Chủ nhật, 24/11/2024 08:44 (GMT+7)
Thứ năm, 28/01/2021 08:33 (GMT+7)

Tăng tốc hành động để thích ứng với biến đổi khí hậu

Theo dõi KTMT trên

Hiện tượng nóng lên toàn cầu đang gây ra những hậu quả khủng khiếp mà nhiều quốc gia thường xuyên bị ảnh hưởng do thiếu các phương tiện, từ nhân lực đến năng lực tài chính.

Tăng tốc hành động để thích ứng với biến đổi khí hậu - Ảnh 1
Cảnh khô hạn trên cánh đồng tại thị trấn Walgett, Australia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong khi số nạn nhân tử vong vì các thảm họa liên quan tới khí hậu đã tăng lên gần nửa triệu người kể từ đầu thế kỷ này, các quốc gia vẫn chậm chạp trong việc tăng cường khả năng chống đỡ những cú sốc môi trường.

Cảnh báo này được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về thích ứng với biến đổi khí hậu do Hà Lan tổ chức ngày 25-26/1, thực sự đã gióng thêm hồi chuông hối thúc các quốc gia hành động ngay lập tức.

Theo dõi nhiệt kế và cố gắng giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 2°C là không đủ.

Hiện tượng nóng lên toàn cầu đang gây ra những hậu quả khủng khiếp mà nhiều quốc gia, bắt đầu từ những nước nghèo nhất, thường xuyên bị ảnh hưởng do thiếu các phương tiện, từ nhân lực đến năng lực tài chính.

Tổng Thư ký Liên hợp quốcAntónio Guterres đã kêu gọi tăng cường năng lực đối phó toàn cầu, bằng cách khuyến khích các quốc gia giàu có và các nhà tài trợ quốc tế dành "một nửa khoản tài trợ khí hậu cho sự thích ứng của các quốc gia đang phát triển."

Lời khuyến nghị của ông António Guterres, được đưa ra trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh về thích ứng với khí hậu, đã gây tiếng vang khi đi kèm với con số đáng quan ngại được công bố cùng ngày.

Hơn 480.000 người đã thiệt mạng trong 20 năm qua vì các thảm họa liên quan đến những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt.

Theo tổ chức phi chính phủ Germanwatch, những thiệt hại về người này là hậu quả trực tiếp của hơn 11.000 đợt khí hậu bất thường như lốc xoáy, sóng nhiệt, lũ lụt...

Các nền kinh tế đang phát triển phải trả giá nặng nề, dẫn đầu là Puerto Rico (vùng lãnh thổ của Mỹ), Myanmar và Haiti, những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Theo báo cáo của Germanwatch, các nước và vùng lãnh thổ này dễ bị tổn thương hơn trước tác động tàn phá của những mối nguy hiểm và có khả năng vượt qua yếu hơn, nhiều nơi vẫn chưa hoàn toàn phục hồi sau một thảm họa khi thảm họa tiếp theo ập đến. Cái giá của những thiệt hại đó thật nặng nề: 2.560 tỉ USD kể từ đầu thế kỷ.

Vấn đề nằm ở việc thiếu các phương tiện tài chính, để trồng lại rừng và giảm nguy cơ hỏa hoạn ở nơi này, để xây dựng các con đê và ngăn chặn sự xâm lấn của nước biển ở nơi khác, hoặc thậm chí để thiết lập hệ thống cảnh báo cho người dân.

Tăng tốc hành động để thích ứng với biến đổi khí hậu - Ảnh 2
Khói lửa bốc lên từ đám cháy tại khu vực rừng Amazon ở bang Para State, Brazil. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong khi đó, số tiền tài trợ cho các hành động thích ứng trên lại thấp hơn nhiều so với mức được Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu đề xuất.

Theo ước tính gần đây của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), các khoản tiền thưởng được sử dụng để hỗ trợ các quốc gia trong nỗ lực giảm thiểu phát thải khí nhà kính (66% kinh phí), hơn là giúp họ tự chuẩn bị càng nhanh càng tốt trước tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu (25%).

Theo báo cáo gần đây của Trung tâm thích ứng toàn cầu, khoảng cách chênh lệch là từ 1-10 giữa các quỹ dành cho thích ứng khí hậu (khoảng 30 tỉ USD mỗi năm) và nhu cầu thực tế của các nước đang phát triển (300 tỉ USD).

Hội nghị thượng đỉnh do Hà Lan tổ chức là sự kiện đầu tiên tập trung vào các hậu quả của biến đổi khí hậu.

Những hội nghị trước đây chủ yếu dành cho cuộc chiến chống lại các nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu, đặc biệt là phát thải khí nhà kính.

Nội dung các cuộc thảo luận bao gồm cách thức làm giảm khả năng dễ bị tổn thương của các quốc gia trước hiện tượng nước biển dâng, điều kiện thời tiết khắc nghiệt và tình trạng thiếu lương thực.

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cho biết Hà Lan, với 1/3 lãnh thổ nằm dưới mực nước biển, đã có nhiều thế kỷ kinh nghiệm trong việc bảo vệ đất đai và sẵn sàng chia sẻ điều đó với những nước khác.

Ông Rutte nhấn mạnh: “Nếu chúng ta không học cách đối phó với hậu quả, nếu chúng ta không thể thích nghi, thì tác động sẽ rất thảm khốc.”

Vương quốc Anh, nước chủ nhà của Hội nghị Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP) lần thứ 26, sẽ khởi động một sáng kiến quốc tế mang tên “Liên minh hành động thích ứng” cùng với Ai Cập, Bangladesh, Malawi, Hà Lan, Sainte-Lucie và Liên hợp quốc.

Về phần mình, tân Tổng thống Mỹ Joe Biden đã giữ lời hứa. Ngay sau lễ nhậm chức ngày 20/1, ông đã ký một sắc lệnh mở đường cho Mỹ quay trở lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Cùng với quyết định này là việc bổ nhiệm cựu Ngoại trưởng John Kerry làm đặc phái viên về biến đối khí hậu. Có thể nói "sự trở lại" này là một tin tốt cho thế giới, bởi Mỹ là một nền kinh tế lớn và thuộc nhóm đứng đầu về phát thải khí nhà kính.

Tuy nhiên, khó nhất vẫn là phần thực hiện và chính quyền mới của Mỹ sẽ phải chứng minh lại vai trò quan trọng của mình trong vấn đề biến đổi khí hậu.

Mỹ sẽ phải đưa ra những biện pháp cụ thể đầu tiên để thực hiện cam kết, trước hội nghị COP26 dự kiến vào tháng 11/2021 tại Glasgow (Anh), với các mục tiêu khí hậu mới khắt khe hơn cho đến năm 2030.

Việc giảm lượng khí thải phải phù hợp với mục tiêu mà ông Biden đã đặt ra khi tranh cử tổng thống, là trung hòa carbon vào năm 2050. Điều này phụ thuộc phần lớn vào việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng và thực hiện kế hoạch phục hồi xanh trị giá 2.000 tỉ USD trong 4 năm.

Trong thông điệp gửi tới hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về thích ứng với biến đổi khí hậu, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh thích ứng với biến đổi khí hậu cần gắn liền với phát triển bền vững, bình đẳng giới, xóa đói giảm nghèo; tăng cường hỗ trợ quốc tế dành cho các nước đang phát triển về tài chính và công nghệ phục vụ cho thích ứng với biến đổi khí hậu; thúc đẩy quan hệ đối tác nhiều bên, khuyến khích, thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp, các nhà khoa học, cộng đồng dân cư, các tổ chức phi chính phủ vào các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu.

Quan trọng nhất là sự chung tay hợp tác của cộng đồng quốc tế trong một nỗ lực chung, đồng thời thúc đẩy hành động của mỗi người dân để nâng cao nâng lực thích ứng của cộng đồng.

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, trong đó khu vực ven biển và đồng bằng, đặc biệt là Đồng bằng sông Cửu Long, trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của cả nước, thường xuyên chịu tác động nghiêm trọng của nước biển dâng, xâm nhập mặn và các hiểm họa liên quan đến khí hậu như bão và áp thấp nhiệt đới, lũ lụt, hạn hán.

Theo tính toán, nếu nước biển dâng cao 100cm, sẽ có tới gần 40% diện tích khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ bị ngập, khoảng 10% dân số bị ảnh hưởng trực tiếp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh lương thực của Việt Nam và thế giới.

Trong khi đó, khu vực miền núi cũng thường xuyên bị lũ quét và sạt lở đất với tần suất ngày càng gia tăng, điển hình như đợt bão lũ gây sạt lở nghiêm trọng ở miền Trung hồi tháng 10-11 năm ngoái, làm 249 người chết và mất tích.

Vì vậy, cùng với quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu được xác định là những vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn, quan hệ, tác động qua lại, cùng quyết định sự phát triển bền vững của Việt Nam; là cơ sở, tiền đề cho hoạch định đường lối, chính sách phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội.

Nội dung về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu là một trong những nội dung quan trọng trong các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng.

Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành quyết định về Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Việt Nam đã và đang có nhiều biện pháp nhằm tăng cường sức chống chịu và nâng cao năng lực thích ứng của cộng đồng, các thành phần kinh tế và hệ sinh thái; giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra; lồng ghép thích ứng với biến đổi khí hậu vào hệ thống chiến lược, quy hoạch quốc gia; đầu tư phát triển nguồn nhân lực, tăng cường nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ hiện đại.

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng COVID-19 đang khiến những thách thức về biến đổi khí hậu trở nên nặng nề hơn, cộng đồng quốc tế cũng tỏ rõ quyết tâm hành động.

Nếu điều kiện y tế cho phép, năm 2021 sẽ được đánh dấu bằng một loạt các hội nghị thúc đẩy thế giới hành động vì môi trường.

Các quốc gia sẽ gặp nhau vào đầu tháng 6 tại Bonn (Đức) trong phiên đàm phán đầu tiên về khí hậu, trước cuộc họp trù bị cho COP-26 tại Italy vào cuối tháng 9 hoặc đầu tháng 10.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng cam kết sẽ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh quốc tế trong vòng 100 ngày đầu tiên của nhiệm kỳ.

Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển nhất (G7) và Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), do Anh và Italy chủ trì, sẽ là những cột mốc quan trọng cho sự tiến bộ trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Theo đánh giá của các chuyên gia, diễn biến hiện nay cho phép hy vọng một cách thận trọng. Hội nghị thượng đỉnh thế giới về tham vọng khí hậu, được tổ chức trực tuyến tháng 12/2020 để kỷ niệm 5 năm Hiệp định, được coi như một bàn đạp.

Sự kiện này cho thấy khí hậu vẫn luôn nằm trong chương trình nghị sự chính trị ở cấp quốc tế và quốc gia.

Năm 2021 là thời điểm quan trọng để bắt đầu tăng tốc hành động, khi mà những cam kết ngày càng nhiều của các quốc gia hướng tới mục tiêu trung hòa carbon là một trong những bước tiến mạnh nhất kể từ năm 2015.

Linh Hương

Bạn đang đọc bài viết Tăng tốc hành động để thích ứng với biến đổi khí hậu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới