Chủ nhật, 24/11/2024 08:14 (GMT+7)
Thứ năm, 18/11/2021 11:00 (GMT+7)

Môi trường ở làng nghề, bài toán vẫn còn nan giải

Theo dõi KTMT trên

Tại các làng nghề, tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn chưa thực sự được kiểm soát. Nhiều mô hình hay và những biện pháp thiết thực đã được đặt ra để giải quyết vấn đề này.

Tình trạng ô nhiễm tại các làng nghề chưa được kiểm soát

Theo Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2016-2021, tình trạng ô nhiễm môi trường không khí tại các làng nghề so với giai đoạn trước nhìn chung vẫn chưa được kiểm soát, tại một số làng nghề còn có xu hướng gia tăng.

Nguyên nhân chính là do nhiên liệu sử dụng trong các làng nghề phổ biến là than chất lượng thấp, công nghệ sản xuất lạc hậu, lại chưa đầu tư cho hoạt động xử lý chất thải. Ô nhiễm môi trường không khí tại các làng nghề chủ yếu là ô nhiễm bụi, khí độc, hơi kim loại, mùi và tiếng ồn, tùy thuộc vào tính chất, quy mô và sản phẩm của từng loại ngành nghề.

Môi trường ở làng nghề, bài toán vẫn còn nan giải - Ảnh 1
Ô nhiễm môi trường không khí tại các làng nghề. (Ảnh minh họa)

Tại một số làng nghề, ô nhiễm mùi vẫn đang là vấn đề nổi cộm. Ô nhiễm mùi xảy ra tại các làng nghề rất khác nhau về chủng loại và mức độ, phụ thuộc vào đặc điểm sản xuất của làng nghề. Tại các làng nghề chế biến nông sản, thực phẩm như làng giết mổ Phúc Lâm (Bắc Giang), làng chế biến nông sản Dương Liễu (Hà Nội), ô nhiễm mùi do quá trình phân hủy các chất hữu cơ trong bã thải sản xuất làm phát sinh mùi thối, khó chịu và gây ô nhiễm mùi trên một khu vực rộng.

Tại một số làng nghề như làng mộc Chàng Sơn, Bằng Hữu (Thạch Thất, Hà Nội), làng nghề mây tre đan Phú Nghĩa, Trường Yên (Chương Mỹ, Hà Nội), làng nghề da giày Phú Yên (Phú Xuyên, Hà Nội)..., ô nhiễm mùi phát sinh chủ yếu do sử dụng các loại dung môi hữu cơ trong công đoạn sơn, đánh bóng sản phẩm. Tuy nhiên, vấn đề ô nhiễm xảy ra theo thời điểm, không liên tục.

Môi trường ở làng nghề, bài toán vẫn còn nan giải - Ảnh 2
Ô nhiễm đất và nước cũng xảy ra nghiêm trọng. (Ảnh minh họa)

Ngoài ô nhiễm không khí, ô nhiễm đất cũng xuất hiện ở một số làng nghề. Cụ thể, kết quả quan trắc môi trường đất tại phường Châu Khê, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh cho thấy: Đất sản xuất nông nghiệp có sự tích lũy các kim loại nặng (Cu, Pb, Cd, Zn) cao hơn so với mặt bằng của đất phù sa trong khu vực.

Cụ thể, tại các thôn Đa Hội, Trịnh Xá và Đa Vạn, đất nông nghiệp đã bị ô nhiễm Zn ở tầng 0 - 30 cm. Đặc biệt, ở khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp từ nguồn thải (Đa Hội, Trịnh Xá), hàm lượng Zn trong đất tầng 0 - 30 cm rất cao (478,374 -749,545 mg/kg). Trong giai đoạn 2015 - 2020, mức độ ô nhiễm Zn trong đất tại phường Châu Khê có xu hướng gia tăng, một số diện tích đất lúa đã bị ảnh hưởng đến năng suất.

Nỗ lực bảo vệ môi trường bằng nhiều mô hình hay

Một số mô hình xử lý chất thải làng nghề đã được triển khai, bước đầu đã hạn chế được ô nhiễm môi trường như: Làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng, tỉnh Bến Tre; Làng nghề sản xuất bột kết hợp chăn nuôi heo xã Tân Phú Đông, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp; Làng nghề sản xuất gạch thủ công xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp....

Nhiều làng nghề áp dụng công nghệ, công đoạn sản xuất tiên tiến nhằm hạn chế phát thải chất thải ra môi trường, như: Làng nghề gốm sứ Bát Tràng, Hà Nội; Làng nghề bánh đa Kế, thành phố Bắc Giang; Làng nghề mây tre đan Tăng Tiến, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang...

Môi trường ở làng nghề, bài toán vẫn còn nan giải - Ảnh 3
Làng nghề gốm sứ Bát Tràng phát triển bền vững từ du lịch xanh. (Ảnh: Báo TN&MT)

Nhiều phong trào, mô hình BVMT đã được các địa phương áp dụng sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế góp phần tạo nên một diện mạo mới về môi trường ở nông thôn như: Mô hình “dòng sông không rác” của Nam Định; Mô hình “biến bãi rác thành vườn hoa” tại Đồng Tháp; Mô hình trồng hoa, cây xanh “từ nhà ra ruộng”, 2 bên đường giao thông tại Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Hà Nam, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Đồng Nai, Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long...

Môi trường ở làng nghề, bài toán vẫn còn nan giải - Ảnh 4
Làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng, tỉnh Bến Tre. (Ảnh: Báo TN&MT)

Mô hình “tôn giáo tham gia BVMT, giảm nghèo bền vững” tại Hậu Giang, Thanh Hóa, Nam Định...; Mô hình tuyến đường hoa ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Hậu Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long, An Giang, Đồng Nai.

Hiện đã có 72% làng nghề xử lý triệt để hoặc xây dựng dự án xử lý ô nhiễm môi trường, còn 28% làng nghề chưa có dự án xử lý ô nhiễm môi trường.

Thiết thực hỗ trợ làng nghề

Theo ông Lê Tuấn Định, Giám đốc Sở TNMT Hà Nội, để bảo đảm xử lý ô nhiễm môi trường một cách căn cơ, đòi hỏi sự nỗ lực vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, nhất là chính quyền cơ sở và bản thân người dân các làng nghề. Theo đó, các địa phương cần lập, trình UBND cấp huyện phê duyệt phương án bảo vệ môi trường làng nghề để tổ chức thực hiện, đặc biệt là đối với những làng nghề ô nhiễm và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Song song, công tác tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường, chính quyền các địa phương kiến nghị kịp thời với cơ quan có thẩm quyền không cho phép thành lập mới các công đoạn sản xuất có tiềm năng gây ô nhiễm môi trường cao đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Môi trường ở làng nghề, bài toán vẫn còn nan giải - Ảnh 5
Cơ sở tại làng nghề khảm trai xã Chuyên Mỹ. (Ảnh: Báo TN&MT)

Còn các cơ sở, hộ sản xuất kinh doanh tại làng nghề cần thực hiện đúng, đầy đủ các nội dung về báo cáo đánh giá tác động môi trường; Thực hiện di dời, chuyển đổi ngành nghề sản xuất hoặc chấp hành các biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp xảy ra các sự cố cháy, nổ, rò rỉ hóa chất, phát tán ô nhiễm phải báo cáo UBND cấp xã để chỉ đạo xử lý, khắc phục sự cố kịp thời.

Để các địa phương chủ động trong xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường, năm 2021, Sở TN&MT Hà Nội tập trung sẽ tập trung triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ, trọng tâm là các nhiệm vụ về xử lý nước thải làng nghề.

Môi trường ở làng nghề, bài toán vẫn còn nan giải - Ảnh 6
Nhiều làng nghề ứng dụng mô hình xử lý nước thải hạn chế tác động xấu đến môi trường. (Ảnh: Báo Bắc Giang)

Trong đó, có việc triển khai công tác khảo sát, lập dự án thí điểm đầu tư hệ thống xử lý nước thải theo mô hình hợp tác công - tư tại làng nghề dệt Phùng Xá (huyện Mỹ Đức); Dự án đầu tư, xây dựng và vận hành quy trình công nghệ xử lý môi trường làng nghề thủ công, mỹ nghệ sử dụng tích hợp công nghệ xử lý mô đun - hóa học chuyên biệt cho các chất sơn mài, phẩm phụ gia; Dự án đầu tư, xây dựng và vận hành quy trình công nghệ xử lý môi trường làng nghề tái chế chất thải sử dụng tích hợp công nghệ xử lý mô đun, công nghệ thu hồi các chất có thể tái sử dụng.

Thông qua thực hiện thực hiện các giải pháp trên cộng với quyết tâm cao của các cấp, các ngành thành phố, hy vọng sẽ tạo được chuyển mới, đẩy lùi ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, hướng đến phát triển bền vững.

Nguyễn Linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Môi trường ở làng nghề, bài toán vẫn còn nan giải. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới