Chủ nhật, 24/11/2024 06:30 (GMT+7)
Thứ hai, 12/09/2022 19:46 (GMT+7)

Kỷ nguyên mới cho phát triển kinh tế xanh

Theo dõi KTMT trên

Những dấu mốc quan trọng cho kỷ nguyên mới về phát triển kinh tế xanh đang được thiết lập thông qua việc Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050.

Những mục tiêu chiến lược và cam kết quốc tế rất cao

Mặc dù năng lực, trình độ và nguồn lực còn nhiều hạn chế so với các quốc gia phát triển nhưng Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới trong nỗ lực chuyển dịch nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh với những mục tiêu chiến lược và cam kết quốc tế rất cao.

Những dấu mốc quan trọng cho kỷ nguyên mới về phát triển kinh tế xanh đang được thiết lập thông qua việc Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 (Chiến lược); Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh và gần đây nhất là thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về tăng trưởng xanh.

Kỷ nguyên mới cho phát triển kinh tế xanh - Ảnh 1
Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới trong nỗ lực chuyển dịch nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh với những mục tiêu chiến lược và cam kết quốc tế rất cao. (Ảnh minh họa)

Cùng với việc kế thừa có chọn lọc những thành tựu của Chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2011-2020, Chiến lược tăng trưởng xanh của giai đoạn 2021-2030 được bổ sung nhiều khía cạnh mới, bao gồm khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số và một số khía cạnh xã hội.

Một nội dung đặc biệt quan trọng được thực hiện song hành với Chiến lược là cam kết của Việt Nam về đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 26). Mục tiêu này được thực hiện chủ yếu thông qua chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ, phát thải thấp và thay đổi quan trọng đầu tiên là những nghiên cứu, đề xuất phương án điều chỉnh, cập nhật dự thảo Quy hoạch điện VIII theo hướng giảm dần phụ thuộc nhiệt điện than, dành sự ưu tiên cao cho phát triển năng lượng tái tạo với cơ cấu và sự phân bố hợp lý.

Ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Ðiện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) thông tin về vấn đề này cho biết, cam kết của Việt Nam tại COP 26 đã làm thay đổi hoàn toàn quan điểm phát triển điện lực trong tương lai. Vì vậy, dự thảo Quy hoạch điện VIII mặc dù trước đó đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhưng phải hiệu chỉnh lại toàn bộ phương án phát triển điện tới năm 2045 để cập nhật, điều chỉnh theo mục tiêu cam kết tại COP 26.

Các yêu cầu mới buộc quá trình chuyển dịch năng lượng theo hướng tăng trưởng xanh phải đáp ứng các yêu cầu về bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia trong trung và dài hạn; xác định cơ cấu năng lượng tối ưu và bền vững của đất nước; thu hút mạnh mẽ đầu tư vào cơ sở hạ tầng năng lượng; tháo gỡ các điểm nghẽn, thúc đẩy phát triển các nguồn năng lượng sạch hơn, xanh hơn và các nguồn năng lượng tái tạo.

Ðồng thời phải nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm cường độ sử dụng năng lượng và sử dụng điện của nền kinh tế, tạo điều kiện để các đối tượng trong xã hội, mọi tầng lớp nhân dân đều được tiếp cận và thụ hưởng lợi ích từ các chính sách phát triển năng lượng bền vững với chi phí hợp lý.

Nêu những vấn đề then chốt để chuyển dịch năng lượng theo hướng tăng trưởng xanh, tiến tới hiện thực hóa khát vọng tăng trưởng xanh của nền kinh tế, Thứ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh: Chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, bền vững là xu thế tất yếu và không thể đảo ngược. Việc sử dụng năng lượng hiệu quả là hết sức quan trọng trong chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, bền vững nên cần có các biện pháp chủ động hơn nữa trên phạm vi toàn quốc cũng như tăng cường năng lực tốt hơn cho địa phương.

Quá trình chuyển dịch này của Việt Nam cần nhận được sự đồng hành và hỗ trợ thỏa đáng từ các tổ chức quốc tế, các đối tác phát triển và doanh nghiệp lớn của thế giới; với quyết tâm chính trị lớn; sự phối hợp đồng bộ, toàn diện từ tất cả các bên liên quan; sự đồng lòng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Quy mô về nguồn lực huy động cho tăng trưởng kinh tế xanh

Song song với những hoạch định lớn về phương án, chính sách cho từng nhiệm vụ và hoạt động cụ thể, quy mô về nguồn lực cần thiết huy động cho tăng trưởng kinh tế xanh cũng bắt đầu được tính toán và công bố.

Mới đây, trong Báo cáo quốc gia về khí hậu và phát triển cho Việt Nam công bố, Ngân hàng Thế giới (WB) dự kiến Việt Nam sẽ cần đầu tư thêm khoảng 6,8% GDP, tương đương 368 tỷ USD từ nay đến năm 2040 để thực hiện lộ trình phát triển thích ứng khí hậu và phát thải ròng bằng 0. WB cũng lưu ý, nếu có các chính sách và chiến lược phù hợp, Việt Nam có thể tận dụng những hoạt động khử carbon của mình để đạt được mục tiêu phát triển sao cho phát thải khí nhà kính ròng bằng 0 mà không làm giảm tốc độ tăng trưởng GDP. Các cam kết của Chính phủ có thể và cần được củng cố bằng sự tham gia của khu vực tư nhân trong nước và thông qua các nguồn lực tài chính nước ngoài, nhà nước và tư nhân.

Trong khi đó, Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, Việt Nam cần thêm khoảng 100 tỷ USD cho thích ứng biến đổi khí hậu và 373 tỷ USD để đưa mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Vì vậy, bên cạnh tinh thần phát huy nội lực cần tăng cường sự hợp tác từ các đối tác phát triển thông qua những hỗ trợ đủ mạnh về tài chính và kỹ thuật.

Sau hội nghị COP26, các đối tác phát triển, các định chế tài chính quốc tế đã thể hiện mong muốn và cam kết hợp tác, đồng hành Chính phủ Việt Nam để triển khai thực hiện các cam kết. Ông Rahul Kitchlu, chuyên gia của WB cho biết, WB sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong nỗ lực chuyển dịch năng lượng thông qua hoạt động chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm quốc tế và huy động nguồn vốn chi phí thấp dành cho biến đổi khí hậu, giúp Việt Nam chuyển dịch năng lượng xanh hiệu quả, bền vững.

Huy động và bố trí nguồn lực cho tăng trưởng xanh là nhiệm vụ quan trọng, có tính chất quyết định đến hiệu quả thực thi chiến lược tăng trưởng xanh trong kỷ nguyên mới. Cơ cấu nguồn lực cho giai đoạn 2021-2030 được huy động từ ngân sách nhà nước, nguồn tài chính hỗ trợ quốc tế, gồm vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn hỗ trợ và vay ưu đãi cho tăng trưởng xanh.

Trong cơ cấu nguồn lực còn có vốn vay thương mại và đầu tư tư nhân thông qua các khoản cấp tín dụng xanh, trái phiếu doanh nghiệp xanh; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cho tăng trưởng xanh, thu từ trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon và nguồn vốn cộng đồng, vốn xã hội khác như vốn huy động công-tư cho các dự án xanh, các quỹ đầu tư trong nước nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh, giảm và thích ứng biến đổi khí hậu.

Huyền Diệu

Bạn đang đọc bài viết Kỷ nguyên mới cho phát triển kinh tế xanh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới