Chủ nhật, 24/11/2024 08:37 (GMT+7)
Thứ năm, 17/02/2022 10:00 (GMT+7)

Lễ hội đầu xuân Nhâm Dần: An toàn và bảo đảm nhu cầu tín ngưỡng

Theo dõi KTMT trên

Đời sống văn hóa tín ngưỡng, tâm linh trong các lễ hội đầu năm là nét đẹp truyền thống của người Việt Nam. Công tác phòng dịch cũng được chính quyền địa phương; ban quản lý các khu di tích, đền chùa; người dân và du khách thực hiện nghiêm túc.

Bảo đảm nhu cầu tín ngưỡng

Tại Hà Nội, chuẩn bị các điều kiện đón tiếp khách khi di tích mở cửa trở lại từ 16/2, UBND huyện Mỹ Đức đã xây dựng kế hoạch quản lý, tổ chức đón khách về tham quan Di tích quốc gia đặc biệt quần thể Hương Sơn (chùa Hương) trong điều kiện “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” năm 2022. Đi kèm với đó là phương án riêng cho bảo đảm công tác phòng, chống dịch tại khu di tích.

Tại Quảng Ninh, năm nay, toàn bộ các đền chùa, cơ sở thờ tự trên địa bàn tỉnh đều chỉ thực hiện nghi thức dâng hương, tế lễ đảm bảo nhỏ gọn, thành kính và trang nghiêm. Riêng phần hội không tổ chức để hạn chế tối đa việc tập trung đông người. Chính quyền cơ sở nơi có các đền, chùa, cơ sở thờ tự cũng triển khai tuyên truyền, vận động, lập nhiều đoàn công tác nhắc nhở người dân và du khách nâng cao hơn nữa ý thức, trách nhiệm trong phòng, chống dịch.

Lễ hội đầu xuân Nhâm Dần: An toàn và bảo đảm nhu cầu tín ngưỡng - Ảnh 1
Lễ hội cần bảo đảm nhu cầu tín ngưỡng. (Ảnh minh họa)

Với quần thể chùa chiền, am tháp có kiến trúc cổ kính, trầm mặc hòa cùng cảnh sắc núi non hùng vĩ, Yên Tử luôn là điểm đến hấp dẫn đối với du khách thập phương mỗi dịp Tết đến, xuân về. Tuy lượng khách đến không đông như những năm trước do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, song dịp nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần, vẫn có trên 51.000 lượt người dân, du khách đến Yên Tử tham quan, chiêm bái và lễ Phật. Trên thực tế các hoạt động tham quan, chiêm bái, lễ Phật tại Yên Tử năm nay đã và đang diễn ra trật tự và quy củ. Người dân, du khách đã chủ động thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K của Bộ Y tế để đảm bảo an toàn.

Theo thống kê của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai, trong những ngày đầu Xuân, trên địa bàn Lào Cai diễn ra 123 hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và lễ hội. Song song với việc tổ chức các lễ hội để nhân dân vui Xuân đón Tết, Lào Cai chủ động siết chặt hơn nữa công tác phòng, chống dịch bệnh.

Tại Khu du lịch quốc gia Sa Pa cũng có nhiều lễ hội mang đậm bản sắc dân tộc trên địa bàn như: Khèn hoa (Khu vực ga đi Cáp treo Fansipan); Văn hóa Bản Mông (xã Mường Hoa); Hát giao duyên (xã Tả Phìn); Hội Xuân mở cổng trời (Khu vực ga đi Cáp treo Fansipan)… Cao nguyên trắng Bắc Hà cũng chào đón năm mới bằng các lễ hội đặc trưng riêng của địa phương như: Nhảy lửa dân tộc Dao; Xuống đồng tại các xã Tà Chải, Na Hối... Mỗi nơi có một lễ hội riêng thông qua các lễ hội, các dân tộc ở Lào Cai đã và đang bảo tồn các di sản văn hóa âm nhạc truyền thống được tạo ra từ chính quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt mỗi ngày của người dân tộc nơi đây.

Lễ chùa đầu năm là nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt Nam, không chỉ để mong cầu một năm mới sung túc, bình an; đây còn là dịp để vun đắp những giá trị cốt lõi của dân tộc. Chính sự thống nhất từ công tác chỉ đạo từ các cấp, các ngành, các địa phương đến các cơ quan liên quan đã và đang góp phần đưa mùa du xuân đầu năm dần trở lại trong tâm thế tiếp tục không lơ là, mất cảnh giác, đảm bảo một mùa lễ hội văn minh, an toàn trước những ảnh hưởng do dịch Covid-19.

“Kích hoạt” hệ thống kiểm tra, giám sát

Ngày 15/2, nhiều di tích trên địa bàn TP Hà Nội bắt đầu mở cửa sau một thời gian dài đóng cửa phòng chống dịch Covid-19. Theo đó, di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám mở cửa trở lại đón khách tham quan, thời gian bắt đầu từ 8 giờ ngày 15/2.

Du khách tham quan di tích được yêu cầu: Thực hiện 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế ), đo thân nhiệt và rửa tay bằng nước diệt khuẩn do Trung tâm chuẩn bị cho du khách trước khi vào tham quan, quét mã QR-Code để Khai báo y tế tại cổng trước khi vào tham quan; rửa tay bằng xà phòng và nước diệt khuẩn tại nhà vệ sinh trong khu Di tích; thực hiện nghiêm khoảng cách an toàn trong tiếp xúc tại tất cả các khu vực trong Di tích.

Lễ hội đầu xuân Nhâm Dần: An toàn và bảo đảm nhu cầu tín ngưỡng - Ảnh 2
Đảm bảo an toàn trong mùa lễ hội. (Ảnh minh họa)

Tương tự, công tác phòng Covid-19 cũng được thực hiện tốt tại các di tích trên địa bàn như Hoàng thành Thăng Long, Đền Ngọc Sơn…

Trước đó, để chuẩn bị cho sự trở lại hoạt động của các di tích, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội có công văn gửi UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn để đạt được mức độ tăng cường thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong hoạt động tại các di tích năm 2022.

Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã căn cứ thông báo cấp độ dịch của thành phố để chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, phường, thị trấn, các ban quản lý di tích chủ động thực hiện công tác quản lý, đón tiếp khách tham quan tại các điểm di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn phù hợp theo từng cấp độ, bảo đảm an toàn, linh hoạt, hiệu quả. Việc mở cửa đón tiếp khách phải tuân thủ đúng các hướng dẫn về phòng dịch của Bộ Y tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và của thành phố.

Sở Y tế Lào Cai chủ động xây dựng phương án đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 và mùa Lễ hội Xuân 2022 trên địa bàn tỉnh; thường xuyên nắm chắc tình hình dịch Covid-19; tiếp tục tăng cường chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh trong tỉnh duy trì phân luồng, chủ động rà soát, kịp thời phát hiện, kiểm tra, xét nghiệm, theo dõi điều trị tất cả các trường hợp có biểu hiện ho, sốt khi đến khám bệnh.

Nguyễn Linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Lễ hội đầu xuân Nhâm Dần: An toàn và bảo đảm nhu cầu tín ngưỡng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới