Chủ nhật, 24/11/2024 08:06 (GMT+7)
    Thứ hai, 06/02/2023 06:30 (GMT+7)

    Lỗ lũy kế hơn 34.000 tỷ đồng, Vietnam Airlines muốn bán Skypec

    Theo dõi KTMT trên

    Skypec là công ty con do Vietnam Airlines nắm giữ 100% vốn điều lệ.

    Skypec từng chiếm tới 30% tỷ trọng doanh thu Vietnam Airlines

    Tổng công ty Hàng không Việt Nam – CTCP (Vietnam Airlines, mã: HVN) vừa có thư mời đến các đơn vị quan tâm tham gia chào giá cung cấp gói dịch vụ " Tư vấn lập và triển khai phương án chuyển nhượng vốn của Tổng công ty Hàng không Việt Nam – CTCP tại Công ty MTV Nhiên liệu hàng không Việt Nam (Skypec) ".

    Theo đó, Hồ sơ đề xuất được tiếp nhận muộn nhất vào ngày 8/2/2023, Tổ Triển khai chuyển nhượng vốn của VNA tại Skypec là đơn vị tiếp nhận.

    Lỗ lũy kế hơn 34.000 tỷ đồng, Vietnam Airlines muốn bán Skypec - Ảnh 1

    Skypec là công ty con do Vietnam Airlines nắm giữ 100% vốn điều lệ. Công ty tiền thân là Công ty Xăng dầu Hàng không Việt Nam được thành lập năm 1993, chính thức hoạt động theo mô hình TNHH một thành viên từ ngày 01/7/2010, với số vốn điều lệ 400 tỷ đồng do Vietnam Airlines là chủ sở hữu.

    Ông Lê Hồng Hà - TGĐ Vietnam Airlines cũng đồng thời là Chủ tịch hội đồng thành viên của Skypec.

    Giai đoạn 2016 - 2018, doanh thu của Skypec tăng trưởng trên dưới 40% mỗi năm. Skypec ghi nhận KQKD cao nhất vào năm 2019 với doanh thu hơn 29.200 tỷ đồng, lợi nhuận 653 tỷ đồng.

    2018 - 2019 cũng là thời điểm Vietnam Airlines đạt doanh thu kỷ lục với khoảng 97.000 - 99.000 tỷ đồng. Tương ứng, Skypec chiếm tới 30% tỷ trọng doanh thu của hãng hàng không quốc gia Việt Nam.

    Bước sang 2020 - 2021, Covid-19 làm tê liệt ngành hàng không thế giới đã "giáng đòn" mạnh vào KQKD của cả Vietnam Airlines và Skypec, với doanh thu và lợi nhuận cùng lao xuống mức đáy lịch sử.

    Skypec từng nắm thế độc quyền trong việc cung cấp nhiên liệu cho ngành hàng không tại Việt Nam. Tuy vậy, đã có thêm "tay chơi" gia nhập là công ty cổ phần nhiên liệu bay thuộc Tập đoàn Petrolimex. Petrolimex Aviation (PA) chính thức trở thành một trong hai đầu mối kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu nhiên liệu bay tại Việt Nam vào ngày 07/08/2009.

    Các đối tác chiến lược của PA gồm có Vietjet Air, Jetstar và trước đó có Air Mekong (đã ngừng khai thác). Mặc dù xét về thị phần, Skypec vẫn bỏ xa PA nhưng số liệu tài chính cho thấy, PA đã vượt trội hơn về lợi nhuận giai đoạn 2016 - 2021.

    Đều phụ thuộc vào mức độ cất cánh của thị trường hàng không, biến động về lợi nhuận ở hai công ty này cũng diễn ra tương đồng. Năm 2019, PA cũng đạt đỉnh lợi nhuận, cao hơn Skypec 23%.

    Vì sao Vietnam Airlines muốn chuyển nhượng vốn tại Skypec?

    Theo định hướng tái cơ cấu tổng thể doanh nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 đã được ĐHĐCĐ bất thường năm 2021 thông qua, Vietnam Airlines cho biết có thể triển khai phương án tái cơ cấu, chuyển nhượng vốn tại 3 doanh nghiệp hoạt động trong chuỗi cung ứng dịch vụ vận tải hàng không, trong đó có Skypec để cải thiện dòng tiền, từng bước xóa lỗ lũy kế và tạo nguồn vốn đầu tư phát triển cho Công ty mẹ.

    Với 12 quý lỗ liên tiếp (tính đến Q4/2022), Vietnam Airlines đang lỗ lũy kế hơn 34.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm hơn 10.000 tỷ đồng - Điều này cũng đẩy cổ phiếu của hãng hàng không này đến bờ vực hủy niêm yết.

    Ngày 2/2/2023, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) đã tiếp tục có văn bản lưu ý về khả năng hủy niêm yết đối với cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines.

    Nói về nguy cơ hủy niêm yết, lãnh đạo Vietnam Airlines từng cho rằng phía công ty vẫn nỗ lực hết sức đưa ra các giải pháp cũng như đề xuất hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý. “ Vietnam Airlines sẽ cố gắng bằng mọi giải pháp để duy trì việc niêm yết cổ phiếu HVN trên sàn HoSE. Quy định hủy niêm yết nhằm thanh lọc thị trường, loại bỏ các sản phẩm xấu để bảo vệ nhà đầu tư. Trong khi đó, Vietnam Airlines là trường hợp đặc biệt khi hoạt động kinh doanh gặp khó khăn bởi điều kiện bất khả kháng chứ không do vi phạm các quy định về công bố thông tin ”.

    Hiện, Tổng công ty đã hoàn thành Đề án cơ cấu lại TCT giai đoạn 2021 – 2025, đã báo cáo cổ đông và cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong đề án, TCT sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp để khắc phục tình trạng lỗ hợp nhất và âm vốn CSH; tái cơ cấu tài sản và danh mục đầu tư tài chính để gia tăng thu nhập, dòng tiền và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn CSH sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

    Skypec hiện là đơn vị cung cấp nhiên liệu hàng không hàng đầu tại Việt Nam . Skypec đã và đang cung cấp nhiên liệu cho tất cả các hãng hàng không trong nước và hơn 100 hãng hàng không nước ngoài tại 18 sân bay dân dụng trên toàn lãnh thổ Việt Nam và 04 sân bay Quốc tế lớn của Hàn Quốc.

    Trong đó, có nhiều khách hàng lớn như: Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, Korean Air, All Nippon Airways, Qatar Airways, Cathay Pacific, China Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways,…. Với năng lực phục vụ khoảng trên 214.000 chuyến bay/năm với tổng sản lượng hàng năm đạt trên 2 triệu tấn/năm.

    Với sức chứa hơn 220.000m3, Skypec sở hữu hệ thống kho cảng đầu nguồn tại các cảng biển lớn và kho sân bay. Skypec có hệ thống kho đầu nguồn gồm 8 kho trải dài từ miền Bắc, Trung, Nam.

    Thành Nam

    Bạn đang đọc bài viết Lỗ lũy kế hơn 34.000 tỷ đồng, Vietnam Airlines muốn bán Skypec. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới