỗ theo hình thức xe hợp đồng điện tử, đến nay, Grab đã trở thành một đối thủ đáng gờm của các hãng vận tải truyền thống. Đặc biệt, sau khi thâu tóm đối thủ taxi công nghệ lớn khác là Uber, Grab đã bành trướng với tốc độ chóng mặt tại Việt Nam.

Dưới danh ứng dụng gọi xe như taxi, chỉ trong vòng 2 năm gần đây, Grab đã âm thầm nhưng “thần tốc” triển khai hàng loạt dịch vụ mới như giao đồ ăn (Grab Food), giao nhận hàng (Grab Express), Ví điện tử (GrabPay), khách sạn (Hợp tác với Booking.com và Agoda.com), cho vay tiêu dùng… Trong danh sách ngành nghề kinh doanh bổ sung mới nhất của Grab với Sở Kế hoạch & Đầu tư TP.HCM, Grab hé lộ tham vọng nhảy vào thị trường bất động sản và cổng thông tin điện tử.

Kỳ 3: Grab - Từ độc quyền đến tham vọng "đế chế mới" tại Việt Nam - Ảnh 1
Dưới vỏ bọc thí điểm "ứng dụng gọi xe 4.0", Grab đang đổ bộ vào nhiều lĩnh vực kinh doanh quan trọng mà không hề có giấy phép hoạt động

Trên giao diện ứng dụng của Grab hồi tháng 4, nhiều người dùng còn bất ngờ khi Grab bắt gặp loạt tính năng giải trí mới như MiniGames, điểm tin tức nóng trong ngày hay GrabTV, một kênh chuyên đăng tải các video clip giống như YouTube… Grab cũng “tranh thủ” nhảy vào lĩnh vực quảng cáo số khi hiển thị quảng cáo cho các nhãn hàng ngay trên giao diện của mình – một lĩnh vực kinh doanh có điều kiện mà nội dung phải được kiểm duyệt bởi cơ quan hữu trách là Cục Phát thanh truyền hình & Thông tin điện tử (Bộ Thông tin Truyền thông) cũng như chưa được cấp phép. Vì sao Grab có thể ngang nhiên hoạt động kinh doanh quảng cáo số “chui”, nội dung có được kiểm duyệt hay chưa… là vấn đề cần được làm sáng tỏ?

Đáng nói là dưới vỏ bọc an toàn của “chương trình thí điểm” dịch vụ vận tải thời công nghệ 4.0, Grab đổ bộ rất nhanh và lộ rõ tham vọng chiếm thị phần lớn tại các lĩnh vực rất quan trọng và nhạy cảm đối với an ninh xã hội, an ninh tiền tệ là thông tin truyền thông và trung gian thanh toán.

Như Kinh tế môi trường đã đề cập, sau khi xây dựng cộng đồng người dùng lớn tại Việt Nam, Grab bắt đầu tung ra các dịch vụ mới, lấn sân vào các mảng kinh doanh bất chấp công ty này chưa có giấy phép kinh doanh trong lĩnh vực đó. Điển hình là Grab đã cung cứng dịch vụ cho vay tiền đối với tài xế, dịch vụ thanh toán ví điện tử GrabPay bắt tay hợp tác với ví điện tử có giấy phép là Moca… Ngân hàng Nhà nước đã xử phạt Công ty TNHH Grab từ cuối tháng 11/2018 số tiền khủng lên tới 900 triệu đồng vì hành vi cung cấp dịch vụ Trung gian thanh toán GrabPay mà không có giấy phép do Ngân hàng Nhà nước cấp. Mới đây, Grab tiếp tục bị xử phạt 120 triệu đồng vì hành vi vay vốn nước ngoài sai quy định. Có lẽ, mức xử phạt này chẳng nhằm nhò gì so với những lợi ích kinh tế rất lớn mà Grab thu được.

Phản hồi về những án phạt này, Grab nói rằng “Công ty đã phát triển tính năng GrabPay với vai trò là một tiện ích gia tăng dành cho khách hàng sử dụng dịch vụ trong môi trường của ứng dụng Grab. Do vậy, khi đưa GrabPay vào hoạt động, công ty đã không nhận thức được rằng tính năng này phải được coi là dịch vụ trung gian thanh toán”.

Sự giải thích của Grab là khá mập mờ, mâu thuẫn, thậm chí “đá” lại những tuyên bố và thực tế Grab đã cung cấp dịch vụ ví điện tử GrabPay tại nhiều thị trường khác trước khi đưa vào Việt Nam. Thế nhưng, tại Indonesia, GrabPay cũng đã bị Ngân hàng Trung ương Indonesia treo không cấp giấy phép trung gian thanh toán từ cuối năm 2017, do luật nước này quy định vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực Trung gian thanh toán không được phép vượt trần 49% để đảm bảo an ninh tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô.

Kỳ 3: Grab - Từ độc quyền đến tham vọng "đế chế mới" tại Việt Nam - Ảnh 2
Tháng 11/2018 Grab bắt tay hợp tác với Moca để "núp bóng" cung cấp dịch vụ ví điện tử GrabPay By Moca

Chiêu “hợp thức hoá” dịch vụ Ví điện tử chui?

Cần nhắc lại, hoạt động trung gian thanh toán thông qua ví điện tử tại Việt Nam hiện nay chỉ được Ngân hàng Nhà nước cấp phép cho các tổ chức tín dụng (ngân hàng, công ty công nghệ) trong điều kiện giám sát chặt chẽ nhằm đảm bảo an toàn thanh toán, an ninh tiền tệ, ngăn chặn rửa tiền, các hoạt động phi pháp…

Thế nhưng, dưới vỏ bọc “hợp tác” với Moca- một trung gian thanh toán đã được Ngân hàng Nhà nước cấp phép, Grab đã triển khai rầm rộ ví điện tử GrabPay by Moca trên ứng dụng của mình, sau đó liên tục bổ sung các tính năng mới như thanh toán điện, nước, thanh toán tại hơn 1500 cửa hàng, chuỗi thực phẩm, nhà hàng trên toàn quốc với mức chiết khấu khủng lên tới 30%.

Đây chính là lộ trình quen thuộc mà Grab từng triển khai ở nhiều thị trường khác như Singapore, Thái lan, Malaysia… và tại Việt Nam cũng thực hiện “chiêu bài” tương tự.

Kỳ 3: Grab - Từ độc quyền đến tham vọng "đế chế mới" tại Việt Nam - Ảnh 3
Từ ứng dụng gọi xe, Grab lộ rõ tham vọng trở thành "đế chế mới" hùng mạnh tại Việt Nam

Sau khi nắm thị phần khống chế trong lĩnh vực vận tải, Grab nhanh chóng xây dựng hệ sinh thái dịch vụ tài chính cá nhân rộng khắp của mình, khai thác tận lực cơ sở dữ liệu khổng lồ từ khách hàng (người đi lại bằng Grab, mua hàng qua GrabFood hay GrabExpress). Grab thậm chí còn thành lập Grab Financial, một công ty con chuyên về các dịch vụ tài chính như thanh toán, tín dụng tiêu dùng, bảo hiểm…

Tháng 10/2018, ngay sau khi ra mắt ví điện tử GrabPay by Moca ra mắt, Grab Financial Group Việt Nam đã tuyên bố sẽ triển khai dịch vụ cho vay tín dụng trong năm 2019. Để dọn đường cho kế hoạch này, tháng 11/2018, Grab ra mắt chương trình hỗ trợ vay mua điện thoại trả góp không lãi suất dành cho các tài xế Grabbike với điều kiện dễ dàng: đạt đủ số lượng cuốc xe, doanh thu hàng tháng… sẽ được đăng ký và xét duyệt trong 1-2 tuần, tài xế sẽ được nhận được điện thoại thay vì tiền mặt. Grab sẽ trừ tiền trên ví ứng dụng của tài xế để thu nợ vay hàng tuần.

Cần nói rõ, các tài xế Grab không phải nhân viên của công ty này mà là “đối tác”, nên hình thức này không gọi là tạm ứng lương hay thấu chi. Grab có thể tự đứng ra cho các tài xế của mình vay tiền mà không thông qua ngân hàng như mô hình tín dụng ngang hàng (P2P) hiện chưa có khung pháp lý quy định tại Việt Nam. Nhưng một ứng dụng vận tải công nghệ đang thí điểm như Grab liệu có được phép cung cấp dịch vụ này không?

Công khai cung cấp hàng loạt dịch vụ chưa được cấp phép hoặc chưa có khung pháp lý quy định tại Việt Nam, Grab đang mặc sức tung hoành trên nhiều địa hạt kinh doanh “béo bở” mà cơ quan quản lý nhà nước dường như cũng đang lúng túng trong việc quản lý, kiểm tra, xử phạt vi phạm… Trong vỏ bọc tinh vi, Grab đang tăng tốc xây dựng “đế chế mới” hùng mạnh tại Việt Nam với tham vọng bao phủ các lĩnh vực kinh doanh quan trọng, nguy cơ gây ảnh hưởng tới an ninh kinh tế- xã hội, an ninh tiền tệ của Việt Nam.

Hải Nam

Bạn đang đọc bài viết Kỳ 3: Grab - Từ độc quyền đến tham vọng "đế chế mới" tại Việt Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới