Năm 2018 EVN lãi sau thuế 6.800 tỉ đồng, lãi vay tới 19.000 tỉ đồng
Theo báo cáo tài chính năm 2018, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đạt doanh thu 338.500 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 6.800 tỉ đồng. Nhưng tập đoàn ghi nhận lỗ chênh lệch tỉ giá 7.700 tỉ đồng, áp lực trả lãi vay rất lớn...
Tập đoàn EVN vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất năm 2018 với kết quả kinh doanh tăng trưởng khả qua.
Cụ thể, doanh thu thuần tăng trưởng gần 15% so với năm 2017, đạt hơn 338.500 tỉ đồng. Giá vốn hàng bán và dịch vụ cung cấp tăng mạnh so với cùng kỳ, hơn 285.340 tỉ đồng nên lợi nhuận gộp chỉ còn gần 53.160 tỉ đồng.
Chi phí tài chính cũng tăng mạnh hơn 30% so với năm trước (thêm gần 7.000 tỉ đồng) lên hơn 29.050 tỉ đồng.
Trong năm 2018, EVN chịu áp lực phát sinh chi phí lãi vay gần 19.000 tỉ đồng |
Sau khi trừ các chi phí, lợi nhuận trước thuế cả năm 2018 đạt hơn 9.000 tỉ đồng và sau thuế còn 6.810 tỉ đồng. Riêng lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ đạt hơn 5.580 tỉ đồng và lãi của cổ đông không kiểm soát hơn 1.235 tỉ đồng.
Đáng chú ý, báo cáo tài chính cho thấy trong năm 2018, tập đoàn EVN ghi nhận lỗ chênh lệch tỷ giá hơn 7.700 tỉ đồng và phát sinh chi phí lãi vay gần 19.000 tỉ đồng. Lãnh đạo EVN cũng nhiều lần lên tiếng cho rằng lỗ tỷ giá chính là gánh nặng cho tập đoàn này và muốn được phân bổ hàng năm vào giá điện. EVN đã xin phép được hạch toán dần trong vòng 5 năm theo hướng khi có điều kiện thì đưa vào giá điện, hoặc xử lý thông qua giảm giá thành. Nhưng điều này sẽ khiến cho giá điện bị đẩy lên cao hơn nữa, gây bức xúc cho người tiêu dùng.
Hồi cuối năm 2017, EVN đã từng bị Thanh tra Bộ Tài chính kết luận là “hạch toán sai gần 2.000 tỉ đồng nhưng tăng giá điện để bù lỗ”.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh sản xuất kinh doanh điện thua lỗ thì EVN có thể cơ cấu lại dòng tiền, các khoản tiền gửi một cách hiệu quả để có thể tạo thu nhập tài chính cho tập đoàn, thay vì lãng phí các nguồn lực tài chính do hoạt động kém hiệu quả, quản lý tài chính yếu kém…
Tại ngày 31/12/2018, tổng tài sản của EVN đạt 706.504 tỉ đồng. Quy mô Nợ phải trả tiếp tục tăng lên mức 490.000 tỉ đồng, trong đó chủ yếu là nợ dài hạn chiếm tới 367.430 tỉ đồng…
Mặc dù lợi nhuận đạt được hàng năm còn khiêm tốn song EVN luôn duy trì khoản tiền gửi không kỳ hạn tại ngân hàng lên tới hàng chục nghìn tỉ đồng.
Đến cuối năm 2018, số tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn tới 34.200 tỉ đồng, tăng gần 1.850 tỷ so với năm 2017.
Theo lãnh đạo EVN, do nhu cầu vốn đầu tư, sản xuất kinh doanh lớn, nên số dư tiền gửi này giúp EVN và các đơn vị thành viên hoàn thành nhiệm vụ. Vì các công ty nhiệt điện cần lượng tiền lớn để mở L/C thanh toán nhiên liệu nhập khẩu hoặc thanh toán cho các đơn vị cung cấp trong nước. Công ty mẹ EVN cũng cần khoản lớn đủ để trả tiền mua điện hàng tháng.
Tập đoàn có nhu cầu vốn đầu tư rất lớn cũng như các đơn vị thành viên phải cung cấp đủ vốn theo kế hoạch, đáp ứng tiến độ thi công của các dự án nhằm đảm bảo mục tiêu cung cấp đủ điện cho nền kinh tế. Nhu cầu trả nợ trong năm tương đối cao nên đòi hỏi tập đoàn phải duy trì số dư đủ để trả nợ khi đến hạn, để đảm bảo tín nhiệm tín dụng cho các khoản vay trong tương lai. So với số dư nợ phải trả ngắn hạn là hơn 106.000 tỉ đồng, lãnh đạo EVN cho rằng khoản tiền gửi này còn quá nhỏ, chưa đủ dùng trả nợ ngay cho các nhà cung cấp nhiên liệu khí, than, bán điện... cũng như trả nợ cho ngân hàng.
Hải Hà