Chủ nhật, 24/11/2024 09:24 (GMT+7)
Thứ hai, 11/01/2021 11:18 (GMT+7)

Mong manh hy vọng hồi sinh những dòng sông ‘chết’

Theo dõi KTMT trên

Tốc độ đô thị hóa chóng mặt, sự gia tăng dân số... đã và đang khiến Hà Nội phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường, suy thoái tài nguyên nước mặt, nước ngầm, suy giảm hệ sinh thái.

78% nước thải xả trực tiếp ra sông hồ

Có tới 65% diện tích sông, hồ bị lấn chiếm, san lấp; nhiều bãi sông bị phay nát. Năm 2019, thống kê của Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội cho thấy lượng nước thải được thu gom, xử lý qua nhà máy chỉ chiếm 22%, còn lại 78% xả trực tiếp ra sông hồ, kênh mương. 

Sông Hồng “dòng sông - cảnh quan và nhân văn của trái tim cả nước” bây giờ nhiều đoạn khô kiệt bởi hoạt động khai thác vì lợi nhuận của con người. Sông Tô Lịch trở thành hồ chứa nước thải, mùi hôi bốc lên nồng nặc bởi mỗi ngày dòng sông bị “bức tử” với 150.000 m3 nước thải sinh hoạt và công nghiệp chưa qua xử lý xả xuống.

Mong manh hy vọng hồi sinh những dòng sông ‘chết’ - Ảnh 1
Nhiều giải pháp "hồi sinh" sông Tô Lịch đã được đưa ra, nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn chưa được cải thiện. (Ảnh: Dân trí)

Sông Nhuệ chảy qua các quận Nam Từ Liêm, Hà Đông và các huyện Thanh Oai, Thường Tín, Phú Xuyên; sông Đáy chảy qua các huyện Đan Phượng, Chương Mỹ, Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức mỗi ngày hứng chịu hàng trăm nghìn mét khối nước thải chưa qua xử lý và trên dưới 30 nghìn tấn chất thải sinh hoạt, thậm chí cả phế thải xây dựng từ các làng nghề, xí nghiệp, bệnh viện và cư dân dọc hai bên bờ sông xả xuống.

Nhiều đoạn, lòng sông như một con mương nhỏ oằn oại, mỏi mệt trong ô nhiễm và trong sự vô tình của con người. Và, theo thống kê của cơ quan chức năng Hà Nội và các tỉnh thuộc lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy, hiện có khoảng 2.500 nguồn thải từ các cơ sở sản xuất, làng nghề, khu công nghiệp và bệnh viện trút xuống, làm nguồn nước bị ô nhiễm nặng...

Những “động mạch chủ” bị tắc nghẽn, bị bức tử như vậy khiến nỗi lo mất đi giá trị “môi trường - cảnh quan, lá phổi và mạch máu” của Thủ đô mà những dòng sông đem lại, theo thời gian, ngày càng trở nên bức bối.

Theo một chuyên gia về lĩnh vực môi trường, sự ô nhiễm của các dòng sông nói trên chính là nơi sản sinh ra các các vi khuẩn có hại như Coliform, E.coli gây bệnh tật cho con người.

Nhiều năm qua, TP.Hà Nội cũng đã có nhiều cố gắng, quan tâm đến vấn đề xử lý sông Tô Lịch và các sông, hồ bị ô nhiễm. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa giải quyết được triệt để vấn đề này. Trong khi đó, người dân, đặc biệt là người già, trẻ nhỏ hàng ngày sống cạnh các dòng sông chết, bốc mùi ô nhiễm nồng nặc không biết kêu ai.

Mong manh hy vọng hồi sinh những dòng sông ‘chết’ - Ảnh 2
Sông Nhuệ đoạn chảy qua Hà Nội ô nhiễm nghiêm trọng. (Ảnh: Internet)

Cần một giải pháp đồng bộ

Để “hồi sinh” những dòng sông này, từ năm 2013, Hà Nội đã đưa vào hoạt động Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở (quận Hoàng Mai). Nhà máy này có công suất 200.000 m3/ngày đêm, với nhiệm vụ thu gom, xử lý nước thải của sông Sét và sông Kim Ngưu, khi qua xử lý nước sẽ bảo đảm các tiêu chuẩn xả nước ra môi trường.

Đầu tháng 10/2016, Hà Nội cũng đã khởi công xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá (Thanh Trì) với tổng vốn đầu tư 16.200 tỉ đồng. Với công suất 270.000 m3/ngày đêm, nhà máy dự kiến hoàn thành vào năm 2019, sẽ xử lý nước thải sinh hoạt ở các quận, huyện Ba Đình, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông, Cầu Giấy và Thanh Trì.

Mong manh hy vọng hồi sinh những dòng sông ‘chết’ - Ảnh 3
Hà Nội đang đẩy mạnh tiến độ xây dựng nhà máy xử lý nước thải Yên Xá. (Ảnh: Internet)

Ngoài ra, nhiều dự án với kinh phí hàng nghìn tỉ đồng cũng được Hà Nội đặt ra nhằm thu gom và xử lý nước thải như: Hệ thống thu gom và xử lý nước thải đô thị khu vực quận Hà Đông và Sơn Tây dự kiến kinh phí là 3.800 tỉ đồng với công suất 45.000 m3/ngày đêm và 20.000m3/ngày đêm; hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải Phú Đô, kinh phí 1.800 tỉ đồng với công suất 84.000 m3/ngày đêm...

Song, để việc xử lý ô nhiễm tại những con sông trên địa bàn đạt hiệu quả, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho rằng, cần quản lý, kiểm soát nguồn thải, khắc phục và cải thiện chất lượng nước trên lưu vực sông cùng với cơ chế về tài chính cho việc triển khai thực hiện; đặc biệt, cần xử lý triệt để 100% cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, phối hợp giải quyết các vấn đề môi trường liên vùng, liên tỉnh…

Hai năm qua, Hà Nội đã nỗ lực kiểm soát tình trạng ô nhiễm, xác định các “điểm đen” gây bức xúc, từ đó tập trung chỉ đạo có trọng tâm trọng điểm, thực hiện giải pháp quản lý và cải thiện chất lượng môi trường sông, hồ, trong đó ưu tiên xử lý ô nhiễm cho toàn bộ hệ thống hồ nội, ngoại thành, các con sông gây ô nhiễm nghiêm trọng là sông Nhuệ, sông Đáy, sông Tô Lịch…

Các sở, ngành chức năng tăng cường quản lý vệ sinh môi trường dọc các sông; duy trì bè thủy sinh trên sông Tô Lịch để vừa tạo cảnh quan, vừa góp phần giảm ô nhiễm; tổ chức nạo vét hệ thống thoát nước lòng cống, mương nhằm giảm thiểu ô nhiễm (khối lượng nạo vét trong ba năm 2017 - 2019 là gần 480.000 m3 bùn)... Tuy nhiên, dù đã có nhiều nỗ lực nhưng hiệu quả chưa được như mong muốn.

Chia sẻ với báo Kinh tế đô thị, Ths quy hoạch đô thị Trần Tuấn Anh – Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, nước thải chưa được xử lý đổ ra sông là nguyên nhân trực tiếp gây ra ô nhiễm nhưng có nguyên nhân sâu xa hơn là những con sông này không chảy.

“Vì không lưu thông được dòng chảy, nước thải, chất thải bị đọng lại khi phân hủy sẽ bốc mùi và tạo ra khí độc, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân xung quanh” - Ths Trần Tuấn Anh nói.

PGS.TS Lưu Đức Hải – Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng cho biết, thực trạng những dòng sông ô nhiễm, dòng sông không chảy (hay gọi là sông “chết”) đã được đề cập từ hàng chục năm nay, khi nhắc đến ai cũng bảo rằng: Biết rồi, nói mãi! Người ta hay nói là làm sao để "hồi sinh" những dòng sông "chết" này, nhưng giải pháp cụ thể thế nào lại ít được bàn đến. Vì thế, những dòng sông vẫn bị ô nhiễm ngày càng nặng hơn, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân xung quanh và cảnh quan của thành phố.

Ở những thành phố lớn trên thế giới, toàn bộ các dòng sông phải được kết nối với nhau và đưa được nguồn nước từ những dòng sông chính chảy qua thì lúc đó các dòng sông mới “sống” được. Đối với Thủ đô Hà Nội, phần lớn các dòng sông hiện nay chỉ được dùng để thoát nước thải.

Hà Linh

Bạn đang đọc bài viết Mong manh hy vọng hồi sinh những dòng sông ‘chết’. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới