Luật Dầu khí: Động lực đưa ngành dầu khí phát triển mạnh mẽ, bền vững
Luật Dầu khí 2022 với nhiều nội dung mang tính đột phá, là cơ sở pháp lý cần thiết để khai thác hiệu quả hơn tài nguyên dầu khí, kỳ vọng tạo ra động lực về thể chế đưa ngành dầu khí phát triển mạnh mẽ, bền vững.
Ngày 1/7/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định 45/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Dầu khí năm 2022.
Theo đó, Nghị định 45/2023/NĐ-CP gồm 10 chương, 64 điều quy định chi tiết một số điều của Luật Dầu khí về điều tra cơ bản về dầu khí; danh mục lô dầu khí; lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí; hợp đồng dầu khí; an toàn trong hoạt động dầu khí; hồ sơ, trình tự, thủ tục triển khai hoạt động dầu khí, dự án dầu khí; ưu đãi trong hoạt động dầu khí; khai thác tận thu mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí; quyết toán chi phí hoạt động dầu khí, trong phạm vi đất liền, hải đảo và vùng biển của nước CHXHCN Việt Nam.
Nghị định 45/2023/NĐ-CP áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài liên quan đến điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí tại Việt Nam.
Đối với hợp đồng dầu khí đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trước ngày Nghị định 45/2023/NĐ-CP có hiệu lực, thẩm quyền, hồ sơ, trình tự, thủ tục thẩm định, phê duyệt báo cáo, kế hoạch, chương trình mới hoặc báo cáo, kế hoạch, chương trình điều chỉnh sau ngày 01/7/2023 có hiệu lực được thực hiện theo Nghị định 45/2023/NĐ-CP. Ban hành cùng Nghị định 45/2023/NĐ-CP là 2 phụ lục về Hợp đồng mẫu của Hợp đồng chia sản phẩm dầu khí và Thể thức kế toán của Hợp đồng chia sản phẩm dầu khí.
Luật Dầu khí số 12/2022/QH15 gồm 11 chương, 69 điều, có hiệu lực từ ngày 1/7/2023 với nhiều chính sách mới, kỳ vọng sẽ tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để tăng cường thu hút đầu tư vào hoạt động dầu khí, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước, bảo đảm an ninh năng lượng và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Từ phạm vi điều chỉnh, các chính sách mới trong Luật Dầu khí 2022 cùng Nghị định hướng dẫn thi hành Luật, sẽ có nhiều dự án dầu khí trọng điểm và tận thu ngoài khơi sẽ được phát triển đồng bộ, kỳ vọng tạo ra môi trường và điều kiện thuận lợi để tăng cường thu hút đầu tư vào hoạt động dầu khí, góp phần tăng thu ngân sách Nhà nước, bảo đảm an ninh năng lượng và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Luật Dầu khí 2022 với nhiều nội dung mang tính đột phá, là cơ sở pháp lý cần thiết để khai thác hiệu quả hơ tài nguyên dầu khí, kỳ vọng tạo ra động lực về thể chế giúp ngành dầu khí nói chung và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam nói riêng đẩy mạnh các hoạt động khai thác, thăm dò, tìm kiếm, đưa ngành dầu khí phát triển mạnh mẽ, bền vững.
Trước đó, tại Tọa đàm giới thiệu Luật Dầu khí năm 2022 đến các nhà thầu dầu khí, theo đại diện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), Luật Dầu khí 2022 được đánh giá có nhiều điểm mới, tiến bộ, nhiều nội dung mang tính đột phá: Phạm vi điều chỉnh được mở rộng; cùng với đó một số khái niệm mới được bổ sung để phù hợp với phạm vi điều chỉnh của Luật; một số khái niệm cũng được điều chỉnh để phù hợp với thực tế…
Cụ thể như, Điều tra cơ bản về Dầu khí là một nội dung mới, nhằm thiết lập khung pháp lý cho việc thực hiện và quản lý nhà nước đối với hoạt động này. Chính sách của Nhà nước về dầu khí được thể hiện rõ ràng, có nhiều ưu đãi: không thu tiền sử dụng khu vực biển cho điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí; chính sách khuyến khích đầu tư; khuyến khích chia sẻ và tiếp cận, cùng sử dụng các cơ sở hạ tầng, công trình dầu khí sẵn có.
TS Nguyễn Quốc Thập – Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam nhấn mạnh, công cụ để đưa Luật vào cuộc sống là Nghị định; do đó Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Dầu khí 2022 cần cụ thể, chi tiết hơn để các đưa được các quy định của Luật vào thực tiễn.
Ông Nguyễn Quốc Thập kỳ vọng Nghị định hướng dẫn sẽ được thiết kế chi tiết, có tính khả thi cao, đủ để thu hút đầu tư, giúp cơ quan quản lý, nhà đầu tư có thể thực hiện các nhiệm vụ của mình và có tiếng nói chung, giúp việc triển khai thuận lợi công tác trên thực tế được thuận lợi.
Kế Toại