Mối hiểm họa cho hình ảnh các thương hiệu từ "tài khoản ẩn danh"
Vào giữa năm 2023, DCCA đã kiến nghị xử lý các trang mạng xã hội không phép, đăng ẩn danh, bôi nhọ, xúc phạm doanh nghiệp.
Trong thời đại công nghệ số, mạng xã hội đã trở thành công cụ mạnh mẽ để truyền tải thông tin nhanh chóng và rộng rãi. Tuy nhiên, đi kèm với tiện ích là những nguy cơ tiềm ẩn. Chỉ với một bài đăng ẩn danh hay một tài khoản ảo được lập trong vài phút, một đơn vị có thể chịu ảnh hưởng nghiêm trọng về uy tín và danh dự được gây dựng trong nhiều năm.
Còn nhớ, vào tháng 6/2023, Câu lạc bộ Liên minh Sáng tạo Nội dung số Việt Nam (DCCA) đã kiến nghị Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) và Bộ Công an đề xuất xử lý các trang mạng xã hội không phép, hoạt động theo hình thức cho phép các thành viên ẩn danh đăng các thông tin đánh giá doanh nghiệp, trong đó có nhiều nội dung chưa được kiểm chứng, bôi nhọ, xúc phạm các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam.
Sau kiến nghị của Hội Truyền thông số Việt Nam, ngày 27/6/2023, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) đã có văn bản phản hồi cho biết các trang mạng xã hội chuyên đánh giá doanh nghiệp đã bị chặn truy cập. Cụ thể là 3 trang http://reviewcongty.me; http://reviewcongty.net; http://reviewcongty.com đã bị cơ quan chức năng xử lý chặn truy cập.
Mới đây, Công ty Cổ phần Tập đoàn Giáo dục BLA, một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và du học vừa có thông cáo báo chí cho biết họ trở thành nạn nhân của việc bôi nhọ thương hiệu trên mạng xã hội bởi những người đăng ẩn danh.
Cụ thể, BLA đã liên tiếp trở thành mục tiêu của những thông tin vô căn cứ được phát tán bởi các tài khoản ẩn danh trên mạng xã hội. Theo BLA, những thông tin sai lệch này hoàn toàn không phản ánh đúng thực tế hoạt động và mục tiêu của công ty. Các cá nhân và đơn vị phát tán những thông tin này không chỉ gây hoang mang cho phụ huynh, học sinh và đối tác của công ty, tạo ra những hậu quả tiêu cực không nhỏ.
Trước tình hình này, Công ty đã phối hợp với cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hà Nội và Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông để điều tra và làm rõ các hành vi bôi nhọ, xuyên tạc. Đồng thời, đơn vị cũng liên tục cập nhật thông tin chính thống trên các kênh truyền thông của mình, giải đáp kịp thời mọi thắc mắc của phụ huynh và học sinh.
Trước những hiểm họa từ việc lan truyền thông tin sai lệch trên mạng xã hội, BLA khuyến cáo quý phụ huynh và học sinh cần cảnh giác và chọn lọc thông tin. Không nên tin tưởng vào những nguồn thông tin không chính thống, chưa được xác thực. Điều này không chỉ giúp bảo vệ quyền lợi của quý khách hàng mà còn góp phần xây dựng một môi trường thông tin lành mạnh, minh bạch trên mạng xã hội.
Bị “nick ảo” bôi nhọ, doanh nghiệp cần làm gì?
Theo một khảo sát vào năm 2023 của chương trình nghiên cứu internet và xã hội của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã chỉ ra rằng: 78% người dùng mạng khẳng định mình từng là nạn nhân hoặc biết những trường hợp phát ngôn gây thù ghét trên mạng xã hội; gần 62% từng chứng kiến hoặc là nạn nhân của trò nói xấu, phỉ báng, bôi nhọ danh dự và gần 47% từng bị vu khống, bịa đặt thông tin.
Các chuyên gia pháp lý khẳng định, khoản 3 Điều 16 Luật An ninh mạng 2018 quy định, làm nhục, vu khống là hành vi bị cấm và gồm: Xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác; Thông tin bịa đặt, sai sự thật; Xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm; Gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.
Cũng tại Luật An ninh mạng 2018, Điều 36 nêu rõ, Bộ Công an là cơ quan chịu trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo về an ninh mạng. Do đó, khi gặp trường hợp bị vu khống trên facebook, người dân cần phải báo ngay cho cơ quan công an để kịp thời xử lý. Nếu xác định và có bằng chứng biết rõ người đứng đằng sau nick facebook vu khống mình, người bị vu khống có thể viết đơn tố cáo, khiếu nại gửi đến cơ quan có chức năng để được giải quyết. Nếu người vu khống dùng nick ảo, người bị vu khống có thể tố giác, báo tin tội phạm … đến cơ quan công an. Bằng nghiệp vụ của mình, cơ quan công an có thể tìm ra danh tính và thông tin của người phạm tội.
“Căn cứ điểm a khoản 3 điều 64 Nghị định 174/2013 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi như: Cung cấp, đăng tải nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân, doanh nghiệp. Ngoài ra còn bị phạt bổ sung tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm quy định tại điểm a khoản 5 điều 64 Nghị định trên”, Luật sư Nguyễn Huy An (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết.
Cũng theo luật sư An, tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi mà người tung tin đồn thất thiệt lên các trang mạng xã hội như là Facebook có thể bị xử lí hình sự về Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông được quy định tại Điều 288 Bộ luật hình sự 2015.
PV