Chủ nhật, 24/11/2024 08:21 (GMT+7)
Thứ ba, 05/07/2022 15:55 (GMT+7)

Nỗ lực bảo tồn các hệ sinh thái san hô vịnh Nha Trang

Theo dõi KTMT trên

Để bảo tồn hệ sinh thái biển, trong đó có san hô, cần sự chung tay của tất cả người dân, các tổ chức quốc tế và các doanh nghiệp, kết hợp hoạt động kinh doanh du lịch, dịch vụ gắn với nhiệm vụ bảo vệ các khu bảo tồn biển trên vịnh Nha Trang.

Xây dựng “Kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang”

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có văn bản gửi các sở ngành, địa phương liên quan về việc xử lý tình trạng suy giảm rạn san hô ở Hòn Mun và vịnh Nha Trang. Trong đó, yêu cầu các sở ngành, đơn vị, địa phương có liên quan khẩn trương triển khai các giải pháp để bảo tồn, giữ gìn và phục hồi hệ sinh thái biển đa dạng tại vịnh Nha Trang, trong đó có rạn san hô tại Khu bảo tồn biển Hòn Mun.

Trước mắt, UBND tỉnh Khánh Hòa giao TP.Nha Trang tạm dừng hoạt động du lịch lặn biển tại các khu vực dễ làm tổn hại rạn san hô trong khu vực vịnh Nha Trang, đặc biệt là khu vực Hòn Mun. Đồng thời khoanh vùng, thực hiện bảo vệ chặt chẽ các khu vực nhạy cảm, đang có dấu hiệu phục hồi các hệ sinh thái, điển hình là rạn san hô và các bãi giống, bãi đẻ ở vịnh Nha Trang. Phối hợp với Công an tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh và các sở xây dựng kế hoạch cụ thể của đội liên ngành nhằm tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn, xử lý vi phạm hành chính các tổ chức, cá nhân.

Để thực hiện các giải pháp lâu dài, theo chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa, UBND tỉnh giao UBND TP.Nha Trang phối hợp Sở Tài nguyên và môi trường nghiên cứu phương án quản lý, khai thác vùng nước trong vịnh Nha Trang theo hướng xã hội hóa, xây dựng mô hình quản trị công tư, kết hợp hoạt động kinh doanh du lịch, dịch vụ gắn với nhiệm vụ bảo vệ các khu bảo tồn biển trên vịnh Nha Trang một cách hiệu quả, bền vững.

Nỗ lực bảo tồn các hệ sinh thái san hô vịnh Nha Trang - Ảnh 1
San hô "chết trắng" hàng loạt trên bờ ở đảo Hòn Mun. (Ảnh internet)

Đồng thời, phối hợp các đơn vị, chủ động liên hệ làm việc với Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam để rà soát, nghiên cứu về đề xuất thiết lập "Khu dự trữ sinh quyển Hòn Bà - Sông Cái" và "Khu sinh thái quốc tế vịnh Nha Trang". Trên cơ sở đó kêu gọi các tổ chức phi chính phủ, tổ chức quốc tế, người dân, doanh nghiệp "cùng chung tay với chính quyền để bảo tồn giá trị đặc hữu, đa dạng sinh học vịnh Nha Trang".

Bên cạnh đó, UBND TP.Nha Trang còn được chỉ đạo làm cơ quan đầu mối, chủ trì, phối hợp nghiên cứu, xây dựng “Kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang” nâng cao năng lực Ban quản lý vịnh Nha Trang; liên kết, hợp tác trong công tác quản lý các khu bảo tồn trên vịnh Nha Trang. Theo đó, trình UBND tỉnh xem xét, báo cáo Thường trực Tỉnh ủy, Ban thường vụ Tỉnh ủy trước ngày 25/7.

Trước đó, ngày 24/6, Ban Quản lý Vịnh Nha Trang đã có thông báo về việc tạm ngừng hoạt động bơi, lặn biển tại khu vực Hòn Mun từ ngày 27/6 cho đến khi có thông báo mới.

Theo Ban Quản lý Vịnh Nha Trang, việc tạm ngừng hoạt động bơi, lặn biển ở Hòn Mun là để tiến hành triển khai, khảo sát đánh giá hiện trạng, xác định các khu vực dễ bị tổn thương; từ đó, xây dựng kế hoạch hoạt động Khu bảo tồn biển Vịnh Nha Trang phù hợp trong thời gian tới.

Chất lượng san hô suy giảm

Với vai trò quản lý khai thác các giá trị Vịnh Nha Trang trên cơ sở quản lý, bảo vệ danh lam thắng cảnh, Ban Quản lý Vịnh Nha Trang đã tiến hành khảo sát, báo cáo chi tiết về hiện trạng san hô quanh đảo Hòn Mun.

Theo đó, các điểm khảo sát được tiến hành ở cả bốn phía gồm: Đông Bắc Hòn Mun; Tây Bắc Hòn Mun; Tây Nam Hòn Mun; Đông Nam Hòn Mun.

Qua cuộc khảo sát công phu cho thấy khu vực Đông Bắc có độ phủ san hô cao nhất với 41,63%. Khu vực Tây Bắc có độ phủ san hô 24,6%; khu vực Đông Nam 14,5%; khu vực Tây Nam chỉ đạo 7,8%.

Qua chất lượng độ phủ của san hô và so với chất lượng rạn của English et al (năm 1997) cho thấy chất lượng chung rạn san hô ở Hòn Mun chỉ đạt dưới mức trung bình. Cụ thể, độ phủ san hô ở Đông Bắc và Tây Nam của Hòn Mun ở tình trạng kém. Độ phủ san hô ở Tây Nam Hòn Mun rất kém. Chỉ khu vực Đông Bắc Hòn Mun ở tình trạng trung bình.

So với năm 2015, độ phủ san hô ở Hòn Mun đã giảm mạnh. Đặc biệt là ở khu vực Tây Nam và Đông Nam Hòn Mun độ bao phủ san hô trung bình giảm từ 52,2% (tình trạng tốt) năm 2015 xuống chỉ còn 11,15% (tình trạng kém) tại thời điểm khảo sát vào năm 2022.

Đánh giá về rạn san hô ở vùng lõi Hòn Mun, PGS.TS Nguyễn Tác An, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang cho rằng cần có một đánh giá khách quan, có khoa học về nguyên nhân thực sự của việc “tẩy trắng”.

“Nói về biến đổi khí hậu, thiên tai, địch họa thì nơi nào trên thế giới cũng có. Vậy tại sao họ vẫn bảo tồn, phát triển được mà chúng ta không thể? Chúng ta không nên nhìn vào nguyên nhân ở mức vi mô, mà phải nhìn rộng ra vĩ mô hơn vấn đề này".

Thực tế, phát triển kinh tế là xu hướng tất yếu của xã hội, nhưng không vì thế mà bỏ qua các yếu tố bền vững về môi trường tự nhiên, giá trị văn hóa vùng đất đó.

“Nếu cơ quan quản lý phân trần san hô chết vì thiên tai, địch họa, con người xâm lấn… đều đúng hết. Tôi nghiên cứu nhiều năm nên hiểu được vấn đề này, tuy nhiên không thể cứ mãi đổ lỗi cho thiên tai, địch họa mà quên đi sự tác động rất lớn từ con người, chiến lược phát triển kinh tế”, PGS.TS Nguyễn Tác An nhấn mạnh.

Để bảo tồn được hệ sinh thái biển, trong đó có san hô, Nguyên Viện trưởng Viện hải dương học Nha Trang cho rằng, cần sự chung tay của tất cả người dân. “Nhà nước phải đi đầu trong công tác bảo tồn, sau đó phải lo cho được kế sinh nhai cho người dân, bởi khi họ không được đảm bảo chắc chắn sẽ ra biển khai thác và hậu quả thì chúng ta đã biết rồi”, vị tiến sĩ phân tích.

Trước mắt cần dừng ngay việc khai thác tài nguyên biển khu vực trong vịnh Nha Trang, kiểm soát chặt các dự án san lấp biển để làm sạch khu vực. Sau đó phải mời nhà khoa học, lập dự án có tính dài hơi, mang tính bền vững.

"Đây là vấn đề nghiêm trọng và cần cơ quan quản lý vào cuộc, đồng thời chọn giải pháp tối ưu để bảo vệ các rạn san hô chưa bị hoặc bị ảnh hưởng ít hơn”, PGS.TS An nhận định.

Theo các nhà khoa học của Viện Hải dương học Nha Trang, có nhiều nguyên nhân gây suy giảm độ phủ và diện tích rạn san hô vịnh Nha Trang. Trong đó, nguyên nhân chủ quan là do hiện tượng tẩy trắng san hô. Hiện tượng này được Ban Quản lý vịnh Nha Trang giải thích: “Trong vài thập niên gần đây, khí hậu trái đất nóng lên, nhiệt độ nước biển tăng, nên xảy ra hiện tượng tẩy trắng san hô, gây những tác động nghiêm trọng với hệ sinh thái rạn san hô trên toàn thế giới. Đối với vịnh Nha Trang, kết quả công bố năm 2020 cho thấy, tỷ lệ san hô cứng bị tẩy trắng lên đến 39,5%”.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Nỗ lực bảo tồn các hệ sinh thái san hô vịnh Nha Trang. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tiêu hủy 5 cá thể hổ đã chết tại Hà Tĩnh
Ngày 26/8, Hội đồng tiêu hủy vật chứng tại huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) đã tiến hành tiêu hủy 5 cá thể hổ đã chết vốn là tang vật trong một vụ án buôn bán động vật hoang dã.

Tin mới