Chủ nhật, 24/11/2024 10:50 (GMT+7)
Thứ ba, 26/04/2022 16:00 (GMT+7)

Lâm Đồng: Để mất rừng, 208 dự án đầu tư bị thu hồi

Theo dõi KTMT trên

Theo báo cáo của UBND tỉnh Lâm Đồng gửi Thủ tướng Chính phủ, tỉnh này đã thu hồi 208 dự án đầu tư, tương đương 30.469 ha do các doanh nghiệp để mất rừng, mất đất lâm nghiệp, vi phạm Luật Đất đai, Luật Đầu tư và Luật Lâm nghiệp.

Công tác quản lý rừng còn lỏng lẻo

Vừa qua,  UBND tỉnh Lâm Đồng đã có Báo cáo số 67/BC-UBND gửi Thủ tướng Chính phủ về “Kết quả công tác quản lý bảo vệ, phát triển rừng và xử lý vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng từ năm 2018 đến hết quý I/2022".

Theo báo cáo của UBND tỉnh Lâm Đồng, trong giai đoạn từ 2018 đến nay, tỉnh Lâm Đồng đã trồng được 3.206,75 ha rừng, chăm sóc rừng trồng là 10.910 ha. Riêng trong năm 2021, thực hiện đề án trồng 50 triệu cây xanh, toàn tỉnh Lâm Đồng đã trồng được hơn 6 triệu cây xanh các loại.

Lâm Đồng: Để mất rừng, 208 dự án đầu tư bị thu hồi - Ảnh 1
Cơ quan chức năng huyện Bảo Lâm tiến hành khám nghiệm hiện trường vụ phá rừng tại Tiểu khu 613 xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm (Ảnh Báo Lâm Đồng)

Tuy nhiên, tỉnh Lâm Đồng cũng thừa nhận, từ năm 2018 đến nay, diện tích rừng và đất lâm nghiệp vẫn tiếp tục bị phá, lấn chiếm trái pháp luật. Theo đó, từ năm 2018 đến hết quý I/2022 các cơ quan chức năng địa phương đã phát hiện và lập hồ sơ xử lý 2856 vụ vi phạm; diện tích rừng bị thiệt hại là 204,21 ha; khối lượng lâm sản bị thiệt hại do phá rừng 12.240,5 m3.

Trong đó có 147 vụ vi phạm nổi cộm, có tính chất phức tạp nhưng đã được cơ quan chức năng phát hiện, điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp cũng diễn ra hết sức nghiêm trọng khi có tới 1410 vụ vi phạm với diện tích hơn 431 ha.

Trước tình trạng phá rừng diễn ra phức tạp tại địa phương, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân có liên quan đến các vụ vi phạm trên. Theo đó, các cấp thẩm quyền trong tỉnh đã xử lý kỷ luật đối với 13 cơ quan, đơn vị; có 161 cá nhân bị kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra phá rừng. 

Tỉnh Lâm Đồng cũng đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện quản lý, bảo vệ rừng như: Một số sở, ban, ngành và địa phương chưa quyết liệt tổ chức thực hiện chỉ thị, văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, dẫn đến tình trạng phá rừng, lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa được ngăn chặn triệt để; còn xảy ra các vụ phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật có tính chất phức tạp, nổi cộm, gây thiệt hại lớn đến rừng nhưng chậm phát hiện, ngăn chặn và xử lý; vi phạm vắng chủ vẫn chiếm tỷ lệ lớn; số vụ án được hoàn thiện điều tra, đưa ra truy tố, xét xử chiếm tỉ lệ thấp, gây dư luận không tốt.

208 dự án đầu tư bị thu hồi

Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, trên địa bàn tỉnh hiện có 307 doanh nghiệp được giao đất, cho thuê đất để triển khai đầu tư 322 dự án liên quan đến lâm nghiệp, với tổng diện tích là 52.722 ha.

Đồng thời, từ năm 2008 đến nay, tỉnh Lâm Đồng cũng đã thu hồi 208 dự án với diện tích đất bị thu hồi là 30.469 ha. Trong đó, có 172 dự án bị thu hồi toàn bộ, tương đương 26.226 ha và 36 dự án bị thu hồi một phần với diện tích là 4.242 ha. Lý do các doanh nghiệp này bị thu hồi là do vi phạm Luật Đất đai, Luật Đầu tư và Luật Lâm nghiệp.

Cũng theo UBND tỉnh Lâm Đồng, một số doanh nghiệp được thuê đất, thuê rừng thực hiện chậm tiến độ, thực hiện không đúng các hạng mục đầu tư đã được phê duyệt, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái pháp luật, buông lỏng quản lý...; chưa chấp hành nghiêm việc nộp tiền bồi thường tài nguyên rừng đối với diện tích rừng bị mất.

Đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng trong thời gian tới, UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, tỉnh tiếp tục tổ chức thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy; Thực hiện có hiệu quả công tác trồng rừng; Thực hiện thường xuyên, liên tục công tác tuyên truyền, giáo dục trong công tác quản lý, bảo vệ rừng; Tập trung công tác tuần tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện các vụ phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp; Tổ chức thực hiện tố các quy chế phối hợp trong thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng giữa các tỉnh, các huyện và giữa cáo cơ quan, lực lượng chức năng.

Lâm Đồng: Để mất rừng, 208 dự án đầu tư bị thu hồi - Ảnh 2
Hiện trường vụ phá rừng thông tại Tiểu khu 267C tại huyện Đức Trọng trong tháng 2/2022.

Trước đó, từ đầu năm 2021 đến nay trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã xảy ra nhiều vụ phá rừng trên địa bàn các huyện Lâm Hà, Đức Trọng, Đam Rông, Lạc Dương, Bảo Lâm. Các vụ phá rừng chủ yếu để chiếm đất lâm nghiệp do các địa phương trên xảy ra tình trạng sốt đất.

Trước thực trạng phá rừng, lấn chiếm rừng diễn ra tại Lâm Đồng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan chức năng điều tra, xử lý nghiêm tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng tại Lâm Đồng.

Phó Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh kiểm điểm, xem xét trách nhiệm của các cấp chính quyền tại địa phương, các Ban quản lý rừng phòng hộ, Ban quản lý rừng đặc dụng, các công ty nông, lâm nghiệp, các cá nhân trong công tác quản lý rừng và đất rừng, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

Nhiều dự án của Công ty TNHH Tâm Châu vi phạm đất rừng

Trong năm 2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng đã có ý kiến sau khi tiến hành thẩm định tại 3 dự án của Công ty TNHH Tâm Châu liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất rừng.

Cụ thể, tại dự án 1 (rộng 212,33ha) ở tiểu khu 456, 468 xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm có tổng diện tích đất rừng bị thiệt hại là 13,5ha (diện tích này chưa tính toán thiệt hại tài nguyên rừng).

Tại dự án 2 (rộng 172,38ha) ở tiểu khu 468 xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm có tổng diện tích đất rừng bị thiệt hại là 17,6ha, Công ty TNHH Tâm Châu đã tiến hành bồi thường 9,71ha, diện tích thiệt hại phát sinh sau thẩm định là 7,97ha (diện tích này chưa tính toán thiệt hại tài nguyên rừng).

Liên quan đến vấn đề này, phía UBND huyện Bảo Lâm cũng đã có đề nghị gửi tới Công ty TNHH Tâm Châu hoàn tất các nghĩa vụ về tiền bồi thường thiệt hại tài nguyên rừng, nghĩa vụ thuế đối với Ngân sách nhà nước theo quy định.

Cũng liên quan đến Công ty TNHH Tâm Châu, đầu tháng 1/2022, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng - Phạm S đã ký quyết định xử phạt doanh nghiệp này 170 triệu đồng với hành vi tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng 2 khu đất.

Cụ thể, Công ty TNHH Tâm Châu đã tự ý chuyển mục đích sử dụng đất rừng sản xuất là đất rừng tự nhiên sang mục đích khác trong nhóm đất nông nghiệp (trồng cam, sầu riêng, chanh, cà phê, chè, ao hồ) với diện tích 8,08 ha tại xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

Cũng tại một khu đất khác rộng 2,09 ha tại xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm, Công ty TNHH Tâm Châu đã tự ý chuyển mục đích sử dụng đất rừng sản xuất là đất rừng tự nhiên sang mục đích khác trong nhóm đất nông nghiệp (trồng cam, sầu riêng, chanh, cà phê, chè, ao hồ) khi chưa được cơ quan chức năng có thẩm quyền cho phép.

Thư Anh

Bạn đang đọc bài viết Lâm Đồng: Để mất rừng, 208 dự án đầu tư bị thu hồi. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới