Mở rộng mạng lưới, tự động hóa thu nhận thông tin quan trắc KTTV
Đài Khí tượng thuỷ văn khu vực Tây Bắc ngày càng chú trọng và phát triển rộng rãi ứng dụng công nghệ thông tin trong việc đo đạc, truyền nhận thông tin, dự báo KTTV; hướng tới tăng cường, mở rộng mạng lưới quan trắc và tự động hoá quá trình thu nhận thông tin quan trắc KTTV.
Ông Nguyễn Văn Nguyên, Phó Trưởng phòng Mạng lưới trạm và thông tin, Đài Khí tượng Thuỷ văn khu vực Tây Bắc cho biết, trong các hoạt động của Ngành KTTV, công tác đo đạc số liệu các yếu tố KTTV đóng vai trò quan trọng là cơ sở để thực hiện nhiệm vụ dự báo KTTV phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng và đặc biệt trong công tác chủ động phòng chống và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.
Mạng lưới trạm KTTV, Đài KTTV khu vực Tây Bắc. |
Trong bối cảnh hiện nay, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào các lĩnh vực KTTV ngày càng được quan tâm phát triển mạnh mẽ và là một nhiệm vụ trọng yếu của Ngành. Công tác thông tin KTTV đòi hỏi cần có sự chính xác, kịp thời và hiện đại đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của công tác điều tra cơ bản, dự báo khí tượng thủy văn.
“Việc không ngừng tăng cường, mở rộng mạng lưới quan trắc, tự động hóa quá trình thu nhận thông tin quan trắc KTTV là một xu hướng phát triển tất yếu, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị trực thuộc Tổng cục KTTV mà trực tiếp là tại các Đài KTTV khu vực”, ông Nguyễn Văn Nguyên khẳng định.
Với xu hướng đó, việc triển khai áp dụng công nghệ thông tin trong việc đo đạc, truyền nhận thông tin, dự báo KTTV ngày càng được trú trọng và phát triển rộng rãi. Bản thân ông Nguyên được Đài KTTV khu vực giao làm chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp cơ sở, được Tổng cục Khí tượng Thủy văn (KTTV) công nhận kết quả thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp cơ sở: “Nghiên cứu cải tiến phương pháp chuyển mã điện thủ công từ các trạm khí tượng, thủy văn, môi trường thuộc Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Bắc” nhằm áp dụng công nghệ thông tin, xây dựng phần mềm chuyển mã điện KTTV trên Website.
Từ đó, góp phần rút ngắn thời gian chuyển, nhận số liệu các loại mã điện hàng ngày từ các trạm khí tượng, thủy văn, môi trường về Đài KTTV khu vực Tây Bắc; hạn chế sai sót do việc ghi chép thủ công; thúc đẩy việc ứng dụng, sử dụng máy, thiết bị công nghệ thông tin vào công tác chuyên môn của cán bộ, viên chức thuộc Đài, phục vụ tốt hơn cho công tác dự báo KTTV, phòng chống thiên tai tại địa phương.
Theo ông Nguyên, từ những hạn chế của việc chuyển mã điện thủ công truyền thống, nhóm tác giả đã áp dụng công nghệ thông tin, xây dựng phần mềm chuyển mã điện trên website. Phương pháp này được đánh giá là phù hợp, tối ưu, kinh tế, dễ triển khai áp dụng cho tất cả các đơn vị thuộc Đài KTTV khu vực Tây Bắc và có thể triển khai áp dụng cho các Đài KTTV khu vực khác.
Việc áp dụng mềm chuyển số liệu mã điện KTTV trên Website www.thongtinkttvtaybac.com có ý nghĩa thực tiễn cao trong tổ chức thu nhận số liệu KTTV từ các trạm khí tượng, thủy văn, môi trường, đo mưa về Đài khu vực; cung cấp, chia sẻ số liệu khí tượng thủy văn về Tổng cục KTTV và các đơn vị thuộc Đài khu vực theo quy định hiện hành.
Từ khi đưa vào sử dụng đến nay có 22/22 trạm khí tượng, 8/12 trạm thủy văn, 3/3 Đài KTTV tỉnh, phòng Dự báo, phòng Mạng lưới trạm và phòng Thông tin KTTV thuộc Đài KTTV khu vực Tây Bắc triển khai áp dụng thành thạo và hiệu quả phần mềm chuyển mã điện KTTV trên Webiste.
“Nhờ đó, rút ngắn thời gian nhận và chuyển số liệu từ các trạm khí tượng thủy văn môi trường thuộc Đài khu vực về Trung tâm Thông tin và Dữ liệu KTTV, đảm bảo thời gian chuyển số liệu mã điện của Đài KTTV khu vực Tây Bắc trong khoảng từ phút thứ 15 đến 20 sau giờ tròn, sớm hơn thời gian quy định”, ông Nguyên khẳng định và cho rằng, phần mềm có thể triển khai áp dụng rộng rãi tại các Đài KTTV khu vực khác hoặc phát triển để áp dụng cho toàn bộ mạng lưới các trạm KTTV cơ bản trên toàn quốc.
Tuyết Chinh