Lâm Đồng hướng tới phát triển đô thị xanh, thông minh, bền vững
Chương trình phát triển đô thị tỉnh Lâm Đồng giai đoạn đến năm 2030 định hướng đến năm 2035 tầm nhìn đến năm 2050, tập trung phát triển hệ thống đô thị theo hướng xanh, thông minh và bền vững.
Hướng tới tỷ lệ đô thị hóa trên 40%
Trong giai đoạn 2020-2025, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã xác định phát triển hạ tầng là một trong bốn khâu đột phá theo Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI. Nhằm thực hiện mục tiêu này, tỉnh đã ban hành Chương trình hành động số 01-CTr/TU ngày 05/01/2021 và số 10-CTr/TU ngày 24/5/2021, với nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh, đổi mới và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch. Chương trình này đặc biệt chú trọng vào việc xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, ưu tiên phát triển các lĩnh vực quan trọng như hạ tầng đô thị, giao thông, thủy lợi, năng lượng, du lịch, công nghệ thông tin - truyền thông và hạ tầng mạng viễn thông nhằm tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của kinh tế số.
Trên cơ sở đó, trong thời gian qua dưới sự lãnh đạo và chỉ đạo chặt chẽ của tỉnh ủy và UBND tỉnh, hệ thống đô thị trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã được đầu tư ngày càng hoàn thiện, trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương. Đến nay, toàn tỉnh đã có 15 đơn vị hành chính được công nhận đạt tiêu chuẩn đô thị, bao gồm 1 đô thị loại I, 1 đô thị loại III, 1 đô thị loại IV và 12 đô thị loại V. Tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh đã đạt 40,2%, cao hơn mức trung bình cả nước là 39,5%.
Cùng với đó, hạ tầng kỹ thuật đô thị và hạ tầng xã hội cũng được quan tâm đầu tư mạnh mẽ với quy mô ngày càng lớn và chất lượng phục vụ không ngừng được cải thiện. Nhiều tuyến đường đô thị, đường vành đai tại các khu đô thị đã được xây dựng, nâng cấp, góp phần tăng cường khả năng kết nối giữa các địa phương trong tỉnh và khu vực. Các vấn đề hạ tầng đô thị bao gồm cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải và chiếu sáng đô thị đã có những chuyển biến đáng kể về cả số lượng lẫn chất lượng. Đồng thời, hạ tầng xã hội cũng được đặc biệt chú trọng với các lĩnh vực như giáo dục và đào tạo, y tế, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao, du lịch, thương mại và dịch vụ đều được đầu tư phát triển. Nhờ đó, các đô thị trong tỉnh không chỉ nâng cao chất lượng sống của người dân mà còn tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững trong tương lai.
Một trong những điểm sáng của quá trình phát triển đô thị tại Lâm Đồng là sự chú trọng vào việc bảo vệ và phát triển môi trường xanh. Nhiều địa phương đã triển khai các chương trình trồng mới, trồng bổ sung và bảo tồn cây xanh nhằm xây dựng các đô thị tăng trưởng xanh. Chất lượng sống tại các đô thị trong tỉnh đã từng bước được nâng cao rõ rệt, thể hiện qua diện tích nhà ở bình quân tại đô thị hiện nay đạt 24,5 m²/người, cao hơn mức trung bình tại khu vực nông thôn là 22,5 m²/người. Tỷ lệ thất nghiệp và số lượng hộ nghèo cũng đang có xu hướng giảm dần. Đáng chú ý, sự phát triển của các đô thị trong tỉnh không chỉ thúc đẩy kinh tế - xã hội của các khu vực đô thị mà còn tạo động lực cho sự phát triển ở các vùng nông thôn lân cận.
Những kết quả tích cực trên có được một phần nhờ vào việc hệ thống các quy định pháp luật và hành lang pháp lý về quản lý phát triển đô thị đã được nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện. Các quy định này đã giúp giải phóng, đa dạng hóa nguồn lực, đặc biệt là từ xã hội, đồng thời thu hút đầu tư phát triển đô thị. Bên cạnh đó, chúng cũng định hướng các mô hình phát triển và khuyến khích tính chủ động của các cấp chính quyền ở đô thị, tạo ra một môi trường thuận lợi cho sự phát triển toàn diện và bền vững của các đô thị trong tỉnh.
Công tác quy hoạch còn chậm
Theo đánh giá của ngành xây dựng, tiến độ triển khai lập các đồ án quy hoạch tại tỉnh Lâm Đồng vẫn còn chậm so với yêu cầu đặt ra, dẫn đến tình trạng một số đồ án quy hoạch chậm ban hành các quy định quản lý quy hoạch. Hệ quả là công tác quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng và cấp giấy phép xây dựng gặp nhiều khó khăn, khiến việc thực thi và kiểm soát các hoạt động xây dựng trở nên không hiệu quả.
Hiện nay, việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng trên địa bàn tỉnh vẫn còn phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn từ nhà nước, tạo ra thách thức lớn trong việc hoàn thành các công trình trọng điểm. Nhiều dự án quan trọng đã bị trì hoãn hoặc tiến độ chậm do thiếu vốn đầu tư. Trong khi đó, nguồn vốn huy động từ khu vực kinh tế tư nhân còn rất hạn chế, do vị trí địa lý của tỉnh không thuận lợi, cách xa các trung tâm kinh tế lớn của cả nước, ảnh hưởng tiêu cực đến cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông đối ngoại vốn chưa được hoàn thiện và gây cản trở cho sự kết nối kinh tế.
Một hạn chế khác là môi trường đầu tư của tỉnh chưa thực sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Thu hút đầu tư các dự án vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của tỉnh, chưa có nhiều nhà đầu tư có tiềm lực thực sự để triển khai các dự án lớn, đồng thời việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) vẫn còn rất hạn chế. Nguyên nhân là từ các dự án đầu tư công trình hạ tầng kỹ thuật thường đòi hỏi nguồn kinh phí lớn, trong khi khả năng thu hồi vốn lại chậm và hiệu quả kinh tế không cao. Vì thế, các nhà đầu tư thường ít quan tâm, hoặc nếu có đầu tư thì thường nhằm vào các mục đích khác.
Các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư hiện nay cũng chưa đủ mạnh để thu hút các nhà đầu tư lớn, đồng thời các chế tài xử lý vi phạm còn nhiều hạn chế. Việc phê duyệt các quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất của địa phương cũng diễn ra chậm chạp, nhiều quy hoạch không phù hợp với thực tế phát triển, dẫn đến hiệu quả sử dụng đất của một số dự án còn thấp. Thêm vào đó, các thủ tục pháp lý liên quan đến đất đai vẫn còn phức tạp và rườm rà, gây khó khăn cho cả nhà đầu tư và các cơ quan quản lý nhà nước.
Nhiều dự án đã triển khai nhưng bị chậm tiến độ do vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Những vấn đề như xây dựng phương án giá đất, thực hiện thu hồi đất và thỏa thuận bồi thường còn gặp nhiều khó khăn và chưa được giải quyết dứt điểm. Mặc dù hạ tầng giao thông trong tỉnh đã có những cải thiện nhất định nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ yêu cầu phát triển. Đặc biệt, tại đô thị Đà Lạt, tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ trong giờ cao điểm và các dịp lễ hội đã bắt đầu xuất hiện, cho thấy hạ tầng giao thông đang chịu áp lực lớn, hệ thống đường giao thông nông thôn dù đã được đầu tư nhưng vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu. Công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông còn nhiều hạn chế, đặc biệt là việc xử lý các điểm đen và các vị trí tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông vẫn chưa được thực hiện triệt để. Những vấn đề này đang đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc tăng cường đầu tư và nâng cao hiệu quả quản lý hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh.
Phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương
Theo Quyết định số 1727/QĐ-TTg ngày 29/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Lâm Đồng được định hướng phát triển trở thành một thành phố trực thuộc Trung ương. Trong chiến lược này, phát triển đô thị và kinh tế đô thị được xác định là động lực quan trọng cho sự phát triển toàn diện của tỉnh. Đô thị hóa không chỉ nhằm mục đích phát triển cơ sở hạ tầng mà còn gắn liền với quá trình tái cơ cấu kinh tế, công nghiệp hóa - hiện đại hóa, lấy con người làm trung tâm, coi đây là chủ thể và nguồn lực quan trọng nhất, cũng như mục tiêu của sự phát triển.
Trên nền tảng này, ngày 29/7/2024, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Quyết định 1237/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh Chương trình phát triển đô thị của tỉnh cho giai đoạn đến năm 2030 định hướng đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050. Quyết định này đặt ra các định hướng cụ thể nhằm phát triển hệ thống đô thị bền vững và năng động, qua đó hình thành các khu dân cư và đô thị mới đồng bộ, phù hợp với tiềm năng và thế mạnh của từng vùng. Những đô thị này không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế - xã hội mà còn hướng tới xây dựng các đô thị hiện đại, văn minh, thông minh với bản sắc đặc trưng của từng địa phương. Đồng thời, các đô thị phải có tính cạnh tranh cao trong khu vực, phát triển bền vững theo mạng lưới và được phân bổ hợp lý, cân đối giữa các địa phương, đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ.
Ngoài ra, Quyết định còn nhấn mạnh việc phát triển các đô thị có chức năng tổng hợp với quy mô dân số hợp lý, theo hướng đô thị xanh và thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và dịch bệnh. Đảm bảo tính kết nối cao giữa các đô thị và nông thôn, cũng như giữa các đô thị trong hệ thống của tỉnh, nhằm tạo ra một hệ thống đô thị phát triển bền vững, có khả năng thích ứng với những thách thức về môi trường và xã hội trong tương lai.
Tỉnh Lâm Đồng cũng đặt ra những mục tiêu cụ thể để hướng tới trong giai đoạn đến năm 2030. Mục tiêu bao gồm việc nâng tỷ lệ đô thị hóa lên 59,3%, đóng góp của kinh tế khu vực đô thị vào GRDP toàn tỉnh đạt khoảng 85% và tỷ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 2,0 - 2,5%. Diện tích sàn nhà ở bình quân tại khu vực đô thị cũng được đặt mục tiêu đạt tối thiểu 32 m²/người, phản ánh sự cam kết của tỉnh trong việc nâng cao chất lượng sống cho cư dân đô thị.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng chú trọng đến hạ tầng giao thông, đặt ra mục tiêu tỷ lệ đất giao thông so với đất xây dựng đô thị tại các đô thị loại I và II đạt khoảng 18 - 20% trở lên, đô thị loại III và IV đạt khoảng 15 - 18% và đô thị loại V đạt khoảng 12 - 15%. Để phù hợp với xu hướng phát triển công nghệ, tỉnh cũng đặt mục tiêu phổ cập dịch vụ ứng dụng mạng Internet băng rộng cáp quang và mạng di động 5G, đảm bảo rằng mọi cư dân đô thị đều có thể tiếp cận và sử dụng các dịch vụ hiện đại này, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng sống của người dân trong tỉnh.
Uy Tín