Kỳ 4: Kinh doanh "lách" luật, Grab có thách thức cơ quan quản lý Việt Nam?
Trong 2 năm gần đây, Grab đã đẩy mạnh xây dựng hệ sinh thái kinh doanh đa dạng dưới "vỏ bọc" ứng dụng xe hợp đồng điện tử, tạo nên nguồn thu nhập "khủng". Đáng nói là Grab đang kinh doanh trong "vùng mờ" của quy định pháp luật chưa bao phủ hết, là thách thức lớn cho các cơ quan quản lý của Việt Nam.
Nguy cơ lách luật, trốn thuế
Lộ rõ tham vọng trở thành “đế chế mới” tại Việt Nam, Grab đã đổ bộ vào nhiều lĩnh vực quan trọng như giao nhận- thực phẩm- tài chính – tín dụng – truyền thông… thay vì chỉ là ứng dụng xe hợp đồng điện tử đơn thuần. Mặc dù Grab mới chỉ được phép thí điểm triển khai dịch vụ xe hợp đồng điện tử ở 5 tỉnh thành phố, nhưng các hoạt động kinh doanh của công ty này ngày càng mở rộng, đa dạng dịch vụ trên không gian “ảo” rất khó kiểm soát.
Không chỉ là dịch vụ gọi xe, giờ đây người dùng Grab có thể sử dụng hàng chục tiện ích trên ứng dụng này, từ: giao đồ ăn (Grab Food), giao nhận hàng (Grab Express), Ví điện tử (GrabPay), đặt khách sạn (Hợp tác với Booking.com và Agoda.com), mua thẻ điện thoại Mobifone…
Grab đã cung cấp ví điện tử GrabPay by Moca núp dưới bóng Moca (đơn vị có giấy phép ví điện tử) để “hợp thức hoá” dịch vụ trung gian thanh toán không có giấy phép của mình |
Từ tháng 11/2018, Grab bắt đầu triển khai dịch vụ ví điện tử GrabPay by Moca thông qua việc hợp tác với Moca (đơn vị có giấy phép ví điện tử) để “hợp thức hoá” dịch vụ trung gian thanh toán không có giấy phép của mình. Từ đây, Grab lộ rõ tham vọng nhảy vào lĩnh vực tài chính – mảng kinh doanh nhạy cảm và có ảnh hưởng tới an ninh tiền tệ và xã hội của Việt Nam như cho vay trả góp, truyền thông số. GrabPay by Moca cho phép người dùng thanh toán không dùng tiền mặt cho các dịch vụ Grab, chuyển tiền ngang hàng, nạp tiền điện thoại, thanh toán tại cửa hàng, trả hóa đơn…
Theo công bố của Grab, đến tháng 12/2018, số lượng giao dịch không dùng tiền mặt trên nền tảng Grab đã tăng hơn 370% so với cùng kỳ năm ngoái. Công ty này cam kết mục tiêu mang lại lợi ích của thanh toán không dùng tiền mặt cho ngày càng nhiều người Việt Nam hơn và thúc đẩy nền kinh tế số.
Thế nhưng, hầu hết các dịch vụ tiện ích mới mà Grab liên tục ra mắt người sử dụng (lái xe, người tiêu dùng) đều đang ở dạng “mập mờ” về mặt pháp lý, chưa được cấp phép hoạt động do pháp luật Việt Nam chưa có quy định rõ ràng cũng như thiếu chế tài xử lý vi phạm nghiêm khắc. Đáng lo nhất là nguồn thu nhập khủng của Grab phát sinh trong hệ sinh thái này hiện chưa có cách thức quản lý, kiểm tra và đối soát để làm cơ sở xác định thu nhập chịu thuế, chính là lỗ hổng quản lý mà doanh nghiệp nước ngoài luôn tìm cách “lách luật”, trốn thuế…
Ngay cả khi bị phát hiện vi phạm pháp luật, cơ quan quản lý của Việt Nam hiện cũng khó áp dụng mức xử phạt cao đủ sức răn đe cho hành vi “lách luật”, trốn thuế, kinh doanh trái phép… đối với một mô hình kinh doanh dịch vụ mới mẻ như Grab, Uber. Ghi nhận thực tế, Grab chỉ bị Ngân hàng Nhà nước xử phạt 900 triệu đồng vì hành vi cung cấp dịch vụ Trung gian thanh toán GrabPay mà không có giấy phép, xử phạt 120 triệu đồng vì hành vi vay vốn nước ngoài sai quy định… Số tiền phạt hơn 1 tỉ đồng này có lẽ chỉ mang tính tượng trưng và chẳng thấm vào đâu so với nguồn doanh thu “khủng” lên tới cả tỉ đô la mà Grab thu được từ hệ sinh thái của mình.
Trong văn bản kiến nghị gửi Bộ Giao thông Vận tải, Hiệp hội ô tô vận tải Việt Nam ước tính chương trình thí điểm xe công nghệ đã khiến Nhà nước thất thu khoảng 1.000 tỉ đồng từ Grab. Đây mới chỉ là tiền thuế trong lĩnh vực vận tải, còn với tất cả các mảng kinh doanh trên ứng dụng Grab thì số tiền thuế thất thoát là bao nhiêu, hiện vẫn chưa được thống kê đầy đủ.
Hơn nữa, Grab là doanh nghiệp có trụ sở tại Singapore và đang hoạt động xuyên biên giới, dòng tiền cho vay và thanh toán sẽ luân chuyển như thế nào cũng là một câu hỏi còn bỏ ngỏ cho các nhà hoạch định chính sách thuế và ngân hàng của Việt Nam.
Việc quản lý hoạt động của “siêu ứng dụng Grab” kinh doanh nhiều lĩnh vực vận tải – tài chính – truyền thông – bất động sản… sẽ thực hiện như thế nào? |
Kiến nghị quản lý chặt Grab
Mặc sức tung hoành trong hệ sinh thái “núp bóng” ứng dụng xe, Grab ngày càng triển khai nhiều dịch vụ tiện ích mới mà chưa được cấp phép, hay chưa được kiểm duyệt bởi cơ quan chức năng của Việt Nam. Thậm chí, những ông chủ của Grab còn tuyên bố “Grab là siêu ứng dụng hàng đầu Đông Nam Á” và mở rộng bắt tay với các đối tác như Moca, FPT…
Câu hỏi đặt ra là, việc quản lý hoạt động đối với “siêu ứng dụng Grab” kinh doanh nhiều lĩnh vực vận tải – tài chính – truyền thông – bất động sản… sẽ thực hiện như thế nào, bởi không thể quản lý theo phương thức cũ như quản lý một ứng dụng vận tải đơn thuần?
Để bao trùm được hết các hoạt động của Grab, có thể thấy cần một cơ chế phối hợp đồng bộ, nhất quán về thông tin lẫn quy định pháp lý từ nhiều Bộ, ngành có liên quan, gồm: Bộ Giao thông Vận tải, Ngân hàng Nhà nước (Trung gian thanh toán), Bộ Thông tin & Truyền thông (lĩnh vực cổng thông tin, quảng cáo, mạng xã hội), Bộ Xây dựng (Bất động sản); Bộ Tài chính và Tổng cục thuế (thuế), Bộ Công An (An ninh trật tự và quản lý dữ liệu người dùng)…
Đặc biệt, ở lĩnh vực kinh doanh có điều kiện như trung gian thanh toán và cho vay, cơ quan chức năng cần xác định rõ tư cách pháp nhân của Grab trong quan hệ hợp tác với Moca, là “đối tác” hay “chủ sở hữu” ví điện tử. Bởi Grab hiện có 2 đại diện điều hành trong Hội đồng quản trị của Moca, vậy thực chất Grab có đang “núp bóng” Moca để kinh doanh ví điện tử mà không được cấp phép hoạt động hay không?
Thêm vào đó, quy định pháp luật nghiêm cấm hành vi “mua bán, chuyển nhượng giấy phép trung gian thanh toán” và dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 101/2014/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt dự kiến sẽ quy định về trần tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong lĩnh vực trung gian thanh toán để đảm bảo an ninh tiền tệ.
Vấn đề quan trọng nữa là, kho dữ liệu thông tin khách hàng, tài khoản ngân hàng, dữ liệu giao dịch của Grab cũng lớn không thua kém Google, Facebook, đang được lưu trữ trong máy chủ của Moca hay của Grab, tại Việt Nam hay ở nước ngoài… cũng rất cần được làm rõ và có quy định rõ ràng để đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin cho người dùng tại Việt Nam.
Với hệ sinh thái ngày càng lớn của Grab, cơ chế giám sát giao dịch và doanh thu của Grab phát sinh tại Việt Nam bằng cách nào, để ngăn chặn doanh nghiệp có hành vi trốn thuế, chuyển giá, hay rửa tiền… gây thất thu thuế cho nhà nước?
Khi xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô do Bộ Giao thông- vận tải thực hiện, Tổ công tác của Chính phủ đã yêu cầu Bộ Giao thông - vận tải cần có các quy định chặt chẽ để Uber, Grab chịu sự quản lý như taxi truyền thống. Đồng thời, không thể gọi đó là loại hình “xe hợp đồng điện tử” làm phát sinh thêm loại hình vận tải mới, không có trong quy định của Luật Giao thông đường bộ và là một hình thức mới để lách luật, trốn thuế, né được nhiều chi phí và hưởng ưu đãi hơn so với taxi truyền thống.
Trong xu hướng ứng dụng công nghệ hiện đại, Grab đã tạo ra sự thay đổi tích cực và tăng sự cạnh tranh cho thị trường vận tải Việt Nam. Các cơ quan hoạch định chính sách cần xây dựng được hành lanh pháp lý đầy đủ để đảm bảo các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đều tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam.
Hải Nam