Chủ nhật, 24/11/2024 06:15 (GMT+7)
Thứ sáu, 22/04/2022 14:06 (GMT+7)

Kỳ vọng phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam

Theo dõi KTMT trên

Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam luôn được xem là ngành công nghiệp được ưu tiên phát triển, với kỳ vọng xây dựng một ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam ngày một lớn mạnh và đóng góp quan trọng vào nền kinh tế.

Nghiên cứu chiến lược ngành công nghiệp ô tô theo xu hướng thế giới

Ngày 21/4, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 2506/VPCP-CN truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành về đề xuất nghiên cứu chiến lược ngành công nghiệp ô tô theo xu hướng thế giới. 

Trước đó, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đã có văn bản gửi Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành về việc đề xuất Chiến lược ngành công nghiệp ô tô Việt Nam theo xu hướng thế giới và góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26.

Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành giao Bộ trưởng Bộ Công Thương gặp gỡ, trao đổi về các đề xuất, kiến nghị của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam để có giải pháp đồng bộ phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam theo chức năng, nhiệm vụ được giao; báo cáo Thủ tướng Chính phủ các vấn đề vượt thẩm quyền.

Với mong muốn xây dựng một ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam ngày một lớn mạnh và đóng góp ngày một đáng kể cho nền kinh tế, đồng thời cũng bám sát với xu hướng công nghệ và sự chuyển đổi của ngành công nghiệp ô tô trên thế giới, Hiệp hội VAMA đề xuất trao đổi những nội dung: Chương trình phát triển xe ô tô sử dụng điện và lộ trình chuyển đổi từ xe chạy xăng, dầu sang xe sử dụng điện, chương trình hành động để thực hiện cam kết COP26; kiến nghị về những khó khăn trong quá trình thực hiện những quy định của Luật Bảo vệ Môi trường liên quan đến sản phẩm hết niên hạn sử dụng và quy trình tái chế; đề xuất các chính sách để thúc đẩy thị trường, mở rộng sản xuất ô tô, công nghiệp phụ trợ trong nước.

Kỳ vọng phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam - Ảnh 1
Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam bám sát theo xu hướng thế giới và góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26.

Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã phát triển khá nhanh trong 3 năm trở lại đây. Các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp trong nước đã bước đầu khẳng định vai trò, vị trí đối với thị trường ô tô trong nước và đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về lượng và chất. 

Với doanh số bán hàng trong tháng 3 tăng 60% so với tháng 2 và tăng 27% trong quý đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm ngoái, các doanh nghiệp ô tô nhận định, đây là con số đáng ghi nhận, khi thị trường vẫn phải đối mặt với diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 và cuộc khủng hoảng chất bán dẫn, thiếu chip cũng như nguồn cung linh kiện thiếu hụt khiến nhiều hãng xe bị ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Theo thống kê từ Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), tính đến hết năm 2020, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam có khoảng trên 40 doanh nghiệp hoạt động sản xuất, lắp ráp xe ô tô bao gồm ô tô con, ô tô tải, ô tô khách, ô tô chuyên dùng và ô tô sát xi. Một số doanh nghiệp nội địa đã tham gia tích cực vào chuỗi sản xuất ô tô toàn cầu. Tổng công suất lắp ráp thiết kế khoảng 755 nghìn xe/năm, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 35%, doanh nghiệp trong nước chiếm khoảng 65%.

Cơ hội nào cho thị trường ô tô điện Việt Nam?

Đứng trước cơ hội và thách thức, Việt Nam đã có những giải pháp chiến lược dài hạn cho công nghiệp ô tô. Đặc biệt, với lĩnh vực ô tô điện, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều quyết định quan trọng, tạo động lực cho ô tô điện tiếp cận được với nhiều người hơn. Trong đó, thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ đăng ký xe điện mới đều được điều chỉnh theo hướng giảm, miễn trong những năm đầu.

Cụ thể, thuế tiêu thụ đặc biệt với xe điện chạy pin dưới 9 chỗ chỉ còn 3% từ 1/3 năm nay và áp dụng trong vòng 5 năm. Hiện tại, thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô điện được áp dụng ở mức 15%, còn ô tô xăng từ 9 chỗ ngồi trở xuống được tính theo dung tích xi lanh.

Đặc biệt, lệ phí trước bạ đối với ô tô điện từ 1/3/2022 đã được miễn (0%) trong 3 năm theo Nghị định 10/2022/NĐ-CP. Đây được xem là tín hiệu vui cho người sở hữu xe điện trong vòng ít nhất là 3 năm tới.

Trong vài năm trở lại đây một số doanh nghiệp ô tô trong nước đã bắt tay vào nghiên cứu công nghệ nhằm sản xuất hoặc lên kế hoạch đưa các mẫu xe từ quốc tế về Việt Nam. Tiêu biểu là mới đây, VinFast đã trình làng mẫu EV đầu tiên do chính Việt Nam sản xuất với tên gọi VF e34. Được biết tốc độ “ra đời” của VF e34 cũng ở mức kỷ lục, chỉ mất 10 tháng kể từ thời điểm VinFast công bố thông tin về việc phát triển chiếc EV của mình.

Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho rằng, việc phát triển xe điện phụ thuộc vào 3 trụ cột chính (gồm khuôn khổ pháp lý, chính sách hỗ trợ của các quốc gia; các biện pháp khuyến khích bổ sung để bảo vệ doanh số bán xe điện khỏi suy thoái kinh tế và số lượng các mẫu xe điện được mở rộng và giảm giá pin); trong đó chính sách đóng vai trò đầu.

Với tiềm năng phát triển nguồn điện sạch, Việt Nam là nước đầu tiên trong khu vực có doanh nghiệp nội sản xuất thành công ô tô điện cùng các yếu tố bên ngoài và được coi là cơ hội “vàng” để phát triển ngành ô tô điện. Bên cạnh đó, nền tảng công nghệ đi trước hàng thập kỷ cùng xu hướng phát triển trên thế giới, đây thực sự là một mảnh đất màu mỡ và có giá trị đầu tư, tăng trưởng lớn. 

Các chuyên gia nhận định, đây là thời điểm thích hợp để các doanh nghiệp trong nước cần đi tắt, đón đầu, tìm kiếm cơ hội chuyển mình để khai thác tối đa tiềm năng bứt phá của thị trường xe ô tô điện Việt Nam. Không chỉ mang đến những đóng góp tích cực cho cuộc sống, việc sử dụng hàng hóa trong nước còn thể hiện niềm tự hào dân tộc, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế quốc nội.

“Việt Nam không nên chậm hơn nữa trong cuộc chơi xe điện”

Thị trường xe điện ở Việt Nam mới ở "bước đầu chập chững", còn nhiều trở ngại song theo các chuyên gia, xu hướng dịch chuyển từ xe dùng xăng, dầu sang xe điện là tất yếu.

Theo TS. Tạ Cao Minh, giảng viên Bộ môn Tự động hoá công nghiệp (Đại học Bách khoa Hà Nội), trước xu hướng dịch chuyển rất mạnh của dòng xe này trên toàn cầu năm qua, Việt Nam không nên chậm hơn nữa trong cuộc chơi xe điện. Ngoài ra, để có cơ sở thúc đẩy sự phát triển xe điện ở Việt Nam, theo ông Minh, cần hoàn thiện các tiêu chuẩn, như yêu cầu kỹ thuật và an toàn điện với hệ thống sạc nhanh, thay thế pin, cũng như tối ưu hoá các trạm sạc, vị trí sạc pin bằng việc sử dụng nguồn điện năng lượng tái tạo.

"Ô tô điện dùng năng lượng tái tạo sẽ giải quyết bài toán năng lượng của tương lai. Việt Nam cần quy hoạch phát triển hạ tầng, trạm sạc để đón nhận xu thế xe điện đang diễn ra", ông Minh nói.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Kỳ vọng phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới