Lời giải nâng giá lúa Đồng bằng sông Cửu Long
Giá lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long liên tục giảm trong thời gian gần đây do không tìm được đầu ra, khâu vận chuyển cũng gặp ách tắc bởi tình hình dịch Covid-19.
Nhiều doanh nghiệp ngừng thu mua
Trong tuần qua, người nông dân Đồng bằng sông Cửu Long đứng ngồi không yên sau khi thu hoạch nhưng giá lúa lại liên tục giảm. Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, lúa chưa thu hoạch trên đồng ruộng ở các địa phương còn rất nhiều, nhất là lúa vụ Hè Thu, đến nay mới chỉ thu hoạch hơn 600.000 ha trên tổng số gần 1,6 triệu ha gieo cấy.
Dự báo thời điểm thu hoạch lúa Hè Thu và Thu Đông sớm sẽ tập trung trong các tháng 8, 9 và 10, tuy nhiên khó khăn hiện nay là giá lúa giảm. Ước tính sản lượng thu mua lúa hè thu sụt giảm từ 20% đến 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, lúa IR50404 có giá bán đầu tuần từ 4.400 đồng/kg và ổn định đến cuối tuần; giảm so với cùng kỳ năm trước từ 900 – 1.300 đồng/kg. Lúa OM9577 và OM9582 giá đầu tuần từ 5.600 - 5.800 đồng/kg, nhưng đến cuối tuần giảm 1.000 đồng/kg còn từ 4.600 – 4.800 đồng/kg, thấp hơn cùng kỳ năm trước 1.000 đồng/kg.
Lúa OM6976 giá ổn định từ 5.100 - 5.200 đồng/kg; OM5451 đầu tuần từ 5.000 - 5.400 đồng/kg, nhưng cuối tuần giảm từ 200 – 400 đồng/kg còn từ 4.800 – 5.200 đồng/kg. Lúa Đài thơm 8 có giá ổn định từ 5.600 – 5.800 đồng/kg, thấp hơn cùng kỳ năm trước từ 300 - 500 đồng/kg. Nếp tươi Long An cũng có giá ổn định từ 4.400 - 4.750 đồng/kg, thấp hơn cùng kỳ năm trước từ 550 - 800 đồng/kg.
Theo ước tính của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, trong tuần qua, giá lúa thường tại ruộng giảm bình quân 133 đồng/kg và hiện chỉ còn khoảng 5.000 đồng/kg. Nhưng giá lúa thường tại kho tăng lại nhẹ 40 đồng/kg, do di chuyển thu mua giữa các địa phương khó khăn nên nhiều doanh nghiệp đã ngưng mua lúa.
Có tình trạng "bắt đáy" giá lúa
Trong cuộc họp với Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương ngày 7/8/2021, ông Trần Anh Thư – Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, ngoài lý do giá lúa giảm vì cho rằng đứt gãy chuỗi cung ứng thì còn yếu tố đến từ quy luật thị trường. Theo thông lệ hằng năm, vào chính vụ lúa Hè Thu giá lúa cũng giảm so với bình quân của lúa Đông Xuân. Cộng thêm hiệu ứng thị trường giá gạo thế giới giảm, các nhà máy phải thực hiện giãn cách, “3 tại chỗ” nên năng lực sản xuất cũng giảm, dẫn đến hiệu ứng giá lúa giảm.
Ngoài ra, ông Thư cũng thông tin thêm, các doanh nghiệp đều có cam kết mua lúa cho nông dân nhưng cũng có tình trạng doanh nghiệp chờ đợi giá lúa xuống để họ "bắt đáy”.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu gạo cho biết, hiện khách quốc tế vẫn có nhu cầu nhập khẩu gạo Việt Nam nhưng các doanh nghiệp không giao hàng được. Giá lúa gạo và các hàng nông sản khác giảm sâu, không phải do cung cầu mà là do đứt gãy nghiêm trọng chuỗi cung ứng.
Cụ thể, việc bốc xếp, vận chuyển, lưu thông lúa hàng hóa bị đứt gãy chuỗi cung ứng từ ngoài đồng, đến nhà máy, giao ra cảng và lên tàu cho khách hàng. Kênh phân phối nội địa cũng khó khăn giao hàng cả đường bộ, đường thủy. Nhà máy sản xuất xong thiếu hoặc không có ghe, sà lan giao lên cảng…
Liều thuốc nào nâng giá lúa?
Bàn về tiêu thụ lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn ra, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, các địa phương phải có biện pháp lâu dài chứ không thể chỉ tính giãn cách 15-20 ngày hay 1 tháng. Thay vì tập kết lúa đến cảng mới đóng hàng thì tại sao không làm trước đi, để giảm tải nguồn nhân lực, giảm tải địa điểm, diện tích đóng container?
Còn đại diện Bộ NN&PTNT đề nghị ưu tiên tiêm vaccine cho lực lượng trong chuỗi cung ứng như: Tài xế, ghe, salan vận chuyển, công nhân tại các nhà máy, bốc xếp tại cảng, nhân sự giao nhận xuất nhập khẩu của các Công ty xuất khẩu phải giao dịch chứng từ ở nhiều nơi là cảng, hải quan, văn phòng cấp C/O, kiểm dịch…
Đồng thời, tạo điều kiện đi lại cho các nhân sự trên trong thời gian giãn cách vì lực lượng này đang duy trì xuất khẩu cho cả nước. Cùng với đó cần có chính sách hỗ trợ thuế, các khoản phí cho doanh nghiệp trong thời gian dịch bệnh, bởi hiện nay doanh nghiệp đang “cõng” thêm nhiều chi phí khác do dịch như các test Covid-19, ăn ở cho lao động “3 tại chỗ”…
Hiện Bộ NN&PTNT cũng đang đề xuất Chính phủ thu mua tạm trữ lúa Hè Thu để nông dân yên tâm cũng như kích cầu sản xuất vụ Thu Đông.
“Trong khi đang thu hoạch rộ vụ Hè Thu, một số nơi đã bắt đầu gieo sạ vụ Thu Đông nhưng do giá lúa giảm, thu hoạch, chế biến khó khăn nên một số nông dân đang lưỡng lự sản xuất vụ này. Lượng lúa Hè Thu đang rất nhiều, nếu không có chính sách kịp thời nhiều đối tượng sẽ trục lợi, nông dân là đối tượng thiệt thòi.
Nếu Chính phủ có chính sách thu mua tạm trữ lúa Hè Thu thì thị trường sẽ được kích cầu, giá lúa cải thiện, nông dân có động lực làm vụ lúa Thu Đông" - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam nói.
Bán được là mừng, đừng đắn đo giá!
Ông Lê Hữu Toàn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Kiên Giang, cho biết việc thu hoạch lúa trên địa bàn đã thuận lợi hơn, với diện tích thu hoạch được khoảng 93.000/283.000 ha lúa Hè Thu. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là năng lực thu mua của các doanh nghiệp có hạn, không thể len lỏi đi từng ấp, từng xã như các thương lái.
"Chúng tôi đã huy động đoàn thể, nhất là đoàn thanh niên, rồi kết nối với các doanh nghiệp, các địa phương để tìm mọi cách tiêu thụ nông sản cho bà con. Giá lúa, tôm, cua, cá chắc chắn phải chịu giảm ít nhiều, nhưng tiêu thụ được trong tình hình này đã mừng rồi", ông Toàn nói.
Ông Võ Văn Chiêu, Giám đốc Sở Công Thương Sóc Trăng cho biết, ngoài việc vận động các doanh nghiệp địa phương, Sóc Trăng còn kết nối với các địa phương khác, tạo điều kiện tốt nhất để thu mua lúa của nông dân. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn được tạo điều kiện tiếp cận vốn, mở rộng kho, hệ thống sấy…
"Tuy nhiên, nếu tìm được thương lái và thỏa thuận được giá, người dân nên bán, đừng chần chừ đợi giá, tránh gặp mưa gió thêm rủi ro", ông Chiêu khuyến cáo.
Đông Anh