Chủ nhật, 24/11/2024 07:33 (GMT+7)
Thứ hai, 30/12/2019 19:26 (GMT+7)

Lộ rõ tham vọng 'đế chế' tài chính, Grab xin mở ngân hàng 1,1 tỉ USD

Theo dõi KTMT trên

Liên doanh Grab – Singtel đang xin giấy phép thành lập một ngân hàng số hóa toàn diện có vốn điều lệ tối thiểu 1,1 tỉ USD. Đây là mảnh ghép quan trọng để hoàn thiện hệ sinh thái của “đế chế” Grab để cạnh tranh giành giật thị phần với 3 ông lớn ngân hàng tại Singapore.

Trong tuyên bố ngày 30/12, Grab cho biết việc bắt tay với Singtel - hãng viễn thông lớn nhất Singapore sẽ nhằm thực hiện kế hoạch lập ngân hàng tiêu dùng số đầu tiên tại quốc gia này. Trong đó, Grab sẽ sở hữu 60% cổ phần trong khi Singtel nắm giữ 40% còn lại.

Ngân hàng số của Grab sẽ nhắm tới đối tượng người dùng ưu tiên trải nghiệm kỹ thuật số, doanh nghiệp nhỏ và vừa là đối tượng gặp khó khăn khi tiếp cận tín dụng ngân hàng, cùng các chức năng của ngân hàng số khác... Kế hoạch này của Singtel và Grab được cho là nỗ lực tìm cách củng cố quyền lực của mình để tạo ra một ngân hàng kỹ thuật số mới cho người dân Singapore.

Lộ rõ tham vọng 'đế chế' tài chính, Grab xin mở ngân hàng 1,1 tỉ USD - Ảnh 1
Ngân hàng số sẽ giúp Grab cạnh tranh giành giật thị phần với 3 ông lớn ngân hàng tại Singapore. Ảnh: Internet

Mặc dù vẫn phát triển mảnh kinh doanh chính là gọi xe qua ứng dụng (taxi công nghệ), nhưng vài năm gần đây, Grab đã đẩy mạnh phát triển và lấn sân sang nhiều mảng kinh doanh như thực phẩm, giao hàng, giải trí, truyền thông, cho vay trả góp…

Cả Grab và Singtel đã nhanh chân nhảy vào lĩnh vực tài chính từ vài năm qua với việc liên tiếp ra mắt các ứng dụng như Dash, VIA, GrabPay và GrabInsure. Trong khi đó Singtel đã nghiên cứu các giải pháp như eWallets và cho phép khách hàng sử dụng các eWallets đó để trả tiền mua hàng hoá, dịch vụ ở nước ngoài.

Đáng chú ý là ví điện tử được Grab công bố vào năm 2016, nhằm cung cấp một số dịch vụ tài chính trên khắp Đông Nam Á. Tại Việt Nam, Grab đã bắt tay hợp tác với Moca để giới thiệu ví điện tử “núp bóng” đối tác, có tên gọi GrabPay by Moca, như một cách “lách” luật pháp. Bởi Grab không hề được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp phép kinh doanh ví điện tử, hay tài chính tiêu dùng, thậm chí cũng chỉ đang trong quá trình thí điểm ứng dụng gọi xe công nghệ tại thị trường này.

Chính nhờ liên tục bổ sung các ứng dụng mới, từ gọi xe đến tài chính, giao nhận, hàng hoá… nên Grab ngày càng hoàn thiện hệ sinh thái dịch vụ, được tích hợp trên nền tảng gọi xe đang có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng ở khu vực. Nhất là mạng lưới thanh toán trực tuyến được xây dựng dưới thương hiệu GrabPay, mà cho đến nay doanh nghiệp này không hề có giấy phép kinh doanh ví điện tử, tài chính tiêu dùng tại Việt Nam.

Không ngừng mở rộng hợp tác với 60 tổ chức tài chính ở Đông Nam Á, Grab thậm chí còn thành lập Grab Financial Group để cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến, cho vay cá nhân.

Chưa hết, trong 2 năm qua, Grab liên tục cho ra mắt các dịch vụ tài chính trên nền ứng dụng gọi xe như E-money, cho vay và phân phối bảo hiểm… trong chiến lược xây dựng một ngân hàng số của Grab với đa dạng dịch vụ tài chính.

Khi bắt tay với Singtel, Grab được cho là sẽ “bù đắp” vào khoảng trống dịch vụ ngân hàng số, mà bản thân Singtel hiện đang cung cấp dịch vụ thanh toán di động thông qua hợp tác với một số đối tác trong khu vực, trong đó có Thái Lan.

Cho nên, việc Grab bắt hợp tác với Singtel, mà tại liên doanh này Grab nắm cổ phần chi phối, cho thấy toan tính kiểm soát được một ngân hàng số, giống như cách hợp tác với Moca để làm ví điện tử.

Lộ rõ tham vọng 'đế chế' tài chính, Grab xin mở ngân hàng 1,1 tỉ USD - Ảnh 2
Grab bắt tay với Singtel để thực hiện mục tiêu lập ngân hàng số toàn diện. Ảnh: Internet

Hơn nữa, động thái chuyển sang hoạt động ngân hàng số là bước đi chiến lược của Grab và tăng lợi thế cạnh tranh khi gia nhập lĩnh vực ngân hàng ở Singapore, thị trường hiện đang có ba “ông lớn” thống trị gồm DBS Group Holdings, Overseas-Chinese Bank Corp (OCBC) và United Overseas Bank (UOB).

Chưa kể, các ông lớn khác như Ant Financial của Jack Ma, nhà sản xuất thiết bị game Razer, Oversea-Chinese Banking Corp cũng đang nhăm nhe nhảy vào lĩnh vực này.

Về kế hoạch lập ngân hàng số tại Singapore, Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) cho biết trong 6 tháng tới, sẽ có tối đa 5 ngân hàng số được cấp giấy phép hoạt động, bao gồm 2 ngân hàng số toàn diện cho phép các doanh nghiệp phi ngân hàng như Grab và Singtel được triển khai dịch vụ nhận tiền gửi từ khác hàng. MAS yêu cầu vốn điều lệ 1,1 tỉ USD với ngân hàng số toàn diện.

Ngoài ra, sẽ cấp 3 giấy phép cho ngân hàng chỉ bán buôn, phục vụ đối tượng doanh nghiệp, đòi hỏi mức vốn điều lệ gần 74 triệu USD.

Các công ty khác đang xem xét muốn lập ngân hàng số gồm Ngân hàng Standard Chartered, NTUC Enterprise, Tập đoàn V3 và Razer.

Mặc dù không có giấy phép kinh doanh tài chính nhưng từ năm 2018, Grab đã cung ứng dịch vụ cho vay tiền đối với tài xế, dịch vụ thanh toán ví điện tử GrabPay “núp bóng” Moca. Tháng 11/2018, Ngân hàng Nhà nước đã xử phạt Công ty TNHH Grab là 900 triệu đồng vì hành vi cung cấp dịch vụ Trung gian thanh toán GrabPay trái phép. Năm 2019, Grab tiếp tục bị xử phạt 120 triệu đồng vì hành vi vay vốn nước ngoài sai quy định. Phản hồi về những án phạt này, Grab cho rằng tính năng GrabPay chỉ là một tiện ích gia tăng dành cho khách hàng trên ứng dụng Grab, nên công ty không coi đây là dịch vụ trung gian thanh toán.

Sự giải thích của Grab là khá mập mờ, mâu thuẫn, thậm chí “đá” lại những tuyên bố và thực tế Grab đã cung cấp dịch vụ ví điện tử GrabPay tại nhiều thị trường khác trước khi đưa vào Việt Nam. Tương tự, GrabPay cũng đã bị Ngân hàng Trung ương Indonesia treo không cấp giấy phép trung gian thanh toán từ cuối năm 2017, do luật nước này quy định vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực Trung gian thanh toán không được phép vượt trần 49% để đảm bảo an ninh tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô.

Hải Nam

Bạn đang đọc bài viết Lộ rõ tham vọng 'đế chế' tài chính, Grab xin mở ngân hàng 1,1 tỉ USD. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới