Lo ngại thiếu hụt khí, PV Power dự kiến mua bổ sung từ nhiều nguồn
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 mới đây, Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power: POW) cho biết, năm 2019 sản lượng điện của doanh nghiệp đạt 22.54 tỉ kWh – vượt 4% kế hoạch cả năm. Đồng thời, PV Power lên kế hoạch mua khí từ nhiều nguồn để đảm bảo nguồn khí trong dài hạn.
Tổng giám đốc Lê Như Linh trình bày kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2020. |
Sản lượng điện cả năm vượt kế hoạch
Năm 2019, PV Power đạt sản lượng điện 22.54 tỉ kWh - vượt 4% kế hoạch, doanh thu 35.948 tỉ, và vượt hơn 7% so với cùng kỳ năm 2018. Doanh thu Công ty mẹ đạt 25.371 tỉ đồng. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất 3.165 tỉ đồng, đạt 127% kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế Công ty mẹ đạt 2.197 tỉ đồng và chia cổ tức 3%.
Nộp ngân sách Nhà nước toàn Tổng công ty cả năm đạt 1.500 tỉ đồng, đạt 115% kế hoạch; Công ty mẹ nộp ngân sách Nhà nước đạt 948 tỉ đồng, bằng 124% kế hoạch.
Với mức lợi nhuận khả quan, Hội đồng quản trị PV Power đã thông qua mức chi trả cổ tức 3%. Tuy nhiên, đa phần các cổ đông đều chưa hài lòng với tỉ lệ này. Bởi thực tế, hiện mặc dù giá cổ phiếu giảm so với khi IPO và cổ đông chưa nhận được cổ tức kể từ khi IPO cách đây gần 3 năm nhưng công ty vẫn chia quỹ khen thưởng phúc lợi 100 tỉ đồng và giữ lại lợi nhuận chưa phân phối hơn 700 tỉ.
Năm 2020, PV Power đặt mục tiêu kế hoạch kinh doanh thận trọng do những lo ngại nguồn khí ngày càng suy giảm trong tương lai. Cụ thể, dự kiến sản lượng điện năm 2020 đạt 21,6 tỉ kWh, trong đó nhà máy điện Cà Mau 1&2 đạt sản lượng 7,04 tỉ kWh, nhà máy điện Vũng Áng 1 đạt sản lượng 6,25 tỉ kWh, Nhơn Trạch 2 đạt 4,5 tỉ kWh. Về chỉ tiêu kinh doanh, PV Power đặt kế hoạch Tổng doanh thu 35.448 tỉ đồng và Lợi nhuận trước thuế 2.395 tỉ đồng.
Về kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm, Tổng giám đốc PV Power Lê Như Linh cho biết: “Doanh thu hợp nhất lũy kế đến 30/6 ước đạt 16.175 tỉ đồng, tương đương 88% kế hoạch 6 tháng. Lãi trước thuế và lãi sau thuế hợp nhất lần lượt đạt 1.764 tỉ đồng và 1.553 tỉ đồng, tương ứng vượt 28% và 34% kế hoạch 6 tháng và đạt 76% kế hoạch cả năm. Với riêng công ty mẹ, doanh thu 6 tháng đầu năm ước đạt 11.874 tỉ đồng, đạt 87% kế hoạch 6 tháng); lãi sau thuế 1.389 tỉ đồng, đạt 108% kế hoạch 6 tháng”.
Kết quả kinh doanh hợp nhất năm 2019 của PV Power. |
Mua khí để đảm bảo nguồn khí trong dài hạn
Tại Đại hội, Hội đồng quản trị PV Power cũng thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh 5 năm 2021-2025, chiến lược phát triển định hướng đến năm 2035, trong đó, công ty đặt mục tiêu giai đoạn 2021-2025 đạt công suất 5760-7260 MW, lợi nhuận sau thuế 10.000 – 22.000 nghìn tỉ đồng. Con số tương ứng giai đoạn 2031-2035 tổng công suất là 5760-9560 MW và lợi nhuận sau thuế 21.000 – 31.000 tỉ đồng.
Một trong những dự án lớn mà PV Power đang được giao thực hiện là tham gia Dự án Thủy điện Luang Prabang quy mô 2 tỉ USD với tổng công suất khoảng 1.400MW, đến nay vẫn bị trì hoãn do những lo ngại về tác động tới môi trường.
Được biết, với dự án Luang Prabang, Chính phủ cho phép PV Power tham gia từ 10 - 12%. PV Power cho biết sẽ sử dụng phương án thế chấp năng lực tại Dự án để vay vốn, không sử dụng nguồn lực từ Công ty.
Một dự án lớn khác là Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 3, 4, hiện PV Power đã ký hợp đồng lập báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) với Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 2 (PECC2) và hợp đồng thẩm tra Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án với Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 1. Cả 2 dự án này đều sử dụng nhiên liệu chính là khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), công suất mỗi nhà máy vào khoảng 650-880MW, tổng mức đầu tư xấp xỉ 1,4 tỉ USD.
Về nguồn vốn cho dự án, PV Power đang triển khai làm việc với các tổ chức tín dụng, ngân hàng, trong đó vốn chủ sở hữu/vốn vay là 25%/75%. Dự kiến vận hành thương mại Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 vào quý 4/2023 và Nhơn Trạch 4 vào quý 2/2024.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020, Hội đồng quản trị PV Power đã trình kế hoạch Bổ sung Hợp đồng mua bán khí (GSA) của Nhà máy điện Nhơn Trạch 1 về mua khí từ mỏ Sao Vàng – Đại Nguyệt. Đồng thời lên kế hoạch góp vốn thành lập mới Công ty cổ phần Năng lượng tái tạo Điện lực Dầu khí (PV Power REC).
Ông Lê Như Linh, Tổng giám đốc PV Power cho biết thêm: “Giải pháp duy nhất để nhà máy không phải dừng hoạt động là mua khí từ nhiều nguồn khác nhau. Đây là lý do PV Power đang tính toán để mua khí giải quyết nhu cầu ngắn hạn, xây dựng nhà máy, cơ sở hạ tầng cung cấp khí… để đảm bảo nguồn khí trong dài hạn”.
Về khoản trích lập dự phòng phải thu khó đòi 657 tỉ đồng trong báo cáo kiểm toán hợp nhất, PV Power cho biết khoản này gồm khoản nợ quá hạn của công ty mua bán điện Tập đoàn EVN khiến PV Power phải trích lập dự phòng 403 tỉ và các khoản nợ xấu trích lập hơn 200 tỉ ở công ty con PVMachino. PV Power cho biết khoản phải thu quá hạn của Nhà máy điện Cà Mau bị EVN/EPTC đơn phương giữ lại từ tháng 2/2018 đến nay là không phù hợp với quy định của hợp đồng mua bán điện đã ký kết. PV Power đã có nhiều văn bản báo cáo Bộ Công thương, Uỷ ban Quản lý vốn NN và Chính phủ về vấn đề thu hồi nợ từ EVN/EPTC. Uỷ ban Quản lý vốn, Bộ Công thương đã có công văn và thông báo khẳng định Hợp đồng mua bán điện hiện hữu giữa EVN và PV Power vẫn đang có hiệu lực pháp lý và yêu cầu EVN thực hiện đúng các cam kết, tuy nhiên đến nay, EVN vẫn chưa trả tiền. Về vấn đề này, ông Hồ Công Kỳ, Chủ tịch PV Power cho biết: “Trong thời gian sớm nhất, có thể là trong tháng 6, lãnh đạo Bộ Công thương có thể xem xét quyết định xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo Chính phủ”. |
Nhật My