Lượng băng ở ‘cực thứ 3’ của Trái đất tan chảy tốc độ báo động
Các nhà khoa học tuyên bố rằng các sông băng ở núi Kỳ Liên trên dãy Nam Sơn (Trung Quốc) đang tan chảy với tốc độ kinh hoàng.
Theo các nhà khoa học, Laohugou số 12 - sông băng lớn nhất ở phía Đông Bắc cao nguyên Tây Tạng đã rút khoảng 450 m kể từ những năm 1950 khi bắt đầu hoạt động nghiên cứu.
Laohugou số 12 có diện tích 20 km2. Mức rút 450 m tương đương với 7%.
Ngoài hiện tượng tan băng đáng báo động trong những năm gần đây, độ dày của sông băng cũng bị giảm đi. Theo tính toán, khoảng 13 m băng biến mất do nhiệt độ tăng.
Các dòng nước gần điểm cuối dòng chảy Laohugou hiện gấp đôi so với cách đây 60 năm, lần đầu tiên hình thành nước trên sa mạc sau 300 năm.
Cao nguyên Tây Tạng được gọi là cực thứ 3 của Trái đất bởi lượng băng ở đây. Nhưng kể từ những năm 1950, nhiệt độ trong khu vực đã tăng trung bình 1,5 độ C. Sự ấm lên hơn nữa sẽ khiến các sông băng có nguy cơ biến mất hoàn toàn.
Chuyên gia Shen Yongping thuộc Viện Khoa học Trung Quốc cho biết, tốc độ băng tan trên dãy núi này có nguy cơ lên đến mức đỉnh trong vòng một thập niên, sau đó tốc độ tan sẽ giảm mạnh do các dòng sông băng nhỏ hơn và ít hơn. Ông cảnh báo điều này có nguy cơ gây ra cuộc khủng hoảng về nước.
Các nhà khoa học cho rằng những thay đổi ở Kỳ Liên Sơn cũng phản ánh xu hướng băng tan tương tự tại nhiều khu vực khác của cao nguyên Tây Tạng, vốn là nguồn nước của sông Dương Tử (còn gọi là sông Trường Giang) và nhiều con sông lớn khác tại châu Á.
Trong số những biến chuyển trên bề mặt Trái đất do biến đổi nhiệt độ đem lại, hiện tượng tan băng được coi là quan trọng nhất. Nó thay đổi tất cả, từ đất bên dưới, không khí trên cao và cuộc sống xung quanh. Đó là lý do vì sao những nhà khí hậu học quan tâm đến hai cực Bắc và Nam của Trái đất.
Nhật Hạ