Chủ nhật, 24/11/2024 07:32 (GMT+7)
Thứ ba, 26/10/2021 14:00 (GMT+7)

Mức CO2 trong khí quyển cao kỉ lục trong 3 triệu năm, thế giới 'lạc lối' trong các mục tiêu khí hậu

Theo dõi KTMT trên

Theo Bản tin Khí nhà kính của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), nồng độ carbon dioxide (CO2) trong khí quyển năm 2020 cao hơn 149% so với mức tiền công nghiệp, đạt kỉ lục trong suốt 3 triệu năm.

Mặc dù đại dịch Covid-19 đã khiến lượng khí thải mới suy giảm, nhưng chỉ mang tính tạm thời, không có tác động rõ rệt đến lượng hoặc làm giảm lượng khí nhà kính đã có trong bầu khí quyển. Và lượng khí nhà kính vẫn tiếp tục được “bổ sung” vào bầu khí quyển, đặc biệt khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát ở một số nơi.

Các phát hiện làm tăng thêm sự cấp bách trước cuộc đàm phán về khí hậu COP26 , bắt đầu ở Glasgow, Scotland vào Chủ nhật tới đây, sau cuộc họp của các nhà lãnh đạo G20 tại Rome.

Mức CO2 trong khí quyển cao kỉ lục trong 3 triệu năm, thế giới 'lạc lối' trong các mục tiêu khí hậu - Ảnh 1
Nồng độ CO2 trong khí quyển đã đạt mức cao kỉ lục trong suốt 3 triệu năm qua. (Ảnh minh họa)

Trung Quốc, quốc gia phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới, hôm Chủ nhật đã công bố lộ trình khí hậu mà không cải thiện cam kết cắt giảm khí thải.

"Bản tin về Khí nhà kính chứa đựng một thông điệp khoa học rõ ràng cho các nhà đàm phán về biến đổi khí hậu tại COP26. Với tốc độ gia tăng nồng độ khí nhà kính như hiện nay, chúng ta sẽ thấy sự gia tăng nhiệt độ vào cuối thế kỉ này vượt xa các mục tiêu của Thỏa thuận Paris. Cao hơn 1,5 đến 2 độ C so với mức tiền công nghiệp”, Tổng thư ký WMO Petteri Taalas cho biết.

Lượng CO2 trong khí quyển đã vượt 400 phần triệu vào năm 2015 và tiếp tục tăng nhanh.

"Carbon dioxide tồn tại trong khí quyển hàng thế kỉ và trong đại dương thậm chí lâu hơn. Lần cuối cùng Trái Đất có nồng độ CO2 tương đương là cách đây 3-5 triệu năm, khi nhiệt độ ấm hơn 2-3 độ C và mực nước biển là cao hơn 10-20 mét so với bây giờ. Nhưng khi đó chưa có 7, 8 tỉ người", ông Taalas nói.

Mức khí metan và nitơ oxit cũng ở mức cao kỉ lục, lần lượt là 262% và 123% so với mức vào năm 1750, trước khi cuộc cách mạng công nghiệp bắt đầu.

Giám đốc Viện biến đổi khí hậu Edinburgh Dave Reay cho biết sự thành công hay thất bại của COP26 sẽ được "viết trên bầu trời của chúng ta dưới dạng nồng độ khí nhà kính. Cơ hội nhỏ để ổn định nồng độ khí nhà kính ở mức đáp ứng Mục tiêu Khí hậu Paris sắp biến mất”.

Mức CO2 trong khí quyển cao kỉ lục trong 3 triệu năm, thế giới 'lạc lối' trong các mục tiêu khí hậu - Ảnh 2
COP26 là cơ hội cuối để thế giới ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu ở mức dưới 1,5 độ C.

COP26 ban đầu được coi là cơ hội ngàn năm có một để đoàn kết các nỗ lực toàn cầu chống biến đổi khí hậu và cam kết với thế giới về các cam kết phát thải mạnh mẽ. Nhưng hội nghị đã bị che phủ bởi sự không chắc chắn trong những tuần gần đây, một số nhà lãnh đạo quan trọng vẫn chưa xác nhận tham dự khi diễn biến dịch Covid-19 ở Anh đang diễn biến phức tạp.

Một báo cáo khác của Liên Hợp Quốc cũng cho thấy, thế giới đang có xu hướng tăng 16% lượng khí thải vào năm 2030, so với mức năm 2010. Các nhà khoa học cảnh báo thế giới cần giảm một nửa lượng khí thải trong thập kỉ này để giành lấy cơ hội nào ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C.

Năm 2015, 192 bên đã ký kết Thỏa thuận Paris và đồng ý đệ trình các cam kết mới - được gọi là Đóng góp do Quốc gia xác định (NDC) - trước COP26. Trong số các nước G20 không tăng cam kết trước COP26 có Trung Quốc, Ấn Độ, Australia, Brazil và Mexico.

Các nhà khoa học cũng cảnh báo, nếu không có những biện pháp cứng rắn và mạnh mẽ, nhiệt độ toàn cầu có thể tăng lên tới 2,7 độ C vào cuối thế kỉ này.

Nguyên Đỗ

Bạn đang đọc bài viết Mức CO2 trong khí quyển cao kỉ lục trong 3 triệu năm, thế giới 'lạc lối' trong các mục tiêu khí hậu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới