Chủ nhật, 24/11/2024 06:54 (GMT+7)
Thứ năm, 28/01/2021 15:13 (GMT+7)

LHQ: Doanh nghiệp cần tiên phong về vấn đề khí hậu, ứng phó dịch bệnh

Theo dõi KTMT trên

Theo ông Guterres, thế giới đang cần các doanh nghiệp hơn bao giờ hết trong việc hỗ trợ thay đổi lộ trình, chấm dứt các nguy cơ, đẩy lùi thảm họa về khí hậu và xây dựng tương lai công bằng, bền vững.

LHQ: Doanh nghiệp cần tiên phong về vấn đề khí hậu, ứng phó dịch bệnh - Ảnh 1
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 25/1, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã hối thúc các doanh nghiệp đi đầu trong lộ trình hướng tới mục tiêu phục hồi bình đẳng và bền vững sau đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 cũng như ứng phó với cuộc khủng hoảng về khí hậu.

Phát biểu tại phiên họp trực tuyến của Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) 2021, Tổng Thư ký Guterres nhấn mạnh thế giới đang rất dễ bị tổn thương trước các vấn đề khí hậu, chia rẽ địa chính trị, không gian mạng... Ông Guterres ước tính, hơn 2 triệu người đã tử vong do dịch COVID-19 và thế giới đang đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất trong một thế kỷ.

Tổng Thư ký Guterres khẳng định trong năm 2021, các nước cần giải quyết các nguy cơ trên và đưa thế giới trở lại lộ trình phù hợp. Theo ông, các doanh nghiệp cần đóng vai trò quan trọng trong tiến trình này và thế giới đang cần các doanh nghiệp hơn bao giờ hết trong việc hỗ trợ thay đổi lộ trình, chấm dứt các nguy cơ, đẩy lui thảm họa về khí hậu và xây dựng tương lai công bằng và bền vững.

Ông Guterres cho biết, hai ưu tiên hàng đầu trong bối cảnh phục hồi hậu đại dịch chính là sự phục hồi bình đẳng và bao trùm để đạt được Các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) và lộ trình phục hồi xanh giúp giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và bù đắp những mất mát của hệ sinh thái.

Bên cạnh đó, ông cũng bày tỏ quan ngại về sự khác biệt quan điểm giữa Mỹ và Trung Quốc trong các vấn đề tiền tệ, thương mại, quy định tài chính, mạng Internet...; khẳng định các bên cần nỗ lực hết sức để ngăn ngừa tình trạng khác biệt quan điểm như vậy.                                                   

Trong lĩnh vực kinh tế, Tổng Thư ký Guterres nhận định sự phục hồi trên toàn cầu sẽ phụ thuộc vào công tác phân phối và hiệu quả của vắcxin ngừa COVID-19, sự hỗ trợ kịp thời về tài chính và tiền tệ tại các nước phát triển và đang phát triển cũng như các biện pháp kích thích kinh tế trong dài hạn.

Ông cho rằng cách nhanh nhất để mở cửa lại nền kinh tế toàn cầu là phân phối vắcxin ngừa COVID-19 một cách công bằng, đồng thời cảnh báo rằng việc các nước phát triển chỉ tập trung tiêm chủng cho người dân và không quan tâm tới nhu cầu tiêm vắcxin của các nước đang phát triển là hoàn toàn sai lầm.

Trong bối cảnh có nhiều nguy cơ liên quan đến các biến thể khiến virus SARS-CoV-2 gây ra dịch COVID-19 lây lan nhanh hơn, tăng nguy cơ tử vong hay có khả năng kháng vắcxin, ông Guterres kêu gọi các nước và các doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất, đảm bảo giá thành hợp lý của vắcxin, coi đây là mặt hàng toàn cầu để mọi người có thể tiếp cận và tiêm phòng. Ông Guterres cũng kêu gọi xóa nợ cho các tất cả những nước có nhu cầu, để không quốc gia nào phải chọn lựa giữa cung cấp dịch cơ bản cho người dân với việc trả nợ.

Về vấn đề khí hậu, Tổng Thư ký Guterres đã kêu gọi mục tiêu trọng tâm trong năm 2021 là xây dựng liên minh toàn cầu về trung hòa khí thải carbon thông qua các biện pháp chấm dứt trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch, định giá carbon, không xây thêm các nhà máy điện hoạt động bằng than, mạnh tay đầu tư vào năng lượng tái tạo.

Do tác động của đại dịch COVID-19, WEF với chủ đề "Năm then chốt để khôi phục lòng tin" được tổ chức trực tuyến từ ngày 25-29/1. Dự kiến, 25 nguyên thủ trên thế giới cùng hơn 2.000 lãnh đạo doanh nghiệp và các tổ chức xã hội dân sự sẽ tham gia tuần lễ Chương trình Nghị sự Davos 2021 với trọng tâm giải quyết hậu quả của đại dịch COVID-19 và thúc đẩy hợp tác toàn cầu.

(TTXVN/Vietnam+)

Bạn đang đọc bài viết LHQ: Doanh nghiệp cần tiên phong về vấn đề khí hậu, ứng phó dịch bệnh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới