Chủ nhật, 24/11/2024 03:54 (GMT+7)
Chủ nhật, 03/11/2019 06:30 (GMT+7)

Lý do nào giao ACV đầu tư vào sân bay Long Thành?

Theo dõi KTMT trên

Cảng hàng không quốc tế Long Thành sau khi hoàn thành sẽ đạt cấp 4F theo phân cấp của ICAO, giữ vai trò là cảng quốc tế cửa ngõ lớn, quan trọng...

Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành là dự án trọng điểm quốc gia, với số vốn hơn 4,7 tỉ USD đầu tư trong giai đoạn 1 (tương đương khoảng 111 nghìn tỉ đồng). Trong tuần, Chính phủ chính thức trình Quốc hội giao Tổng Công ty cảng hành không Việt Nam (ACV) đầu tư sân bay này.

Vậy lý do từ phía Bộ GTVT như thế nào khi đề xuất ACV là chủ đầu tư từ thực tế pháp lý ra sao, cơ sở đánh giá năng lực của Tổng công ty ACV như thế nào? PV VOV đã tìm câu trả lời từ phía người trong cuộc với mong muốn làm rõ lý do giao ACV làm nhà đầu tư và nhà khai thác cảng hàng không quan trọng này.

Cảng hàng không quốc tế Long Thành sau khi hoàn thành sẽ đạt cấp 4F theo phân cấp của ICAO, giữ vai trò là CHK quốc tế cửa ngõ lớn và quan trọng của quốc gia, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực ở giai đoạn 2, giai đoạn 3. Trong giai đoạn 1, sẽ đầu tư xây dựng 1 đường cất hạ cánh; 1 nhà ga hành khách với công suất 25 triệu hành khách/năm; nhà ga hàng hóa 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm và các hạng mục phụ trợ và nhà đầu tư được thuyết trình giao là Nhà đầu tư và nhà khai thác là Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV).

Lý do nào giao ACV đầu tư vào sân bay Long Thành? - Ảnh 1
Ủy ban Kinh tế lo ngại phương án huy động vốn có thể ảnh hưởng đến nợ công. Ảnh: TTO

Ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết: "Chúng tôi cũng nghiên cứu kỹ luật đấu thầu (Điểm c, Khoản 4, Điều 22) của Luật Đấu thầu chưa cụ thể, nên nếu thực hiện điểm c, Khoản 4, Điều 22 thì phải thực hiện rất nhiều thủ tục liên quan khác để chỉ định ACV là nhà đầu tư. Chính vì vậy, chúng tôi báo cáo trước Quốc hội xem xét tất cả các yếu tố liên quan để lựa chọn nhà đầu tư, nhà khai thác cảng".

Cũng theo ông Tuấn, trong báo cáo trình Quốc hội, Chính phủ đề xuất giao TCT Cảng hàng không VN (ACV) là nhà đầu tư - khai thác cảng đầu tư, sau đó cho các cơ quan quản lý Nhà nước thuê lại hạng mục các công trình trụ sở cơ quan quản lý Nhà nước. ACV cũng sẽ trực tiếp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp các công trình thiết yếu của cảng hàng không. Đối với các công trình dịch vụ, ACV được giao hợp tác đầu tư, nhượng quyền đầu tư, khai thác hoặc xã hội hóa đầu tư. Hình thức đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư.

Vậy câu hỏi đặt ra là vì sao chọn ACV vừa là nhà đầu tư, vừa là nhà khai thác cảng hàng không?

Từ thực tiễn hoạt động của ACV, ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ GTVT nêu rõ cơ sở cho lựa chọn này: “ACV là đơn vị chuyên quản lý khai thác cảng hàng không, là nhà đầu tư và nhà khai thác cảng lớn nhất của Việt Nam. ACV có tiềm lực tài chính tốt, có đội ngũ cán bộ công nhân viên dồi dào. Và ACV là Tổng Công ty quản lý nhà nước. Mặc dù giao ACV là chủ đầu tư, nhưng từng hạng mục một chúng tôi vẫn tổ chức đấu thầu để đảm bảo chi phí đầu tư hiệu quả”.

Trong thực tế, băn khoăn lớn nhất khi được đặt ra là tiền đâu để đầu tư sân bay Long Thành và liệu ACV có chuẩn bị như thế nào? Câu hỏi này được đặt ra và ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam cho biết, ACV đáp ứng được khoảng 37-40% tổng số vốn trong giai đoạn 1 bằng nguồn vốn doanh nghiệp. Còn lại đã đàm phán và lựa chọn được nguồn vay từ phía các ngân hàng uy tín với lãi suất ưu đãi. Vì vậy, đại diện phía Nhà đầu tư đã tự tin nếu được giao nhiệm vụ.

"ACV tự tin trong việc đảm bảo nguồn lực. Ngoài vốn tự có khoảng 37% - 40% (khoảng 37 nghìn tỉ trong tổng số vốn khoảng 98 nghìn tỉ kiến nghị giao ACV); Hiện nay, khi làm việc với các ngân hàng Việt Nam và thế giới, thì mức cam kết của họ cho vay là hơn 5 tỉ USD, với mức ưu đãi hết sức khả quan, vay 15 năm, ân hạn 5 năm và lãi suất chỉ từ 5-5,5% và đây là những cam kết cụ thể với ACV rồi và một trong những điều kiện chúng tôi đưa ra là không có bảo lãnh Chính phủ" - ông Lại Xuân Thanh chia sẻ.

Còn ở góc độ các nhà đầu tư tư nhân và là người có 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hàng không, đã tham gia hợp tác trong lĩnh vực này với sân bay của Nhật Bản và là nhà đầu tư sân bay Cam Ranh của Việt Nam, ông Jonathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP) nêu quan điểm: “Tôi cho rằng, làm gì thì làm, Tổng công ty ACV phải là nhà nắm trịch. Vì sao? Thứ nhất, để ngừa, tránh việc sau này có một nhà đầu tư nào họ đầu tư rồi “bán” sân bay cho nước ngoài, rồi họ vào chiếm lĩnh. Khi đó, họ vào cắm cờ của họ lên sân bay của mình, khi hội nhập quốc tế vấn đề pháp luật hết sức chú ý. Khách sạn 5 sao thì họ có thể cắm cờ nước họ. Còn sân bay thì không. Do vậy, tôi cho rằng, có thể thu hút tư nhân vào, nhưng lúc nào ACV cũng là người nắm trịch".

Giải trình rõ về quy định của pháp luật, Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cũng nêu rõ, đây là dự án xây dựng cảng hàng không mới nên theo quy định của Luật Đấu thầu, phải thực hiện đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án. Do đó, việc giao ACV đầu tư, khai thác Cảng cần phải được Quốc hội thông qua. Vì "trường hợp tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư sẽ mất thêm thời gian khoảng 1,5 - 2 năm, trong khi ngoài ACV, khó có đơn vị nào đủ điều kiện về năng lực, kinh nghiệm, đáp ứng các yêu cầu về quốc phòng an ninh và lợi ích quốc gia đối với một cảng hàng không quốc tế cửa ngõ, quan trọng quốc gia như cảng hàng không quốc tế Long Thành”.

Lãnh đạo Bộ GTVT cũng nêu rõ, một trong những nội dung mới của báo cáo là Chính phủ muốn đề xuất Quốc hội thông qua việc giao cho ACV đầu tư các hạng mục chính giai đoạn 1 của dự án quan trọng này, bao gồm 4 hạng mục:

1. Các công trình trụ sở cơ quan quản lý Nhà nước: giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đầu tư, sau đó cho các cơ quan quản lý Nhà nước thuê lại;

2. Các công trình phục vụ quản lý bay, giao cho Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) trực tiếp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp;

3. Các công trình thiết yếu của cảng hàng không, giao cho ACV trực tiếp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp;

4. Các công trình dịch vụ giao ACV hợp tác đầu tư, nhượng quyền đầu tư, khai thác hoặc xã hội hóa đầu tư. Hình thức đầu tư: theo quy định của Luật Đầu tư.

Bạn đang đọc bài viết Lý do nào giao ACV đầu tư vào sân bay Long Thành?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới