Chủ nhật, 24/11/2024 12:43 (GMT+7)
Thứ ba, 20/04/2021 22:11 (GMT+7)

Làm thế nào để người Việt mê đọc sách?

Theo dõi KTMT trên

Đó chính là nội dung thảo luận tại hội thảo “Sách - con đường tri thức” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Nhà xuất Bản Tri thức tổ chức vào ngày 20/4.

Trong đời sống tinh thần của mỗi chúng ta, sách luôn đóng vai trò quan trọng, góp phần giáo dục, hoàn thiện nhân cách con người và thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội. Vì vậy, khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng đồng nghĩa với việc thực hiện mục tiêu xây dựng nền tảng tri thức trong mỗi con người, mỗi gia đình và toàn xã hội.

Đánh giá cao tầm quan trọng của sách và việc đọc sách, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đây chính là cột mốc quan trọng để khuyến khích và phát động phong trào đọc sách, viết sách, quảng bá và lưu giữ sách trên phạm vi toàn quốc. Qua 5 năm tổ chức, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành sự kiện văn hóa, một nét đẹp được lan tỏa trong cộng đồng, mang lại những giá trị đích thực và hiệu quả to lớn, thu hút được nhiều bạn đọc đến với sách.

Làm thế nào để người Việt mê đọc sách? - Ảnh 1
 Quang cảnh hội thảo "Sách- con đường tri thức".

Để hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam năm 2021, ngày 20/4, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã phối hợp với Nhà xuất Bản Tri thức tổ chức hội thảo “Sách- con đường tri thức”.

Tham dự hội thảo có PGS.TS Phạm Quang Thao, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; PGS.TS Trương Mạnh Tiến, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), Chủ tịch TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam; Th.S Nguyễn Hữu Giới, Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam; cùng nhiều nhà khoa học và các Giáo sư, Tiến sỹ.

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Phạm Quang Thao, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết, với sự tham gia của các nhà khoa học, các dịch giả, nhà xuất bản… hội thảo tập trung thảo luận về văn hóa đọc, cách thúc đẩy việc khuyến khích đọc trong tình hình mới, nhất là thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 như hiện nay làm thay đổi rất nhiều thói quen đọc sách. Bên cạnh đó, hội thảo cũng thảo luận các giải pháp nhằm nâng cao hiệu của công tác tuyên truyền phố biến kiến thức, thi thức mới qua các xuất bản phẩm, chú trọng phổ biến tri thức phổ quát bên cạnh tinh hoa đỉnh cao…

Tại hội thảo, TS Nguyễn Văn Chung, cựu giảng viên Khoa Triết, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, hiện nay sách được xuất bản ở nước ta ngày càng nhiều thể loại và có giá trị nhiều mặt, tuy nhiên thực trạng đọc sách ở nước ta rất đáng buồn, nếu như không nói là thảm hại.

Chúng ta cần phải tìm ra nguyên nhân, động lực để khơi lên lòng yêu sách, ham thích đọc sách rộng khắp trong cộng đồng.

Từ kinh nghiệm của bản thân, TS Nguyễn Văn Chung đưa ra một số gợi để giúp người đọc đọc sách một cách hiệu quả. Thứ nhất là động cơ đọc sách. Đọc sách không thể thiếu động cơ, không thể thiếu nhu cầu, mục đích. Thứ hai, cách đọc sách tốt nhất là đọc nghiên cứu. Đọc nghiên cứu là đọc theo các chủ đề. Thứ ba, đọc sách phải ghi chép, “đọc sách mà không ghi chép giống như đổ nước lên mặt đá”…

Cùng quan điểm, Th.S Nguyễn Hữu Giới, Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam khẳng định việc đọc sách, tìm hiểu tri thức như là một nhu cầu bản năng của con người, để thỏa mãn nhu cầu thông tin tri thức, hiểu biết, khám phá thế giới, đồng thời phục vụ lao động sản xuất, xây đắp những giá trị- văn hóa, lịch sử có tính cộng đồng.

Tuy nhiên, Th.S Nguyễn Hữu Giới cho hay nhiều lúc cảm thấy “chạnh lòng” khi thấy nhiều người Việt Nam ít có thói quen đọc sách báo, lại càng thấy hiếm mua sách, thậm chí nhiều người thích khoe “tủ rượu”, “tủ giày” nhưng trong nhà không có tủ sách hay giá đựng sách báo. Thậm chí có người cả năm không đọc một cuốn sách.

Trong khi đó, ở nhiều nơi trên thế giới như Pháp, Nhật, Hàn Quốc… họ có thói quen đọc sách mọi lúc mọi nơi, đọc trong lúc rảnh rỗi ở nhà ga, trên tàu điện, ngầm, sân bay trong lúc chờ đợi (thay vì đọc tin tức trên điện thoại di động, trên Ipad, máy tính như nhiều người dân Việt Nam).

ThS Nguyễn Hữu Giới cho biết thêm, ngày nay văn hóa đọc đang bị lấn át bởi văn hóa nghe nhìn. Bằng chứng nhiều thư viện thiếu vắng độc giả, lượng xuất bản bằng giấy đang thu hẹp về số lượng, lớp trẻ đang chuyển sang sử dụng nhiều hơn điện thoại, máy tính để đọc và tra cứu thông tin. Mặc dù “online” cũng là một kênh tốt để cung cấp tri thức, tuy nhiên, việc thờ ơ với văn hóa đọc sách là một thực trạng đáng tiếc.

Ông Giới hi vọng rằng, người dân cần thay đổi cách nghĩ cách tư duy, đặc biệt là cách tiếp cận văn hóa độc, cần xây dựng và phát triển thói quen đọc sách báo bằng cả hai cách (trên giấy và mạng internet).

Cũng chia sẻ với PV bên lề hội thảo, PGS.TS Trương Mạnh Tiến, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), Chủ tịch TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cho rằng, sách không những là người bạn mà còn là món ăn tinh thần. Vì là món ăn nên chúng ta phải chọn lựa cẩn thận, cần chọn những món ăn có lợi, không có chất độc hại. Sách cung cấp kiến thức, bồi đắp, nuôi dưỡng tâm hồn mỗi con người.

“Đọc sách sẽ giúp chúng ta sống tử tế hơn, hạnh phúc hơn”, PGS.TS Trương Mạnh Tiến nói.

Con đường tốt nhất, ngắn nhất để nâng cao tri thức là đọc sách báo hàng ngày

Không có sách thì không có tri thức, không có tri thức thì không có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản” – câu nói của Mác-Lê nin đã toát lên vai trò to lớn của sách đối với nhân loại. Đọc sách không những để nâng cao trí thức mà còn nâng cao nhân cách. Sách chính là phương tiện, công cụ lưu giữ sự tiến bộ, văn minh và chặng đường lịch sử phát triển của con người. Hay nói cách khác sách cũng chính người thầy dẫn dắt, người bạn đường chỉ lối, đưa con người đến những chân trời của sự hiểu biết và sáng tạo.

Sách không đơn thuần chỉ là một vật dụng mà nó còn chứa đựng những tư tưởng nhân văn, ý nghĩa sâu sa có giá trị tinh thần vô giá. Sách là một kho tàng về tri thức, là sản phẩm của xã hội văn minh, là nguồn tri thức vô giá, cung cấp nhưng kiến thức vô tận. Đó là kết tinh của những tư tưởng tiên tiến của thời đại là nơi lưu trữ những hình ảnh, sự việc, tư liệu của con người trong quá trình tồn tại. Vì vậy, nó thể hiện những sự kiện lịch sử quan trọng, những công trình kiến trúc khoa học, văn hoá nghệ thuật, hay những phát minh khoa học, những công thức toán học.

Đã từ lâu sách đã đi vào cuộc sống của mỗi con người, sách là nơi ghi lại, lưu trữ những điều hiểu biết của con người và ở đó cũng chính là nơi chia sẻ những thông tin, những suy nghĩ giữa con người với con người. Đọc sách để ghi nhớ, bổ sung kiến thức và truyền dạy cho các thế hệ. Bên cạnh đó, sách là món ăn tinh thần để chúng ta thư giãn, giải trí sau những ngày làm việc. Nhờ đọc sách, chúng ta biết cách đối nhân xử thế, để làm giàu ngôn từ, nắm bắt tâm lý con người, hướng con người sống tích cực. Sách hay sẽ giúp ta mở mang kiến thức, nuôi dưỡng tâm hồn, là cách để nối liền quá khứ - hiện tại và mở ra tương lai.

PV

Bạn đang đọc bài viết Làm thế nào để người Việt mê đọc sách?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới