Mở cửa xả sâu điều tiết lũ, đảm bảo sản xuất cho vụ Đông Xuân miền Bắc
Thời tiết ấm bất thường kết hợp lượng mưa giảm, Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam sẽ phải xả hơn 5 tỷ mét khối nước xuống hạ du để đảm bảo giao trồng. Người dân đã ra sức nạo vét kênh mương chống hạn.
Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai có Công điện số 17/CÐ-QG gửi Giám đốc Công ty thủy điện Tuyên Quang về mở cửa xả sâu điều tiết lũ để bảo đảm mực nước theo đúng quy định (không vượt mực nước dâng bình thường +120 m), thời gian vận hành từ 15 giờ ngày 3/11.
Công ty cần thông báo cho các địa phương, các chủ đầu tư, cơ sở, hộ nuôi trồng thủy sản, phương tiện vận tải đường thủy,… khu vực hạ du thủy điện Tuyên Quang biết để sẵn sàng chủ động các biện pháp bảo đảm an toàn về người và tài sản.
Để việc lấy nước đạt hiệu quả cao, các địa phương trong khu vực cần chỉ đạo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, công ty khai thác công trình thủy lợi nạo vét các cửa lấy nước và hệ thống kênh; Tổ chức lắp đặt trạm bơm dã chiến, chủ động lấy nước sớm để thau chua, rửa mặn ở các hệ thống công trình thủy lợi; Trữ nước vào các khu trũng, hệ thống kênh mương, ao, hồ và tăng cường vận hành để đưa nước lên ruộng; Huy động tối đa phương tiện để lấy nước trong các đợt điều tiết nước từ các hồ chứa thủy điện để làm đất phục vụ gieo cấy; Ưu tiên lịch lấy nước thuận lợi hơn cho các địa phương thường gặp khó khăn về nguồn nước.
Đồng thời, tập trung nguồn lực đầu tư sửa chữa, phục hồi các công trình thủy lợi bị ảnh hưởng do mưa, lũ, bão bảo đảm lấy nước cho sản xuất; Đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi để nâng cao năng lực khai thác nguồn nước phục vụ sản xuất.
Hiện lượng nước về các hồ chứa thủy điện trên lưu vực sông Ðà trong mùa mưa năm nay chỉ bằng 60% đến 70% so với trung bình nhiều năm, đặc biệt các lưu vực giữa hồ Hòa Bình và Sơn La chỉ từ 20% đến 60%.
Theo Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam, nếu hệ thống sông miền Bắc tiếp tục không có lũ về, các nhà máy thủy điện Sơn La, Hòa Bình, Thác Bà… sẽ phải xả hơn 5 tỷ mét khối nước xuống hạ du mới có thể bảo đảm nước cho gieo trồng vụ đông xuân tới đây ở khu vực Trung du và đồng bằng Bắc Bộ.
Tùy thời gian sinh trưởng từng giống, điều kiện thực tế các địa phương cần bố trí thời vụ gieo cấy phù hợp để lúa phân hóa đòng và trổ bông gặp thời tiết thuận lợi. Về cơ cấu giống, tiếp tục đẩy mạnh sử dụng giống chất lượng nhằm mang lại giá trị cao hơn cho nông dân; Các cơ quan chuyên môn tăng cường bám sát cơ sở nhằm phát hiện kịp thời sâu, bệnh gây hại để hướng dẫn, khuyến cáo nhân dân biện pháp phòng trừ hiệu quả bảo đảm vụ sản xuất thắng lợi.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, Đông Xuân là vụ sản xuất quan trọng nhất của các tỉnh, thành phố phía Bắc nhưng lại đối diện với nhiều khó khăn về nguồn nước, thời tiết. Vì vậy, Bộ NN&PTNT đề nghị các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ thường xuyên kiểm kê nguồn nước trong công trình thủy lợi; ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp hệ thống thủy lợi... Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các địa phương liên quan điều hành việc điều tiết nước các hồ chứa thủy điện: Sơn La, Hòa Bình, Thác Bà và Tuyên Quang phục vụ gieo cấy lúa vụ đông xuân...
Thực hiện chỉ đạo trên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, thành phố đã yêu cầu các quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp với thực tế của địa phương và năng lực nguồn nước. Đối với những diện tích cấy lúa có khả năng không bảo đảm đủ nước tưới suốt vụ, các địa phương phải kiên quyết chuyển sang cây trồng cạn.
Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT Hà Nội cũng đã đề nghị các doanh nghiệp thủy lợi thành phố khẩn trương sửa chữa các hư hỏng công trình, nạo vét các cửa dẫn nước, bể hút trạm bơm đầu mối, hệ thống kênh mương và thủy lợi nội đồng; chuẩn bị lắp đặt, vận hành các công trình trạm bơm dã chiến để lấy nước sông Đà, sông Hồng, sông Đuống, sông Tích, sông Đáy, sông Nhuệ... để bổ sung nguồn nước vào các sông và các kênh tiêu, ao, hồ, đầm, vùng trũng tạo nguồn nước chống hạn.
Nguyễn Linh (T/h)