Chủ nhật, 24/11/2024 10:25 (GMT+7)
Thứ năm, 15/10/2020 12:07 (GMT+7)

Mưa lũ và nạn phá rừng ở miền Trung

Theo dõi KTMT trên

Bão chồng bão, lũ chồng lũ, kỷ lục bão lũ liên tục bị xô đổ, nhiều tai nạn thương tâm là những gì đã xảy ra trong đợt bão, lũ lịch sử tại miền Trung. Bên cạnh yếu tố biến đổi khí hậu, nạn phá rừng cũng là nguyên nhân khiến mưa lũ ngày càng bất thường.

Mưa lũ và nạn phá rừng ở miền Trung - Ảnh 1
Người chồng ngã quỵ bên biển nước mênh mông khi chứng kiến dòng nước lũ hung dữ cuốn trôi người vợ và đứa con còn chưa kịp chào đời. (Ảnh: Internet)

Mưa, bão triền miên là điều bất thường

Lũ ngập tới nóc nhà không còn lạ gì với người dân miền Trung. Nhưng trong đợt này, người dân vẫn trở tay không kịp vì lũ lên quá nhanh. Chỉ kịp di dời những tài sản có giá trị lên cao. Thậm chí, có những nơi người dân không kịp sơ tán, phải leo lên nóc nhà, chờ lực lượng chức năng đến giải cứu. Đến 16h ngày 14/10, mưa lũ tại miền Trung và Tây Nguyên những ngày qua đã làm 44 người chết và 6 người mất tích.

Ngập lụt xảy ra diện rộng ở toàn bộ 6 tỉnh thành Trung Trung Bộ. Tổng kết ban đầu về mưa cho thấy đã xuất hiện những giá trị lịch sử, từ tổng lượng mưa 10 ngày đầu tháng cho đến giá trị lượng mưa ngày. Kỷ lục mới tại Đông Hà và Khe Sanh - Quảng Trị lần lượt là 391 và 463mm. Tại A Lưới, Thừa Thiên - Huế là 593mm.

Kỷ lục về lũ cũng vừa mới xác lập cách đây vài ngày tại sông Bồ ở Thừa Thiên - Huế và sông Hiếu ở Quảng Trị.

Theo các chuyên gia, mưa lũ triền miên, bão xuất hiện liên tục ở miền Trung là bất thường. Lý giải về việc xuất hiện bão dồn dập, ông Hoàng Phúc Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, nguyên nhân chính thứ nhất là trạng thái đại dương chuyển sang Lanina. Trong các năm Lanina thì ở Biển Đông sẽ có nhiều bão và Việt Nam sẽ mưa nhiều hơn.

Thứ hai, trong tháng 10, không khí lạnh bắt đầu hoạt động khá mạnh, liên tục có các đợt tăng áp từ phía Bắc cho nên gió Đông Bắc trên khu vực Biển Đông cũng rất mạnh. Thứ ba, mặt biển trên khu vực Biển Đông còn đang khá ấm, nhiệt độ khá cao 28-30 độ C, thuận lợi cho việc hình thành bão.

3 điều kiện ấy khiến cho tháng 10, tháng 11 sẽ có bão liên tiếp hình thành trên Biển Đông.

Mưa lũ và nạn phá rừng ở miền Trung - Ảnh 2
Nước lũ bao vây TP.Hội An, tỉnh Quang Nam. (Ảnh: Zing)

Hệ lụy từ phát triển thủy điện

Tuy nhiên, bên cạnh yếu tố biến đổi khí hậu thì nhiều ý kiến cũng cho rằng là do thủy điện xả lũ. Theo báo Tuổi trẻ, tại cuộc họp ứng phó với bão số 6 và mưa lớn do Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai diễn ra ngày 11/10, Đại tá Nguyễn Hữu Hùng - Phó chánh văn phòng Ủy ban quốc gia về ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho rằng, dù mưa lớn nhưng hiện nay các hồ chứa, hồ thủy điện ở khu vực miền Trung vẫn còn dung tích để cắt lũ.

Tuy nhiên, việc điều tiết xả lũ vừa qua gây nên ngập lụt, nhiều nơi bị ảnh hưởng là do xả lũ. Do đó, ông Hùng đề nghị phải xả lũ theo đúng quy trình và có thông báo để an toàn, báo động cho người dân và các lực lượng đang tham gia ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ.

Còn đại diện Bộ Công Thương cho biết, bộ nhận định đặc điểm đợt mưa lũ này tập trung ở đồng bằng ven biển và vùng trung du các tỉnh Trung Bộ. Còn khu vực giúp các hồ tích được nước ở vùng núi thì không giữ được nước nên mưa lúc nào xuống lúc đó. Vì thế Bộ Công Thương cùng các tỉnh cố gắng điều hành các hồ để vừa đảm bảo không ngập lụt ở hạ du vừa đảm bảo vận hành đúng theo mùa lũ.

"Nhận định thủy điện xả lũ gây ngập lụt là chưa toàn diện, không đúng" - đại diện bộ Công thương phản ứng.

Những năm qua, các dự án thủy điện ồ ạt phát triển ở miền Trung, Tây Nguyên đã để lại rất nhiều hệ lụy về môi trường tự nhiên. Thủy điện đang là những mối họa treo trên đầu các khu dân cư khi không kiểm soát quy hoạch, thi công, vận hành. Ở Huế, vụ sạt lở thủy điện Rào Trăng 3 đã khiến hàng chục người gặp nạn, trong đó có 17 công nhân của công ty thủy điện và 13 người trong lực lượng cứu hộ mất tích.

Mưa lũ và nạn phá rừng ở miền Trung - Ảnh 3
Nhà điều hành thủy điện Rào Trăng 3 đã bị đất đá vùi lấp, không còn dấu vết. (Ảnh: Internet)

Mới đây, trao đổi với báo Đất Việt, PGS.TS Đào Trọng Tứ –Trưởng ban điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu) lo ngại, cơ chế chính sách luôn khuyến khích các nhà đầu tư, trong khi phát triển thủy điện giúp nhà đầu tư và cả địa phương đều thu về những khoản lợi ích rất lớn.

Vì điều này, có hiện tượng phát triển thủy điện tràn lan, phá vỡ quy hoạch, gây ra những mối hiểm họa khôn lường.

Vị PGS nhấn mạnh, áp thấp nhiệt đới, lũ nhỏ và vừa nếu được kiểm soát tốt thậm chí còn mang lại những lợi ích rất lớn cho các tỉnh miền Trung. Trong bối cảnh các tỉnh miền Trung đang phải đối mặt với những nguy cơ thiếu nước, xâm nhập mặn, áp thấp nhiệt đới lại là nhân tố giúp miền Trung giải quyết tốt hiện trạng này.

Tuy nhiên, cùng với những lợi ích thì cũng là những rủi ro. Nếu trước đây khi chưa có nhiều thủy điện, mưa lũ, áp thấp nhiệt đới có thể gây mưa lớn, nước đổ về nhiều nhưng lưu lượng nước cũng được tỏa đi và thoát nước rất nhanh, không gây ra thiệt hại quá lớn.

Điều đáng ngại hiện nay chính là thực trạng phát triển quá nhiều thủy điện, phát triển thủy điện tràn lan...

Thủy điện phát triển tới đâu tình trạng chặt phá rừng đi tới đó. Chặt phá rừng để làm thủy điện, chặt phá rừng xây hồ chứa, cách hành xử với sông, núi như vậy thì chắc chắn sông, núi sẽ phải trả lời.

Rừng xanh không ngừng “chảy máu”

Ngoài tình trạng xây dựng thủy điện tràn lan, thì căn nguyên đã được gọi tên đó chính là nạn bạt núi làm dự án và phá rừng đến cạn kiệt.

Theo số liệu của Tổng cục Lâm nghiệp, trong 4 năm từ 2016 - 2019, diện tích rừng bị thiệt hại lên tới 7.283ha, tức mỗi năm Việt Nam mất đi 2.430ha rừng.

Theo nhận định của Viện Điều tra và quy hoạch rừng, lý do chính khiến diện tích rừng tự nhiên bị giảm sút là do việc chuyển đổi mục đích sử dụng, khai thác quá mức, đặc biệt là tại 2 khu vực duyên hải miền Trung và Tây Nguyên.

Một thực tế đang diễn ra là diện tích rừng phòng hộ đang ngày càng suy giảm; thay vào đó là gia tăng diện tích rừng sản xuất. Nguyên nhân là do người dân đốt rừng làm nương rẫy. Báo cáo của Cục Kiểm lâm cho biết, hiện nay, tình trạng đốt rừng làm nương rẫy ngày càng phức tạp hơn, nên cơ quan chức năng khó phát hiện.

Theo chuyên gia lâm nghiệp - GS Nguyễn Ngọc Lung, rừng phát huy hiệu quả trong việc chắn gió, cản sức nước và góp phần làm suy yếu sức mạnh của gió tại các vùng mà bão đi qua. Mặt khác, rễ của cây cũng sẽ góp phần hút nước lũ.

Hậu quả của việc phá rừng là tình trạng biến đổi khí hậu, hiệu ứng nhà kính làm trái đất ấm dần lên, hạn hán, nước biển dâng cao, ô nhiễm môi sinh, đói kém… Theo Tổng cục Phòng, Chống thiên tai, mỗi năm nước ta xảy ra khoảng 10-15 trận lũ quét, sạt lở đất, đặc biệt là tại các vùng núi phía Bắc, Trung bộ, Tây Nguyên và Đông Nam bộ. Thời tiết cực đoan, mưa lớn, mưa kéo dài là nguyên nhân kích hoạt lũ quét và sạt lở đất, cuốn theo cây cối, đất đá, thậm chí tính mạng, tài sản của con người. Mưa bão lũ xảy ra ở nước ta ngày càng tăng; trở thành mối đe dọa nguy hại đến cuộc sống con người và nền kinh tế đất nước.

Ngoài do biến đổi khí hậu, đặc điểm địa lý thì tình trạng mưa lũ ở nước ta trở nên nghiêm trọng, khốc liệt hơn là do nạn chặt phá rừng. Chính điều này gây ra sự suy giảm thảm thực vật ở lưu vực; khả năng cản trở dòng chảy khi mưa lũ giảm, khiến tốc độ di chuyển của mưa lũ nhanh hơn.

Trong một thời gian dài, hậu quả của việc phá rừng đã khiến diện tích rừng phòng hộ, đầu nguồn tại các tỉnh thành tại miền Trung bị san bằng để làm thủy điện, gây khó khăn khiến cho việc điều tiết nước ở khu vực thượng nguồn bị ảnh hưởng khi mưa lớn.

Diện tích rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn bị chặt phá gây mất khả năng điều tiết nước ở thượng nguồn khi xảy ra mưa lớn. Đây chính là nguyên nhân khiến mưa lũ, lũ lụt… nghiêm trọng hơn. Rừng đầu nguồn bị chặt phá cũng khiến cho cường độ của nước dâng lên cao hơn, lũ đi nhanh hơn.

Nhật Hạ

Bạn đang đọc bài viết Mưa lũ và nạn phá rừng ở miền Trung. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới