Chủ nhật, 24/11/2024 09:58 (GMT+7)
Thứ tư, 05/10/2022 12:02 (GMT+7)

"Làn sóng" tăng lãi suất toàn cầu có tác động như thế nào đến kinh tế Việt Nam?

Theo dõi KTMT trên

Tính đến nay có 257 lượt tăng lãi suất trên toàn cầu (so với cả năm 2021 là 113 lượt tăng). Ngân hàng Nhà nước đánh giá diễn biến lạm phát thế giới và điều hành của FED gây áp lực lớn lên tâm lý nhà đầu tư.

Kinh tế Việt Nam chịu tác động ra sao?

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, hiện ưu tiên số một là kiểm phát lạm phát và thực hiện các chính sách kinh tế vĩ mô để đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ. 

"Làn sóng" tăng lãi suất toàn cầu có tác động như thế nào đến kinh tế Việt Nam? - Ảnh 1
NHNN không thể đứng ngoài "dàn đồng ca tăng lãi suất khắp thế giới". (Ảnh: Ngọc Khanh)

Trong khi đó, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đánh giá cao việc NHNN Việt Nam duy trì lạm phát ở mức ổn định và theo đuổi chính sách tiền tệ linh hoạt

Đáng chú ý, tính đến nay có 257 lượt tăng lãi suất trên toàn cầu (so với cả năm 2021 là 113 lượt tăng). NHNN đánh giá diễn biến lạm phát thế giới và điều hành của FED gây áp lực lớn lên tâm lý nhà đầu tư. Dòng vốn rút ra tạo áp lực mất giá lớn đối với đồng tiền của các quốc gia mới nổi, trong đó có Việt Nam.

Ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế trưởng cuả Ngân hàng Phát triển Châu Á ADB tại Việt Nam phân tích: "Những chính sách siết chặt tài chính toàn cầu thị trường trở nên khó khăn hơn, ảnh hưởng các dòng vốn đến Việt Nam trong đó có FDI, kiều hối. Những yếu tố bất ổn về địa chính trị là những yếu tố bên ngoài tác động đến kinh tế Việt Nam trong thời gian tới, tạo ra những ảnh hưởng đối với tăng trưởng kinh tế nước ta".

Dự báo lãi suất của Fed vẫn duy trì đà tăng trong năm 2023. Vì vậy, đây là thời kỳ có thể nói là khó khăn trong nhiều năm qua đối với chính sách tiền tệ của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Ở lĩnh vực xuất nhập khẩu, nửa đầu tháng 9, giày dép; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác và hàng dệt may là 5 mặt hàng có tốc độ tăng giá trị xuất khẩu lớn nhất. 

Tính đến hết tháng 8, tổng vốn đầu tư trở lại nền kinh tế của doanh nghiệp bảo hiểm đạt 645 nghìn tỷ đồng, đưa thị trường bảo hiểm trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn của nền kinh tế.

Theo phân tích của chuyên gia kinh tế  Nguyễn Bích Lâm, việc Mỹ tăng lãi suất khiến nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của chính phủ và doanh nghiệp sẽ tăng lên. Theo Bộ Tài chính, hiện nay khối lượng vay vốn trong nước của Chính phủ chiếm 90% và vay vốn nước ngoài chỉ chiếm khoảng 10% tổng giá trị hàng năm; các khoản vay trong nước của Chính phủ có xu hướng tăng nhanh và chiếm vai trò chủ đạo, nợ nước ngoài giảm dần. Vì vậy, nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của Chính phủ bị tác động không nhiều trước việc đồng USD tăng giá.

Tuy vậy, vay và trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng theo phương thức tự vay, tự trả tăng cao, khi FED tăng lãi suất, khu vực doanh nghiệp sẽ tăng gánh nặng trả nợ vay nước ngoài.

Theo đó, để kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định vĩ mô, tạo nền tảng quan trọng cho phục hồi và phát triển kinh tế, ông Nguyễn Bích Lâm đề xuất, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp cần chủ động, linh hoạt, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, rà soát bãi bỏ các quy định không hợp lý nhằm cắt giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng thúc đẩy tổng cung, giảm áp lực lạm phát…

Nhiều quốc gia tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát

Lạm phát của Mỹ và Cộng đồng chung châu Âu tăng cao và lập kỷ lục trong 40 năm qua. Tại Mỹ, tháng 6/2022 lạm phát tăng đến 9,1%, còn tại EU, lạm phát lập kỷ lục mới 8,9% vào tháng 7/2022, đồng thời là tháng thứ 9 lạm phát của khu vực này tăng.

Để kiềm chế lạm phát, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm – nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư): Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và ngân hàng trung ương nhiều nước trên thế giới đã nâng lãi suất với mức khá cao.

Cụ thể, ngày 27/7 vừa qua, Cục Dự trữ liên bang Mỹ quyết định nâng lãi suất cơ bản đồng USD với mức 0,75%, đây là lần thứ hai trong vòng 2 tháng FED đã nâng lãi suất với mức cao, đưa lãi suất hiện tại của nền kinh tế lên mức 2,25% - 2,5% - mức cao nhất kể từ tháng 12/2018.

“Ngoài ra, FED có thể tăng thêm một đợt lãi suất 0,75% vào cuối năm 2022” - ông Nguyễn Bích Lâm dự báo và cho biết, lãi suất tham chiếu của FED có thể tăng lên mức 3,1%- 3,6% vào cuối năm nay và 3,6%-4,1% vào cuối năm 2023.

Cùng với FED, ngày 21/7 vừa qua, Ngân hàng Trung ương châu Âu tăng lãi suất cơ bản đồng EUR với mức tăng 0,5%, chấm dứt kỷ nguyên lãi suất âm sau 11 năm; Ngân hàng Trung ương Anh đã tăng lãi suất lên mức cao nhất trong 13 năm qua; ngân hàng trung ương các nước trên thế giới đều đã có từ 1 - 3 lần tăng lãi suất từ đầu năm đến nay.

Cùng với việc tăng lãi suất, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm, FED còn thu hẹp quy mô bảng cân đối kế toán khoảng 427,5 tỷ USD trong nửa cuối năm 2022. Việc thắt chặt chính sách tiền tệ của Mỹ sẽ tác động tới kinh tế thế giới trên 5 phương diện, bao gồm: 

Thứ nhất, mặt bằng lãi suất toàn cầu tăng lên khiến kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, tổng cầu hàng hóa và dịch vụ thế giới suy giảm.

Thứ hai, đồng USD lên giá so với hầu hết các đồng tiền khác là m cho đồng nội tệ của các nước yếu đi so với USD, vì vậy kích thích xuất khẩu nhưng nhập khẩu sẽ đắt hơn, đặc biệt nhập khẩu xăng dầu.

Thứ ba, lãi suất USD tăng, các nhà đầu tư lo ngại rủi ro, rút vốn từ các thị trường mới nổi, quay về đầu tư tại thị trường Mỹ và một số thị trường phát triển khác để phòng tránh rủi ro và hưởng lãi suất cao. Điều này tác động đến dòng vốn đầu tư, nhất là đầu tư gián tiếp nước ngoài.

Thứ tư, tăng lãi suất USD sẽ tác động tiêu cực đến khả năng vay vốn trên thị trường quốc tế của các nước thuộc thị trường mới nổi vì các tổ chức cho vay sẽ đòi trả lãi cao hơn lãi suất khi họ đầu tư an toàn hơn tại Mỹ. Điều này gây khó khăn đối với chính phủ các nước thuộc thị trường mới nổi khi đang phải đương đầu với giá năng lượng và lương thực nhập khẩu tăng cao do đại dịch và xung đột tại Ukraine.

Thứ năm, Mỹ tăng lãi suất khiến giá trị đồng USD, tỷ giá giữa đồng nội tệ và USD tăng, gây thêm gánh nặng cho các quốc gia khi phải trả nợ nước ngoài tăng lên, khiến cho dự trữ ngoại tệ cạn kiệt. Bên cạnh đó khi FED tăng lãi suất sẽ thúc đẩy ngân hàng trung ương các nước phải tăng lãi suất để ổn định cán cân vãng lai, dẫn tới suy giảm tăng trưởng kinh tế.

Ngày 22/9/2022, NHNN quyết định điều chỉnh các mức lãi suất, có hiệu lực từ ngày 23 tháng 9 năm 2022 như sau:

1. Quyết định số 1606/QĐ-NHNN ngày 22 tháng 9 năm 2022 về lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (gọi chung là tổ chức tín dụng). Theo đó, tăng lãi suất tái cấp vốn từ 4,0%/năm lên 5,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 2,5%/năm lên 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với tổ chức tín dụng từ 5,0%/năm lên 6,0%/năm.

2. Quyết định số 1607/QĐ-NHNN ngày 22 tháng 9 năm 2022 về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam (Việt NamD) của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng theo quy định tại Thông tư số 07/2014/TT-NHNN ngày 17 tháng 3 năm 2014. Theo đó, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng từ mức 0,2%/năm lên 0,5%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng từ 4,0%/năm lên 5,0%/năm, riêng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng Việt NamD tại Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô từ 4,5%/năm lên 5,5%/năm; lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do tổ chức tín dụng ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.

Hải Anh

Bạn đang đọc bài viết "Làn sóng" tăng lãi suất toàn cầu có tác động như thế nào đến kinh tế Việt Nam?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới