Chủ nhật, 24/11/2024 05:58 (GMT+7)
Thứ sáu, 15/07/2022 07:55 (GMT+7)

Đánh giá dịch vụ hệ sinh thái với phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam

Theo dõi KTMT trên

Bài viết nêu bật đặc trưng của hệ sinh thái Việt Nam, sự suy giảm dịch vụ hệ sinh thái và nguyên nhân dẫn đến suy giảm, những dịch vụ cơ bản mà hệ sinh thái đem lại cho phát triển kinh tế - xã hội, sự cần thiết phải đánh giá dịch vụ hệ sinh thái.

Để đánh giá dịch vụ hệ sinh thái cho phát triển kinh tế - xã hội cần phải dựa vào bốn nhóm dịch vụ của hệ sinh thái là: dịch vụ cung cấp, dịch vụ điều tiết, dịch vụ văn hóa và dịch vụ hỗ trợ. Ứng với mỗi loại dịch vụ của hệ sinh thái, có các ngành kinh tế đặc trưng, nhất là ngành nuôi trồng thủy sản, ngành du lịch được minh họa bằng con số cụ thể qua các năm đối với tăng trưởng của ngành. Bài viết cũng đã chỉ ra một số hệ sinh thái suy giảm ĐDSH ở Việt Nam do những động lực, áp lực như khai thác, sử dụng các sản phẩm và dịch vụ có xu hướng tăng, vượt quá khả năng cung cấp của dịch vụ hệ sinh thái như dịch vụ rừng tự nhiên, thảm cỏ biển, sạn san hô… Kết quả đưa ra được bảy giải pháp cơ bản phục vụ công tác quản lý nhằm khai thác, sử dụng hiệu quả các dịch vụ của hệ sinh thái cho phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam.

Đặt vấn đề

Việt Nam được xem là trung tâm đa dạng sinh học của thế giới với các hệ sinh thái tự nhiên phong phú và đa dạng. Các hệ sinh thái của Việt Nam được chia làm ba nhóm chính thuộc khu vực nhiệt đới bao gồm: hệ sinh thái trên cạn, hệ sinh thái đất ngập nước (gồm đất ngập nước nội địa và đất ngập nước ven biển), và hệ sinh thái biển. Ba nhóm hệ sinh thái chính này là nơi cư trú của nhiều loài sinh vật đặc hữu và cung cấp nhiều dịch vụ có giá trị cho sự ổn định và phát triển của con người, môi trường và kinh tế. Tuy nhiên, những năm gần đây, các hệ sinh ở Việt Nam đang bị suy thoái với tốc độ nhanh cả về số lượng và chất lượng do nhiều mối đe dọa khác nhau. Áp lực từ việc dân số tăng nhanh, tăng trưởng kinh tế, nhu cầu mở rộng của các dịch vụ hệ sinh thái đối với các ngành kinh tế dẫn đến việc khai thác quá mức các tài nguyên đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái. Sự phát triển kinh tế -xã hội nhanh cũng tác động đến các cảnh quan tự nhiên. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất và xây dựng cơ sở hạ tầng đã làm suy giảm đáng kể những nơi cư trú tự nhiên, tăng sự chia cắt của các hệ sinh thái, và suy thoái nơi cư trú của nhiều loài động vật và thực vật hoang dã. Ngoài ra, việc du nhập sinh vật ngoại lai, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu đang tác động mạnh đến đa dạng sinh học và hệ sinh thái tại Việt Nam.

Đánh giá hệ sinh thái đóng vai trò quan trọng trong việc tổng hợp và trao đổi các thông tin khác nhau, vừa cung cấp thông tin vừa tác động đến quá trình ra quyết định, chẳng hạn, đánh giá hệ sinh thái có thể: đáp ứng nhu cầu cần có thông tin xác thực, tin cậy của các nhà hoạch định chính sách; lựa chọn các phương án đánh đổi (trade-offs) trong quá trình ra quyết định; mô hình hóa các kịch bản tương lai nhằm tránh các hậu quả lâu dài không lường trước; từ đó có sự lựa chọn, khả năng, hỗ trợ đưa ra các quyết sách giúp duy trì và kết hợp các dịch vụ phù hợp, v.v… Đánh giá hệ sinh thái cũng cung cấp cơ hội tăng cường những hiểu biết cần thiết dựa vào thông tin khoa học và cung cấp dẫn chứng nhằm đáp ứng nhu cầu về thông tin cho các nhà hoạch định chính sách ở quy mô toàn cầu, quốc gia và địa phương. Ở cấp quốc gia, đánh giá hệ sinh thái cung cấp thông tin hỗ trợ các quá trình ra quyết định để đạt được các mục tiêu phát triển quốc gia và các kế hoạch, chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học; đáp ứng các nhu cầu thông tin cho các nhà hoạch định chính sách của các ngành khác nhau; tăng cường năng lực thông qua mối liên kết khoa học - chính sách và thúc đẩy việc lồng ghép đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái vào các chính sách, quy hoạch và kế hoạch phát triển.  

Căn cứ đánh giá dịch vụ hệ sinh thái với phát triển kinh tế - xã hội

Mối tương tác giữa dịch vụ hệ sinh thái và phát triển kinh tế - xã hội

Thuật ngữ dịch vụ hệ sinh thái - lợi ích kinh tế và xã hội có được từ thiên nhiên và cảnh quan đã xuất hiện trong các tài liệu gần đây như Đánh giá hệ sinh thái thiên niên kỷ của Liên hợp quốc năm 2005 và dự án của Liên minh châu Âu có tên Kinh tế dịch vụ hệ sinh thái và đa dạng sinh học (TEEB) năm 2010. Thuật ngữ này được các nhà bảo tồn ủng hộ và xem là khái niệm để nhấn mạnh tầm quan trọng của thiên nhiên như là một nguồn phúc lợi cho nhân loại, ngoài giá trị nội tại của nó.

Các nhà kinh tế có xu hướng nghĩ về thiên nhiên hơn là về thuật ngữ tài nguyên thiên nhiên, và điều này là chủ đề của kinh tế học trong vài thế kỷ qua. Mối quan tâm về sự phân bổ có hiệu quả với nguồn lao động và nguồn vốn của con người bắt nguồn từ thời kỳ công nghiệp hóa đến cuối thế kỷ XX. Tuy nhiên, trước thời kỳ đó và trong những thập kỷ gần đây, việc khai thác tài nguyên thiên nhiên luôn là trọng tâm của kinh tế học.

Ước tính 40% nền kinh tế toàn cầu dựa trên các sản phẩm và các quá trình sinh học (WEHAB, 2002). Costanza và cs. (2014) đã ước tính giá trị toàn cầu của các dịch vụ HST trung bình 33 nghìn tỷ USD/năm vào năm 1995 và 46 nghìn tỷ USD/năm 2007. Các tác giả này đã ước tính cho tổng giá trị của các dịch vụ hệ sinh thái toàn cầu năm 2011 là 125 - 145 nghìn tỷ USD. Điều đó cho thấy giá trị kinh tế của các dịch vụ hệ sinh thái được tính bằng tiền là rất lớn.

Thay đổi dịch vụ hệ sinh thái tác động tới phát triển kinh tế - xã hội

Liên quan tới các giá trị kinh tế của dịch vụ hệ sinh thái, về cơ bản dịch vụ hệ sinh thái phân thành bốn loại: Dịch vụ cung cấp, Dịch vụ điều tiết, Dịch vụ Văn hóa, và Dịch vụ hỗ trợ.

Liên hệ với Việt Nam, xem xét mối tương hỗ giữa các dịch vụ hệ sinh thái với các ngành kinh tế và xã hội được xác định thông qua bảng 1 dưới đây.

Bảng 1. Khung xác định mối tương hỗ giữa các dịch vụ HST với các ngành kinh tế ở Việt Nam

Đánh giá dịch vụ hệ sinh thái với phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam - Ảnh 1
Đánh giá dịch vụ hệ sinh thái với phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam - Ảnh 2

Ở Việt Nam, mặc dù chưa được thường xuyên ghi nhận chính thức nhưng việc khai thác, sử dụng các dịch vụ hệ sinh thái đã đóng góp giá trị quan trọng cho nền kinh tế quốc gia, đặc biệt trong các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản, du lịch và y tế. Theo Niên giám Thống kê (2021), các ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đóng góp đáng kể vào GDP, giá trị xuất khẩu tăng từ 19 tỷ USD năm 2010 lên 41,25 tỷ USD năm 2020, chiếm tỷ trọng 14,6% kim ngạch xuất khẩu của cả nước và chiếm 14,85% GDP trong năm 2020, và 12,36% GDP trong năm 2021. Nếu tính các sản phẩm từ tài nguyên của các dịch vụ HST nông –l âm nghiệp, ĐNN và biển thì tổng sản phẩm trong nước theo giá hiện hành năm 2018 của các ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản và khai khoáng là 1.221.952 tỷ VNĐ, chiếm 22,04% tổng sản phẩm. Điều đó, cho thấy ý nghĩa và giá trị quan trọng về kinh tế có được từ các dịch vụ HST rừng, đất ngập nước và biển ở Việt Nam (những giá trị sử dụng trực tiếp). Ngoài ra, các giá trị sử dụng gián tiếp, lựa chọn và phi sử dụng của dịch vụ hệ sinh thái chưa được đánh giá và thống kê đầy đủ. 

Như vậy, có thể thấy các giá trị (sử dụng và phi sử dụng) của dịnh vụ hệ sinh thái thông qua những sản phẩm và dịch vụ đã đóng góp quan trọng cho hoạt động kinh tế và xã hội ở Việt Nam các ngành liên quan bao gồm: môi trường, nông nghiệp (gồm cả lâm nghiệp và thủy sản), công thương, y tế, khoa học - công nghệ, giáo dục đào tạo, văn hóa - du lịch, thông tin truyền thông. 

Những phân tích ở phần trên, đặc biệt từ mô hình dịch vụ HST và kinh tế - xã hội theo khung DPSIR cho thấy những động lực và áp lực với những kịch bản khác nhau tác động tới các dịch vụ hệ sinh thái (khả năng cung cấp của dịch vụ HST), làm thay đổi dịch vụ hệ sinh thái đều có những tác động nhất định tới kinh tế - xã hội ở Việt Nam. 

Tuy nhiên, trong thời gian qua cũng phải thấy rằng trong những động lực và áp lực tác động tới các dịch vụ hệ sinh thái, có những tác động biểu thị tính “tích cực” được thể hiện bằng các biểu đồ tăng liên tục về sản lượng, số lượng hoặc doanh thu của một số ngành kinh tế như nông nghiệp, thủy sản, công thương, du lịch, v.v… nhằm đáp ứng với các nhu cầu ngày càng tăng của con người.

Đánh giá dịch vụ hệ sinh thái với phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam - Ảnh 3
Hình 1. Tăng trưởng của ngành Thủy sản Việt Nam. (Nguồn: Tổng cục Thủy sản, 2020) 
Đánh giá dịch vụ hệ sinh thái với phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam - Ảnh 4
Hình 2. Tăng trưởng của ngành Du lịch Việt Nam. (Nguồn: Tổng cục Du lịch, 2019) 

Theo tài liệu của MA, (2005), đã có nhiều thay đổi về đa dạng sinh học và hệ sinh thái được thực hiện để tăng sức sản xuất của các dịch vụ hệ sinh thái cụ thể như sản xuất thực phẩm. Nhưng chỉ có 4 trong số 24 dịch vụ hệ sinh thái được kiểm tra trong báo cáo đánh giá này đã có tăng trưởng: trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và (trong những thập kỷ gần đây) cô lập carbon, trong khi 15 dịch vụ khác đã bị suy thoái. 

Theo báo cáo IPBES (2019), từ năm 1970, xu hướng sản xuất nông nghiệp, thủy sản, sản xuất năng lượng sinh học và thu hoạch nguyên liệu đã tăng lên, nhưng 14 trong số 18 loại đóng góp của thiên nhiên được đánh giá, chủ yếu là đóng góp điều tiết và phi vật chất đã giảm.

Mặt trái của việc đạt được các con số có ý nghĩa về phát triển kinh tế như trên phải đánh đổi bằng sự suy thoái hệ sinh thái, suy giảm ĐDSH và qua đó suy thoái các dịch vụ hệ sinh thái, thực tế ở Việt Nam sự suy thoái các HST và suy giảm ĐDSH do những động lực, áp lực như khai thác, sử dụng các sản phẩm và dịch vụ thiên nhiên có xu hướng tăng, vượt quá khả năng cung cấp của dịch vụ hệ sinh thái: 

  • Rừng tự nhiên giảm diện tích: Theo báo cáo (dự thảo) của Chính phủ năm 2018 về kết quả 03 năm thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 - 2020, trong 3 năm 2016 - 2018, diện tích rừng bị thiệt hại trung bình 2.430 ha/năm. Thống kê của Bộ NN&PTNT, từ 2010 đến 2017, diện tích rừng tự nhiên có xu hướng giảm, diện tích rừng trồng tăng. Tuy nhiên, rừng trồng thường thuần loài nên mức độ đa dạng các nhóm động vật sống trong rừng cũng kém đa dạng hơn nhiều so với rừng tự nhiên vốn là rừng nhiệt đới thường xanh nhiều tầng thực vật.
  • Thảm cỏ biển giảm diện tích: Nguyễn Thị Thu, Cao Văn Lương và cs. (2011) cho biết trong 10 năm diện tích cỏ biển ven bờ bị mất trung bình 40 - 50%. 
  • Rạn san hô có độ phủ thấp dần: Trong khuôn khổ của dự án “Ngăn ngừa xu hướng suy thoái môi trường Biển Đông và vịnh Thái Lan, UNEP/GEF/SCS” do Viện Hải dương học chủ trì đã tiến hành khảo sát trên 200 điểm rạn san hô vùng ven bờ Việt Nam, cho thấy chỉ khoảng 1% số rạn có độ phủ cao trong khi số rạn có độ phủ thấp chiếm tới trên 31%, số rạn có độ phủ trung bình và khá lần lượt là 41% và 26%. Độ phủ rạn thấp làm cho quần xã động vật sống trong môi trường hệ sinh thái rạn san hô suy giảm về số lượng cá thể và thành phần loài. Vai trò là nguồn phát tán nguồn lợi động vật biển từ rạn san hô tới vùng biển lân cận giảm dần.
  • Loài nguy cấp giảm số lượng cá thể: các kết quả quan trắc nhiều năm ở một số vùng chim quan trọng cho thấy số lượng cá thể các loài quý, hiếm, đặc biệt các loài chim di trú nguy cấp toàn cầu ở các KBT giảm dần, thậm chí một số loài nhiều năm nay không gặp lại. 
  • Số lượng loài nguy cấp tăng lên: các nhà khoa học đã đề xuất đưa vào Sách đỏ Việt Nam giai đoạn tới 1.211 loài với các bậc phân hạng mới, gồm: 600 loài thực vật và nấm; 611 loài động vật. Như vậy, so với Sách đỏ Việt Nam 2007 thì số lượng loài đề xuất vào Sách đỏ Việt Nam giai đoạn mới này tăng hơn nhiều.
  • Sản lượng khai thác hải sản tự nhiên đã tới hạn: Theo báo cáo rà soát tự nguyện thực hiện mục tiêu phát triển bền vững (VCR, 2018), số lượng tàu thuyền đánh cá quá đông, tình trạng tự do tham gia đánh cá của các tàu cỡ nhỏ, việc không kiểm soát được sự gia tăng của số lượng tàu thuyền nên đã xảy ra sự mất cân đối giữa năng lực khai thác và khả năng của nguồn lợi. Vì vậy, hiệu quả kinh tế của các hoạt động khai thác ngày càng giảm dần. Mặc dù tổng sản lượng khai thác hải sản tự nhiên tăng liên tục, nhưng năng suất bình quân (tấn/cv/năm) lại thể hiện khuynh hướng giảm. Mặt khác, sản lượng khai thác hải sản tự nhiên ở Việt Nam có thể đã tới ngưỡng của khả năng khai thác.
  • Hệ số khai thác ở một số loài chủ yếu ở các vùng biển khá lớn, phản ánh tình trạng khai thác quá mức đối với các quần đàn ở các vùng biển. Kích thước khai thác của các loài cá chiếm ưu thế trong sản lượng khai thác ở hầu hết các vùng biển đều khá nhỏ, chưa đạt đến chiều dài thành thục sinh dục. Tỷ lệ cá chưa thành thục sinh dục ở Vịnh Bắc bộ trung bình chiếm khoảng 58%; các vùng biển Trung bộ khoảng 64%; Đông Nam bộ khoảng 40% va Tây Nam bộ khoảng 44% (Viện Nghiên cứu hải sản, 2016).
  • Phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển đã làm gia tăng ô nhiễm vùng nước ven bờ, tác động tới các hệ sinh thái biển, tác động tới chính đời sống con người. Lượng rác thải nhựa từ lục địa ra biển ngày càng tăng mà Việt Nam là một trong những quốc gia có lượng thải nhựa ra biển lớn nhất. Ô nhiễm không khí với chỉ số chất lượng không khí (AQI), đặc biệt hàm lượng bụi mịn PM 2.5 cao liên tục trong nhiều ngày, đặc biệt cao tới mức chất lượng không khí ở mức rất kém ở các thành phố lớn như Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh cũng như nhiều nơi khác ở Đồng bằng Bắc bộ, v.v...
  • Ô nhiễm môi trường cùng với tập quán ăn uống không lành mạnh đã dẫn tới dịch bệnh nguy hiểm cho con người ở mức toàn cầu như các đại dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp SARS năm 2002 - 2003 và Covid-19 từ năm 2019 đến nay.

Bên cạnh giảm/hết khả năng cung cấp các sản phẩm, hệ sinh thái suy thoái và ĐDSH suy giảm không còn khả năng cung cấp các dịch vụ khác như điều tiết môi trường, văn hóa và hỗ trợ mà chưa được nghiên cứu định giá giá trị bằng tiền một cách chuẩn xác.

Đề xuất các giải pháp cơ bản để quản lý nhằm khai thác hiệu quả dịch vụ hệ sinh thái cho phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam

Để quản lý chủ động HST và sử dụng bền vững các dịch vụ của chúng, một số giải pháp được đề xuất như sau: (i) hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật (sửa đổi các Luật Đa dạng sinh học và các chính sách liên quan phù hợp với các quy định hiện hành); (ii) cải tiến các quy trình ra quyết định hiệu quả (các công cụ tạo điều kiện minh bạch và sự tham gia của các bên liên quan, thu thập thông tin dữ liệu và ý kiến phản hồi), và các công cụ lập kế hoạch (thường được sử dụng để đánh giá các chính sách tiềm năng tùy chọn) có thể hỗ trợ ra quyết định liên quan đến hệ sinh thái và dịch vụ của chúng); (iii) thay đổi về thể chế và quản trị; (iv) tích hợp/lồng ghép bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học và các đóng góp của thiên nhiên cho con người vào các chính sách, kế hoạch, chương trình, chiến lược của các ngành (cách tiếp cận liên ngành); (v) kinh tế và ưu đãi (điều chỉnh việc sử dụng hàng hóa và dịch vụ hệ sinh thái); (vi) các đáp ứng cần thiết khác (đáp ứng xã hội, phát triển công nghệ hiện đại, nâng cao kiến thức và nhận thức, tăng cường năng lực quản lý bảo tồn ĐDSH); và (vii) xây dựng và áp dụng các mô hình sinh kế bền vững cho cộng đồng ở các vùng nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, đặc biệt các vùng đệm của các khu bảo tồn thiên nhiên. Các mô hình phải phù hợp với điều kiện tự nhiên cũng như tập quán của từng vùng địa lý sinh thái khác nhau và các giải pháp quản lý thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua giải pháp thích ứng dựa vào HST.

Kết luận

Dịch vụ hệ sinh thái đã góp phần to lớn vào phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam, mỗi ngành kinh tế sử dụng một nhóm loại hình dịch vụ sinh thái khác nhau phụ thuộc vào nhu cầu yếu tố đầu vào của ngành đó gồm bốn nhóm dịch vụ chính: (i) dịch vụ cung cấp, (ii) dịch vụ điều tiết, (iii) dịch vụ văn hóa và (iv) dịch vụ hỗ trợ. Các loại hình dịch vụ này sẽ có xu hướng giảm dần nếu không có những biện pháp khai thác, sử dụng hiệu quả giữa bảo tồn và phát triển, do vậy cần có những giải pháp phù hợp, trong đó quan trọng nhất vẫn là hệ thống chính sách và pháp luật phù hợp để giải quyết mối quan hệ giữa dịch vụ hệ sinh thái và phát triển kinh tế - xã hội. Muốn có những chính sách sát đúng, vấn đề cơ bản là phải đánh giá được các dịch vụ của hệ sinh thái đối với phát triển kinh tế - xã hội, lượng hóa được giá trị của các loại hình dịch vụ hệ sinh thái để làm căn cứ cho đưa ra những chính sách phù hợp, nhất là những chính sách kinh tế đối với bảo tồn, khai thác và sử dụng các dịch vụ hệ sinh thái.

Tài liệu tham khảo

  1. Bộ TN&MT, 2015.Báo cáo đầy đủ Chiến lược quốc gia về ĐDSH đến 2020, tầm nhìn đến 2030.Báo cáo cáo dự án UNDP-BCA-TCMT, Bộ TNMT.
  2. Bộ TN&MT, TCMT, BCA, 2015.Báo cáo tổng kết dự án Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đa dạng sinh học ở Việt Nam.Dự án JICA-BCA-TCMT-Bộ TNMT.
  3. Bộ TN&MT - Cục Bảo tồn ĐDSH, 2017. Báo cáo rà soát, đánh giá kết quả thực hiện Luật Đa dạng sinh học. Báo cáo của Văn phòng Cục Bảo tồn ĐDSH.
  4. Bộ NN&PTNT. Các Quyết định Công bố hiện trạng rừng từ năm 2011 - 2021.
  5. Bộ NN&PTNT, 2016. Báo cáo tổng kết tình hình thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004 và đề xuất định hướng sửa đổi Luật.
  6. Bộ NN&PTNT, 2018. Báo cáo Kết quả 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững, giai đoạn 2016 - 2020 (Dự thảo).
  7. ISPONRE (2017), Lượng giá trị hệ sinh thái:  Nghiên cứu điểm tại các vùng ĐNN Thái Thụy và Tam Giang - Cầu Hai. Hanoi.
  8. Trần Đình Lân và cộng sự, 2015. Báo cáo tổng kết đề tài: “Lượng giá kinh tế các hệ sinh thái biển - đảo tiêu biểu phục vụ phát triển bền vững một số đảo tiền tiêu ở vùng biển ven bờ Việt Nam”. Mã số: KC.09.08/11-15.
  9. Đinh Đức Trường, 2010: “Lượng giá kinh tế để quản lý tài nguyên đất ngập nước: nghiên cứu điển hình tại cửa sông Ba Lạt, tỉnh Nam Định”, đề tài tiến sỹ, ĐH Kinh tế Quốc dân, Hà Nội.
  10. CBC, ISPONRE. “báo cáo đánh giá hệ sinh thái quốc gia”. Hà Nội – 2022.
  11. CBD, 2021.First draft of the post-2020 global biodiversity framework.
  12. IPBES, 2019: Summary for policymakers of the global assessment report on biodiversity and ecosystem services of the Intergovernmental Science-Policy Platform on Biodiversity and Ecosystem Services. Sandra Díaz (Co-Chair, Argentina), Josef Settele (Co-Chair, German.
  13. y), Eduardo Brondízio (Co-Chair, Brazil/United States of America) et al.,
  14. IPBES, 2019: The IPBES Global Assessment. The IPBES Plenary at its 7th session in May 2019 in Paris, France (IPBES-7); a set of six Chapters, accepted by the IPBES Plenary.
  15. MARD, USAID, WINROCK International. (2011). Values of Forest on Water Conservation and Erosion Control, Da Nhim Watershed, Lam Dong Province, Dong Nai River Basin Conservation Landscape Project, under ARBCP - Asia Regional Biodiversity Conservation Program, Viet Nam
  16. Si Tuan Vo, Thai Tuyen Hua, Kim Hoang Phan, 2019. A study of coral reef resilience and implications of adaptivemanagement and rehabilitation in Khanh Hoa Province,Vietnam.Acta Oceanol.Sin., 2019, Vol. 38, No. 1, P. 112–117

Nguyễn Thế Chinh (1), Huỳnh thị Mai (2), Nguyễn Thế Thông (3)

1Viện Chính sách Kinh tế Môi trường thuộc Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Tôn Thất Thuyết, Cầu Giấy, Hà Nội

2Trung tâm Bảo tồn Đa dạng Sinh học thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Lê Trọng Tấn, Hoàng Mai, Hà Nội

3Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội

Bạn đang đọc bài viết Đánh giá dịch vụ hệ sinh thái với phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới