Thứ tư, 18/12/2024 09:00 (GMT+7)
Thứ tư, 04/08/2021 06:10 (GMT+7)

Lưu chuyển tiền của MWG âm 2.730 tỉ đồng

Theo dõi KTMT trên

Dòng tiền kinh doanh của MWG liên tục âm hàng nghìn tỉ đồng trong 2 quý gần nhất. Con số hàng tồn kho của MWG cũng cho thấy những điểm đáng báo động.

Nghịch lý hàng tồn kho giảm

Báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2021 của Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới di động (mã chứng khoán: MWG) ghi nhận, hàng tồn kho của doanh nghiệp tính đến ngày 30/6/2021 gần 22.840 tỉ đồng (tăng gần 3.000 tỉ đồng so với cuối năm 2020).

Nếu so với tổng tài sản của MWG tính đến hết ngày 30/6/2021 là 54.139 tỉ đồng thì trong đó, lượng hàng tồn kho đã chiếm tới 41%.

Điều đặc biệt là lượng hàng tồn kho của MWG trong quý 2/2021 giảm khoảng 839 tỉ đồng so với quý 1/2021 (tồn kho 23.253 tỉ đồng). 

Giải thích về lượng hàng tồn kho tăng mạnh trong quý 1/2021 với các nhà đầu tư, ông Đoàn Văn Hiểu Em - CEO hai chuỗi Thế giới di động và Điện máy xanh cho biết tình trạng thiếu chip bán dẫn trên thế giới là nguyên nhân MWG đã dự phòng tăng hàng tồn kho trong quý 1 năm nay so với năm ngoái.

Lưu chuyển tiền của MWG âm 2.730 tỉ đồng - Ảnh 1
Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới di động (mã chứng khoán: MWG) đang đối mặt với bài toán hàng tồn kho.

"Đối với MWG thì điều này chưa có tác động gì trong ngắn hạn. Trong tương lai kéo dài bao lâu thì ít nhiều cũng có tác động đến tình hình kinh doanh của MWG. Trong quý 1 hàng tồn kho tăng và sắp tới cũng tăng thêm chút nữa vì chúng tôi thấy được vấn đề này và đang chuẩn bị hàng cho việc này", ông Hiểu Em chia sẻ. 

Theo dữ liệu của Tạp chí Kinh tế Môi trường, Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới di động thực hiện ghi nhận hàng tồn kho với các cách khác nhau, tùy theo mặt hàng. Điện thoại di động, máy tính xách tay, các thiết bị kỹ thuật số được ghi nhận giá vốn thực tế theo phương pháp thực tế đích danh. Trong khi đó, các sản phẩm còn lại (phụ kiện, thiết bị gia dụng, thực phẩm…) được ghi nhận theo giá vốn thực tế theo phương pháp bình quân gia quyền.

Sự hợp lý về con số hàng tồn kho tăng lên của MWG phụ thuộc vào diễn biến kinh doanh của doanh nghiệp này trong giai đoạn sắp tới. Nếu doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh được hoạt động bán hàng, tăng doanh thu trong các tháng tiếp theo, thì việc tăng hàng tồn kho là phù hợp để đáp ứng nguồn hàng phục vụ kinh doanh.

Tuy nhiên, lượng hàng tồn kho của MWG giảm trong quý 2/2021 so với quý 1/2021 cho thấy lượng hàng của MWG có dấu hiệu chững lại và khó có khả năng bùng nổ vào dịp cuối năm, thời điểm mà nhiều chuyên gia kinh tế nhận định dịch Covid-19 tại Việt Nam được kiểm soát và sẽ có nhiều cơ chế thúc đẩy thị trường trong nước tiêu thụ sản phẩm sau thời gian ngưng trệ. 

Bên cạnh đó, hàng tồn kho của MWG trong quý 2/2021 tập trung chủ yếu ở thiết bị điện tử (hơn 7.720 tỉ đồng, tăng 10%) và điện thoại di động (hơn 3.943 tỉ đồng, tăng 35% so với hồi đầu năm).

Ngoài ra, thiết bị gia dụng tồn kho cũng tăng nhẹ lên 3.943 tỉ đồng; Mặt hàng máy tính bảng tăng 42% lên gần 154 tỉ đồng; Sản phẩm đồng hồ và mắt kính tăng 28% lên mức 677,4 tỉ đồng; Thực phẩm khô, các loại nước uống... cũng ghi nhận còn hơn 1.923 tỉ đồng.

Có thể thấy sản phẩm của MWG là những mặt hàng có tính chất khó bảo quản lâu ngày (thực phẩm) hoặc nhanh bị mất giá (điện thoại, máy tính, thiết bị điện tử…). Do vậy, con số hàng tồn kho của doanh nghiệp này là một con số khá nhạy cảm, bởi sản phẩm bị “nằm kho” lâu ngày sẽ thiệt hại nặng về kinh tế hơn nhiều so với tính chất của các doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng có thể để lâu mà ít bị giảm giá trị theo thời gian.

TS Lê Đạt Chí, Phó Trưởng khoa Tài chính (Trường Đại học Kinh tế TP.HCM) nhận định, hàng tồn kho của các doanh nghiệp gia tăng do bức tranh chung của nền kinh tế bị tác động bởi dịch Covid-19 vì mức cầu xuống thấp. Điều này cũng thể hiện tốc độ luân chuyển tiền trong nền kinh tế bị chậm lại. 

Theo ông Chí, bản thân doanh nghiệp bị ứ đọng vốn với lượng hàng chất đống trong kho. Nếu điều này kéo dài sẽ khiến doanh nghiệp thiếu vốn, khả năng thanh toán trả nợ không còn. Hệ lụy sẽ kéo theo là nguy cơ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng cũng gia tăng.

Dòng tiền kinh doanh sụt giảm, nợ phải trả gần gấp đôi vốn chủ sở hữu

MWG công bố doanh thu thuần quý 2/2021 đạt 31.658 tỉ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ. Lãi ròng nửa đầu năm 2021 của MWG ở mức 2.550 tỉ đồng. Được biết, trong năm 2021, MWG đặt kế hoạch doanh thu 125.000 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế là 4.750 tỉ đồng. Như vậy, kết thúc nửa đầu năm 2021, doanh nghiệp thực hiện được 54% kế hoạch lợi nhuận năm.

Lưu chuyển tiền của MWG âm 2.730 tỉ đồng - Ảnh 2
MWG đang phải gánh khoản nợ phải trả lên tới gần 36.000 tỉ đồng.

Thế nhưng, báo cáo của MWG trong quý 2/2021 cũng cho thấy: Chi phí bán hàng tăng 26% lên 4.444 tỉ đồng, chi phí quản lý cũng tăng 20% lên 1.201 tỉ đồng.

Mặc dù lợi nhuận MWG trong quý 2/2021 tăng nhưng lưu chuyển thuần trong kỳ lại âm. Cụ thể, trong quý 2/2021, lưu chuyển tiền thuần âm đến 2.730 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ âm gần 950 tỉ đồng.

Số nợ phải trả của MWG trong quý 2/2021 cũng tăng lên hơn 5.000 tỉ đồng so với hồi cuối năm 2020. Cụ thể, nợ phải trả của MWG đang ở mức 35.879 tỉ đồng (trong khi vốn chủ sở hữu là 18.258 tỉ đồng), trong đó nợ ngắn hạn lên tới 34.751 tỉ đồng.

Số nợ ngắn hạn của MWG có tới gần 20.000 tỉ đồng là vay ngắn hạn và gần 9.400 tỉ đồng phải trả người bán ngắn hạn.

Trước bối cảnh khó khăn của dịch Covid-19, nhiều cửa hàng Thế giới di động, Điện máy xanh của MWG bị ảnh hưởng vì nằm trong vùng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, cùng với đó là nhu cầu mua sắm của người dân giảm sút vì nguồn tiền không còn dồi dào.

Liệu MWG có xoay xở được dòng tiền để thanh toán những khoản nợ này?

Hồ Duy

Bạn đang đọc bài viết Lưu chuyển tiền của MWG âm 2.730 tỉ đồng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới