Chủ nhật, 24/11/2024 10:23 (GMT+7)
Thứ hai, 19/10/2020 06:15 (GMT+7)

Lũ chồng lũ tàn phá miền Trung: Thiên tai hay nhân tai?

Theo dõi KTMT trên

Mưa lũ ngập tới nóc nhà không phải là chuyện hiếm ở dải đất miền Trung, nhưng mưa lũ ngày càng tàn khốc và khó lường như hiện nay lại là điều bất thường.

Lũ chồng lũ tàn phá miền Trung: Thiên tai hay nhân tai? - Ảnh 1

Trong gần hai tuần qua các tỉnh miền Trung liên tiếp lũ chồng lũ, lụt chồng lụt. Hàng chục nghìn ngôi nhà bị ngập đến mái, hư hỏng hoặc đổ sập; hàng chục ngàn héc ta lúa và hoa màu ngập nước mất trắng; tình cảnh hàng trăm ngàn hộ dân vô cùng gieo neo, khốn khó; cơ sở hạ tầng và nhiều cơ sở nuôi trồng thủy sản bị cuốn trôi...

Trong khi những vùng trũng khốn đốn trong cảnh nước ngập sâu tới hàng mét, thì các khu vực miền núi lại phải chống chịu với lũ quét và nạn sạt lở đất kinh hoàng.

Đã có nhiều thảm kịch liên tiếp xảy ra. 13 chiến sĩ trong đoàn cứu hộ Thuỷ điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên Huế) đã hy sinh trên đường làm nhiệm vụ và 17 công nhân bỏ mình trong những lớp đất đá ào ạt lở xuống. Và đau thương mới nhất lại xảy ra vào rạng sáng 18/10, khi 22 cán bộ chiến sĩ thuộc đoàn kinh tế Quốc phòng 337 đã bị vùi lấp trong trận lở núi ở xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị.

Tại cuộc họp khẩn ứng phó với mưa lũ tại miền Trung, ngày 18/10, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cảnh báo về đợt lũ khẩn cấp tại Quảng Bình và Quảng Trị có thể vượt đỉnh lũ lịch sử của năm 1999, mưa lũ khiến nguy cơ ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh miền Trung là rất lớn.

Từ nay đến ngày 21/10, Trung Bộ tiếp tục có mưa to đến rất to, riêng Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị có khả năng mưa đặc biệt to, có nơi trên 700 mm. Lũ trên sông Hiếu tại Đông Hà (Quảng Trị) đã đạt đỉnh là 5,35m (trên báo động 3 là 1,35 m), trên sông Thạch Hãn đạt đỉnh 7,4m vào lúc 2h ngày 18/10 (trên báo động 3 là 1,4m, cao hơn đỉnh lũ lịch sửa năm 1999 là 7,3 m).

Do mưa lớn, lũ đặc biệt lớn đã xảy ra trên các sông tại tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị. Đỉnh lũ trên sông Kiến Giang (Quảng Bình), sông Hiếu, sông Thạch Hãn (Quảng Trị) đều ở mức tương đương và cao hơn lũ lịch sử. Sạt lở đất và ngập lụt sâu diện rộng đã xảy ra nghiêm trọng tại hai tỉnh trên.

Sau ngày 21/10, ở các tỉnh Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ còn có khả năng xảy ra mưa lớn kéo dài.

Lũ chồng lũ tàn phá miền Trung: Thiên tai hay nhân tai? - Ảnh 2
Ngập lụt tại xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình.

Mưa lũ ngập tới nóc nhà không phải là chuyện hiếm ở dải đất miền Trung, nhưng mưa lũ ngày càng tàn khốc và khó lường như hiện nay lại là điều bất thường. Lý giải về nguyên nhân, nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh tác động của biến đổi khí hậu, yếu tố con người đó là nạn phá rừng, nạn khai thác cát sỏi bừa bãi. Cạnh đó còn có cả nguyên nhân do việc xả lũ tại các nhà máy Thủy điện, việc vận hành hệ thống đê đập chưa thực sự hợp lý...

Mới đây, trao đổi với báo Kinh tế đô thị, GS.TS Vũ Trọng Hồng - nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, việc miền Trung chịu thiệt hại lớn từ mưa lũ là do các hồ thủy điện xả lũ bất ngờ, công tác dự báo thời tiết nhận định sai tình hình. Đài Khí tượng thủy văn chỉ dựa theo lượng mưa, nắng, nhiệt độ để dự báo các nguy cơ. Còn việc xả lũ là do các hồ thủy điện.

Theo GS.TS Vũ Trọng Hồng, hiện nay, đang có một bất cập, đó là mạng lưới thủy điện thiếu tính kết nối với hệ thống thủy văn. Luật Phòng chống thiên tai không có quy định nào quy định các đập thủy điện phải có trách nhiệm khi có thiên tai xảy ra.

Trong khi các hồ thủy lợi có chức năng cấp nước cho hạ du vào mùa hạn và chứa vào mùa mưa, thì các hồ thủy điện lại có quy trình ngược lại. Các hồ này có nhiệm vụ tích nước để sản xuất điện, đến khi mực nước lên cao thì sẽ xả để đảm bảo an toàn hồ đập. Do đó, GS.TS Vũ Trọng Hồng cho rằng, các hồ thủy điện cần xem lại quy trình vận hành, chủ động hạ nước trước mùa mưa bão.

Cũng có nhiều ý kiến việc phát triển thủy điện nhỏ tại miền Trung cũng là một trong những nguyên nhân khiến bão lũ ngày càng khốc liệt hơn. Hơn 20 năm qua, nhiều dự án thủy điện có quy mô và công suất khác nhau đã được quy hoạch và xây dựng ồ ạt tại miền Trung, đặc biệt là từ Quảng Bình đến Phú Yên và các tỉnh ở Tây Nguyên.

Theo tính toán của một chuyên gia, để làm 160 dự án thủy điện, phải mất 20.000ha rừng, trung bình mỗi dự án thủy điện được hình thành, sẽ có 125ha rừng bị xóa sổ. Một thống kê khác cũng cho thấy, cứ 1 MW điện sẽ mất 10ha rừng. Từ thực tế xây dựng các nhà máy thủy điện: Sông Tranh 2, Krong Kma đã khiến cho diện tích rừng bị mất khá lớn, chưa kể nhiều hệ lụy khác như mất đất, tranh chấp nước giữa thủy lợi và thủy điện...

PGS-TS Lê Bắc Huỳnh - Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường cho biết, xây dựng công trình thủy điện đều ở vùng núi cao đầu nguồn nên cùng với mất đất là kèm theo mất rừng ngay trong lòng hồ. Ngoài ra, nhiều diện tích đất rừng cũng bị cho xây dựng các hạng mục công trình khác (nhà điều hành, các công trình đập, tràn, nhà máy, nhất là đường giao thông lên công trình vào nhà máy, đường tải điện). “Mỗi nhà máy thủy điện được quy hoạch, kèm theo đó là mất rừng đầu nguồn, mất đất, di dân tái định cư và phát sinh nhiều vấn đề của di dân tái định cư” - PGS.TS Lê Bắc Huỳnh nhấn mạnh.

Mất rừng là mất tài nguyên, nhiệt độ tăng cao hơn, biến đổi khí hậu nghiêm trọng hơn, nhưng trước mắt là thảm họa lũ lụt đổ ập xuống nhanh hơn, khốc liệt hơn, thiệt hại ngày càng lớn hơn và sự phát triển chẳng khi nào bền vững được.

Rừng bị lấy đi quá nhiều là nguyên nhân làm cho lũ lụt ngày càng gia tăng. Thủy điện có thể không làm tăng lũ, nhưng thủy điện đã làm rừng bị mất đi, khiến lũ dữ hơn và tàn phá nặng nề hơn. Lũ lụt xảy ra thường xuyên và tàn khốc hơn còn do các nhà máy thủy điện xả lũ vì nguy cơ vỡ đập trong mùa mưa bão. Các trận lũ từ năm 2009 trở lại đây đã chứng minh điều này.

Hà Linh

Bạn đang đọc bài viết Lũ chồng lũ tàn phá miền Trung: Thiên tai hay nhân tai?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới