'Làm chuyện phước đức thì sẽ gặp được những điều mầu nhiệm'
"Qua việc bảo vệ loài chim quý hiếm này mà tôi có cơ duyên tốt ngày càng gần gũi và gắn bó với thiên nhiên hơn. Làm chuyện phước đức thì sẽ gặp được những điều mầu nhiệm" - thầy Huyền Diệu, Chủ tịch Liên đoàn Phật giáo thế giới tại Lâm Tỳ Ni (Lumbini) - Nepal chia sẻ.
Chim Hồng Hạc ở Việt Nam Phật Quốc Tự tại Nepal. |
Ngoài việc xây cất ngôi chùa Việt Nam Phật Quốc Tự ở Bồ Đề Đạo Tràng (Bodh Gaya, Ấn Độ), thầy Huyền Diệu còn được biết đến như là người nước ngoài đầu tiên được Nepal chấp thuận cấp cho hai mẫu đất để xây Việt Nam Phật Quốc Tự - ngôi chùa quốc tế đầu tiên ở vườn Lâm Tỳ Ni (Lumbini) - nơi Đức Phật ra đời.
Hưởng ứng lời kêu gọi của thầy Huyền Diệu, hơn 20 quốc gia đã lần lượt đến xây dựng chùa của nước mình ở vùng đất này, hình thành một nơi mà ông gọi là “Liên Hiệp Quốc Phật giáo”. Nhờ vậy mà thánh địa hoang phế điêu tàn này đã hồi sinh.
Đoạn video chim hồng hạc tại Việt Nam Phật Quốc Tự do chính tay thầy Huyền Diệu gửi Tạp chí Kinh tế Môi trường
Lại nói chút về vườn Lâm Tỳ Ni, đây được biết đến là một trong 4 thánh tích được xem như quan trọng nhất của Phật giáo, gọi là tứ động tâm.
Tứ động tâm gồm: Lumbini (Lâm Tì Ni) nơi Phật đản sanh, Bodhgaya (Bồ Ðề Ðạo Tràng) nơi Phật thành đạo, Sarnath (Lộc Uyển) nơi Phật chuyển pháp luân - thuyết pháp lần đầu tiên cho năm anh em Kiều Trần Như và Kusinara (Câu Thi Na) nơi Phật nhập Niết bàn.
Một năm sau khi thầy Huyền Diệu phát nguyện lưu lại Lâm Tỳ Ni, việc chim hồng hạc - loài linh điểu có tên trong Sách Đỏ - đã bay về cũng có thể được xem như một điều mầu nhiệm.
Sau hơn 10 năm bầy hạc đã phát triển lên 72 con sống rải rác trong vùng Lâm Tỳ Ni. |
"Những ngày đầu tiên lưu lại ở Lâm Tỳ Ni thuộc nước Nepal, một vùng đất xanh tươi nằm dưới chân dãy Hy Mã Lạp Sơn lóng lánh những núi tuyết, nơi đức phật giáng trần cách đây hơn 2.600 năm, tôi khám phá ra loài chim hồng lạc cực kì xinh đẹp và quí hiếm đang bị con người lẫn thú dữ đe dọa mạng sống. Thế là tôi bắt đầu tìm hiểu và ra sức bảo vệ chúng.
Nhờ vậy đôi vợ chồng chim hạc đến cư trú gần ngôi Việt Nam Phật Quốc Tự. Sau hơn 10 năm bầy hạc đã phát triển lên 72 con sống rải rác trong vùng Lâm Tỳ Ni. Qua việc bảo vệ loài chim quý hiếm này mà tôi có cơ duyên tốt ngày càng gần gũi và gắn bó với thiên nhiên hơn. Làm chuyện phước đức thì sẽ gặp được những điều mầu nhiệm" - thầy Huyền Diệu chia sẻ.
Chùa Việt Nam Phật Quốc tự tại Nepal- ngôi chùa đầu tiên và góp công “hồi sinh” thánh tích. |
An Nhiên