Chủ nhật, 24/11/2024 05:21 (GMT+7)
Thứ năm, 08/04/2021 11:42 (GMT+7)

Lỗ hổng pháp lý truy xuất nguồn gốc lâm sản: Gỗ luồn rừng về xuôi

Theo dõi KTMT trên

Cần tìm lời giải cho bài toán rào cản pháp lý trong quản lý lâm sản, để không còn tình trạng thớt nghiến, gỗ nghiến vẫn bị luồn rừng đưa về xuôi.

Hợp pháp hóa hồ sơ gỗ trái pháp luật, lợi dụng kẽ hở của Thông tư 27 trong quản lý truy xuất nguồn gốc lâm sản, lợi dụng địa hình miền núi khó khăn trong kiểm tra, kiểm soát cùng nhiều thủ đoạn vận chuyển mới tinh vi khác đang là cách thức mà các đối tượng mua bán, vận chuyển gỗ nghiến, sản phẩm từ gỗ nghiến để qua mặt các lực lượng chức năng.

Ngành Kiểm lâm nhiều địa phương đã không ít lần kêu khó và những rừng nghiến cổ thụ hàng trăm tuổi ở khu vực “tam giác nghiến” Điện Biên – Sơn La – Lai Châu ngày càng thưa dần đi và có nguy cơ "biến mất". Vậy đâu là lời giải cho bài toán rào cản pháp lý trong quản lý lâm sản để không còn tình trạng thớt nghiến, gỗ nghiến vẫn bị luồn rừng đưa về xuôi.

Đỉnh đèo Pha Đin luôn sẵn thớt nghiến

Đèo Pha Đin có chiều dài hơn 30 km, nằm trên tuyến huyết mạch Quốc lộ 6 nối tỉnh Điện Biên với các tỉnh, thành miền xuôi. Từ nhiều năm nay, nơi đỉnh đèo, vị trí giáp ranh giữa 2 tỉnh Điện Biên và Sơn La vẫn diễn ra tình trạng buôn bán thớt gỗ nghiến công khai, tràn lan, khó kiểm soát. Trên dọc đoạn đường đèo chưa đầy 1 km, từ ngã 3 nối đi xã Tỏa Tình (huyện Tuần Giáo, Điện Biên) về trung tâm thành phố Điện Biên Phủ đến khu vực đỉnh đèo có đến gần chục hàng quán lớn nhỏ bày bán thớt gỗ nghiến công khai xen lẫn các sản phẩm lâm sản khác.

Lỗ hổng pháp lý truy xuất nguồn gốc lâm sản: Gỗ luồn rừng về xuôi - Ảnh 1
Các đối tượng vận chuyển gỗ nghiến lợi dụng các vị trí giáp ranh trên sông Đà giữa 3 tỉnh, gây khó khăn trong công tác tuần tra, kiểm soát.

Thớt gỗ nghiến ở đây được bày bán công khai, đủ kích cỡ, đủ giá tiền. Nhỏ cỡ  20 cm có giá 50.000 đồng, trung bình các cỡ từ 25 - 50 cm dao động từ 200.000 - 750.000 đồng, thậm chí có những chiếc thớt lớn có đường kính lên tới 70 cm, giá từ 2,5 - 3,5 triệu đồng. Những chiếc thớt to và dày, 1 người không thể bê nổi. 

Trong vai du khách tìm mua thớt nghiến mang về xuôi, chúng tôi được một chủ quán nơi đỉnh đèo tên Q hướng dẫn chọn hàng tận tình. Q cho biết, nhu cầu mua thớt nghiến của khách hàng rất đa dạng, với gia đình thì tìm mua thớt nhỏ, người làm quán ăn thì tìm mua thớt to, nặng, chặt được nhiều đồ lớn hơn. Nhưng chung quy lại là nguồn hàng thớt gỗ nghiến ở đây có kích thước đủ loại để lựa chọn, không bao giờ thiếu, muốn mua bao nhiêu cũng có. Điều quan trọng mà Q nhấn mạnh là “hàng” được cắt trực tiếp từ rừng, đưa về quán chỉ mài qua, dán mác thớt nghiến rồi đóng túi nilon là có thể đưa lên kệ.

Khi khách hàng ngần ngừ về tính pháp lý của lâm sản, lo lắng trong quá trình di chuyển sẽ bị lực lượng chức năng bắt giữ, Q vội trấn an khách: “Em cứ chụp hình quán chị, lưu số điện thoại, chị sẽ bảo kê cho em mang về tận nhà. Thậm chí nếu muốn mua buôn về xuôi với số lượng lớn, chỉ cần cho địa chỉ là chị sẵn sàng cho xe tải chở số lượng thớt muốn mua đưa đến tận nơi và muốn đặt bao nhiêu cũng có. Mỗi ngày chị bán ít nhất được 50 chiếc, còn lại trung bình đều khoảng 100 chiếc, không thì có mà ăn cám”.

Những câu nói chắc như đinh đóng cột của người phụ nữ này về nguồn hàng quả không sai, bởi chỉ ngay trong sạp chính đã luôn sẵn thớt nghiến đủ loại lên tới khoảng 200 chiếc. Phía sân sau của quán còn có đội ngũ lao động thực hiện việc sản xuất thớt gỗ nghiến giữa ban ngày, thậm chí có những khúc gỗ nghiến lớn chưa cắt xẻ còn được giấu trong nhà vệ sinh.

Trong câu chuyện với T, một tay buôn thớt gỗ nghiến vừa mới giải nghệ được biết, thớt gỗ nghiến bày bán công khai tại các hàng quán trên đỉnh đèo đều đã được hợp pháp hóa bằng hồ sơ nên lực lượng chức năng khó có thể kiểm tra, xử lý được. Quan trọng là việc dễ dàng tìm kiếm nguồn gỗ tồn trong dân ở các bản lân cận thì rất nhiều. Khi cần hàng chỉ cần điện thoại cho các chủ đầu nậu gỗ là muốn bao nhiêu cũng có, ấn định thời gian, số lượng bốc thớt nghiến lên xe là đưa về xuôi.

Hồ sơ hợp pháp gỗ trái pháp luật luôn có sẵn trong tay để vận chuyển với hình thức là gỗ thanh lý hoặc gỗ dạng “vận chuyển nhờ”. Mỗi bộ hồ sơ này cũng có giá không dưới 100 triệu đồng. Các chủ buôn thớt luôn phải có vài trăm bộ như vậy trong tay hoặc khi cần chỉ cần điện thoại, khoảng 30 phút sau là có sẵn sàng, nên khi bị cơ quan chức năng kiểm tra họ không chút lo lắng.

Ông Phạm Việt Hùng, Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tuần Giáo cho biết, nhức nhối nhất chính là khu vực đỉnh đèo Pha Đin - nơi tiếp giáp với huyện Thuận Châu của tỉnh Sơn La. Dù rất nhiều đoàn công tác đã kiểm tra tại khu vực này, song các gia đình luôn xuất trình hồ sơ, giấy tờ mà trước đó họ đã hợp thức hóa.

“Khi bày bán thớt gỗ nghiến ngay tại gia đình rất khớp hồ sơ, nhưng đó chỉ là một phần nhỏ chứ không phải bày bán hết. Ví dụ như hồ sơ họ mua 500 cái nhưng chỉ bày bán khoảng 100 cái và muốn kiểm tra họ luôn đưa ra nhiều lý do khác nhau để gây khó khăn cho lực lượng chức năng khi làm nhiệm vụ”, ông Hùng lý giải.

Những cuộc chiến âm thầm giữ rừng nghiến cổ thụ

Tại Điện Biên, những địa bàn còn tồn tại cây gỗ nghiến giờ chỉ còn ở các huyện Tủa Chùa, Tuần Giáo. Trong đó Tuần Giáo được xác định thủ phủ gỗ nghiến của tỉnh Điện Biên với diện tích khoảng 4.250 ha. Nhiều khu vực rừng núi tại đây vẫn có những cây nghiến cổ thụ lên đến 300 - 400 tuổi. Bởi quý, hiếm nên gỗ nghiến luôn là mục tiêu lâm tặc để ý, tập trung khai thác, vận chuyển trái phép. Thế nên cuộc chiến bảo vệ rừng nghiến nhiều năm qua ở đây vẫn luôn diễn ra một cách gian nan, cam go.

Mặc dù Chính phủ đã có quyết định đóng cửa rừng, nhưng những năm gần đây tình trạng khai thác, buôn bán, vận chuyển trái phép gỗ nghiến tại địa phương này chưa khi nào hết “nóng”, có cán bộ kiểm lâm cũng đã phải đổ máu khi thực thi nhiệm vụ.

Lỗ hổng pháp lý truy xuất nguồn gốc lâm sản: Gỗ luồn rừng về xuôi - Ảnh 2
Năm 2020, lực lượng kiểm lâm tỉnh Điện Biên tổ chức truy quét bắt tại huyện Tuần Giáo một đối tượng tàng trữ khối lượng gỗ nghiến lớn với 2.192 chiếc thớt nghiến.

Ông Vũ Trung Kiên, Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Tuần Giáo cho biết, sử dụng xe phân khối lớn, đi theo từng tốp và sẵn sàng dùng vũ khí nóng chống trả lực lượng chức năng… là những hành động hết sức liều lĩnh mà lâm tặc chuyên buôn bán, vận chuyển gỗ nghiến thường sử dụng.

Bản thân anh Kiên trong một chuyến truy bắt cũng đã bị các đối tượng dùng gạch đá ném lại tổ công tác, phải đi khâu nhiều mũi trong bệnh viện. Giờ tinh vi hơn, các đối tượng còn cử người theo dõi ngày đêm hoạt động của lực lượng chức năng, cử “chim mồi” lộ diện làm mồi nhử, thám thính, đánh lạc hướng.

Hoạt động của lâm tặc cũng ngày càng tinh vi hơn và hết sức liều lĩnh. Chúng lợi dụng nhiều tuyến đường giao thông tiếp giáp với huyện Tủa Chùa (Điện Biên) và các huyện Quỳnh Nhai, Thuận Châu của tỉnh Sơn La để vận chuyển trái phép lâm sản. Trong quá trình vận chuyển luôn đi thành nhiều tốp, gây khó khăn cho lực lượng chức năng.

Dù quyết liệt vào cuộc nhưng năm 2020, Hạt Kiểm lâm huyện Tuần Giáo cũng chỉ phát hiện, bắt giữ và xử lý vi phạm hành chính hơn 60 vụ buôn bán, vận chuyển trái phép lâm sản, nhưng trong đó đã có tới 46 vụ liên quan đến buôn bán, vận chuyển gỗ nghiến.

PV

Bạn đang đọc bài viết Lỗ hổng pháp lý truy xuất nguồn gốc lâm sản: Gỗ luồn rừng về xuôi. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Dự kiến có 6 Tiêu chuẩn quốc gia về môi trường
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo 6 Tiêu chuẩn quốc gia về môi trường, bao gồm các phương pháp quan trắc, phân tích môi trường không khí, nước, đất và trầm tích...

Tin mới