Lời thề độc lập và ý chí, khát vọng non sông
Thế kỷ XX là thế kỷ đấu tranh oanh liệt vì độc lập, tự do, là thế kỷ của những thắng lợi vĩ đại, mang tầm vóc lịch sử của dân tộc Việt Nam.
Thế kỷ XX là thế kỷ đấu tranh oanh liệt vì độc lập, tự do, là thế kỷ của những thắng lợi vĩ đại, mang tầm vóc lịch sử của dân tộc Việt Nam. Trong đó, Cách mạng Tháng Tám và Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam và là mốc son trong lịch sử đấu tranh của nhân dân các dân tộc nhỏ bé, thuộc địa và phụ thuộc trên thế giới vì tự do, độc lập.
Thời gian càng lùi xa, chúng ta càng nhìn rõ hơn tầm vóc vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám, của Tuyên ngôn Độc lập, như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nhấn mạnh: “Ôn lại những chặng đường oanh liệt và vẻ vang của dân tộc Việt Nam trong cuộc đấu tranh cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhằm giữ nước và dựng nước, chúng ta càng thấy rõ mối quan hệ mật thiết giữa sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta với sự nghiệp cách mạng của nhân dân thế giới trong suốt thời gian lịch sử từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai đến nay, chúng ta càng thấy nổi bật những dòng chữ bất diệt, những tư tưởng lớn của bản Tuyên ngôn Độc lập, những tư tưởng lớn của dân tộc Việt Nam ta, những tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại: Không có gì quý hơn độc lập, tự do! Đó cũng là những tư tưởng lớn của cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân thế giới” (Sự ra đời của bản Tuyên ngôn Độc lập, Nxb Văn hóa Thông tin, H.2015, tr.68).
Tháng Tám năm 1945, sau 15 năm ròng đấu tranh đầy gian khổ, hy sinh, với sự chuẩn bị chu đáo về đường lối, tổ chức, tinh thần và lực lượng, với nghệ thuật chuẩn bị thời cơ, thúc đẩy thời cơ và chớp thời cơ mau lẹ trong cái “chớp mắt của lịch sử”, với khát vọng và ý chí kiên quyết giành độc lập tự do của toàn thể dân tộc, với tư tưởng đem sức ta mà giải phóng cho ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh, bằng những quyết sách đúng đắn và sáng tạo, đã tập hợp được hết thảy lực lượng vĩ đại của dân tộc để “vung ra những nghị lực phi thường”, với đỉnh cao của sức sáng tạo, của trí tuệ và nguồn lực vô song tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân thắng lợi.
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ cách mạng lâm thời đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố với toàn thể quốc dân, đồng bào và nhân dân thế giới về nền độc lập của dân tộc Việt Nam. “Đây là bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa vừa giành được độc lập bằng cuộc chiến đấu suốt hơn 80 năm của dân tộc. Đây còn là những lời lẽ tâm huyết, đầy cảm kích của đội tiên phong giác ngộ nhất của giai cấp cách mạng nhất, có những con người tuyệt đối trung thành với lợi ích của giai cấp và dân tộc, trước máy chém, trước miệng súng quân thù, đã từng giật tấm băng đen bịt mắt, hô lớn: “Việt Nam độc lập muôn năm!… Bản án chế độ thực dân Pháp đã có từ 30 năm trước đây. Nhưng hôm nay mới chính thức là ngày chế độ thực dân Pháp bị đưa ra cho toàn dân Việt Nam công khai xét xử. Lịch sử đã sang trang. Một kỷ nguyên mới bắt đầu! Bản đồ thế giới phải sửa đổi lại vì sự ra đời của một Nhà nước mới: Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa!” (Sự ra đời của bản Tuyên ngôn Độc lập, Nxb Văn hóa Thông tin, H.2015, tr.69).
Tuyên ngôn Độc lập đã kế thừa những giá trị truyền thống hết sức quý báu của dân tộc, được thể hiện tiêu biểu trong những áng văn bất hủ như “Nam quốc sơn hà”, “Đại cáo bình ngô”, đồng thời, nâng lên tầm cao mới với những giá trị mới về quyền con người và quyền dân tộc. Tuyên ngôn kết tinh tư tưởng Hồ Chí Minh, và “là kết quả của những tuyên ngôn của các bậc tiền bối khác như Thủ khoa Huân, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu và của nhiều người khác, của bao nhiêu sách báo, truyền đơn bí mật viết bằng máu và nước mắt của những nhà yêu nước từ hơn 80 năm nay”, “là hoa là quả của bao nhiêu máu đã đổ và bao nhiêu tính mạng đã hy sinh của những người con anh dũng của Việt Nam trong nhà tù, trong trại tập trung, trong những hải đảo xa xôi, trên máy chém, trên chiến trường”, “là kết quả của bao nhiêu hy vọng, gắng sức và tin tưởng của hơn 20 triệu nhân dân Việt Nam”, “là một trang vẻ vang trong lịch sử Việt Nam.
Nó chấm dứt chính thể quân chủ chuyên chế và chế độ thực dân áp bức. Nó mở ra kỷ nguyên mới dân chủ cộng hòa” (Theo Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb Văn học, H.1970, tr.110). Tuyên ngôn đã khẳng định với thế giới cơ sở pháp lý về quyền được hưởng tự do độc lập của dân tộc Việt Nam, đồng thời, qua đó đóng góp vào sự phát triển nền pháp lý dân chủ và tiến bộ của loài người trong thời đại ngày nay.
Để bảo vệ và phát triển thành quả Cách mạng Tháng Tám, trong Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt quốc dân đồng bào nguyện thề: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.3, Nxb. CTQG, Hà Nội, 1995, tr. 557).
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - cuộc cách mạng dân tộc điển hình trong thế kỷ XX và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á - có ý nghĩa dân tộc và quốc tế sâu sắc. Khi cuộc cách mạng thắng lợi, nội dung cốt lõi, những từ chính yếu nhất trong bản Tuyên ngôn Độc lập chính là độc lập - tự do - hạnh phúc cho toàn thể dân tộc Việt Nam và đó cũng là khát vọng chính đáng của nhân loại tiến bộ. Không ít học giả quốc tế, như Nhà sử học Kobelev (Nga) đã khẳng định: “Tôi không hình dung điều gì sẽ đến với Việt Nam nếu không có cuộc cách mạng này, thậm chí khái niệm Việt Nam thống nhất cũng sẽ không tồn tại…
Có thể nói, Cách mạng Tháng Tám đã mở ra một trang sử mới, một kỉ nguyên mới trong lịch sử Việt Nam” (Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam: “Cách mạng Tháng Tám qua con mắt bạn bè quốc tế”, ngày 24/8/2005). Đánh giá về tầm vóc quốc tế của cuộc cách mạng vĩ đại này, Nhà sử học Nauy Stein Tonnesson đã viết: “Cách mạng Việt Nam quan trọng và không phải chỉ thuần túy trong bối cảnh Việt Nam. Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 của Việt Nam nằm trong những nguồn cảm hứng chủ yếu về một đường lối đấu tranh lớn khác sau chiến tranh: đó là quá trình phi thực dân hóa. Trong các cuộc cách mạng cộng sản, cuộc cách mạng của người Việt Nam nổi lên như là một trong những cuộc cách mạng có sức sống và làm đảo lộn nhiều nhất” (Stein Tonnesson: The Vietnamese Revolution of 1945. Roosevelt, Ho Chi Minh and De Gaulle in a World at war. Sage Publications -1991, London, New Burry Park, New Delhi, pp.425-426).
Cách mạng Tháng Tám và Tuyên ngôn Độc lập để lại những giá trị trường tồn, nguồn động lực tinh thần lớn lao và bài học kinh nghiệm vô giá để vận dụng và phát triển sáng tạo trong giai đoạn mới của cách mạng, đưa dân tộc ta vững bước đi lên trước bao biến thiên của lịch sử. 77 năm đã trôi qua, nhưng thời gian càng lùi xa, thì những giá trị cao quý của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, của Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945 vẫn tiếp tục soi đường cho sự nghiệp đổi mới, cho khát vọng phát triển đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc. Vượt qua bao sóng gió, thác ghềnh, với chân lý “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, dân tộc Việt Nam đã giành được những thắng lợi vĩ đại trong các cuộc kháng chiến oanh liệt để giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, đánh thắng chủ nghĩa thực dân cũ và mới, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thực hiện thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Trải qua 35 năm đổi mới toàn diện đất nước, kể từ năm 1986 đến nay, giương cao ngọn cờ Cách mạng Tháng Tám và tư tưởng của Tuyên ngôn Độc lập, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã tạo ra thế và lực mới cho đất nước tiếp tục đi lên trên con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, làm cho "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay ("Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập I, trang 25).
Âm hưởng hào hùng của lời thề cách nay 77 năm trong Tuyên ngôn Độc lập 1945 mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên đọc trước Quảng trường Ba Đình rực nắng vẫn vang vọng non sông, vẫn tiếp lửa và thôi thúc toàn thể dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng hôm nay. Tinh thần Cách mạng Tháng Tám và Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 bất diệt vẫn đang soi đường cho sự nghiệp đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Nhớ về mùa Thu cách mạng, giữ vững Lời thề Tuyên ngôn Độc lập, càng khiến chúng ta vững tin vào thắng lợi của đường lối đổi mới đất nước, vào mục tiêu, định hướng, tầm nhìn, khát vọng phát triển đất nước hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc, tiếp tục tiến bước trong kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội được mở ra từ Cách mạng Tháng Tám và Tuyên ngôn Độc lập - Áng văn lập quốc vĩ đại năm 1945.
PGS,TS Đỗ Xuân Tuất, Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng